|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thuỷ điện, nhiệt điện bội thu quý I

13:02 | 13/05/2022
Chia sẻ
Kết quả sản xuất kinh doanh quý I của các doanh nghiệp ngành điện đều có xu hướng cải thiện hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng tiêu thụ tăng cùng với giá điện trên thị trường cạnh tranh (CGM) tăng giúp biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp được cải thiện.

Theo thông tin từ EVN, nhu cầu tiêu thụ điện được dự báo sẽ phục hồi nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế. Kịch bản tăng trưởng phụ tải trong năm 2022 ở mức 8,2% và kịch bản tăng trưởng cao là 12,4%. Sản lượng điện thương phẩm toàn EVN quý I đạt 54,78 tỷ kWh, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Cùng với đó, giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (CGM) khá tích cực. Giá CGM trung bình trong quý I/2022 là 1.515 đồng/kwh, tăng 37% so với cùng kỳ. SSI Research ước tính giá CGM 2022 lên 1.300 đồng/kwh, tăng 30% so với cùng kỳ. Việc ước tính giá CGM 2022 thấp hơn so với trung bình quý I là do La Nina có thể quay lại quý II khiến sản lượng từ nhà máy thủy điện tăng có thể làm hạ nhiệt mức tăng giá CGM. Tuy nhiên nếu nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh thì diễn biến giá CGM có thể vẫn thuận lợi.

Kết quả sản xuất kinh doanh quý I của các doanh nghiệp ngành điện đều có xu hướng cải thiện hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng tiêu thu tăng cùng với giá điện trên thị trường cạnh tranh (CGM) tăng giúp biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp được cải thiện.

Trong kỳ, nhiệt điện than đóng góp phần lớn tổng sản lượng điện, tỷ trọng của nhóm này đang giảm dần qua các năm. Ngược lại, nguồn điện huy động từ năng lượng tái tạo và thủy điện tăng trưởng đều đặn qua các năm.

 

Giá CGM tăng hỗ trợ nhóm nhiệt điện

CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho biết nhóm nhiệt điện sẽ đối mặt với nhiều khó khăn năm nay. Giá dầu khí và giá than tăng và duy trì ở mức cao ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh cũng như biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp nhóm này. Trong quý I, khối lượng than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 4,49 triệu tấn/5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký, tương đương 76,7%, điều này khiến nhiều nhà máy phải tạm dừng một tổ máy vào cuối tháng 3. 

Trước tình trạng thiếu hụt than trong nước như vậy, sang quý II, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam yêu cầu các đơn vị tăng cường sản xuất than, dự kiến cấp 5,1 triệu tấn than trong quý và lên kế hoạch nhập khẩu khoảng 4,8 triệu tấn cho năm nay.

Mặc dù nguồn cung than không đủ cầu nhưng sản lượng tiêu thụ của quý I năm nay vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái, cùng với giá CGM tăng giúp nhóm nhiệt điện cải thiện được biên lợi nhuận gộp. Kết quả, phần lớn các doanh nghiệp nhóm này đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC quý I của các doanh nghiệp nhiệt điện.

Tổng công ty phát điện 2 (GE2) là doanh nghiệp duy nhất đạt lãi sau thuế trên 1.000 tỷ đồng, tăng 143,5%. Biên lợi nhuận gộp trong kỳ của GE2 được cải thiện từ 12,4% lên 20,8%. Cùng với đó, doanh thu tài chính cũng tăng lên 462 tỷ đồng, gấp 5 lần kỳ trước nhờ tăng lãi chênh lệch tỷ giá đã giúp cho lợi nhuận của doanh nghiệp tăng đáng kể. 

Các doanh nghiệp khác cùng nhóm như HDN, QTP, NT2, PGV cũng ghi nhận kết quả tương tự với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng. Trong đó, Nhiệt điện Quảng Ninh (HDN) có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất với doanh thu tăng 45%, lợi nhuận tăng 196% nhờ tăng sản lương điện (tăng 39%) so với cùng kỳ năm ngoái và có nhiều chính sách tiết giảm chi phí. 

Do sản lượng điện quý này chỉ bằng 79% sản lượng của quý I/2021 nên Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) ghi nhận doanh thu giảm 7,8% nhưng nhờ giá điện trung bình tăng, các chi phí được tiết giảm nên lãi sau thuế tăng 42%. Tình hình sản xuất năm nay của POW sẽ gặp nhiều khó khăn do nhiều nhà máy điện của doanh nghiệp tiến hành sửa chữa lớn và đại tu. 

Duy nhất chỉ có Nhiệt điện Phả Lại (PPC) ghi lợi nhuận giảm 42%. Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân lợi nhuận giảm trong khi doanh thu gần như không đổi là do giảm khoản cổ tức nhận được so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nhóm thủy điện lãi lớn nhờ tình hình thủy văn thuận lợi

Đối với nhóm thủy điện, theo thông tin từ Tổng cục khí tượng thủy văn, hiện tượng La Nina được dự báo sẽ kéo dài cho đến tháng 5/2022 là điều kiện thuận lợi cho nhà máy thủy điện nửa đầu năm.Tuy nhiên, La Nina được dự báo chuyển qua trạng thái trung tính sau đó cho đến hết năm 2022, điều này có thể ảnh hưởng không tích cực cho nhóm thủy điện nửa cuối năm. 

Trong 3 tháng đầu năm 2022, tình hình hoạt động của các nhà máy thủy điện vẫn đang được duy trì tốt, tuy nhiên, đang dần có sự phân hóa. Cụ thể, nhóm nhà máy thủy điện ở Bắc và Trung Bộ có dung tích chứa nước trung bình chỉ đạt 56 - 74% dung tích hồ trong khi các nhà máy ở khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ lần lượt đạt 75 - 99% và 80 - 95%. Do đó, hoạt động kinh doanh của nhà máy thủy điện miền Trung và miền Nam được kỳ vọng khả quan hơn.

Các doanh nghiệp nhóm thủy điện đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng nhờ lượng nước trong hồ chứa tăng cao, cải thiện sản lượng điện thành phẩm. Trong đó có Thủy điện miền Nam (SHP) chuyển từ lỗ 4,2 tỷ đồng quý I/2021 sang lãi 61,4 tỷ đồng kỳ này.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC quý I của các doanh nghiệp thủy điện.

Nổi bật nhất là Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH) với kết quả kinh doanh tăng trưởng đột biến, doanh thu và lợi nhuận gấp 4 lần kỳ trước. Doanh nghiệp này cho biết nhờ tình hình thủy văn thuận lợi và Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum đi vào hoạt động mà sản lượng điện thương phẩm tăng lên. 

VSH đặt mục tiêu 2.030 tỷ đồng doanh thu và 525 lãi sau thuế cho năm 2022, tương ứng tăng 25% và 36% so với thực hiện năm 2021. Như vậy kết thúc quý I, doanh nghiệp đã thực hiện 40% kế hoạch doanh thu và 77% kế hoạch lãi cả năm. 

Doanh nghiệp cho biết năm nay bên cạnh việc nâng cao hiệu quả khai thác, tiếp tục triển khai các dự án thủy điện thì công ty sẽ triển khai dự án năng lượng mặt trời ở khu vực lòng hồ thủy điện Vĩnh Sơn và Sông Hinh. 

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp năng lượng tái tạo tăng bằng lần quý I 

Sang năm 2022, công suất tiêu thụ điện sẽ tăng trở lại giúp tăng huy động từ các đơn vị thuốc nhóm năng lượng tái tạo. Trong quý I/2022, sản lượng điện năng lượng tái tạo được EVN huy động là khoảng 10,01 tỷ kWh, đứng thứ 3 trong số các nguồn điện huy động, chiếm 15,9% trong tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC quý I của các doanh nghiệp.

Doanh thu và lợi nhuận các doanh nghiệp này có sự phân hóa khác nhau. Cơ điện lạnh (REE) Điện Gia Lai (GEG), Tập đoàn PC1 (PC1), Xây dựng và Phát triển Trường Thành (TTA) đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng. 

REE cho biết mảng năng lượng trong quý I ghi nhận tăng trưởng 121,8%, chiếm khoảng 49% doanh thu nhờ tình hình thủy văn thuận lợi và giá bán điện thị trường tăng so với cùng kỳ. 

REE cũng cho biết thêm về tiềm năng, Việt Nam có nguồn năng lượng mặt trời rất lớn, có vị trí trên thế giới. Nguồn bức xạ trải dài từ bắc chí nam, trong đó năng lượng ở phía Nam tốt hơn phía Bắc. Ước tính năng lượng gió của Việt Nam lên tới hàng trăm Giga Wat.

Ngược lại, Tư vấn xây dựng điện 2 (TV2)Tập đoàn Hà Đô (HDG) có kết quả quý I với lợi nhuận giảm 54% và 26%, nguyên nhân chủ yếu do doanh thu giảm tương ứng 22% và 50%. 

T.Đan