|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp đổ xô huy động vốn khi VN-Index liên tiếp phá đỉnh lịch sử

14:00 | 01/06/2021
Chia sẻ
Năm 2021, hàng loạt doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội huy động vốn qua việc phát hành cổ phiếu khi dòng tiền đang ào ào đổ vào thị trường.
Doanh nghiệp đoạt thời cơ khi VN-Index đạt đỉnh mọi thời đại - Ảnh 1.

Đồ họa: Alex Chu.

Từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index liên tục phá hết đỉnh này đến đỉnh khác. 9 phiên cuối cùng của tháng, thị trường đã rũ bỏ hoàn toàn nỗi lo lắng từ hiệu ứng Sell in May sau giai đoạn đi ngang tích lũy từ đầu tháng 4. 

Trong phiên cuối cùng của tháng 5, chứng khoán Việt Nam lại lập kỷ lục mới với thanh khoản toàn thị trường vượt 32.000 tỷ đồng, trong đó giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt hơn 23.853 tỷ đồng. Kết phiên, VN-Index tăng 7,59 điểm (0,57%) lên 1.328,05 điểm.

Bức tranh rực rỡ của thị trường chứng khoán những tháng đầu năm 2021 đã khiến nhiều nhà đầu tư ồ ạt mở mới tài khoản, dòng tiền theo đó đổ dồn về kênh chứng khoán.

Trong những tháng gần đây cho thấy, số lượng tài khoản giao dịch mở mới luôn trong tình trạng tháng sau phá vỡ kỷ lục của tháng trước đó.

Hàng loạt doanh nghiệp thi nhau phát hành cổ phiếu khi VN-Index đạt đỉnh mọi thời đại - Ảnh 1.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới ở ngưỡng kỷ lục những tháng gần đây. (Nguồn: Hoàng Linh tổng hợp).

Chủ tịch Chứng khoán SSI đã thấy được xu hướng "lượng tiền chuyển từ tài khoản tiết kiệm sang thị trường chứng khoán rất lớn", lớn tới mức các công ty chứng khoán đã "kiệt" margin.

Chưa kể, sự cố sàn HOSE giảm bớt nghẽn lệnh, chạy trơn tru hơn cũng góp phần đẩy thanh khoản lên mức kỷ lục.

Trong bối cảnh thị trường đang thăng hoa, ngoài nhóm ngân hàng luôn khát vốn thì từ đầu năm đến nay, hàng loạt doanh nghiệp từ khắp các ngành nghề đã đua nhau phát hành cổ phiếu.

Doanh nghiệp đổ xô huy động vốn khi VN-Index liên tiếp phá đỉnh lịch sử - Ảnh 3.

Nguồn: MH tổng hợp từ tài liệu của các doanh nghiệp.

Theo thông tin từ FiinGroup, quý I năm nay, tổng giá trị huy động vốn qua phát hành cổ phiếu đạt mức cao nhất kể từ đầu năm 2020.

Quý I, 43 doanh nghiệp đã huy động gần 19.800 tỷ đồng thông qua phát hành hơn 1,1 tỷ cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương gần 70% giá trị phát hành của cả năm 2020. 

Đây là mức cao nhất cả về khối lượng cũng như giá trị phát hành tăng vốn theo quý kể từ sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở Việt Nam.

FiinGroup nhận định dịch bệnh dần được kiểm soát đã kích hoạt lại nhu cầu huy động vốn nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp và đưa tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu về mức an toàn.

Báo cáo cũng đưa ra dự báo rằng giá trị huy động vốn qua phát hành cổ phiếu dự kiến cao gấp 1,6 lần so với thực hiện năm 2020.

Chứng khoán ồ ạt huy động vốn do "căng" margin

Như đã nói ở trên, khi thị trường chứng khoán trở thành kênh đầu tư nóng nhất và nhiều nhà đầu tư "thèm" vay margin hơn, các công ty ngành này buộc phải tăng vốn để đáp ứng nhu cầu bởi thực tế nhiều công ty chứng khoán đã "kiệt" margin.

Theo thống kê của Fiin Pro, tính đến tháng 5/2021, có 14 công ty chứng khoán từ lớn đến nhỏ đã thông báo kế hoạch chào bán 1,25 tỷ cổ phiếu để huy động vốn, bao gồm phát hành riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Tổng giá trị số vốn thu được ước tính hơn 10.000 tỷ đồng.

Trong đó, Chứng khoán SSI (Mã: SSI) đã thông qua việc tăng vốn điều lệ lên 11.000 tỷ đồng qua việc phát hành hơn 442 triệu cổ phiếu, tỉnh cả phát hành riêng lẻ, chào bán cho cổ đông hiện hữu và phát hành ESOP. 

Nếu thành công, quy mô vốn của SSI sẽ tương đương một số ngân hàng như TP Bank, LienVietPostBank, VIB, OCB và bỏ xa nhóm ngân hàng có quy mô nhỏ.

Ngoài SSI, loạt công ty chứng khoán khác cũng tiến hành tăng vốn để bổ sung nguồn tiền cho hoạt động giao dịch ký quỹ như Chứng khoán VNDirectHSC,... với mức huy động từ 2.100 đến trên 3.000 tỷ đồng. Đáng chú ý trong đó, Chứng khoán Đà Nẵng (Mã: DSC) đã được chấp thuận phương án tăng vốn từ 60 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, tức là tăng gấp hơn 15,6 lần.

Nhóm bất động sản đẩy mạnh huy động bằng cổ phiếu

Với nhóm bất động sản, ngoài huy động lớn qua kênh trái phiếu thì kênh cổ phiếu lại càng trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh hiện nay.

Các doanh nghiệp bất động sản cũng gia tăng huy động vốn để đẩy nhanh việc xây dựng dự án, ăn theo chính sách phát triển cơ sở hạ tầng tại các địa phương.

Theo thống kê của Fiin Pro, khoảng 20 doanh nghiệp bất động sản đã lên kế hoạch tăng vốn với khối lượng phát hành gần 1,7 tỷ cổ phiếu, trong đó 1,1 tỷ cổ phiếu được dự kiến chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Tập đoàn FLC (Mã: FLC) là một những doanh nghiệp "hăng hái" nhất trong cuộc đua tăng vốn. Bên cạnh tham vọng huy động hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, tập đoàn của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết còn muốn chào bán gần 497 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, nhằm tăng vốn điều lệ lên hơn 12.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đổ xô huy động vốn khi VN-Index liên tiếp phá đỉnh lịch sử - Ảnh 4.

Tập đoàn FLC muốn tăng vốn điều lệ lên hơn 12.000 tỷ đồng thông qua huy động cổ phiếu. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Số tiền huy động được, dự kiến FLC sẽ sử dụng khoảng 4.500 tỷ đồng để đầu tư thực hiện các dự án bất động sản gồm dự án FLC Quảng Bình, khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh (Hạ Long, Quảng Ninh) và sân golf Đak Đoa (tỉnh Gia Lai). Số tiền còn lại sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động.

Ông lớn bất động sản là CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, mã: NVL) cũng đã nối gót thị trường để chuyển từ huy động vốn bằng trái phiếu sang phát hành cổ phiếu. Tập đoàn này mới đây đã thông qua việc phát hành gần 386 triệu cổ phiếu, Novaland sẽ tăng vốn điều lệ vượt 14.677 tỷ đồng.

Ngoài các doanh nghiệp bất động sản có tiếng đổ xô đi huy động cổ phần, một công ty con của Vingroup là Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam (Mã: VEF) cũng muốn phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để tăng vốn lên 12.691 tỷ đồng, gấp 9 lần số vốn trước đó. 

Vấn đề này đã được thông qua việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Dù cổ đông nhà nước (đại diện 10% tổng số có quyền biểu quyết) đã phủ quyết, song phương án vẫn được thông qua, trong đó có sự chấp thuận của cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Vingroup - CTCP (Mã: VIC) nắm giữ 83,32% vốn.

Xu hướng huy động lan ra nhiều ngành

Không đơn thuần tập trung vào mảng chứng khoán, ngân hàng và bất động sản, xu hướng huy động vốn bằng cổ phiếu còn lan ra các nhóm ngành khác.

Dịch bệnh kéo dài hơn một năm nay khiến Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines - Mã: HVN) kinh doanh thua lỗ, có nguy cơ mất thanh khoản và dự kiến huy động 8.000 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu.

Số tiền này dự kiến sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ quá hạn, bù đắp vốn thiếu hụt trong sản xuất kinh doanh, trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn,... do năm 2020 hãng hàng không này gặp khó vì COVID-19 với khoản lỗ hợp nhất đã kiểm toán hơn 11.100 tỷ đồng.

Doanh nghiệp đoạt thời cơ khi VN-Index đạt đỉnh mọi thời đại - Ảnh 4.

Vietnam Airlines dự kiến huy động 8.000 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Bên cạnh đó, loạt doanh nghiệp ngành năng lượng cũng tận dụng cơ hội khi tiêu thụ điện được dự báo tăng trở lại cùng với sự phục hồi của nền kinh tế.

Với BamBoo Capital (Mã: BCG), công ty dự kiến phát hành gần 209 triệu cổ phiếu giá 12.000 đồng/cp, qua đó tăng vốn từ gần 2.035 tỷ đồng lên 5.063 tỷ đồng trong năm nay.

Các doanh nghiệp sản xuất cũng không đứng ngoài, nhiều doanh nghiệp tận dụng dòng tiền thị trường dồi dào, giúp mở rộng nhà máy, trong đó có CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC). Một số doanh nghiệp ngành bán lẻ như CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) cũng dự kiến huy động vốn trong năm nay.

Có thể thấy khi thị trường tích cực thì các kế hoạch tăng vốn của doanh nghiệp sẽ khả thi hơn và dễ thành công hơn giai đoạn trước. Nhà đầu tư theo đó cũng có nhiều sự lựa chọn và nhiều cơ hội hơn. 

Minh Hằng

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.