|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cơ cấu nguồn điện sẽ thay đổi thế nào sau năm 2030?

16:56 | 17/05/2023
Chia sẻ
Theo Quy hoạch phát triện điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch điện VIII), mới được Thủ tướng phê duyệt hôm 15/5, định hướng ngành điện lực Việt Nam sẽ tập trung mạnh vào năng lượng tái tạo.

Sẽ tập trung mạnh vào điện tái tạo

Theo dữ liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tỷ trọng công suất năng lượng tái tạo của Việt Nam năm 2022 chiếm 26,4% trong tổng nguồn cung điện, tương đương với 20.165 MW, tăng 16% so với năm 2021. Nhiệt điện than và thuỷ điện chiếm tỷ trọng lần lượt 32,5% và 29%. 

 Số liệu: EVN (H.Mĩ tổng hợp)

 

Theo quy hoạch điện VIII, tỷ trọng năng lượng tái tạo sẽ tăng mạnh từ nay đến năm 2030. Theo đó, dự kiến đến năm 2030, năng lượng tái tạo sẽ chiếm khoảng 30 - 39,2% năm 2030. Con số này sẽ tiếp tục được nâng lên tới 67,5 - 71,5% đến năm 2050. 

Việc tập trung điện tái tạo nhằm mục đích kiểm soát khí nhà kính từ sản xuất điện 204 - 254 triệu tấn trong năm 2030 và còn khoảng 27 - 31 triệu tấn năm 2050.

Ngoài ra, ngành điện sẽ phát triển các nguồn điện từ năng lượng tạo và sản xuất năng lượng mới phục vụ cho xuất khẩu, với mục tiêu năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt khoảng 5.000 - 10.000 MW. 

Theo đó, để thực hiện việc gia tăng tỷ trọng điện tái tạo, theo kế hoạch, ngành điện sẽ đẩy mạnh phát triển điện gió trên bờ và ngoài khơi, điện mặt trời phù hợp với khả năng hấp thụ của hệ thống, khả năng giải toả công suất của lưới điện, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo tự sản xuất tự tiêu.

Mục tiêu đến năm 2030, 50% các toà nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu bằng các chính sách đột phá. Ước tính công suất các nguồn điện loại hình này tăng thêm 2.600 MW từ nay đến năm 2030.  

Giai đoạn từ nay đến năm 2030, công suất điện gió vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu điện tái tạo với 19%, tiếp đến là điện mặt trời (8,5%) và điện sinh khối (1,5%).

Tuy nhiên, định hướng năm 2050, tỷ trọng này sẽ có sự chuyển dịch mạnh mẽ với khi điện mặt trời sẽ dẫn đầu với 34,4%, tiếp đến là điện gió (29,4%). Ngoài ra, trong cơ cấu cấu điện tái tạo sẽ có thêm nguồn điện mới sử dụng khí hydro (3,2%). Nguồn điện này chủ yếu đến từ việc chuyển đổi các nhà máy nhiệt điện khí và nhiệt điện LNG sang nguyên liệu hydro. 

 

  Số liệu: Quy hoạch điện VIII (H.Mĩ tổng hợp)

Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển không giới hạn công suất các nguồn điện từ năng lượng tái tạo phục vụ xuất khẩu, sản xuất năng lương mới (hydro, amoniac xanh,…), phấn đấu đến năm 2030, quy mô công suất xuất khẩu điện đạt 5.000 - 10.000 MW.

Các nhà máy nhiệt điện sẽ đi về đâu?

Quy hoạch điện VIII lần này cho thấy mục tiêu rõ ràng của ngành điện trong việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính để đáp ứng các yêu cầu và cam kết quốc tế. Do đó, các loại hình sản xuất điện gây ô nhiễm môi trường sẽ giảm mạnh, thậm chí là biến mất. 

Điển hình như nhiệt điện than, hiện chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu công suất điện của Việt Nam (32,5%), sẽ bị hạn chế từ nay đến năm 2030.

Theo đó, Chính phủ chỉ cho phép thực hiện tiếp các dự án đã có trong quy hoạch điện VII điều chỉnh và đang đầu tư xây dựng đến năm 2030. Định hướng trong tương lai là chuyển đổi nhiên liệu sang sinh khối và amoniac với các nhà máy đã vận hành 20 năm khi giá thành phù hợp. Các nhà máy có tuổi thọ trên 40 năm sẽ phải dừng hoạt động nếu không thể chuyển đổi nhiên liệu.

Năm 2030, tổng công suất các nhà máy đang vận hành và các dự án đang triển khai xây dựng, khả năng sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành khoảng 30.127 MW, tương đương tỷ trọng 20%, giảm 12,5 điểm phần trăm so với năm 2022.

 

  Số liệu: Quy hoạch điện VIII (H.Mĩ tổng hợp)

 

   Số liệu: Quy hoạch điện VIII (H.Mĩ tổng hợp)

6 dự án với tổng công suất là 6.125 MW đang xây dựng sẽ được thúc đẩy hoàn thành bao gồm Na Dương II, An Khánh - Bắc Giang, Vũng Áng II, Quảng Trạch I, Vân Phong I, Long Phú I. Tuy nhiên, có 11 dự án với tổng công suất 13.220 MW sẽ bị dừng triển khai. 

Định hướng đến năm 2050, không còn sử dụng điện than mà chuyển hoàn toàn sang nhiên liệu sinh khối và amoniac, tổng công suất 25.632 - 32.432 MW. 

Với nhiệt điện khí, các nhà máy sẽ ưu tiên sử dụng nguồn cung trong nước. Trong trường hợp sản lượng khí nội địa suy giảm, các nhà máy sẽ bổ sung bằng khí thiên nhiên hoặc LNG. 

Do đó, ngành sẽ phát triển các dự án sử dụng LNG và hạ tầng nhập khẩu LNG đồng bộ với quy mô phù hợp. Bên cạnh đó, ngành thực hiện lộ trình chuyển đổi nhiên liệu sang hydro khi công nghệ được thương mại hoá và giá thành phù hợp. 

Năm 2030, tổng công suất các nhà máy sử dụng khí trong nước đạt 14.930 MW. Đến năm 2050, khoảng 7.900 MW tiếp tục sử dụng khí trong nước hoặc LNG, còn lại khoảng 7.030 MW dự kiến chuyển đổi sang sử dụng hydro hoàn toàn. 

Với nhiệt điện LNG, định hướng của ngành là hạn chế phát triển sử dụng nguồn điện sử dụng LNG nếu có phương án thay thể để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, giãn tiến độ dự án LNG Long Sơn (1.500 MW).

Đến năm 2030, tổng công suất các nguồn điện LNG tối đa đạt 22.400 MW và năm 2050, các nhà máy chuyển dần sang sử dụng hydro, tổng công suất 25.400 MW. 

Tiếp tục thực hiện các dự án kho, cảng nhập khẩu LNG tại Thị Vải (cung cấp khí cho Nhơn Trạch III, IV và bổ sung khí cho các nhà máy khu vực Đông Nam Bộ), Sơn Mỹ (cung cấp khí cho Sơn Mỹ I, II). 

Những thách thức cần được giải quyết 

Việc chú trọng vào phát triển năng lượng tái tạo được xem là bước đi hợp thời của ngành điện Việt Nam, khi thế giới đang có xu hướng "xanh hoá" nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành điện sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề trong tương lai.

Một số ý kiến tỏ ra lo ngại về tính ổn định của điện tái tạo chưa cao, phải phụ thuộc vào thời tiết.

TS. Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh cho biết Việt Nam đã có hơn 20.000 MW điện gió, điện mặt trời, tuy nhiên con số thống kê sản lượng điện năng lượng tái tạo thực phát lại không cao do các nguồn điện này không ổn định, phụ thuộc vào thời tiết.

TS. Hà Đăng Sơn dẫn chứng về điện mặt trời có thời gian phát điện 6h-18h, đỉnh điểm nằm trong giai đoạn 9h – 13h, điều này không phù hợp với đặc thù tiêu thụ điện của các hộ tiêu thụ thông thường.

Trong khi đó, điện gió phụ thuộc vào đặc thù từng khu vực mà dự án được xây dựng. Hiện nay, năng lực phát điện của nguồn này giai đoạn tháng 4, tháng 5 chỉ đạt khoảng 10 - 20% công suất. 

“Mặc dù công suất lắp đặt cao nhưng sản lượng cung ứng thực tế của các nguồn điện gió, điện mặt trời rất hạn chế và rất khó để dựa vào nguồn điện này để đáp ứng nhu cầu tăng cao mùa nắng nóng", Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh nói.

Trao đổi bên lề cuộc họp báo diễn ra hồi đầu tháng 5, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết điện gió còn tồn tại một số điểm không phù hợp với nhu cầu. Khi vào mùa cao điểm, mùa khô như hiện nay, khả năng phát điện của điện gió là thấp nhất, chỉ trông chờ vào mặt trời. Thời điểm gió tốt nhất là từ tháng 11 năm nay đến tháng 3 năm sau nhưng đó không phải là thời gian cao điểm. 

"Chúng tôi đang nâng cao năng lực dự báo liên quan đến khí tượng, thuỷ văn. Đây là vấn đề liên quan đến sự sống còn của tập đoàn. Thông qua Tổng Cục Khí tượng Thuỷ văn, chúng tôi mua số liệu của nước ngoài để có dự báo sát với thực tế nhất về khả năng phát điện của hệ thống điện mặt trời và điện gió", ông Lâm nói.

 Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) (Ảnh: H.Mĩ)

Theo ông Ngô Tuấn Kiệt, Viện trưởng Viện Công nghệ Năng lượng quy hoạch điện VIII đã tính đến phát triển nguồn điện linh hoạt như điện khí, hệ thống thuỷ điện tích năng, pin tích trữ, bù vào sự bất ổn định của năng lượng tái tạo. Tuỳ vào tình hình thực hiện quy hoạch, Bộ Công Thương sẽ có tính toán để phát triển hệ thống điện vừa đáp ứng nhu cầu lại có giá cả hợp lý nhất.

Theo quy hoạch điện VIII, nguồn điện lưu trữ đến năm 2023 được huy động từ thuỷ điện tích năng khoảng 2.400 MW để điều hoà phụ tải, dự phòng công suất và hỗ trợ trợ tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo quy mô lớn. 

Pin lưu trữ được phát triển khi có giá thành hợp lý, bố trí phân tán gần trung tâm nguồn điện gió, điện mặt trời hoặc các trung tâm phụ tải. Đến năm 2030 dự kiến công suất đạt khoảng 300 MW. 

Định hướng đến năm 2050, công suất thuỷ điện tích năng và pin lưu trữ đạt 30.650 - 45.550 MW để phù hợp với tỷ trọng của năng lượng tái tạo. 

TS. Hà Đăng Sơn kỳ vọng quy hoạch điện VIII sẽ là căn cứ triển khai các dự án kết hợp điện năng lượng tái tạo với nguồn truyền thống như điện than, điện khí, giải bài toán cơ cấu về nguồn điện.

Ngoài ra, quy hoạch này cũng là căn cứ pháp lý để triển khai loạt dự án đầu tư mở rộng dự án truyền tải điện, là cơ sở để để EVN giải quyết các khó khăn về giá, chính sách nhằm giải tỏa công suất các dự án điện mặt trời, điện gió đang gặp khó và phát triển điện mặt trời mái nhà.

Một mục tiêu quan trọng được TS. Hà Đăng Sơn nhắc đến là Quy hoạch điện VIII hướng đến 2030, 50% mái nhà công sở, hộ gia đình trên cả nước sẽ được phủ kín bằng các tấm pin mặt trời, đáp ứng nhu cầu điện tự dùng. 

 

Một thách thức khác được đặt ra là khi đẩy nhanh năng lượng tái tạo cần có giải pháp nâng cao tính ổn định của hệ thống, tạo ra hệ thống thông minh để hấp thụ nguồn năng lượng tái tạo khi có quy mô lớn.  

Ngoài ra, quy hoạch điện VIII đề ra những mục tiêu tăng trưởng cao qua các năm do đó đòi hỏi nguồn vốn lớn. Lâu nay vốn đầu tư luôn là bài toán khó với ngành điện. Huy động vốn đầu tư là một trong những giải pháp cần xử lý, tránh tình trạng thiếu tiền, thiếu vốn làm chậm tiến độ trong quy hoạch. 

“Các chủ đầu tư phải chứng minh được năng lực tài chính khi tham gia các dự án năng lượng tái tạo nếu mà tay không bắt giặc thì không nên phát triển”, ông Kiệt nói. 

H.Mĩ