|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán châu Á năm 2024: Đài Loan chiếm ngôi vương, Việt Nam trong nhóm có thành tích cao nhất

11:00 | 25/12/2024
Chia sẻ
Chứng khoán châu Á đã có một năm 2024 tốt đẹp khi hầu hết các thị trường lớn đều kết thúc năm với kết quả tích cực, bao gồm cả chỉ số VN-Index của Việt Nam.

Bên ngoài sàn giao dịch chứng khoán Tokyo. (Ảnh: AP).

Những thị trường có thành tích cao nhất

Chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương đã có một năm 2024 tốt đẹp khi hầu hết các thị trường lớn đều kết thúc năm với kết quả tích cực.

Động lực chính của thị trường là xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương và sự thăng hoa của nhóm cổ phiếu công nghệ nhờ cơn sốt trí tuệ nhân tạo (AI).

Theo ông Mike Shiao, CIO khu vực châu Á không bao gồm thị trường Nhật Bản của Invesco, các nền kinh tế trong khu vực đã khống chế lạm phát nhanh hơn phần còn lại của thế giới, mở đường cho việc nới lỏng tiền tệ.

“Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu hạ lãi suất, các quốc gia châu Á sẽ có thêm dư địa để cắt giảm chi phí đi vay vào năm 2025”, ông viết trong một lưu ý. Chính sách tiền tệ nới lỏng thường giúp ích cho cổ phiếu.

Tính đến ngày 23/12, chỉ số Taiex của đảo Đài Loan đang dẫn đầu mức tăng trong khu vực khi đi lên hơn 28,8% kể từ đầu năm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong đứng thứ hai với mức tăng 16,6%.

Mối quan tâm của nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ và các cổ phiếu liên quan đã giúp Taiex bay cao. Ông lớn ngành bán dẫn Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC) phi mã 82,1% trong năm nay và nhà cung cấp chính của Apple là Foxconn nhảy vọt hơn 77,5%.

Theo sau Taiex và Hang Seng là hai chỉ số Straits Times của Singapore và Nikkei 225 của Nhật Bản với mức tăng lần lượt là 15,8% và 16,6%.

Chứng khoán Việt Nam cũng nằm trong nhóm đạt thành tích cao khi VN-Index tăng 11,7% từ đầu năm, xếp trên Kuala Lumpur Composite của Malaysia, Nifty 50 và BSE Sensex của Ấn Độ và ASX 200 của Australia.

Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng DBS dự đoán trong khi nhu cầu về trung tâm dữ liệu và máy chủ AI có thể giảm nhiệt vào năm 2025 sau khi tăng mạnh trong năm 2024, nhu cầu cho điện thoại di động, PC và các thiết bị điện tử tiêu dùng hỗ trợ AI có thể khởi sắc.

DBS lưu ý rằng ngành bán dẫn toàn cầu thường trải qua chu kỳ mở rộng kéo dài khoảng 30 tháng. Chu kỳ hiện tại bắt đầu vào tháng 9/2023 và có khả năng kéo dài đến hết năm 2025.

 

Thị trường giao dịch kém nhất

Mặc dù cổ phiếu công nghiệp đã giúp nâng đỡ thị trường chứng khoán Đài Loan, kỳ tích tương tự không xảy ra tại Hàn Quốc. Theo tính toán của CNBC, Hàn Quốc là thị trường lớn duy nhất kết thúc năm ở mức tiêu cực.

Chương trình gia tăng giá trị doanh nghiệp của Seoul dường như không thể thúc đẩy giá cổ phiếu và nỗi lo về thuế quan cũng như bất ổn chính trị đã đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

Tính đến ngày 23/12, chỉ số Kospi của Hàn Quốc đã mất hơn 8%, khiến nơi đây trở thành thị trường châu Á có thành tích giao dịch kém nhất.

Ông Paul Kim, Giám đốc bộ phận phân tích cổ phiếu của Eastspring Investments, cho biết triển vọng của các nền kinh tế lớn - đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc - sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế thiên về xuất khẩu của Hàn Quốc.

“Các nhà xuất khẩu lớn trong những lĩnh vực như phần cứng và sản xuất ô tô có thể đối mặt với nhiều thách thức”, vị giám đốc nhấn mạnh.

Giám đốc Lorraine Tan của Morningstar lưu ý rằng việc luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol chắc chắn sẽ gây áp lực lên nhà đầu tư. “Quá trình thay đổi lãnh đạo càng kéo dài thì khả năng nhà đầu tư bị gạt ra ngoài thị trường càng cao”, bà cảnh báo.

 

Triển vọng năm 2025

Hai chủ đề chính sẽ choáng lấy tâm trí nhà đầu tư vào năm tới là nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Donald Trump và tình hình kinh tế của Trung Quốc, theo ông George Maris, CIO tại Principal Asset Management.

Ở một phân tích khác, Nomura cũng nhận định các chính sách sắp tới của chính quyền ông Trump có thể sẽ quyết định triển vọng tăng trưởng và lạm phát năm 2025 tại châu Á.

“Chúng tôi dự kiến thuế quan sẽ tăng vào đầu năm tới, dẫn đến lạm phát cao hơn và tăng trưởng đầu tư chững lại”, nhóm chuyên gia của Nomura cho hay.

Cụ thể, thuế quan và các rào cản thương mại mà Mỹ dựng lên sẽ khiến hoạt động xuất khẩu của châu Á yếu đi. Bất ổn gia tăng và khả năng trả đũa qua lại có thể làm chậm trễ hoạt động đầu tư kinh doanh trong khu vực.

Nomura dự báo các nền kinh tế châu Á sẽ phải cố gắng xoay xở khi các điều kiện tài chính toàn cầu trở nên thắt chặt hơn vào năm 2025 do lãi suất tại Mỹ tăng cao và đồng USD mạnh lên.

Trong cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2024, các quan chức Fed báo hiệu rằng họ sẽ thực hiện ít đợt giảm lãi suất hơn trong năm tới, đồng thời nâng dự báo lạm phát lên.

 

Sức khoẻ của nền kinh tế Trung Quốc cũng sẽ là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư châu Á. Theo ông Maris của Principal Asset Management, các nhà đầu tư đang hy vọng Bắc Kinh sẽ đưa ra cam kết mạnh mẽ hơn đối với vấn đề tăng trưởng.

Trong năm 2024, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã phá vỡ chuỗi giảm ba năm liên tiếp khi chỉ số CSI 300 tăng 14,6%. Sự phục hồi của cổ phiếu Trung Quốc đến từ việc Bắc Kinh đã bắt đầu tập trung củng cố nền kinh tế.

Các nhà phân tích của Nomura dự đoán Trung Quốc sẽ bơm thêm kích thích kinh tế, nhưng lưu ý Bắc Kinh cần ổn định thị trường bất động sản, sửa chữa hệ thống tài chính, tăng cường phúc lợi xã hội và giảm bớt căng thẳng địa chính trị để “phục hồi bền vững”.

“Đây là một nhiệm vụ khó khăn vào thời điểm xuất khẩu - động lực tăng trưởng lớn nhất trong năm 2024 - có thể gặp lực cản khi ông Trump trở lại.

Mặc dù Bắc Kinh dự kiến sẽ duy trì mục tiêu tăng trưởng GDP ‘khoảng 5%’, chúng tôi cho rằng tăng trưởng sẽ chững lại từ mức 4,8% năm 2024 xuống 4% vào năm 2025”, Nomura cho hay.

Ông Maris nhìn thấy cơ hội ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ông có niềm tin vào những công ty đang tập trung vào người tiêu dùng Trung Quốc.

Vị CIO cho biết những công ty này thường giao dịch ở mức định giá hấp dẫn nhưng nếu chính phủ Trung Quốc tăng cường kích thích, họ có thể hưởng lợi khi nhu cầu cải thiện.

 

Yên Khê