|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh số bán hàng thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ: Xe máy đã hết thời ở Việt Nam?

14:11 | 06/06/2022
Chia sẻ
Trong hai năm qua, thị trường xe hai bánh ở Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, doanh số bán hàng giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ.

Tại lễ ra mắt dải sản phẩm xe máy điện VinFast hồi cuối tháng 4, lãnh đạo doanh nghiệp này hứa hẹn "sẽ thay đổi cuộc chơi, ít nhất là trên thị trường giao hàng" trong bối cảnh giá xăng leo thang. Tuy nhiên, có thể thấy đây là kỳ vọng có phần khiêm tốn của VinFast, bởi lẽ không chỉ thay đổi thị trường giao hàng, các công ty sản xuất xe máy điện như VinFast còn đang đứng trước cơ hội thay đổi toàn bộ thị trường xe máy truyền thống tại Việt Nam.

Nhận định này là hoàn toàn có cơ sở khi motorcyclesdata.com - trang web đánh giá xe máy uy tín trên thế giới, nhận định trong tương lai gần, Việt Nam sẽ là thị trường xe điện lớn thứ hai thế giới và chỉ xếp sau Trung Quốc. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng doanh số xe máy điện tại Việt Nam là 10%, trong khi hai năm trước, con số này là 2,9%. 

 Ra mắt xe máy điện VinFast. (Ảnh: Thiên Trường).

Hồi kết của xe máy truyền thống?

Sau nhiều thập niên tăng trưởng như vũ bão và là một trong những thị trường tiêu thụ xe máy nhiều nhất thế giới, bắt đầu từ 2019, doanh số bán xe máy tại Việt Nam đã bắt đầu lao dốc. Theo số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM), doanh số bán xe máy tại Việt Nam năm 2019 đã giảm 3,87% so với 2018 xuống hơn 3,2 triệu xe. 

Con số này tiếp tục giảm trong hai năm sau đó, xuống hơn 2,7 triệu xe năm 2020 và gần 2,5 triệu xe năm 2021. Tại quý I năm nay cũng ghi nhận lượng xe máy bán ra thấp hơn so với quý cuối cùng năm trước từ 756.521 xe xuống 753.571 xe.

Rõ ràng, không chỉ là bão hòa ở quanh mức xấp xỉ 3 triệu xe/năm, thị trường xe máy Việt đang chứng kiến giai đoạn sụt giảm nghiêm trọng. Trong đó, gần 2,5 triệu xe máy bán ra trong năm 2021 là mức doanh số thấp nhất trong gần 10 năm qua tại Việt Nam.

 

Tại Việt Nam, Honda vẫn là thương hiệu xe máy thống trị thị trường với 75% thị phần. Tuy nhiên, năm ngoái, hãng xe này cũng đã đánh mất 6,8% thị phần. Đứng thứ hai là Yamaha, ghi nhận thị phần giảm 9,7% hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, trong bức tranh xám của thị trường nói chung, vẫn có những gam màu sáng, đó là sự xuất hiện của những nhà sản xuất xe máy điện mới, có tốc độ tăng trưởng nhanh với những cái tên như VinFast, Pega, Yadea và Datbike,...

Cơ hội cho người mới

Sau hơn 4 năm ra mắt, đến nay, VinFast có lẽ là cái tên đáng để nhắc tới trong danh sách những tay chơi mới ra nhập thị trường xe máy Việt. Số liệu thống kê từ motorcyclesdata.com cho thấy, trung bình mỗi tháng VinFast bán được hơn 10.000 xe máy điện trong năm 2020.

Đến nay, thương hiệu này đã cho ra mắt 8 mẫu xe máy điện, trong đó nhiều mẫu đã được nâng cấp lên phiên bản thứ hai. Không nói nhiều về tham vọng thay đổi thị trường xe máy của mình, nhưng trong thời gian qua, hãng xe của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã thực hiện rất nhiều bước đi để nâng cấp sản phẩm nhằm cạnh tranh với các dòng xe xăng.

Cuối năm ngoái, VinFast đã công bố xây dựng nhà máy VinES sản xuất cell pin LFP đầu tiên tại Vũng Áng (Hà Tĩnh) với đối tác Gotion High-Tech. Với công nghệ pin này, cuối tháng 4 vừa qua, VinFast đã ra mắt mẫu xe máy điện có khả năng di chuyển 200 km sau một lần sạc đầy.

Với tiến bộ về công nghệ, VinFast đang cho thấy doanh nghiệp này có đủ khả năng để cạnh tranh với những dòng xe máy truyền thống, vốn có lợi thế về khả năng di chuyển và sự tiện lợi về nguồn cấp nhiên liệu.

VinFast cũng đang sở hữu nhà máy tại Hải Phòng với công suất lắp ráp tối đa lên tới 250.000 xe/năm. Khi nhà máy pin tại Vũng Áng đi vào hoạt động, nguồn cung pin cho xe máy điện VinFast cũng sẽ được đảm bảo hơn.

 Nhờ công nghệ, xe máy điện VinFast đi được 200 km/lần sạc. (Ảnh: Thiên Trường).

Hay một cái tên khác gây được sự chú ý trong thời gian gần đây là Dat Bike, startup xe máy điện Việt Nam, đã huy động được 5,3 triệu USD trong vòng gọi vốn series A do Jungle Ventures dẫn đầu. Tính đến thời điểm hiện tại, Dat Bike đã gọi vốn thành công tổng cộng 10 triệu USD.

Công ty được thành lập vào năm 2018 này kỳ vọng sẽ phổ biến phương tiện giao thông xanh tại Việt Nam và Đông Nam Á. Sản phẩm đầu tiên của Dat Bike - Weaver - mang lại hiệu suất cao gấp ba lần (5 kW so với 1,5 kW) và phạm vi hoạt động cao gấp hai lần (100 km so với 50 km) so với hầu hết xe máy điện ở cùng mức giá.

Dat Bike có xuất phát điểm từ một xưởng sản xuất quy mô nhỏ tại Đà Nẵng, nhưng tính đến tháng 4/2021, Dat Bike có thêm một cửa hàng hiện hữu tại TP HCM và một nhà máy tại tỉnh Bình Dương, với công suất sản xuất khoảng 1.000 chiếc xe mỗi tháng. Công ty này cho biết họ đã ghi nhận mức tăng trưởng hàng tháng về nhu cầu sử dụng xe đạt 35%.

Thách thức chuyển đổi xe xăng sang xe điện

Mặc dù đã có những tiến bộ về công nghệ, cộng với lực đẩy từ giá xăng tăng cao, song phía VinFast nhận định rằng hành trình chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện hiện tại vẫn gặp nhiều thách thức khi thị phần xe máy xăng tại Việt Nam vẫn chiếm ưu thế với 75%. Nguyên nhân xuất phát từ tâm lý người dùng và những thách thức về phía doanh nghiệp.

Về phía người dùng, khách hàng đã quen với việc sử dụng xe xăng, e ngại các vấn đề liên quan đến công suất, quãng đường đi tối đa, tuổi thọ, chi phí sạc pin,... của xe điện.

Về phía doanh nghiệp, các “ông lớn” trong ngành sản xuất xe máy vẫn chưa có động thái chuyển đổi rõ rệt do có quá nhiều thách thức phía trước như việc phải đánh đổi thị phần rộng lớn lên đến 75%. Chưa kể, để xây dựng quy trình sản xuất xe máy điện đạt chất lượng, doanh nghiệp sẽ phải gánh khoản chi phí từ đầu tư từ cơ sở hạ tầng, quy trình lắp ráp, đến các chi phí nghiên cứu và phát triển sản phẩm khác.

Với tình hình hiện tại, phương án khả thi mà các doanh nghiệp sản xuất xe xăng có thể áp dụng là mở rộng thêm lĩnh vực xe điện. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi chiến lược sản phẩm độc đáo để có sức cạnh tranh với các thương hiệu  hiện nay trên trên thị trường.

Thiên Trường