|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Techcombank, VPBank, VIB,... các ngân hàng đang cấp bao nhiêu vốn cho bất động sản?

08:34 | 03/04/2022
Chia sẻ
Tín dụng bất động sản vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh tại nhiều ngân hàng trong năm 2021. Song gần đây, một số nhà băng đã tạm dừng việc giải ngân các khoản vay ở lĩnh vực này trong ngắn hạn.

Ngân hàng đổ mạnh vốn vào bất động sản

Mặc dù được kiểm soát chặt trong nhiều năm trở lại đây nhưng tín dụng bất động sản vẫn tăng trưởng qua các năm. Số liệu từ NHNN cho biếtTrong năm 2021, tín dụng vào bất động sản vẫn tăng 12% so với năm trước, trong đó cho vay mua nhà, sửa nhà, chữa nhà tăng khoảng 15 - 16% còn cho vay kinh doanh BĐS tăng khoảng 6 - 7%. 

Theo khảo sát của chúng tôi tại 18 ngân hàng, tính đến cuối tháng 12/2021, dư nợ cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản tăng 18% so với đầu năm, đạt gần 386.000 tỷ đồng

 

 Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Tại Techcombank, một trong những nhà băng có tỷ trọng cho vay bất động sản lớn, dư nợ cho vay doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng trong năm 2021 đạt gần 128.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước và chiếm đến 69% tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp của ngân hàng.  

Song dư nợ cho vay bất động sản của Techcombank có thể lên tới 74% tổng dư nợ nếu tính cả các khoản vay cá nhân mua nhà. Tính đến 31/12, cho vay mua nhà của ngân hàng (chiếm 78% cơ cấu cho vay cá nhân) đạt hơn 126.000 tỷ đồng, chiếm 36% tổng dư nợ của ngân hàng. 

Nguồn: Techcombank.

Theo báo cáo của Chứng khoán rồng Việt (VDSC), Techcombank sở hữu danh mục cho vay liên quan đến bất động sản lớn, với tổng dư nợ cho vay mua nhà và doanh nghiệp chuỗi nhà ở (ReCoM) duy trì quanh mức 73% kể từ cuối quý I/2020 khi dịch vừa bùng phát.

Trong đó, nhu cầu tín dụng của nhóm doanh nghiệp đang tốt hơn nhóm khách hàng cá nhân vay mua nhà, chủ yếu là vay mua đầu tư. Dư nợ mảng hàng tiêu dùng nhanh, bán lẻ và dịch vụ hậu cần (logistics) cũng ổn định quanh mức 10% tổng dư nợ.

Do đó, dư nợ nhóm này kỳ vọng sẽ là một trong những động lực tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025, tập trung phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ nhờ cách tiếp cận theo chuỗi giá trị. 

Về mức độ phơi nhiễm rủi ro đối với mảng bất động sản, ngân hàng vẫn đảm bảo tính ổn định của nhu cầu thực, kiểm soát rủi ro thanh khoản và khả năng tăng trưởng dư nợ.

Cụ thể hơn, đối với khách hàng doanh nghiệp, Techcombank tập trung cho vay giai đoạn xây dựng và bán hàng, thay vì giai đoạn đất nền. Hệ số rủi ro bình quân theo Basel II đối với danh mục cho vay bất động sản (bao gồm kinh doanh BĐS và vay mua nhà) duy trì quanh mức 95-100%. Tỷ lệ nợ xấu cho vay mua nhà cũng được duy trì ổn định dưới 1% kể từ 2018.

 Nguồn: VIB.

Bên cạnh Techcombank, VIB cũng là một trong những ngân hàng tư nhân đẩy mạnh cho vay bất động sản trong năm 2021. Dư nợ cho vay lĩnh vực này của ngân hàng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 85.000 tỷ đồng, chiếm 42% tổng dư nợ của ngân hàng.

Co thể thấy, hai mảng kinh doanh chính của VIB là cho vay bất động sản và mua ô tô. Với 87% tỷ trọng là cho vay bán lẻ,  các khoản cho vay bất động sản tại VIB tập trung chủ yếu vào cho vay cá nhân mua nhà.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022 ngày 16/3, lãnh đạo VIB cho biết với cho vay bất động sản, ngân hàng hạn chế tối đa số lượng cho vay dự án, chủ yếu  cho vay người tiêu dùng.

Khi cấp tín dụng cho khách hàng vay, VIB ký tài trợ 3 bên giữa ngân hàng, chủ đầu tư và khách hàng. Những dự án bất động sản mà ngân hàng tham gia tài trợ cũng được lựa chọn như Phú Mỹ Hưng, không cho vay những dự án ở những tỉnh thành có độ rủi ro cao.

Trong những năm tới, lãnh đạo ngân hàng cho vay có tài sản bảo đảm là bất động sản vẫn sẽ là sản phẩm chủ đạo trong hoạt động ngân hàng bán lẻ của VIB. Ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng trung bình hơn 20% trong giai đoạn 5 năm tiếp theo 2022-2026, tùy thuộc vào room tín dụng được cấp bởi Ngân hàng Nhà nước. 

Không chỉ riêng hai ngân hàng trên, một ngân hàng cổ phần có giá trị cho vay lớn là VPBank cũng ghi nhận dư nợ kinh doanh bất động sản tăng 15% so với năm 2021, đạt hơn 42.500 tỷ đồng (chiếm gần 12% tổng dư nợ). Trong khi đó, cho vay cá nhân mua nhà tăng gần 50% đạt hơn 54.000 tỷ đồng, cao hơn so với mức tăng 27% của tổng dư nợ cho vay khách hàng 

Cả năm 2021, tín dụng của ngân hàng mẹ VPBank tăng 20,2% so với cùng kỳ, tập trung vào bán lẻ và SME. Tín dụng của FE  Credit tăng 14,2% so với cùng kỳ và phục hồi mạnh 21% trong quý IV. 

Ngoài ra, theo số liệu báo cáo tài chính năm 2021, số dư cho vay kinh doanh bất động sản tại một số ngân hàng tăng trưởng tới ba chữ số như Nam A Bank (136%) và Bac A Bank (128%). Nhiều ngân hàng khác như MSB, HDBank, MB, OCB,... cũng ghi nhận dư nợ cho vay tăng mạnh trong năm.

Chỉ có duy nhất hai nhà băng có dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản giảm là SeABank và PG Bank. Trong đó, dư nợ cho vay bất động sản tại PG Bank giảm mạnh nhất 10% xuống còn 1.424 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng có động thái siết tín dụng bất động sản

Một số ngân hàng mới đây đã đã ra thông báo tạm dừng cấp tín dụng, giải ngân đối với mảng cho vay bất động sản.

Cụ thể, Sacombank đã ban hành công văn trên toàn hệ thống cho biết cần tập trung tín dụng vào một số lĩnh vực sản xuất, ưu tiên nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao và các ngành thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng gia tăng cao như xất khẩu, dịch vụ, logictics…

Đặc biệt, ngân hàng sẽ không cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản ngoại trừ cho vay cán bộ nhân viên và người thân mua/xây/sửa bất động sản để ở cho đến hết tháng 6.

Trong khi đó Techcombank - ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản cao nhất nhóm khảo sát cũng cho biết sẽ tạm dừng việc giải ngân các khoản vay mua bất động sản cho đến hết quý I, việc giải ngân sẽ tiếp tục thực hiện khi sang quý II/2022, theo Báo Giao thông.

Cả hai nhà băng cho biết động thái này nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng.

Liên quan đến vấn đề này, tại talkshow "Bí mật đồng tiền" số 14, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư Chứng khoán SSI, Chuyên gia Phạm Lưu Hưng cho biết những nội dung liên quan đến việc hạn chế tín dụng vào các ngành rủi ro như bất động sản, BT, BOT, chứng khoán,... đã có sẵn trong Chỉ thị 01 hàng năm của NHNN. 

Theo quan điểm riêng của ông Hưng, những thông tin mới sẽ không khác nhiều so với quy định tại chỉ thị nêu trên. Do đó, dòng tín dụng đi vào những ngành nghề có rủi ro vẫn được hạn chế trong nhiều năm nay chứ không chỉ riêng giai đoạn này.

Về ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng, ông Hưng cho biết chưa có đánh giá cụ thể, tuy nhiên, các ngân hàng nên đánh giá lại lượng tài sản đảm bảo mà các doanh nghiệp thế chấp tại ngân hàng đang ở tình trạng nào, tỷ lệ so với khoản vay ra sao?

Nếu tài sản đảm bảo đủ tốt, chuyên gia cho rằng các ngân hàng sẽ chịu ảnh khá ít dù doanh nghiệp xảy ra chuyện gì, chưa kể tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại các ngân hàng trong giai đoạn gần đây rất cao, phần lớn là trên hai lần. Do đó, ảnh hưởng ở đây là khá hạn chế. 

Nhìn chung, triển vọng của nhóm ngành ngân hàng trong tương lai có nhiều tín hiệu tích cực, đặc biệt là khi trải nghiệm và tâm lý của nhà đầu tư hiện nay đã hoàn toàn khác, khó có thể tạo ra những cú rung lắc mạnh.

Chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực dự báo tín dụng bất động sản sẽ tăng trưởng  từ 9 - 10% trong năm 2022.

 Nguồn: Phương Nga tổng hợp.

Phương Nga