CEO hãng taxi điện GSM 'phản pháo' quan điểm của lãnh đạo Vinasun, đặt mục tiêu trở thành hãng taxi lớn nhất Việt Nam
Ngày 27/4, tại sự kiện ra mặt dịch vụ taxi điện của CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng Giám đốc của GSM về mục tiêu của hãng taxi điện này tại TP HCM - nơi đang có sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp taxi lâu đời như Vinasun, Mai Linh, G7... cùng với đội ngũ taxi công nghệ từ Grab, Gojek...
"Phản pháo" lãnh đạo Vinasun
Khi được hỏi về quan điểm của GSM về thông tin ban lãnh đạo Vinasun cho rằng taxi điện chỉ là một phương tiện, không phải một mô hình kinh doanh taxi mới, ông Thanh Nguyễn cho rằng điều này tùy vào quan điểm và góc nhìn của mỗi người.
"Cách nhìn thì tùy từng người, chuyện đấy rất là bình thường. Đối với họ thì đó chỉ là một phương tiện nhưng trên thế giới thì đó là một cuộc cách mạng. Nếu không phải là cách mạng thì chúng ta sẽ không thể nghe những thông tin về xanh hóa, chuyển đổi... Ngay cả Đức hay Nhật Bản, là những nước chuyển đổi không được nhanh lắm nhưng hiện tại thì họ đang đi rất là nhanh", CEO Taxi Xanh SM bày tỏ quan điểm.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên của CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun), Phó Tổng Giám đốc Vinasun, ông Trần Anh Minh cho rằng việc có thêm đối thủ cạnh tranh sẽ tạo ra tác động với doanh nghiệp, song hãng taxi này không quá lo lắng với đối thủ taxi xe điện. Theo đó, ông Minh cho rằng xe điện chỉ là công cụ, phương tiện và doanh nghiệp này đặt trọng tâm là khách hàng.
Vinasun muốn dùng sự phục vụ nhanh chóng, tiện lợi, an toàn để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ban lãnh đạo hãng taxi này cho biết công ty sẽ đầu tư một số xe hybrid, xe điện để đa dạng hóa giúp khách hàng tăng trải nghiệm. Ngoài ra, Vinasun cũng có kế hoạch đầu tư chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện. Tuy nhiên, hãng đang nghiên cứu điều kiện độ bao phủ của mạng lưới trạm sạc cùng thời gian sạc cho xe, đi kèm với các chi phí liên quan như chi phí pin, điện...
Taxi điện GSM không xem Grab hay Vinasun là đối thủ
Trả lời chúng tôi về việc hãng GSM định hình công ty là hãng taxi công nghệ hay taxi truyền thống, ông Thanh Nguyễn cho biết CTCP Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM) không phải là taxi công nghệ hay taxi truyền thống, loại hình taxi của GSM sẽ do chính khách hàng quyết định.
"Chuyện định hình taxi công nghệ hay taxi truyền thống tùy thuộc vào khách hàng. Nếu họ dùng app (ứng dụng) thì chúng tôi là taxi công nghệ còn trong trường hợp khách hàng không thích dùng app, họ vẫy xe hoặc gọi điện trực tiếp cho tổng đài thì khi đó chúng tôi là taxi truyền thống. Chúng tôi không định hình công ty ở một loại hình nào", ông Thanh Nguyễn nói.
Theo công bố, khách hàng của GSM có thể đặt taxi qua số tổng đài toàn quốc như taxi truyền thống, hoặc qua ứng dụng Taxi Xanh SM như các hãng xe công nghệ. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể đón xe trực tiếp tại các địa điểm công cộng trong thành phố hoặc trực tiếp vẫy xe trên đường.
Bên cạnh đó, CEO Taxi GSM bày tỏ hãng này không xem không xem các hãng thuộc loại hình taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh, G7,... hay thậm chí là Grab, Gojek ở phân khúc taxi công nghệ, là đối thủ cạnh trạnh của GSM.
"Chúng tôi không xem họ là đối thủ cạnh tranh. Sứ mệnh của GSM là muốn xanh hóa giao thông. Điều này giống với thời điểm VinBus ra đời, người ta cũng đặt câu hỏi đâu là đối thủ cạnh tranh của VinBus? Tôi xin trả lời là không có, 'đối thủ' lớn nhất trong trường hợp này là thuyết phục người dân chuyển sang một lối sống tốt hơn so với hiện tại và ở trong mảng taxi điện thì chỉ có duy nhất chúng tôi là người ở đó. Vì thế, chúng tôi không đặt nặng ai sẽ là đối thủ của mình", ông Thanh Nguyễn nói.
CEO GSM cho biết hãng taxi điện này dự kiến mở thêm dịch vụ ở 5-6 thành phố, tỉnh thành tại Việt Nam. Ông Thanh cũng nêu quan điểm rằng doanh nghiệp này sẵn sàng mở đường, hợp tác với các đơn vị vận tải có nhu cầu chuyển đổi sang xe điện.
"Chúng tôi đã có hợp tác với Lado Taxi ở Đà Lạt, Én Vàng ở Hải Phòng. Chúng tôi mong muốn hợp tác với tất cả các hãng, đơn vị vận tải ở từng địa phương trên cả nước, bất kỳ hãng nào, phục vụ mục tiêu chung là xanh hóa nền giao thông nước nhà", ông Thanh Nguyễn bày tỏ.
Mục tiêu trở thành hãng taxi số một Việt Nam
Về chiến lược phủ sóng taxi Xanh SM, ông Thanh Nguyễn cho biết công ty có kế hoạch mở rộng tới ít nhất 5 thành phố trong năm nay, con số có thể cao hơn. GSM dự kiến đưa ra thị trường 20.000 xe.
Hiện tại, GSM đang hoạt động với hai dịch vụ gồm GreenCar, sử dụng dòng xe điện VF e34 và LuxuryCar với dòng xe điện VF 8. Ông Thanh cho biết dòng xe điện VF5 Plus cũng sẽ được hãng đưa vào vận hành trong khoảng 1-2 tháng tới. Tại thị trường TP HCM, GSM dự kiến sẽ nâng quy mô đội xe lên từ 2.000-3.000 xe trong năm nay.
"Mục tiêu trong năm nay của chúng tôi là trở thành hãng taxi lớn nhất Việt Nam", ông Thanh Nguyễn tuyên bố.
Nói về ưu điểm của taxi điện, ông Thanh cho rằng ở vị thế là hãng taxi điện duy nhất của Việt Nam, GSM có ba lợi thế cạnh tranh chính. Đầu tiên là phương tiện chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho cả tài xế lẫn hành khách bởi vì đây là xe không phát thải, không phát ra tiếng ồn.
Tiếp theo là yếu tố chất lượng dịch vụ với quy trình đào tạo từ đầu vào, tái đào đạo cùng cơ chế kiểm soát tài xế (thưởng/phạt) nhằm đưa chất lượng phục vụ của tài xế GSM cao hơn so với mặt bằng chung hiện tại. Cuối cùng là mô hình "lai" giữa công nghệ và truyền thống khi sử dụng app lẫn tổng đài điều phối.