|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chiến lược đầu tư cuối năm khi cổ phiếu triển vọng 2024 được nhận định đắt và rủi ro

10:30 | 01/12/2023
Chia sẻ
Sau 3 tháng đầy biến động, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hướng đến tháng cuối năm với dự báo hướng giằng co trong xu hướng hồi phục.

Những thông tin chú ý trong tháng cuối năm 2023

Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), các yếu tố thông tin trong nước và trên thế giới, phần nhiều mang chiều hướng tiêu cực, đã khiến TTCK Việt Nam biến động trồi sụt với xu hướng giảm là chủ đạo trong khoảng 3 tháng trở lại đây.

Trong tháng 12, ông Đức Anh chỉ ra 2 yếu tố nhà đầu tư cần lưu tâm nhất là kỳ họp chính sách của Fed diễn ra vào ngày 13/12 và thông tin về việc go live (đưa vào vận hành) hệ thống giao dịch KRX.

Với yếu tố đầu tiên, kỳ họp cuối cùng của Fed trong năm sẽ phát đi tín hiệu rõ ràng hơn về chính sách điều hành của cơ quan này, thời điểm lãi suất giảm trở lại và chính thức kết thúc giai đoạn thắt chặt chính sách tiền tệ kéo dài từ đầu năm 2022 đã đẩy lãi suất này lên mức cao kỷ lục trong nhiều thập kỷ.

Với diễn biến hạ nhiệt của lạm phát cũng như thị trường việc làm ở Mỹ, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất vào khoảng giữa quý II/2024, thay vì thời điểm quý III như cách đây 2 tháng. Theo đó, chỉ số DXY đã suy yếu, giúp giải tỏa áp lực tỷ giá trong nước. Trong kịch bản Fed tiếp tục phát đi các tín hiệu ôn hòa hơn trong kỳ họp tháng 12, xu hướng thuận lợi này sẽ còn tiếp diễn.

Nhìn xa hơn, việc Fed đảo chiều chính sách tiền tệ sớm trong năm 2024 có thể tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua gia tăng dự trữ ngoại hối trong năm sau. Đây là yếu tố tích cực đối với TTCK xét trên góc độ điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Với yếu tố go live hệ thống giao dịch KRX, đây là yếu tố được thị trường chờ đợi từ lâu và kỳ vọng sẽ gỡ bỏ một số nút thắt về hạ tầng, công nghệ, thanh toán, qua đó giúp rút ngắn thời gian được xem xét nâng hạng thị trường của TTCK Việt Nam. Thống kê các thị trường được nâng hạng trước đây cho thấy các phản ứng tích cực thường đến trước khi các thị trường lọt vào danh sách xem xét nâng hạng từ 1-2 năm.

Vì vậy đây có thể là cú huých mới cho nhịp tăng của thị trường. Ngoài ra, việc rút ngắn thời gian giao dịch, hay cho phép mua/bán chứng khoán trong ngày cũng kỳ vọng sẽ giúp thị trường giao dịch sôi động hơn, mang lại lợi ích cho các CTCK.

Ngoài hai yếu tố trên, một số thông tin đáng chú ý khác nhà đầu tư cần quan tâm như các số liệu hé lộ về mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV cũng như cả năm 2023, số liệu vĩ mô trong nước, việc điều tra mở rộng vụ án Vạn Thịnh Phát (nếu có), rủi ro từ thị trường bất động sản Trung Quốc, xung đột dải Gaza lan rộng…

ÔngBùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM, Chứng khoán DSC. Ảnh: Chí Kiên.

Bàn về yếu tố thông tin, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của Chứng khoán DSC cho biết đối với diễn biến thế giới, tình hình có vẻ "khá ổn" với sự phục hồi của TTCK thế giới và quan điểm bớt cứng rắn từ các ngân hàng trung ương.

“Có thể nói, nếu không có biến cố bất ngờ nào, những gì hiện tại có thể thấy các yếu tố bên ngoài đang ủng hộ. Tuy nhiên cần lưu ý nhỏ là đang có sự phân hóa nhẹ giữa các thị trường, thị trường Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á có diễn biến tệ hơn so với phần còn lại.

Trong nước môi trường chính sách tiền tệ, tài khóa đang theo hướng ủng hộ. Điểm vướng mắc có thể liệt kê lúc này là vấn đề nợ xấu ngân hàng và trái phiếu, đặc biệt với nhóm bất động sản. Cùng với đó những tranh luận về định giá thị trường liệu có còn rẻ sau mùa kết quả kinh doanh quý III. Giá vàng ít nhiều cho thấy dấu hiệu bất ổn. Điều đó khiến dòng tiền tương đối dè dặt. Có lẽ tâm điểm về mặt tiêu cực cần quan sát là động thái của các ngân hàng trong việc trích lập nợ xấu và các nhóm lớn trái phiếu đến hạn sẽ xử lý ra sao”, ông Huy nhận định.

Tổng hợp một số thông tin đáng chú ý trong tháng 12. Nguồn: Ông Bùi Văn Huy cung cấp.

Kịch bản thị trường tháng 12 khi định giá không còn hấp dẫn ngắn hạn

Về phần định giá thị trường, theo ông Trần Đức Anh, mức P/E của VN-Index khoảng 15,5 lần như hiện tại chỉ thấp hơn so với mức bình quân 2 năm trở lại và không phải quá hấp dẫn.

“Dù vậy, trên cơ sở mặt bằng lãi suất huy động đã xuống thấp kỷ lục, kỳ vọng nền kinh tế cũng như lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ cho thấy xu hướng hồi phục rõ nét trong quý IV năm nay cũng như cả năm 2024, tôi cho rằng định giá thị trường đã nằm ở vùng hấp dẫn để nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu cho mục tiêu trung hạn. Đối với biến động thị trường trong tháng 12, tôi nghiêng về kịch bản giằng co với xu hướng hồi phục là chủ đạo khi nhiều yếu tố thông tin trái chiều vẫn có thể tác động lên tâm lý nhà đầu tư”, giám đốc KBSV nhận định.

Còn theo ông Huy, nếu đi qua thêm được "khúc cua" cuối cùng là nợ xấu và trái phiếu, triển vọng và cơ hội của TTCK sẽ sáng cửa, do đó 2024 là năm của nhiều cơ hội hơn.

“Thị trường ảm đạm cũng là lúc xuất hiện nhiều cơ hội dài hạn nhất. Chúng ta cần tiếp cận với thái độ lạc quan, nhưng cần tỉnh táo. Điều cần làm ở vùng ảm đạm là chắt lọc các doanh nghiệp tốt, định giá hấp dẫn và có sức chống chịu qua bất kỳ biến cố bất ngờ nào, kể cả rủi ro mang tính hệ thống nếu xuất hiện.

Một điểm cần đặc biệt lưu ý là mức định giá. Có thể định giá thị trường vẫn ở vùng hợp lý, nhưng nhiều cổ phiếu đang hút tiền đã đắt và không còn dư địa, thậm chí là rủi ro. Tất nhiên, cùng với đó là rất nhiều cơ hội đầu tư tốt đang bị lãng quên và có thể tìm kiếm, khai thác trong thời gian tới.”, Giám đốc Chi nhánh TP HCM của DSC nói.

Về dòng tiền, sau giai đoạn vào ròng mạnh mẽ cuối 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, các quỹ ngoại đã đẩy mạnh bán ròng trong phần còn lại của năm 2023 dù có đan xen một vài giai đoạn mua ròng, song không đáng kể.

Ông Trần Đức Anh,Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường của Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV). Ảnh: KBSV.

Nhà phân tích của KBSV cho rằng nguyên nhân chính khiến thời gian qua khối ngoại không mặn mà với TTCK Việt Nam trong năm nay đến từ diễn biến suy giảm trong tăng trưởng kinh tế, cũng như áp lực tỷ giá gia tăng khi NHNN nới lỏng chính sách, trái chiều với các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Khối ngoại có thể sẽ quay trở lại mua ròng khi kinh tế cho thấy xu hướng tăng trưởng với tốc độ tương đương trước dịch, hoặc áp lực tỷ giá hoàn toàn được loại bỏ. Trong ngắn hạn, cả hai yếu tố này đều rất khó xảy ra, vì vậy chuyên gia của KBSV cho rằng áp lực bán từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục duy trì.

Góc nhìn của ông Huy, khối ngoại có các nhịp mua mang tính giao dịch (trading) ở các vùng hỗ trợ và bán ra sau đó khi giá phục hồi. Hoạt động trading khiến hành vi vốn ngoại cũng không khác gì vốn nội lúc này khi họ cũng không gọi thêm được nhiều tiền mới.

“Thông thường sẽ có một nhịp mua ròng của ETFs ngoại ở khoảng cuối năm cũ, đầu năm mới. Hy vọng năm nay điều đó được lặp lại. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là chưa bao giờ lại có sự chênh lệch ngược về lãi suất giữa trong nước và thế giới như thời điểm hiện tại, nên mẫu hình dòng vốn ngoại có thể cũng chưa chắc như mọi năm. FTSE ETF và VNM ETF cũng quay trở lại trong vài ngày gần đây nhưng rút ròng nhẹ. Thực tế cơ cấu ETFs ngoại hiện tại không ảnh hưởng nhiều đến thị trường.”, ông Huy nhận định.

Những cổ phiếu có thể là lựa chọn cho giai đoạn tới

Bàn về triển vọng kinh doanh quý cuối năm của các doanh nghiệp, ông Huy nhận định xu hướng chung vẫn phục hồi chậm và chưa có đột biến. Ngoài các ngành đang phục hồi, câu hỏi lớn vẫn là lợi nhuận nhóm ngành ngân hàng sẽ ảnh hưởng ra sao khi phải trích lập và nhóm bất động sản khả năng chưa có dự án, sản phẩm để ghi nhận doanh thu, lợi nhuận.

“Các nhóm ngành có triển vọng tốt 2024, hiện tại giá đã tăng mạnh và dễ thấy không còn rẻ, trong khi nhóm tiêu cực thì đương nhiên đã giảm. Đó sẽ là một câu đố trong đầu tư và khó ra quyết định. Nếu có những đợt rung lắc để tái định giá, việc chọn cổ phiếu sẽ dễ dàng hơn.

Nhóm chứng khoán đã đắt với câu chuyện kỳ vọng KRX và nâng hạng. Nhóm bất động sản dân cư hút tiền dù nội tại chưa có gì cải thiện. Rủi ro lớn nhất (nếu có) ở nhóm ngân hàng khi nhóm này giảm chưa đủ sóng, trong khi đó bối cảnh ngành và tăng trưởng lợi nhuận 2024 khả năng rất cao không có gì sáng cửa.

Bối cảnh nếu chúng ta không nhìn về vấn đề nợ xấu và trái phiếu thì không có gì đáng phải nghĩ nữa, đặc biệt là thế giới đã bớt áp lực. Do đó, nếu rủi ro nợ xấu và trái phiếu được chứng minh là lắng xuống, đương nhiên chúng ta sẽ có cái nhìn tích cực về thị trường. Tuy nhiên, đây là ẩn số và chưa có câu trả lời chính xác, đặc biệt là khi chúng ta chưa có số liệu cập nhật chính xác”, ông Huy đưa quan điểm.

Còn theo ông Trần Đức Anh, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết đã giảm trong 4 quý liên tiếp so với cùng kỳ, nhưng đà giảm đã dần được thu hẹp.

Theo đó, vị chuyên gia này kỳ vọng lợi nhuận quý IV các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng trở lại, và mức tăng trưởng có thể lên đến quanh 20%, một phần nhờ nền thấp khi lợi nhuận quý IV/2022 giảm đến 33,5% so với quý IV/2021.

Một số ngành như chứng khoán, thép sẽ ghi nhận tăng trưởng khá đột biến khi kết quả kinh doanh đã có sự cải thiện. Ngành công nghệ thông tin vẫn duy trì tốc độ cao và ổn định. Trong khi ngành bán lẻ, bất động sản có thể kỳ vọng bắt đầu có những tín hiệu hồi phục rõ nét hơn so với kết quả ảm đạm của 2, 3 quý gần đây.

Xuân Nghĩa

Những người thuộc nhóm 0,001% giàu nhất thế giới đầu tư vào đâu?
Danh mục đầu tư của những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao rất khác với người thường. Các chuyên gia cho biết những cá nhân này không lựa chọn tiền mã hóa và cũng ít khi nắm giữ cổ phiếu. Đối với họ, đẳng cấp của một người được xác định bằng cổ phần trong một đội thể thao.