|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

[Case Study] Rời thị trường khi đang nắm giữ Top 3 thị phần nhưng dư địa đổi mới không còn nhiều, Vinsmart đã đi đúng hướng?

16:06 | 11/04/2023
Chia sẻ
Không còn dư dịa để đột phá, Vinsmart sẵn sàng rời cuộc chơi để tập trung nguồn lực cho thương hiệu làm nên tên tuổi: VinFast.

Gần hai năm trước, Vinsmart có tên đầy đủ là CTCP Nghiên cứu và Sản xuất Vinsmart - thuộc tập đoàn Vingroup, được biết đến là công ty sở hữu thương hiệu smartphone Vsmart. Có thời điểm, Vsmart từng chiếm top 3 thị phần smartphone tại Việt Nam, ngang ngửa với Samsung, Apple.

Công ty cũng tham gia sản xuất TV và các thiết bị smarthome cùng thương hiệu. 

Tuy nhiên, giữa năm 2021, Vinsmart thông báo rút khỏi thị trường smartphone và TV để tập trung nguồn lực phát triển các sản phẩm điện tử và các tính năng về "Infotainment" cho ô tô VinFast. Có thể nói Vinsmart là một case study sống động cho các doanh nghiệp Việt đang hoạt động trong mảng sản phẩm công nghệ.

 Nhà máy Vinsmart tại Hoà Lạc. (Ảnh: Đức Huy).

Sẵn sàng dừng cuộc chơi khi dư địa đột phá không còn nhiều

Trả lời phỏng vấn sau thông tin đóng mảng smartphone và tivi, ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch kiêm CEO Vingroup, thừa nhận Vinsmart đạt được nhiều thành tựu sau ba năm ra mắt, đồng thời thị trường điện thoại thông minh Việt Nam còn nhiều tiềm năng.

Song lãnh đạo Vingroup lại nhận ra thực tế, trong lĩnh vực điện thoại hay tivi thông minh đã có quá nhiều nhà sản xuất tham gia, dư địa đột phá cơ bản không còn nhiều và rõ ràng không mang giá trị lớn hơn cho mọi người. 

“Trong khi ấy, việc làm ra những thế hệ ô tô điện thông minh hay biến các thành phố, nơi cư trú của con người trở thành các "thành phố thông minh, nhà thông minh" sẽ mang lại nhiều lợi ích và trải nghiệm thú vị hơn cho nhân loại.

Ở lĩnh vực này, chúng tôi không xuất phát muộn hơn các hãng khác, thậm chí có lợi thế từ việc được tiếp cận ngay những công nghệ sản xuất hiện đại nhất”, ông Quang nói.

Vị Tổng giám đốc cho biết quyết định dừng cuộc chơi của Vinsmart hoàn toàn không bất ngờ, khi trước đó Vingroup đã từng bước rút khỏi mảng bán lẻ, nông nghiệp, hàng không,… bởi “tất cả nhằm tập trung mọi nguồn lực cho ưu tiên cốt lõi là ô tô”.

Ban lãnh đạo Vingroup mong muốn có thể làm ra những sản phẩm, dịch vụ khác biệt nhất, tinh hoa nhất cho không chỉ người dùng Việt Nam mà phải cạnh tranh sòng phẳng với thế giới. Do đó, VinFast sẽ là trụ cột gánh vác sứ mệnh này nên cần được ưu tiên tối đa nguồn lực.

Sản phẩm vẫn là đích đến cuối cùng cho mọi doanh nghiệp

Ông Lê Viết Hải Sơn, Phó Chủ tịch Tập đoàn Novaon - chuyên cung cấp giải pháp phần mềm, cho biết có các điểm đáng suy ngẫm qua câu chuyện của Vinsmart. Đầu tiên là "đã quyết làm thì phải làm quyết liệt, làm mới hay cắt lỗ đều phải dứt khoát. Thấy sai là sửa, không cố chấp, không tự ái".

Thứ hai, sản phẩm, công nghệ vẫn là lõi quyết định thắng thua trong dài hạn, còn truyền thông, thương hiệu, bán hàng chỉ là cú huých ban đầu.

Ông Hải Sơn nhận định Vinsmart rút nhanh khỏi thị trường vì thấy không thể làm chủ công nghệ lõi (của smartphone). Còn công nghệ lõi của xe điện là công nghệ pin và hệ điều hành trên xe.

"Có vẻ như VinFast đã nhìn thấy điều này, hy vọng Vingroup tìm đúng lời giải”, vị Phó Chủ tịch này cho hay.

 Điện thoại thương hiệu Vsmart của Vinsmart. (Ảnh: Đức Huy).

Cùng quan điểm, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc AFA Research & Education, nhận định chiến lược đa dạng hoá ngành nghề kinh doanh tiếp tục cho thấy rủi ro quá lớn và việc Vingroup từ bỏ mang di động, TV là có thể hiểu được.

Theo ông Long, trong điều kiện công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam được xếp hạng yếu kém và chưa có dấu hiệu cải thiện thì đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất của các tập đoàn trong nước đang gặp khó khăn.

Vị chuyên gia cho biết Vinsmart đang trong quá trình tạo dựng thương hiệu, nhưng cuối cùng thì sản phẩm vẫn là điều quan trọng nhất đối với mọi doanh nghiệp. Công ty chuyển hướng sang "giúp việc" cho VinFast là để tăng năng lực trong sản xuất ô tô.

"Nếu VinFast thành công, doanh nghiệp này có thể là đầu tàu kéo nền sản xuất của Việt Nam phát triển cực thịnh và bền vững. Ngược lại, sản xuất tại Việt Nam sẽ chỉ dựa vào những lĩnh vực kém bền vững như thép, chịu ảnh hưởng bởi chu kỳ giá hàng hoá và gây ô nhiễm", ông Long nêu quan điểm.

Sân chơi mới của Vinsmart 

Sau hai năm dừng sản xuất smartphone, nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu quyết định năm ấy của  Vingroup có đúng? Rất khó để trả lời câu hỏi này, nhưng dựa vào số liệu có thể thấy bức tranh tài chính của Vinsmart đã được cải thiện.

Theo con số chúng tôi có được, năm 2018, Vinsmart lỗ 260 tỷ đồng, đến năm 2019 số lỗ đã vượt quá 1.865 tỷ đồng. Năm 2021, khoản lỗ của Vinsmart tăng lên gần 5.000 tỷ đồng tuy nhiên đến năm ngoái, Vinsmart chỉ còn lỗ sau thuế 1.079 tỷ đồng.

 

Nguồn tin của chúng tôi, Vinsmart cũng đã ngừng bán điện thoại thông minh tại thị trường Mỹ từ quý IV/2021. Trước đó, Vinsmart nhận gia công smartphone cho một số nhà mạng Mỹ.

Hiện tại, trao đổi với người viết, phía công ty cho biết Vinsmart đang tập trung vào lĩnh vực smarthome (nhà thông minh) và các thiết bị IoT (Internet of Things - Internet kết nối vạn vật).

Vinsmart đang sở hữu tổ hợp nhà máy tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc, giai đoạn 1 được xây dựng trên diện tích 4,8 ha. Trong đó, công suất thiết kế của nhà máy Vinsmart mỗi năm cho ra 1 triệu thiết bị IoT và 2 triệu thiết bị điện tử thông minh khác.

Trong mảng kinh doanh này, theo báo cáo Statista cho biết doanh thu trên thị trường nhà thông minh tại Việt Nam năm 2022 ước đạt 232,3 triệu USD. Tổng doanh thu thị trường này vào năm 2027 được dự báo đạt 460,10 triệu USD với tỷ lệ tăng trưởng kép CAGR là 12,51%.

Bên cạnh đó, số hộ gia đình lắp đặt smart home dự kiến sẽ lên tới 5,6 triệu vào năm 2027. Tỷ lệ thâm nhập hộ gia đình là 11,9% vào năm 2022 và dự kiến sẽ đạt 22,6% vào năm 2027.

Các giải pháp nhà thông minh của Vinsmart đang được áp dụng tại ba khu đại đô thị Vingroup, gồm Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City tại Hà Nội và Vinhomes Grand Park tại TP HCM.

Đối với VinFast, năm 2021, Vinsmart đã kết hợp thiết kế gần 150 tính năng thông minh về "Infotainment" (thông tin –giải trí – dịch vụ) trên ô tô điện như: Voice assistant (trợ lý giọng nói), hỗ trợ mua sắm online, quản lý smarthome, hệ thống an toàn thông minh chủ động hỗ trợ người lái ADAS…

"Mục tiêu của chúng tôi là phát triển nên những sản phẩm ô tô điện thông minh và tiện lợi bậc nhất thế giới. Xe ô tô điện của VinFast sẽ không chỉ là một phương tiện giao thông mà sẽ tạo ra cả một hệ sinh thái dịch vụ phục vụ người lái.

Chiếc xe không chỉ giúp cho việc lái xe trở lên dễ dàng, an toàn hơn mà còn biến thời gian lái xe trở lên vô cùng thú vị và không lãng phí. Người lái có thể dùng giọng nói của mình ra lệnh cho xe làm rất nhiều việc, từ chọn bản nhạc mình thích đến tư vấn sức khỏe, mua sắm thậm chí kết nối họp hành... ", ông Nguyễn Việt Quang chia sẻ về chặng đường mới của Vinsmart.

Đức Huy

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.