|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc chiến mì gói tại Việt Nam: Acecook và Masan Consumer, ai đang là vua?

20:45 | 10/09/2024
Chia sẻ
Tính theo trung bình đầu người, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu thế giới về tiêu thụ mì ăn liền.

Gói mì 4.500 đồng của Acecook

Theo Nikkei, kể từ sau đại dịch COVID-19, người Việt Nam ngày càng ưa chuộng mì ăn liền. Trong đó, Acecook, nhà sản xuất mì Nhật Bản, đang dẫn đầu thị trường nhờ vào bề dày hoạt động và danh mục sản phẩm phong phú.

Năm ngoái, Acecook đã bán được khoảng 3,3 tỷ gói mì tại Việt Nam, chiếm khoảng 40% thị phần. Con số này tương đương gần 60% lượng mì ăn liền tiêu thụ hàng năm tại Nhật Bản.

Ông Hiroki Kaneda, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam, cho biết: "Do lạm phát, mì ăn liền trở thành một lựa chọn vừa túi tiền mà vẫn đảm bảo bữa ăn ngon miệng."

 Các sản phẩm của Acecook có giá dễ tiếp cận. (Ảnh: Đức Huy).

Trong thương hiệu Hảo Hảo có giá khoảng 4.500 đồng/gói là sản phẩm bán chạy nhất của nhà sản xuất Nhật Bản. Gần đây, các sản phẩm cao cấp hơn, có giá từ 5.000 đồng đến 15.000 đồng với nhiều ‘topping’ (nguyên liệu) hơn, cũng đang có sức tiêu thụ tốt.

Theo Acecook, doanh số bán hàng của các sản phẩm cao cấp đã tăng từ 30-50% trong năm nay so với năm trước. Với giá một bát phở tại một cửa hàng ở thành phố lên tới 40.000 đến 60.000 đồng/bát thì ngay cả mì ăn liền cao cấp cũng được coi là một lựa chọn tiết kiệm.

Acecook gia nhập thị trường Việt Nam khoảng 30 năm trước đã nhanh chóng mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Công ty hiện có 13 nhà máy trong nước, bao gồm cả các cơ sở đối tác. Acecook dự kiến sẽ đưa thêm hai nhà máy vào hoạt động trước năm 2027.

Ông Kaneda chia sẻ: "Mức tiêu thụ mì ăn liền tại Việt Nam sẽ vượt 10 tỷ gói mỗi năm vào năm 2030."

Theo Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới, lượng tiêu thụ mì ăn liền toàn cầu đạt 120,2 tỷ gói vào năm ngoái, tăng 13% so với năm 2019. Các đợt phong tỏa trong đại dịch đã khiến nhiều người ăn mì ăn liền tại nhà hơn.

Ngay cả khi các hạn chế của đại dịch đã được nới lỏng, sức tiêu thụ mì ăn liền vẫn duy trì mạnh mẽ khi mọi người đã quen với một món ăn vừa tiện lợi, vừa dễ dàng chế biến mà lại hợp túi tiền.

Trên khắp Đông Nam Á, lượng tiêu thụ mì ăn liền đạt 34 tỷ gói vào năm ngoái, tăng 22% so với năm 2019 và chiếm khoảng 30% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, đã có tới 8,1 tỷ gói mì được tiêu thụ trong năm ngoái, tăng 49% so với năm 2019.

Tính theo trung bình đầu người, Việt Nam đã vươn lên dẫn đầu thế giới về tiêu thụ mì ăn liền với 83 gói mì mỗi năm. Con số này đã tăng từ 57 gói mì vào năm 2019.

Trước đây, phở là món mì chủ yếu trong bữa ăn của người Việt, thường được thưởng thức tại các quán ăn. Tuy nhiên, trong thời gian đại dịch, mọi người bắt đầu mua mì ăn liền theo thùng 30 gói.

Chiến lược cao cấp hoá của Masan Consumer

Sự cạnh tranh giữa nhiều nhà sản xuất cũng góp phần thúc đẩy tiêu thụ. Masan Consumer, đối thủ cạnh tranh của Acecook tại Việt Nam, đang tập trung vào chiến lược phát triển các sản phẩm cao cấp.

Masan đã ra mắt các sản phẩm lẩu mang thương hiệu Omachi với giá hơn 100.000 đồng. Điểm đặc biệt của các sản phẩm lẩu này là chúng được đựng trong bao bì tự đun sôi, không cần nguồn nhiệt bên ngoài. Chỉ cần khoảng 10 phút, bạn đã có một bữa ăn nóng hổi, sẵn sàng thưởng thức.

Bà Nguyễn Trương Kim Phượng, Giám đốc Marketing tại Masan Consumer, chia sẻ tại một cuộc họp cổ đông rằng lẩu Omachi đã nâng tầm trải nghiệm mì ăn liền, mang đến một bữa ăn "vừa ngon vừa thú vị".

Mì ăn liền Omachi của Masan được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. (Ảnh: Đức Huy).

Mặc dù mì ăn liền vẫn còn mang tiếng là không tốt cho sức khỏe ở Việt Nam, Masan đang nỗ lực thay đổi định kiến này, hướng đến nhu cầu của những người tiêu dùng vốn thường xuyên ăn ngoài. Với 13 nhà máy sản xuất thực phẩm bao gồm cả mì ăn liền trên toàn quốc, công ty dự kiến sẽ mở thêm 4 nhà máy nữa trong tương lai gần.

Đông Nam Á đang là động lực chính thúc đẩy thị trường mì ăn liền toàn cầu. Trong số 10 quốc gia tiêu thụ hàng đầu vào năm 2023, có tới 4 quốc gia thuộc khu vực này.

Tại Đông Nam Á, các gói mì thường nặng khoảng 60 gram, ít hơn 30-40% so với ở Nhật Bản. Do mọi người thường ăn hai gói cùng lúc hoặc ăn nhẹ giữa các bữa ăn, số lượng gói mì tiêu thụ có tiềm năng tăng trưởng mạnh.

Các thương hiệu địa phương đang chiếm ưu thế tại thị trường nội địa của mỗi quốc gia. Điển hình như Mama ở Thái Lan và Lucky Me ở Philippines. Indonesia là thị trường lớn nhất ở Đông Nam Á, với lượng tiêu thụ mì ăn liền hàng năm đạt 14,5 tỷ gói. 

Ông Mark Wakeford, người đứng đầu bộ phận quan hệ nhà đầu tư tại Indofood, công ty mì ăn liền lớn nhất Indonesia, cho biết thị trường nông thôn của nước này dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng. Ngày càng có nhiều người dân ở các làng quê chuyển sang ăn mì ăn liền vì đây là một bữa ăn vừa rẻ vừa tiện lợi, đặc biệt là trong giờ nghỉ giải lao khi làm việc đồng áng.

Để đáp ứng nhu cầu mì ăn liền ngày càng tăng trên toàn thế giới, các công ty đang đẩy nhanh tốc độ mở rộng ra nước ngoài. Acecook hiện xuất khẩu mì ăn liền Hảo Hảo và phở sang khoảng 40 quốc gia.

Ông Kaneda khẳng định: "Việt Nam sẽ trở thành trung tâm xuất khẩu của tập đoàn.” Indofood nổi tiếng với thương hiệu mì ăn liền Indomie được bán tại hơn 100 quốc gia. Công ty có hơn 30 nhà máy, trải rộng khắp Indonesia, châu Phi và Trung Đông.

Đức Huy

Nóng mùa ESOP, có lãnh đạo được nhận giá trị cổ phiếu lên tới hơn trăm tỷ
Nhằm giữ chân, thu hút nhân tài, nhiều doanh nghiệp niêm yết luôn duy trì chính sách ESOP. Việc chào bán ESOP cũng giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn tiền cho hoạt động đầu tư đồng thời ESOP sẽ hiệu quả về thuế hơn cho với trả thưởng tiền mặt cho cả doanh nghiệp và người lao động. Song chính sách này cũng gây xung đột lợi ích cho cổ đông.