Phó Chủ tịch Bamboo Capital: 'Muốn IPO quốc tế BCG Energy, lợi thế cạnh tranh là chi phí vốn thấp'
Sáng nay (26/4), CTCP Bamboo Capital (Mã: BCG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 theo hình thức trực tuyến.
Đại hội có sự tham gia của 166 cổ đông, đại diện cho hơn gần 136 triệu cổ phiếu, tương ứng với 66,72% cổ phần có quyền biểu quyết và đại hội đã đủ điều kiện tiến hành.
Kết thúc đại hội, cổ đông đã thông qua các tờ trình ngoài tờ trình chuyển sàn từ HOSE sang HNX do HOSE hiện không còn nghẽn lệnh.
Năm 2021, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 5.375 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 806 tỷ đồng, lần lượt gấp 2,9 lần và gấp ba lần so với kết quả năm 2020. Nếu đạt được, đây sẽ là kết quả lợi nhuận cao nhất của công ty kể từ khi thành lập vào năm 2011.
Trong kế hoạch năm 2021, mảng bất động sản và mảng xây dựng thương mại dự kiến đem về cho công ty lần lượt 640 tỷ đồng và 280 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Còn mảng năng lượng mục tiêu tạo ra hơn 266 tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 1/3 kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Trong mảng năng lượng, 400 MWp điện mặt trời đã phát điện sẽ tạo dòng thu ổn định, góp phần giúp BCG Energy (công ty con của Bamboo Capital) có sự tăng trưởng đột biến trong kết quả kinh doanh với mục tiêu 1.156 tỷ đồng doanh thu và 266 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Năm 2021, Bamboo Capital sẽ nghiên cứu phát triển sang mảng điện khí LNG, mục tiêu đạt tổng sản lượng điện trong danh mục từ 2.000 MW đến năm 2025.
Với BCG Land, công ty thuộc lĩnh vực bất động sản, mục tiêu doanh thu là 4.330 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 640 tỷ đồng thông qua việc triển khai 11 dự án bất động sản tại Quảng Nam, Quy Nhơn, Bình Thuận, Đăk Nông và TP HCM.
Đối với lĩnh vực xây dựng, ngoài thực hiện các dự án do Bamboo Capital triển khai, công ty Tracodi dự kiến sẽ phát triển thêm các dự án hạ tầng giao thông. Để thực hiện mục tiêu, Tracodi dự kiến tăng vốn từ 473 tỷ đồng lên trên 2.248 tỷ đồng và bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh là xây dựng hạ tầng giao thông.
Dự kiến kế hoạch kinh doanh Tracodi năm 2021 khoảng 3.203 tỷ đồng doanh thu và 280 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Trong mảng sản xuất nông nghiệp và thương mại, công ty Nguyễn Hoàng, công ty con của Bamboo Capital sẽ tập trung chủ lực vào các sản phẩm đồ gỗ ngoài trời, ván ép, cà phê thành phẩm. Công ty sẽ thực hiện thoái vốn tại các công ty có sản phẩm không còn phù hợp phát triển hoặc hoạt động kém hiệu quả.
Đồng thời, Nguyễn Hoàng sẽ tiếp tục làm dự án cacao 1.000 ha tại Đồng Nai và mở rộng thêm dự án cacao tại Đăk Nông, Đắk Lắk.
Về kế hoạch cổ tức, công ty lên kế hoạch chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 12%. Tỷ lệ cổ tức năm 2020 dự kiến là 10% (8% tiền mặt và 2% cổ phiếu), sẽ được thực hiện trong quý II, quý III/2021.
Dự kiến phát hành gần 209 triệu cổ phiếu giá 12.000 đồng/cp
Doanh nghiệp dự kiến tăng vốn từ gần 2.035 tỷ đồng lên 5.063 tỷ đồng trong năm nay thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức tỷ lệ 2%, chuyển đổi 900 tỷ trái phiếu thành cổ phiếu và phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược và cho cổ đông hiện hữu.
Trong đó, Bamboo Capital sẽ chào bán 60 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược với giá 12.000 đồng/cp. Tổng số tiền dự kiến thu về là 720 tỷ đồng. Số cổ phần phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng một năm.
Về việc chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, Bamboo sẽ chuyển đổi 900 tỷ đồng trái phiếu thành 90 triệu cổ phiếu với giá chuyển đổi là 10.000 đồng/cp. Thời hạn chuyển đổi đầu tiên là một năm sau ngày phát hành (20/5/2020). Cổ phiếu chuyển đổi này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng hai năm.
Sau khi thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu 2% và chuyển đổi 900 tỷ đồng trái phiếu thành cổ phiếu thì Bamboo Capital dự kiến sẽ chào bán gần 149 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 12.000 đồng/cp. Tỷ lệ phát hành là 2:1. Thời gian thực hiện là quý III sau khi có sự chấp thuận của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.
Tổng số tiền dự kiến thu về khoảng 1.785 tỷ đồng, trong đó công ty sẽ dành 800 tỷ vào các dự án năng lượng tái tạo và bất động sản. Còn 985 tỷ sẽ bổ sung vốn lưu động bao gồm nhưng không giới hạn các khoản phải trả cho cá nhân, tổ chức, ngân hàng, chi trả cho các hợp đồng hợp tác kinh doanh và hợp tác đầu tư.
Giá trị sổ sách của Bamboo Capital tại thời điểm 31/12/2020 là 21.788 đồng/cp. Giá đóng cửa bình quân 30 phiên giao dịch (10/3 - 20/4) của cổ phiếu BCG là 14.882 đồng/cp. Tức mức giá phát hành cho cổ đông hiện hữu và riêng lẻ chỉ bằng 55% giá trị sổ sách và thấp hơn 20% so với giá bình quân 30 phiên trên. Còn mức giá chuyển đổi trái phiếu chưa bằng một nửa giá trị sổ sách và thấp hơn gần 30% giá đóng cửa 30 phiên.
Ngoài ra, Bamboo Capital cũng được thông qua phương án phát hành ESOP năm 2021 trong trường hợp công ty phải đạt hoặc vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm đề ra. Nếu đạt hoặc vượt kế hoạch lợi nhuận hợp nhất sau thuế được trích thưởng 10% trên lợi nhuận sau thuế.
Số lượng phát hành sẽ không vượt quá 10% lợi nhuận sau thuế trên báo cáo kiểm toán năm.
Năm 2020, ĐHĐCĐ đã thông qua phương án phát hành ESOP cho HĐQT, Ban điều hành, Ban kiểm soát. Dù vượt các chỉ tiêu đề ra nhưng doanh nghiệp sẽ không thực hiện thưởng cổ phiếu ESOP để nhằm mục tiêu phân phối cổ tức cho cổ đông tốt nhất.
Huy động tối đa 3.000 tỷ qua trái phiếu
Bamboo Capital dự kiến huy động tối đa 3.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không bao gồm chứng quyền, có hoặc không có tài sản đảm bảo.
Số vốn huy động được sẽ bổ sung vốn lưu động; tài trợ các dự án điện mặt trời, điện áp mái; các dự án bất động sản; bổ sung vốn ngắn hạn; vốn cho M&A và các chương trình hợp tác, đầu tư khác.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I, tổng nợ đi vay của Bamboo Capital là 7.908 tỷ đồng gồm 5.245 tỷ đồng dư nợ trái phiếu. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có 2.270 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi. Riêng tổng nợ đi vay gấp 1,65 lần vốn chủ sở hữu.
Tại đại hội, ĐHĐCĐ đã thông qua từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Anthony Lim. Đồng thời, cổ đông đã nhất trí bầu bổ sung ông Tan Bo Quan, Andy (1986) vào HĐQT.
Hiện ông Tan Bo Quan, Andy đang là thành viên HĐQT độc lập của Tracodi, BCG Land và thành viên Ban kiểm soát BCG Energy.
Thảo luận:
Bamboo Capital phát hành cả cổ phiếu và trái phiếu trong năm 2021, nếu Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hồ Nam đặt mình vào vị trí nhà đầu tư thì sẽ đầu tư vào đâu và kỳ vọng giá trị cổ phiếu BCG năm 2021 ra sao?
Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT: Việc phát hành cổ phiếu hay trái phiếu phụ thuộc vào cấu trúc nguồn vốn của doanh nghiệp.
Nếu đầu tư trái phiếu thì nhà đầu tư có lợi suất an toàn hơn và khi hoàn tất dự án trái chủ thu nguồn vốn về.
Còn đầu tư cổ phiếu thì nhận cổ tức hàng năm và hưởng lợi nếu giá tăng. Tiềm năng tăng trưởng của cổ phiếu sẽ tăng trong dài hạn. Tùy khẩu vị đầu tư mà nhà đầu tư quyết định chọn đầu tư vào trái phiếu hay cổ phiếu. Cá nhân tôi là cổ đông lớn nhất của BCG, tôi đang đầu tư cả trái phiếu và cổ phiếu.
Về mức giá cổ phiếu phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nên rất khó để nói giá như thế nào trong 2022.
"Dù giá cổ phiếu BCG đã tăng rất tốt thời gian qua, nhưng giá đó vẫn chưa thể hiện đúng tiềm lực của doanh nghiệp cũng như tiềm năng của BCG trong tương lai. Xét chỉ số P/E thị trường Việt Nam là 17, thấp hơn của thị trường Thái Lan là 36 lần, vậy nên tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam là rất lớn".
Nếu EPS là 1.600 đồng, theo mức vốn mới trên 5.000 tỷ đồng của năm 2021. Nếu quy chuẩn theo P/E tương đương thị trường thì giá cổ phiếu rơi vào khoảng 28.000, 29.000 đồng/cp, nhưng giá cổ phiếu còn phụ thuộc vào cung cầu.
Cập nhật tiến độ dự án điện gió và nếu không kịp đóng điện trước ngày 1/11/2021 thì ảnh hưởng như thế nào?
Ông Phạm Minh Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc: Đối với các dự án điện gió, quyết định 39 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/10/2021. Hiện nay Chính phủ chưa có hướng dẫn về mức giá FIT sau ngày 31/10/2021.
Hiện nay các dự án điện gió của Bamboo Capital không phù hợp để hưởng chế độ giá trước thời hạn này do các điều kiện về đường dây đấu nối, các trạm biến áp EVN xây dựng chưa sẵn sàng. Doanh nghiệp dự kiến sẽ thực hiện đấu nối là vào cuối quý II và quý III/2022 và một phần vào năm 2023.
Ông Tuấn chia sẻ tin rằng Chính phủ sẽ có các động thái hỗ trợ doanh nghiệp điện gió vì tính chất phức tạp của quá trình xây dựng điện gió và giá FIT sẽ không có nhiều thay đổi giữa năm 2021 và 2022.
Vì sao Bamboo Capital có kế hoạch phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược? Đã có nhà đầu tư nào quan tâm đến 60 triệu cổ phần này chưa?
Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT: Tổng tài sản của Bamboo Capital hết quý II đã vượt 30.000 tỷ đồng và tổng tài sản sẽ lên hơn 40.000 tỷ đồng trong năm nay. Với quy mô vốn hiện tại hơn 2.000 tỷ hiện tại không tương xứng. Mặc dù các khoản nợ chủ yếu tài trợ dự án và dòng tiền vẫn ổn định nhưng để nâng cao năng lực vốn để triển khai các dự án an toàn hơn thì doanh nghiệp bắt buộc phải tăng vốn lên hơn 5.000 tỷ đồng, tương đương 15% tổng tài sản.
Trong các chương trình tăng vốn có phát hành riêng lẻ và ông Nam tiết lộ hiện tại có ba nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đang trao đổi, thương lượng với mong muốn mua toàn bộ số cổ phần phát hành riêng lẻ.
Ông cho hay sẽ lựa chọn một nhà đầu tư mang lại giá trị cao nhất cho công ty và sẽ sớm công bố danh tính nhà đầu tư trong quý này.
Với kế hoạch lợi nhuận 266 tỷ đồng từ năng lượng tái tạo trong năm nay thì dòng tiền về công ty như thế nào?
Ông Phạm Minh Tuấn: Dự án năng lượng tái tạo thì vốn đầu tư rất cao trong giai đoạn đầu. Khi xây dựng rồi thì chi phí vận hành chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong dòng tiền thu về.
Với 500 MW đã vận hành hiện nay thì dòng tiền thu về khoảng 1.200 - 1.300 tỷ đồng tuy điều kiện thời tiết. Sau khi trừ chi phí vận hành khoảng 10%, trừ trả nợ lãi, chi phí khấu hao thì còn lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Quá trình xây dựng và phát triển platform về năng lượng tái tạo của Bamboo Capital gồm ba bước.
Bước thứ nhất là huy động vốn từ các ngân hàng trong nước hoặc đối tác, có thể là với chi phí cao để nhanh chóng xây dựng dự án.
Bước thứ hai, sau khi dự án đi vào hoạt động ổn định, có dòng tiền, doanh nghiệp sẽ đưa ra phương án tái tài trợ. Từ lãi suất cao khoảng 10-10,5%, có dự án 11% đẩy xuống mức tái tài trợ khoảng 7 hoặc dưới 7%.
Bamboo Capital đang có kế hoạch làm việc với các định chế tài chính trong nước và quốc tế với các nguồn vốn cho năng lượng tái tạo. Ông Tuấn kỳ vọng trong năm nay sẽ tái tài trợ được phần lớn các dự án, đẩy lãi suất xuống còn 7% khiến IRR tăng lên đáng kể giúp lợi nhuận thời gian tới tăng lên.
Bước thứ ba, Bamboo Capital có thể đưa BCG Energy IPO ra thị trường quốc tế, đây là mục tiêu từ nay đến năm 2025.
Việc nhập khẩu các thiết bị khó khăn và việc thi công các trục điện gió ngoài khơi gặp nhiều trở ngại. Bamboo Capital sẽ đối diện với khó khăn khi triển khai dự án điện gió như thế nào?
Ông Phạm Minh Tuấn: Ở Việt Nam phần lớn dự án điện gió ngoài khơi nên thi công trên biển không đơn giản và đa phần đều chậm hơn tiến độ dự kiến. Công nghệ thi công trên biển không hề đơn giản.
Ông chia sẻ công ty đang sử dụng mô hình tổng thầu thi công, có khả năng huy động phương tiện chuyên dụng (xà lan, cần cẩu).
"Chúng tôi đã đánh giá các trạm và đường dây EVN để lùi thời gian nối điện ra ngoài vùng nóng để giảm áp lực. Tại dự án mức gió cao như ở Trà Vinh, chúng tôi sự dụng công nghệ cao hơn để giảm thời gian thi công và đạt chuẩn quốc tế, dù mức đầu tư cao hơn".
Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam thì trách nhiệm triển khai dự án, cơ sở hạ tầng đấu nối vẫn thuộc về chủ đầu tư. Nên chi phí sẽ không thay đổi nhiều.
Khi chính sách giá FIT không còn, lợi thế cạnh tranh của các dự án năng lượng tái tạo của Bamboo Capital sẽ như thế nào khi thị trường phát điện qua đấu thầu cạnh tranh. Các yếu tố nào để ban lãnh đạo tự tin đấu thầu sẽ thắng (giá bán, chi phí sử dụng vốn, lãi vay, thi công)?
Ông Phạm Minh Tuấn: Nếu không có thay đổi đột biến về chính sách, cơ sở hạ tầng thì chi phí đầu tư không thay đổi nhiều. Nếu không thay đổi nhiều thì lợi thế cạnh tranh chỉ phụ thuộc vào một số dự án đặc biệt và quy trình quản trị của đơn vị phát triển.
Thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam vài năm vừa rồi, giai đoạn đầu chủ yếu là nhà đầu tư nước ngoài (M&A và phát triển dự án). Giai đoạn 2 (giá FIT 2) nhà đầu tư nội địa tham gia, chủ yếu 4-5 chủ đầu tư chính, đây chính là cuộc cạnh tranh trong tương lai của các đơn vị lớn.
Lợi thế của Bamboo Capital là khả năng triển khai các dự án, quản lý chi phí (qua dự án Phù Mỹ, Vĩnh Long). Phần quan trọng nhất là chi phí vốn và chi phí tài trợ dự án.
Nếu dựa vào nguồn lực trong nước thì mức giá không thay đổi nhiều. Ông cho hay Bamboo Capital tìm nguồn tài trợ vốn trên thị trường quốc tế, để có nguồn vốn rẻ hơn với mức 7% trong khi huy động trong nước chi phí 10,5%.
Công ty đang thực hiện đàm phán với một hoặc hai quỹ đầu tư vào platform BCG Energy. Kỳ vọng trong quý II hoặc III sẽ có thay đổi lớn về khả năng huy động vốn của BCG Energy. Do đó, lợi thế huy động vốn sẽ là lợi thế cạnh tranh chính của BCG Energy.
Vừa qua BCG phát hành thêm cổ phiếu và sắp tới phát hành thêm nhiều cổ phiếu nữa, liệu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có tăng nhanh như tăng vốn không?
Ông Nguyễn Hồ Nam: Hết quý I/2021 tổng tài sản lên 30.000 tỷ đồng và với tốc độ triển khai các dự án năng lượng và bất động sản thì dự kiến tổng tài sản tăng lên hơn 40.000 tỷ đồng.
Hiện nay, nguồn vốn đến từ trái phiếu, ngân hàng rất cân bằng với dự án, nhưng nguồn vốn tự có phải tăng lên để cân bằng. Lợi nhuận năm 2021 dự kiến lên hơn 800 tỷ đồng tăng gấp 4 lần trong khi vốn điều lệ tăng gấp đôi.
"Hiện tại, P/E của BCG chỉ khoảng 7 lần nên còn dưới giá trị, còn thấp so với mặt bằng chung. Một phần cơ cấu vốn hiện tại của BCG còn tạo quan ngại với cổ đông và đối tác nên tôi tin rằng việc tăng vốn, cân bằng nguồn vốn tạo sự tin tưởng cho cổ đông", ông Nam trả lời cổ đông.
Bamboo có liên quan và lợi ích gì không tới các dự án nghỉ dưỡng 4 sao ở Vũng Tàu và dự án toà nhà văn phòng Nguyễn Hữu Cảnh (TP HCM) của Hòn Ngọc Việt?
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc: Tại Vũng Tàu, Bamboo Capital chưa có dự án nào và không liên quan tới dự án toà nhà văn phòng Nguyễn Hữu Cảnh (TP HCM).
BCG Land đang phát triển các dự án ở Quảng Nam, Hội An, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, tại TPHCM có 4 dự án. Ngoài ra còn có dự án tại Phan Thiết, Long An và sắp tới sẽ có một sư dự án ở Vĩnh Long, Sóc Trăng.
Bamboo Capital có ý định M&A để triển khai các dự án bất động sản ở Đảo Ngọc, Phú Quốc (Kiên Giang) không? Công tác triển khai, phát triển quỹ đất của BCG Land ở Bình Dương?
Ông Nguyễn Thanh Hùng: Chưa có nghiên cứu triển khai dự án nào tại Phú Quốc, Bình Dương.
Cung cấp thêm thông tin về việc hợp tác của BCG Land và Doji Land ở dự án Blue Star Bến Lức. Có phải BCG Land và Doji Land phát triển dự án tại Thừa Thiên Huế hay không?
Ông Nguyễn Thanh Hùng: Hiện có hợp tác cùng Doji Land để triển khai một dự án tại huyện Bến Lức quy mô 390 ha. Với dự án tại Huế, Bamboo Capital không tham gia vào dự án mà chủ yếu bên đối tác Doji Land triển khai.
Tình hình triển khai dự án Trung tâm tổ hợp thương mại tại Củ Chi và Pegas Nha Trang?
Dự án Củ Chi đã ngưng triển khai, đã chuyển nhượng cho đối tác từ năm 2019. Dự án Pegas đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục pháp lý để xây chung cư cao 38 tầng gần khách sạn Mường Thanh, dọc biển Nha Trang. Trong năm sau, sau khi xong các thủ tục sẽ cân nhắc triển khai hay chuyển nhượng dự án này. Hiện công ty đang có nhiều dự án lớn, cần dồn nguồn lực vào các dự án có hiệu quả cao nhất.
Xin chia sẻ về việc chuyển nhượng dự án Amor Garden?
Ông Nguyễn Hồ Nam: Tại Hội An, Bamboo Capital có 3 dự án gồm Radisson Blu, Hội An D'or, dự án Amor Garden. Dự án Amor Garden doanh nghiệp quyết định chuyển nhượng và dự kiến hoàn tất trong quý II. Lợi nhuận đem về khoảng 150 tỷ đồng.