|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cộng sinh trên các ứng dụng ngân hàng và con đường trở thành kì lân thứ hai Việt Nam của VNPay

07:50 | 02/12/2020
Chia sẻ
Không tốn tiền phát triển và duy trì ứng dụng riêng lẻ như MoMo hay Moca, VNPay lại chọn cách "sống" trong hàng chục ứng dụng di động của các ngân hàng khác nhau.

Gia Lư - một nhân viên sale bất động sản tại Hà Nội, bữa tối sau khi mời khách hàng tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Cơ Thạch đã chọn cách thanh toán bằng mã QR Code. Sau khi dùng bữa, nhân viên mang hoá đơn tới bàn ăn, Lư lấy điện thoại, mở ứng dụng ngân hàng, quét mã QR được dán trên hoá đơn, nhập số tiền phải trả, xác thực giao dịch bằng vân tay.

Tất cả các thao tác trên chỉ mất chưa đầy 2 phút. Cả Gia Lư và nhân viên nhà hàng đều nhận được thông báo đã thanh toán thành công. 

Với công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt, giờ đây mỗi lần ra khỏi nhà, Gia Lư có thể không cần mang theo ví mà chỉ cần điện thoại có cài sẵn ứng dụng ngân hàng và có kết nối internet.

Đó là cách QR Code đang thay đổi thói quen thanh toán và sử dụng tiền mặt của hàng triệu khách hàng trẻ như Gia Lư. Thanh toán bằng QR Code được ứng dụng trong mọi mặt của cuộc sống từ mua sắm, ăn uống, giải trí, đi lại, thanh toán hoá đơn,…

Nhân viên tại một nhà hàng trên đường Tô Hiệu (Hà Nội) cho hay, từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19, lượng khách hàng thanh toán bằng tiền mặt và thẻ giảm đáng kể, trong khi thanh toán không chạm (QR Code) lại tăng khoảng 20%.

Cộng sinh trên các ứng dụng ngân hàng và con đường trở thành kì lân thứ hai Việt Nam của VNPay - Ảnh 1.

Thanh toán không dùng tiền mặt nở rộ tại Việt Nam và các nước châu Á. (Ảnh: Nation Thailand).

Theo khảo sát mới đây được uỷ quyền bởi Visa, Engine Insights ghi nhận 74% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát có xu hướng giảm dùng tiền mặt. Trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt bao gồm: thanh toán qua thẻ, QR Code, thanh toán trực tuyến, séc thanh toán,…

Tại Việt Nam, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chủ yếu là QR Code và thanh toán qua thẻ.

Đáng chú ý, trong mảng thanh toán qua QR Code lại là cuộc cạnh tranh giữa một bên là ví điện tử và một bên là hàng chục ngân hàng đang dùng chung mã QR của VNPay - thuộc sở hữu của CTCP Giải pháp thanh toán Việt Nam, doanh nghiệp vừa trở thành kì lân thứ hai tại Việt Nam với định giá vượt mốc 1 tỉ USD.

Cách đây 4 năm, ví điện tử MoMo của CTCP Dịch vụ di động trực tuyến là người đi tiên phong trong lĩnh vực thanh toán bằng mã QR. Liên tiếp các năm sau đó là một loạt ví điện tử như VinID, AirPay và Moca lần lượt tiến vào thị trường Việt Nam, giúp đẩy nhanh tốc độ phổ biến thanh toán bằng QR Code.

Đặc điểm của những ví điện tử này đó là điều có một ứng dụng riêng và người dùng buộc phải liên kết với tài khoản ngân hàng để nạp thẻ vào ví. Dù được cam kết tính bảo mật cao nhưng các ví điện tử do bên thứ ba phát triển cũng khiến không ít người cảm thấy bất an khi liên kết trực tiếp với tài khoản ngân hàng của mình.

Trong khi đó, đi sau loại hình ví điện tử, VNPay xuất hiện như một giải pháp tối ưu hơn khi được tích hợp thẳng vào ứng dụng ngân hàng do chính các nhà băng phát triển. Bằng cách này, vấn đề bảo mật khi sử dụng mã QR Code đã được chuyển sang vai trò của các ngân hàng và người dùng cũng sẽ tự tin hơn khi dùng mã.

Nhờ sống cộng sinh vào các ứng dụng ngân hàng, VNPay đã nhanh chóng bứt tốc với 50.000 điểm chấp nhận thanh toán, trở thành một trong những tiện ích QR Code được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam, theo doanh nghiệp này.

Đứng trên vai người khổng lồ

Xuất hiện từ năm 2011, khác với các loại hình ví điện tử khác, VNPay không có ứng dụng riêng lẻ dành cho khách hàng mà chọn cách "sống" nhờ hàng chục ứng dụng có sẵn của các ngân hàng, hay nói cách khác, VNPay cung cấp chung một giải pháp thanh toán bằng mã QR cho các ngân hàng.

Bằng việc bắt tay với hàng loạt các ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank, IVB, NCB,… người dùng có thể dễ dàng thanh toán trực tuyến, tại các điểm bán hàng chỉ bằng thao tác quét mã VNPay vài giây. Tiền thanh toán sẽ tự động trừ thẳng trong tài khoản ngân hàng và thông báo về điện thoại cho người dùng.

Đến nay, VNPay đã liên kết với hơn 40 ngân hàng khác nhau, 5 công ty viễn thông và hơn 20.000 doanh nghiệp để cung cấp giải pháp thanh toán qua QR Code của mình. 

Theo thông tin từ VNPay, thông qua các ứng dụng ngân hàng, nền tảng này đã thu hút hơn 15 triệu lượt người dùng hoạt động hàng tháng với các chức năng như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, đặt vé xe buýt và mua thực phẩm tươi sống hàng ngày.

Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng thế giới, tính đến cuối năm 2019, 63% dân số ở độ tuổi trưởng thành của Việt Nam, tức 43 triệu người sở hữu tài khoản ngân hàng. Rõ ràng, tiềm năng khách hàng có thể khai thác qua các ứng dụng ngân hàng của VNPay vẫn còn khá lớn.

Không dừng lại ở việc bắt tay với các ngân hàng, cuối năm 2019, VNPay cũng đã "kết thân" với VinID - một nền tảng ví điện tử do Tập đoàn Vingroup phát triển với hơn 8 triệu thành viên. Qua đó, VNPay dễ dàng vươn tay tới hơn 2.400 điểm bán hàng trong hệ sinh thái Vingroup và 8.000 cửa hàng thanh toán bằng VinID.

Điều này đã giúp VNPay phủ sóng 60.000 điểm chấp nhận thanh toán tại Việt Nam - một con số ít ví điện tử hay loại hình thanh toán không dùng tiền mặt nào dám mơ tưởng.

Sống khoẻ nhờ một mình một dòng

Đến nay, mới chỉ duy nhất VNPay chọn cách sống cộng sinh với các ứng dụng khác, không đứng độc lập trong mảng thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Một mình một dòng, VNPay thoả sức "bơi lội" mà không phải lo về đối thủ cạnh tranh.

Nhờ đó, doanh nghiệp đã sống khoẻ, với mức tăng trưởng nhanh trong thời gian qua.

Theo số liệu chúng tôi có được, năm 2016 doanh thu của CTCP Giải pháp thanh toán Việt Nam đạt 3.063 tỉ đồng, lợi nhuận ròng thu về ở mức 38 tỉ đồng thì chỉ một năm sau đó, con số này lần lượt là 5.100 tỉ đồng và 100 tỉ đồng, tương ứng với mức tăng 67% và 163%.

Với tốc độ tăng trưởng khủng, VNPay nhanh chóng được các nhà đầu tư ngoại chú ý. Tháng 7/2019, một số tờ báo quốc tế đã đưa tin về việc 2 quĩ đầu tư hàng đầu thế giới là GIC và SoftBank có mong muốn rót 300 triệu USD vào VNPay. Đến nay, VNPay đã xác nhận thông tin đầu tư của hai quĩ ngoại, nhưng vẫn giữ kín giá trị của khoản đầu tư này.

Theo tìm hiểu, vốn điều lệ ban đầu của VNPay là 150 tỉ đồng. Trong đó, ông Lê Tánh, Tổng Giám đốc VNPay sở hữu 5% cổ phần vốn góp, ông Trần Trí Mạnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn VNLIFE đồng thời là chủ tịch của VNPay sở hữu 28,15% cổ phần và ông Trần Văn Kỳ nắm giữ 21,67%.

Năm 2020, VNPay đã bất ngờ tăng mạnh vốn điều lệ từ 150 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng, tuy nhiên cơ cấu cổ đông không thay đổi. Như vậy, hơn 45,18% cổ phần còn lại đang do cổ đông "không được tiết lộ" nắm giữ. Theo các thông tin có được, nhiều khả năng cổ đông bí ẩn này là các quĩ ngoại.

Mới đây nhất, theo báo cáo kinh tế số E-Conomy SEA năm 2020, VNPay chính thức trở thành kì lân công nghệ thứ 2 tại Việt nam sau VNG, tức là startup được định giá từ 1 tỉ USD trở lên.

Cộng sinh trên các ứng dụng ngân hàng và con đường trở thành kì lân thứ hai Việt Nam của VNPay - Ảnh 2.

Câu chuyện ở phần còn lại 

Không giống như VNPay, cùng cung cấp giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, phần còn lại là các nền tảng ví điện tử chen chúc trong một chiếc áo chật hẹp.

Theo Ngân hàng nhà nước, tính đến cuối năm 2019, có 31 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam, trong đó có 27 ví điện tử. Tuy nhiên, phần lớn các ví hoạt động mờ nhạt, và chỉ có 5 nền tảng thực sự nổi bật, gồm: MoMo, Moca, Zalo Pay, AirPay và Viettel Pay.

Là người đi tiên phong trong lĩnh vực thanh toán qua mã QR Code, đến nay theo thông tin từ MoMo, ví điện tử này đã có trên 100.000 điểm chấp nhận thanh toán trên cả nước, nhưng đa phần theo quan sát MoMo hiện chỉ mới đánh chiếm phân khúc cửa hàng nhỏ lẻ và chưa đặt chân vào các chuỗi lớn.

Mặc dù có số lượng điểm thanh toán áp đảo, nhưng để cạnh tranh được trong một thị trường chật hẹp, MoMo đã phải bỏ ra rất nhiều tiền bạc để lôi kéo người dùng. Đơn cử, cuối năm 2019, hãng tung chương trình khuyến mãi có tên ngày hội "siêu hoàn tiền" 50% tại các điểm bán xăng. Điều này đã gây ra cảnh tượng hàng trăm xe máy xếp hàng mua xăng và thanh toán bằng mã QR trên MoMo để được hoàn tiền.

Hay như năm nay, MoMo cũng mạnh tay mời Binz - một ca sĩ nhạc Rap đang nổi, làm đại sứ thương hiệu, với sự xuất hiện rầm rộ trên các biển quảng cáo lớn nhỏ trong các đô thị lớn.

Có lợi thế hơn MoMo, kẻ đến sau Moca đã sử dụng nền tảng của ứng dụng gọi xe công nghệ lớn nhất Việt Nam là Grab để tiếp cận với hàng triệu người dùng. Đi cùng với sự tăng trưởng hai chữ số của mảng giao đồ ăn GrabFood, Moca đã phát triển với hàng chục nghìn điểm thanh toán.

Tuy nhiên nhìn chung, dù bằng cách này hay cách khác, các ví điện tử hiện nay cũng có lợi nhuận rất thấp và đa phần chịu lỗ.

Đơn cử, CTCP Zion - đơn vị sở hữu Zalo Pay, báo lỗ năm 2019 là 390 tỉ đồng, lỗ luỹ kế 572 tỉ đồng và dự kiến năm 2020, số lỗ của Zalo Pay là 625 tỉ đồng. Zalo Pay đang đi theo hướng của WeChat, tận dụng kho tàng 100 triệu người dùng của Zalo.

Mặc dù lỗ, các ví điện tử hàng đầu vẫn đang thu hút đầu tư. Chẳng hạn, đầu năm 2019, MoMo tiếp tục được "tiếp sức" sau khi nhận khoản đầu tư của Warburg Pincus. Con số rót vốn không được tiết lộ nhưng đây là khoản đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực fintech tại Việt Nam. 

Theo thông tin chúng tôi có được, vốn chủ sở hữu của MoMo tăng từ 145 tỉ đồng cuối năm 2017 lên 1.041 tỉ đồng năm 2018 và tiếp tục tăng lên 1.125 tỉ đồng cuối năm tài khoá 2019. 

Với số lỗ luỹ kế 1.684 tỉ đồng từ năm 2016, dựa trên số vốn chủ sở hữu 1.125 tỉ đồng và số vốn góp 130 tỉ đồng, có thể ước chừng đã có hơn 2.600 tỉ đồng đã được các nhà đầu tư rót vào doanh nghiệp kể từ năm 2016 đến nay.

Số khác lại được những "ông lớn" chống lưng như: Moca hợp tác với Grab để tận dụng hệ sinh thái người dùng trẻ của ứng dụng này, Be Group hợp tác với VPBank cho ra mắt beFinancial, AirPay lại dựa vào nền tảng của Shopee và NOW, vốn đều thuộc quản lí của công ty mẹ là SEA,…

Cộng sinh trên các ứng dụng ngân hàng và con đường trở thành kì lân thứ hai Việt Nam của VNPay - Ảnh 3.

 

Thiên Trường