|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Cổ đông HCC muốn công ty đẩy mạnh khai thác các BĐS tại Huế

14:56 | 12/05/2021
Chia sẻ
Theo chiến lược giai đoạn 2021-2025, CTCP Xây lắp Thừa Thiên Huế (HCC, Mã: HUB) sẽ đẩy mạnh mảng BĐS và tăng tỷ trọng mảng này trong hoạt động kinh doanh lên 40%, còn lại chia đều cho mảng thi công xây lắp và hoạt động khác.

Mảng xây lắp và sản xuất gạch tuynen chịu sức ép cạnh tranh gay gắt

Tính đến cuối năm 2020, CTCP Xây lắp Thừa Thiên Huế (HCC, Mã: HUB) đầu tư vào 6 công ty con với tổng giá trị đầu tư gốc gần 63 tỷ đồng và 4 công ty liên kết với tổng giá trị đầu tư gốc xấp xỉ 26,5 tỷ đồng. Các công ty này hoạt động ở các lĩnh vực vật liệu xây dựng, xây lắp, dịch vụ KCN, BĐS, đầu tư tài chính,...

Theo chia sẻ của HĐQT tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 vừa diễn ra, năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn của các doanh nghiệp nói chung, trong đó có Xây lắp Thừa Thiên Huế.

Nhìn chung, hoạt động của nhóm công ty sản xuất gạch tuynen giảm nhiều so với năm 2019 do dịch bệnh, thiên tai, các dự án bị trì hoãn hoặc vẫn vướng pháp lý, xây dựng nhà ở tư nhân giảm sút, các nhà máy phía Nam không có thị trường nên đẩy mạnh ra tiêu thụ ở phía Bắc.

Đặc biệt, sự tranh tranh của nhiều nhà máy gạch tuynen ở Thừa Thiên Huế tiếp tục gay gắt do cung vượt cầu, dẫn đến giá bán giảm sâu.

Từ tháng 10 đến tháng 11, nhiều đơn vị đã chịu thiệt hại rất nhiều do thiên tai, bão lụt liên tiếp xảy ra. Trong đó, CTCP Gạch Tuynen số 1 bị hư hỏng một lượng lớn gạch mộc, hệ thống lò nung sấy bị tắt do nước lụt dâng cao, phải ngừng một thời gian để sửa chữa. Tính riêng trong quý cuối năm 2020, doanh nghiệp này bị lỗ.

Cùng với đó, hoạt động thầu xây lắp của công ty cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong năm qua khi đầu tư công trên địa bàn truyền thống của công ty ngày càng giảm, dự án có giá trị lớn không nhiều, hoạt động đấu thầu công trình bị cạnh tranh gay gắt.

Mặt khác, doanh thu các công trình tại miền Nam không đạt được như kỳ vọng (do chủ đầu tư chiếm dụng vốn, chậm thanh toán,…), các dự án BĐS của công ty vẫn bị ách tắc về thủ tục pháp lý (giao đất, tiền sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng,…).

Liên quan đến hoạt động cho thuê văn phòng, HĐQT cho biết, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên một số khách hàng đã tạm ngừng hoạt động và trả lại mặt bằng cho thuê trong năm vừa qua.

Công ty cũng có chính sách hỗ trợ giảm giá thuê 10-50% cho những khách hàng có hoạt động kinh doanh gặp khó khăn bởi dịch. Do vậy, doanh thu từ mảng này của công ty bị giảm nhiều. Ngoài ra, một số khách hàng gặp khó khăn đã trì hoãn thanh toán tiền thuê làm phát sinh nợ chậm thu hồi.

Với những khó khăn trên, trong năm 2020 công ty đạt hơn 456 tỷ đồng doanh thu, giảm 3% so với năm 2019 và 72 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 0,8% so với cùng kỳ; thực hiện được 70% kế hoạch doanh thu và vượt hơn 20% lợi nhuận năm.

Cổ đông HCC muốn công ty đẩy mạnh khai thác các BĐS tại Huế - Ảnh 1.

Cổ đông HCC muốn công ty đẩy mạnh khai thác các BĐS tại Huế - Ảnh 2.

Tăng tỷ trọng BĐS lên 40%

Giai đoạn 2016-2020, hoạt động xây lắp đóng góp nguồn thu chính cho Xây lắp Thừa Thiên Huế với hơn 200 tỷ đồng mỗi năm, kế đến là vật liệu xây dựng, dịch vụ KCN, BĐS và hoạt động tài chính. Song, những mảng chiếm tỷ trọng lớn trong lợi nhuận của công ty chủ yếu đến từ đầu tư vốn, kinh doanh BĐS và cung cấp dịch vụ KCN.

Tại đại hội, đại diện quỹ đầu tư AFC cho rằng công ty nên tập trung vào những đơn vị hoạt động hiệu quả như CTCP Frit Huế và thu hẹp dần những đơn vị hoạt động hiệu quả thấp như nhóm công ty Gạch Tuynen. 

Theo báo cáo của HĐQT, Frit Huế vẫn đạt hiệu quả cao với 991 tỷ đồng doanh thu và 91 tỷ đồng lợi nhuận trong năm ngoái, bất chấp khó khăn chung của thị trường trước COVID-19. 

Trong khi đó, một số cổ đông khác cho rằng công ty cần có đánh giá tổng thể về mảng bất động sản bởi các dự án của công ty hầu như triển khai rất chậm. Công ty cần tập trung hơn để khai thác hiệu quả quỹ đất hiện hữu và tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để phát triển quỹ đất. 

Theo HĐQT HCC, công ty sẽ tiếp tục tái cơ cấu các khoản đầu tư tại các công ty con và các công ty liên kết nhằm tối đa hiệu quả hoạt động trên vốn. 

Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, công ty sẽ thực hiện nghiên cứu thị trường và sản phẩm để đa dạng hoá hoạt động đầu tư. Công ty sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược có thương hiệu mạnh để hợp tác cùng đầu tư, ưu tiên hợp tác với các cổ đông của HCC. 

Định hướng của Xây lắp Thừa Thiên Huế đến năm 2025, BĐS sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong hoạt động kinh doanh (40%), còn lại chia đều cho mảng thi công xây lắp (30%) và hoạt động kinh doanh khác (30%).

Công ty sẽ tiếp tục thực hiện các dự án đã và đang triển khai gồm có: Khu nhà ở Tam Thai, Khu chung cư Đào Tấn, Khu dân cư khu vực 1, phường Thủy Dương; KCN Phú Bài giai đoạn 4. 

Ngoài ra, công ty sẽ nghiên cứu để đầu tư một số dự án như công viên địa đàng để làm khu nghĩa trang cho người dân TP Huế, đồng thời cùng với các đối tác tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án khác.

Phản hồi cổ đông việc chuyển nhượng KCN Phú Bài giai đoạn 4 (đợt 1), lãnh đạo Xây lắp Thừa Thiên Huế cho biết công ty đang giải quyết dứt điểm việc mua bán tài sản với Công ty Trung Quý Huế. 

Công ty đã nộp hồ sơ thiết kế cơ sở và đang cùng đơn vị tư vấn bổ sung hồ sơ thiết kiết các hạng mục công trình theo yêu cầu của Ban Quản lý các Khu kinh tế - công nghiệp. Theo dự kiến, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật sẽ được hoàn tất thiết kế và triển khai thi công trong quý II năm nay.

HĐQT thông tin thêm, đơn vị thành viên là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Hạ tầng KCN đang tham gia dự thầu một số công trình và tiếp cận các chủ đầu tư cho dự án mới trong năm 2021.

Cổ đông HCC muốn công ty đẩy mạnh khai thác các BĐS tại Huế - Ảnh 3.

Ngoài ra, công ty cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 250 tỷ đồng vào năm 2022 và tiếp tục tăng lên hơn 300 tỷ đồng vào năm 2025. Mục tiêu đến năm 2025, Xây lắp Thừa Thiên Huế đạt 1.200 tỷ đồng doanh thu và 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Riêng trong năm nay, các cổ đông đã thông qua kế hoạch doanh thu hợp nhất 550 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 60 tỷ đồng, tăng 21% về doanh thu và giảm 17% về lợi nhuận so với kết quả đạt được trong năm 2020. Với kế hoạch này, công ty dự kiến chia cổ tức tối thiếu 15% trên vốn điều lệ.

Trong quý đầu năm nay, công ty đạt gần 79 tỷ đồng doanh thu và gần 12 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 4% về doanh thu và giảm 2% về lợi nhuận so với cùng kỳ.

Bên cạnh những nội dung về hoạt động kinh doanh, đầu tư, các cổ đông cũng đã thông qua danh sách thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021-2025 với 5 thành viên, bao gồm: Ông Lê Quý Định, ông Đoàn Hữu Thuận, bà Nguyễn Thị Thanh Hường, ông Lê Tấn Phước và ông Trần Sĩ Chương.

Trong đó, ông Trần Sĩ Chương giữ vai trò thành viên HĐQT độc lập. Ông Chương từng là Chuyên viên cố vấn kinh tế Quốc hội Mỹ, Giám đốc điều hành công ty tư vấn Quốc tế James Riedel Associates và Cố vấn Tập đoàn Thương mại Nissho Iwai Janpan.

Hiện tại, ngoài HCC, ông Chương còn là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Chân Mây LNG, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Le & Associates, cố vấn tập đoàn xây dựng Hòa Bình,... 

CTCP Chân Mây LNG được biết đến là chủ đầu tư Nhà máy điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) có vốn đầu tư 6 tỷ USD, được đặt tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Thừa Thiên Huế.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Nguyên Ngọc