Cả nước bước vào 'cuộc chiến' mới với COVID-19
Theo thông tin chính thức từ Bộ Y tế tới sáng 2/2, dịch bệnh đã lây lan ra 10 tỉnh thành với 271 ca nhiễm, các trường hợp đều có liên quan đến hai ổ dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh.
Trong đó, Hải Dương có 207 ca, Quảng Ninh 30 ca, Hà Nội 19 ca, Gia Lai 6 ca, Bắc Ninh 3 ca, Hoà Bình 2 ca, Hải Phòng 1 ca, TP HCM 1 ca, Bình Dương 2 ca, Bắc Giang 1 ca.
Đợt dịch mới này được nhận định khó khăn và phức tạp hơn đợt dịch trước tại Đà Nẵng do sự xuất hiện của chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, chu kỳ lây nhiễm rút ngắn. Hiện nay đã ghi nhận các ca F2 trở thành F0. Đồng thời, có nhiều trường học và một số bệnh viện có liên quan đến các yếu tố dịch tễ, nhiều giáo viên, học sinh là F1 và F2 đang trong diện cách ly y tế.
Trước những diễn biến phức tạp, các địa phương trên cả nước, đặc biệt là những nơi đã xuất hiện các ca dương tính với COVID-19 đã nâng cao mức cảnh báo, tăng cường rà soát cách ly các trường hợp có liên quan.
Nhiều tỉnh thành cho học sinh nghỉ học sớm trước tết, một số đã cho dừng các hoạt động quán bar, karaoke, game, internet,... tạo lập các chốt chặn kiểm soát dichj, hạn chế việc di chuyển giữa các vùng dịch với địa phương khác
Huy động lực lượng mạnh nhất tới Hải Dương, Quảng Ninh
Tại Hải Dương, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long xác định Công ty TNHH điện tử Poyun là tâm dịch và cần phải có quyết định rắn vì hầu hết ca dương tính trong công ty này.
Về xét nghiệm, Bộ Y tế đã điều xuống Hải dương lực lượng lớn. Bộ chỉ đạo tỉnh thiết lập labor xét nghiệm đạt công suất 50.000 mẫu/ngày nên có thể xét nghiệm nhanh trong thời gian ngắn.
Về công tác điều trị, với năng lực điều trị cho 200 người tại Bệnh viện dã chiến tại Chí Linh và 200 người tại Bệnh viện dã chiến Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương, bảo đảm trước mắt được việc điều trị tại đây. Bộ Y tế đã chuẩn bị phương án xấu hơn với việc thành lập Bệnh viện dã chiến số 3 tuy nhiên Bộ hy vọng trong thời gian tới số ca mắc sẽ giảm.
Bộ Y tế đã huy động lực lượng lớn hơn cả Đà Nẵng gồm các cán bộ học sinh, sinh viên giúp cho việc tăng cường cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Triển khai các biện pháp điều trị tại hai bệnh viện dã chiến. Đồng thời, các cơ sở y tế của tỉnh Hải Dương cũng lưu ý các trường hợp đến khám vì các triệu chứng ho, sốt, mệt.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các vụ, cục cấp phát ngay các trang thiết bị bảo hộ, máy móc, thuốc men cho các bệnh viện dã chiến.
Chiều tối 31/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trực tiếp đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại TP Chí Linh, Hải Dương và thị xã Đông Triều, Quảng Ninh, hai trong số những khu vực có dịch phức tạp nhất hiện nay.
Phó Thủ tướng đánh giá, đến giờ phút này, tình hình dịch bệnh tại hai tỉnh đã có những bước rất tích cực, và có thể khẳng định tâm dịch ở xã Cộng Hoà, TP. Chí Linh, Hải Dương cơ bản được kiểm soát tốt. Phó Thủ tướng tin tưởng Hải Dương, Quảng Ninh sau 6 ngày nữa sẽ khoanh được ổ dịch.
Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm đến F3
Tính đến 10h sáng 2/2, Hà Nội đã ghi nhận 20 ca bệnh COVID-19, gồm một ca liên quan đến ổ dịch ở tỉnh Quảng Ninh, 19 ca còn lại liên quan đến tỉnh Hải Dương (theo Sở Y tế Hà Nội).
Trong buổi làm việc với Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội về công tác phòng chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận định đến nay, tất cả các trường hợp đi qua vùng dịch về Hà Nội đều đã đã cơ bản nhận diện được F1, F2, F3…, chỉ trong tối 2/2, việc lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi nhiễm tại Hà Nội sẽ hoàn tất, theo Sức khoẻ và Đời sống.
Nếu không có diễn biến bất thường nào khác, cùng với Hải Dương và Quảng Ninh, Hà Nội sẽ cơ bản dập được ổ dịch.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Hà Nội đã rà soát gần 16.000 trường hợp đi về từ vùng dịch kể từ 15/1/2021 và truy vết 412 trường hợp F1, đã lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung các trường hợp này. Qua rà soát cũng có trên 2.000 trường hợp F2, hiện đang được cách ly tại nhà.
Phó Giám đốc CDC Hà Nội Trương Quang Việt cho biết tình hình dịch bệnh tại Hà Nội ở mức nguy cơ cấp 1, trong đó, ba quận có nguy cơ cao, hai quận nguy cơ thấp hơn. Đến thời điểm này, việc xét nghiệm liên quan đến các trường hợp nhiễm bệnh đảm bảo hoàn thành 99%.
Hiện nay CDC Hà Nội đang có 4 máy tách chiết, 9 máy xét nghiệm PCR với công suất 3.000 mẫu đơn/ngày và lên mức khoảng 10.000 mẫu trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Hà Nội có 8 bệnh viện công lập và hai bệnh viện ngoài công lập đủ khả năng xét nghiệm với công suất 15.000 - 20.000 mẫu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Hà Nội cần lấy mẫu đến F3. trong bối cảnh chủng virus mới lây lan rất nhanh, đã có F2 dương tính chỉ trong một thời gian ngắn; thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng dịch, đặc biệt ở các địa điểm như các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở lưu trú, các chợ, trung tâm thương mại, các địa điểm tập trung đông người....
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị những nơi có bệnh nhân F0 cần lấy mẫu 100% hộ gia đình trong diện hẹp, bàn giao đối tượng cho y tế địa phương, ưu tiên xét nghiệm các trường hợp F1, F2.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết sau khi hoàn thành xét nghiệm các trường hợp đã lấy mẫu, Hà Nội sẽ tiếp tục lấy mẫu F3 để xét nghiệm trong những ngày tới. Ông Hiền khẳng định, việc xét nghiệm đến F3 của các trường hợp nhiễm bệnh hiện tại sẽ hoàn tất trước Tết.
Bắc Giang thiết lập vùng cách ly y tế
Theo Sở Y tế tỉnh, Bắc Giang thiết lập vùng cách ly y tế tại thôn Kiệu Đông, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam từ 0h ngày 1/2 đến khi có thông báo mới, sau khi địa bàn này ghi nhận ca bệnh COVID-19 số 1820, có liên quan tới ổ dịch tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Các huyện, thành phố đã sẵn sàng các nguồn lực, chuẩn bị kích hoạt các phương án, kịch bản phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương lên mức cao nhất.
Hải Phòng chỉ định xét nghiệm sớm người bệnh, nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ
Sở Y tế Hải Phòng hôm 1/2 cho biết, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng có trường hợp sản phụ đi đẻ từ ngày 23 - 27/1, cùng đi có chồng là N.D.T làm tại Công ty POJUN là BN số 1833.
Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã tiến hành phong toả, lập danh sách những người ra vào Bệnh viện từ ngày 23/1 - 1/2 phục vụ truy vết các trường hợp Fl, F2. Lấy mẫu toàn bộ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế và người làm việc đang có mặt tại Bệnh viện để làm xét nghiệm.
Trước đó, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cũng đã xác nhận có BN1561 (ca bệnh ghi nhận tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh) từng đến khám, điều trị tại bệnh viện.
Tại Bệnh viện Trẻ em đã thực hiện phong toả và lấy 1.320 mẫu để xét nghiệm. Trong đó, tất cả các ca tiếp xúc trực tiếp (F1) đều âm tính lần 1 và những ca nằm cùng tại khoa hô hấp với bệnh nhân cũng đều cho kết quả âm tính. Bệnh viện đang tiếp tục tập trung xét nghiệm cho hơn 2.000 người tại bệnh viện.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường các biện pháp sàng lọc, chỉ định xét nghiệm sớm SARS-CoV-2 đối với người bệnh, nhân viên y tế có biểu hiện nghi ngờ, kể cả trường hợp có tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng để phát hiện sớm và thực hiện cách ly kịp thời.
Đồng thời, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế, toàn bộ người bệnh tại các khoa cấp cứu, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực và ngẫu nhiên người bệnh nội trú từ 30% trở lên của các khoa còn lại; lấy mẫu các trường hợp là nhân viên y tế của Bệnh viện Trẻ em đang được cách ly tại nhà, nơi cư trú.
TP HCM xét nghiệm trên diện rộng, điều tra dịch tễ đến F3
Theo Sở Y tế TP HCM, UBND Thành phố vừa có yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện truy vết, khoanh vùng dập dịch, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng, thực hiện mở rộng điều tra dịch tễ đến F3 của các ca bệnh và thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung trong thời gian 21 ngày.
Bên cạnh đó, người dân các tỉnh, công nhân lao động được khuyến cáo không nên về quê nơi đang có dịch bệnh; đối với các vùng chưa có dịch bệnh thì cần thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tính đến 7h ngày 1/2, thành phố đã tiếp nhận khai báo 604 trường hợp đến từ Hải Dương, Quảng Ninh, các địa điểm do Bộ Y tế công bố. 556 trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm trong đó 1 ca dương tính là bệnh nhân 1660, 382 trường hợp âm tính, 173 đang chờ kết quả.
Liên quan đến BN 1660, TP đã truy vết 19 trường hợp tiếp xúc, 18 người đã có kết quả âm tính, 1 người đang đợi kết quả. 114 hành khách và tổ bay trên chuyển bay VN1660 đang có mặt tại TP.HCM. Trong đó 20 người gồm tổ bay và hành khách ngồi trong vòng 5 hàng ghế gần bệnh nhân đã có kết quả âm tính. Các hành khách ngồi hàng ghế khác là 94 người, 36 mẫu đã có kết quả âm tính, 58 mẫu đang chờ kết quả xét nghiệm.
Bình Dương phong toả một trường đại học, siết chặt giãn cách xã hội
Tỉnh Bình Dương xác nhận có ca dương tính đầu tiên vào ngày 31/1 tại huyện Phú Giáo, bệnh nhân có tiền sử dịch tễ liên quan đến ổ dịch Hải Dương. Sau đó, con bà được xác định dương tính với COVID-19 và trở thành ca nhiễm thứ hai.
Bình Dương đã phong toả khẩn Trường Đại học Thủ dầu một, nơi bệnh nhân đang học tập, cách ly hàng trăm sinh viên, giảng viên tại đây. Nữ bệnh nhân đã tham gia nhiều hoạt động học tập ở trường, đi ăn và đi nhiều địa điểm khác nhau tại Bình Dương.
Tối ngày 1/2, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng lực lượng chức năng đưa ít nhất 330 người được xác định có liên quan bệnh nhân 1843 đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm.