Chủ tịch Thế Giới Di Động lương vài nghìn USD/tháng nhưng mỗi năm bỏ túi chục tỷ đồng tiền cổ tức
Ông Nguyễn Đức Tài có thể nhận thù lao gần 50 triệu đồng/tháng
Năm 2020, hai thành viên HĐQT không điều hành đã được trả 2,14 tỷ đồng tiền thù lao, tức mỗi người nhận được 1,07 tỷ đồng/năm (gần 89 triệu đồng/tháng).
Sang năm 2021, số thành viên không điều hành của MWG đã tăng lên 4 người bao gồm ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT MWG.
Với tổng thù lao đề xuất là 2,35 tỷ đồng, mỗi thành viên không điều hành sẽ nhận được 587 triệu đồng/năm, tức ông Nguyễn Đức Tài sẽ nhận khoảng 49 triệu đồng/tháng trong năm nay.
Nhận định "đỉnh cao" của đi làm là vì niềm vui, số tiền đi từ thiện còn nhiều hơn lương thưởng
Tại ĐHĐCĐ của MWG diễn ra tuần trước, ông Tài cho biết mình đang sở hữu tổng cộng hơn 15% cổ phần tại công ty (cá nhân, người thân và công ty của ông Tài). Người đứng đầu MWG cũng tiết lộ, số tiền ông đi từ thiện còn nhiều hơn mức lương thưởng vài nghìn USD mỗi tháng của ông.
Vị Chủ tịch HĐQT MWG cũng trải lòng với cổ đông, điều tuyệt vời nhất là làm được công việc mà mình yêu thích và được trả tiền. Lúc đầu sẽ làm vì tiền, sau đó là làm vì tiền và vì niềm vui. Đến một lúc nào đó, khi bước qua giai đoạn này thì bạn chỉ đi làm vì niềm vui, đó cũng là lúc bạn có động lực lớn nhất. "Mơ ước của tôi là trong 5 - 7 năm tới sẽ lấy lại ngành bán lẻ về tay người Việt Nam", người đứng đầu MWG nói.
Còn ông Đoàn Văn Hiểu Em, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (CEO) bày tỏ: "Đối với tôi, làm việc ở MWG có cả niềm vui và thu nhập vì làm được công việc yêu thích và toàn quyền quyết định trong phạm vi cá nhân để tạo ra kết quả".
Ông Đoàn Văn Hiểu Em thành thật nói rằng "mức lương thưởng tại MWG bằng hoặc thậm chí thấp hơn thị trường một chút đó nhưng do đi chung trên một con thuyền và kết quả thu được sẽ được chia sẻ bằng chính sách ESOP nên chúng tôi cảm thấy rất thú vị hơn với công việc mình đang làm". Vị Tổng Giám đốc MWG cho rằng mức lương thưởng đó (bao gồm cả ESOP) đó xứng đáng với chất xám mà mình đang đầu tư.
Theo thống kê với nhiều công ty lớn khác, ông Danny Le, CEO của CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) nhận lương khoảng 9,53 tỷ đồng/năm tức 794 triệu đồng/tháng.
Hay CTCP FPT (Mã: FPT) trả cho ông Nguyễn Văn Khoa ở vị trí CEO mức lương 3,52 tỷ đồng (khoảng 293 triệu đồng/tháng) trong năm 2020. Trường hợp của CTCP Vinhomes, bình quân mỗi người trong HĐQT được nhận 1,21 tỷ đồng/năm hay 101 triệu đồng/tháng.
Thu nhập chính của ban lãnh đạo đến từ cổ tức tiền mặt và ESOP
Thực tế, mức thù lao không hấp dẫn như thị trường nhưng các lãnh đạo của MWG lại được hưởng chính sách ESOP và cổ tức tiền mặt trung bình 1.500 đồng/cp đều đặn qua các năm.
Tương tự chính sách ESOP như những năm trước, năm 2021 này MWG sẽ phát hành cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp cho ban lãnh đạo và nhân viên chủ chốt. Số lượng phát hành tối đa 21,5 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ tối đa là 3% số cổ phiếu đang lưu hành.
Tạm tính theo giá chốt phiên ngày 17/5 của MWG là 141.500 đồng/cp, thì mức giá phát hành ESOP chỉ bằng 7% thị giá. Tuy nhiên số cổ phiếu ESOP này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 4 năm và kèm điều kiện.
Mặt khác, cổ tức tiền mặt được giữ đều đặn 1.500 đồng/cp qua các năm (2016 - 2019) cũng là chính sách có giá trị đối với ban lãnh đạo nói chung cũng như nhân viên nói riêng của MWG.
Vừa qua cổ đông cũng đã thông qua chính sách cổ tức 1.500 đồng/cp cho năm 2020. Tạm tính theo số cổ phần sở hữu tính đến cuối năm 2020, tổng số tiền mà các thành viên HĐQT của MWG sẽ nhận được sẽ hơn 42 tỷ đồng.
Như vậy, nếu tính cả số tiền nhận từ cổ tức tiền mặt và cổ phiếu ESOP thì mức thù lao mà các vị lãnh đạo của MWG không hề thua kém gì so với các công ty khác trên thị trường, thậm chí có thể cao hơn nhiều.