Cung không đủ cầu trong nước, lợi nhuận doanh nghiệp than vẫn lẹt đẹt
Thách thức của ngành than
Hiện nay, dịch bệnh COVID – 19 đang được kiểm soát và nền kinh tế đang trên đà phục hồi khiến nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên liệu tăng cao, trong đó có than. Giá than trên thế giới đã tăng 2,5 – 3 lần giá trong nước. Cùng với đó, căng thẳng giữa Nga – Ukraine cũng khiến nguồn cung than thiếu hụt do đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trước đó, SSI Research cho rằnggiá than trong nước không đồng pha với giá than thế giới do chính sách quản lý giá ở Việt Nam với chỉ hai đơn vị được phép khai thác và bán than trong nước là Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc.
Trong năm 2021, giá than trong nước vẫn chưa điều chỉnh nhiều, chỉ có giá than sản xuất xi măng là đã được điều chỉnh tăng 9% trong tháng 8, còn giá than nhiệt điện vẫn được giữ nguyên để giảm áp lực cho sản xuất điện trong nước khi Chính phủ đang yêu cầu hỗ trợ giá điện trong thời điểm dịch bệnh.
Bên cạnh đó, áp lực khai thác than trong nước ngày càng tăng cao do các mỏ than ngày càng xuống sâu, hiện nay ngành than Việt Nam đã khai thác ở mức -500 so với mực nước biển, điều kiện địa chất cũng biến động phức tạp khiến cho chi phí khai thác than trong nước ngày càng gia tăng.
TKV cho biết làn sóng nhiễm COVID – 19 diễn ra trong nước vừa qua khiến hơn 38% tổng số lao động của doanh nghiệp bị nhiễm bệnh, gây ảnh hưởng đến việc sản xuất dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trong nước.
Trước tình hình đó, mới đây TKV đã đề xuất Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng giá bán than trong nước, đặc biệt là giá bán than các hộ điện để bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh than của TKV.
Bức tranh kinh doanh quý I của các doanh nghiệp ngành than
Mặc dù gặp những thách thức lớn như vậy nhưng mức tiêu thụ than quý I/2022 của các doanh nghiệp ngành than vẫn khả quan hơn so với quý I/2021 do nhu cầu than trong và ngoài nước đã tăng cao trong khi cùng kỳ năm ngoái có sự suy giảm do tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp.
Tổng kết quý I, doanh thu của TKV ước đạt 32.873 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch năm, tăng 24% so với cùng kỳ 2021.
Trong đó, doanh thu than đạt 19.419 tỷ đồng, đạt 26 % kế hoạch năm, tăng 21% so với cùng kỳ. Lợi nhuận dự kiến đạt 600 tỷ đạt 17% kế hoạch năm.
Cũng trong quý I, sản lượng than nguyên khai sản xuất đạt 10,58 triệu tấn, đạt 27% kế hoạch năm, tăng 6 % so với cùng kỳ năm 2021. Than tiêu thụ 11 triệu tấn, bằng 26 % kế hoạch năm và bằng tăng 12% so với cùng kỳ năm 2021.
Hầu hết các doanh nghiệp thành viên của TKV đều có doanh thu tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái nhờ sản lượng tiêu thụ và giá than tăng, tuy nhiên lợi nhuận lại có sự phân hóa. Cụ thể, 4 trong 9 doanh nghiệp ghi nhận sự sụt giảm về lợi nhuận, còn lại là các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng so với quý I/2021.
Trong các doanh nghiệp ngành than thì chỉ có duy nhất Than Mông Dương (MDC) ghi nhận cả doanh thu lẫn lợi nhuận sụt giảm. Doanh thu kỳ này chỉ đạt 513 tỷ đồng, lãi sau thuế là 5,8 tỷ đồng, tương ứng giảm 6% và 30%, chủ yếu do sản lượng tiêu thụ than giảm.
Than Vàng Danh (TVD) có doanh thu cũng như lợi nhuận cao nhất trong các doanh nghiệp than, doanh thu tăng 15% tuy nhiên so với cùng kỳ năm trước thì lợi nhuận lại giảm 3% do chi phí giá vốn tăng cao, biên lợi nhuận bị thu hẹp từ 7,4% xuống còn 5,5%. Than Đèo Nai (TDN) cũng ghi nhận xu hướng biến động của doanh thu và lợi nhuận tương tự, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm do giảm biên lãi gộp.
Doanh nghiệp có doanh thu cao thứ hai là Than Miền Bắc (TMB), nhưng đây lại là doanh nghiệp ghi nhận khoản lỗ sau thuế lớn nhất với 39 tỷ đồng trong khi khoản lỗ năm ngoái chỉ gần 13 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do khoản chi phí bán hàng, cụ thể ở đây là chi phí cho nhân viên tăng cao đột biến.
Các doanh nghiệp còn lại là Xuất Nhập Khẩu Than (CLM), Than Cọc Sáu (TC6), Than Hà Lầm (HLC), Than Hà Tu (THT), Than Núi Béo (NBC) có doanh thu lẫn lợi nhuận đều tăng trưởng so với quý I năm ngoái.
Trước tình trạng thiếu hụt than trong nước như vậy, sang quý II, Tổng Giám đốc Tập đoàn TKV Đặng Thanh Hải đã yêu cầu các đơn vị tập trung cho sản xuất để tăng sản lượng than tối đa, phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm ở mức cao nhất.
TKV dự kiến cấp 5,1 triệu tấn than trong quý II, đồng thời cũng lên kế hoạch nhập khẩu khoảng 4,8 triệu tấn cho năm nay.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/