|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tình hình dịch ở Hải Dương vẫn rất phức tạp

13:22 | 19/02/2021
Chia sẻ
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, đợt dịch lần thứ ba này đặc biệt tại Hải Dương có tốc độ lây nhiễm cao, dịch lại diễn ra tại khu công nghiệp đông người và vào thời điểm giáp tết nên càng phức tạp.

Tình hình dịch ở Hải Dương vẫn rất phức tạp

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 vào sáng nay (19/2), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định đợt dịch lần thứ ba này tương đối phức tạp khi biến chủng của Anh có tốc độ lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng cũ. 

Trong thời gian ngắn từ ngày 28/1 đến nay, dịch COVID-19 đã lây lan ra 13 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, Hải Dương hiện đang là địa phương ghi nhận sớm nhất và nhiều ca mắc bệnh nhất trên 75 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh hiện có 5 ổ dịch COVID-19 lớn gồm: Chí Linh, Cẩm Giàng, Nam Sách, Kinh Môn và TP Hải Dương, theo báo Chính phủ.

"Đến nay Hải Dương ghi nhận đến 575 ca mắc, vượt con số của ổ dịch tại Đà Nẵng với 389 ca. Số ca mắc trung bình trong ngày của Hải Dương (20 ca/ngày) bao giờ cũng cao hơn Đà Nẵng (15 ca/ngày), chứng tỏ tốc độ lây lan của chủng này mạnh hơn, nhanh hơn", Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tình hình dịch ở Hải Dương vẫn rất phức tạp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. (Ảnh: Sức khoẻ & Đời sống).

Số lượng F1 tại Hải Dương vượt xa con số của Đà Nẵng, ngay từ ban đầu phải cách ly 2.340 trường hợp F1. Đặc biệt, ổ dịch xảy ra trong khu công nghệp và thời điểm xảy ra ngay trước và trong dịp Tết nên độ phức tạp càng cao hơn, 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đến nay, với những giải pháp quyết liệt, khá đồng bộ, 12/13 địa phương đã "cơ bản kiểm soát được" dịch riêng Hải Dương tình hình dịch vẫn còn phức tạp, cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch ở tỉnh này. Bộ Y tế tiếp tục cử đoàn chi viện, đặc biệt tổ công tác đặc biệt của Bộ "cắm chốt" tại Hải Dương ngay từ ban đầu, theo báo Gia đình & Xã hội.

Tại cuộc họp, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là trong quý I phải xem công tác phòng chống dịch bệnh là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên cấp bách cũng như lâu dài. "Công tác phòng chống dịch không thể kết thúc được trong 6 tháng đầu năm và ngay cả trong năm 2021", ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng nhắc lại yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư là người đứng đầu cấp uỷ phải chịu trách nhiệm với công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn của mình, chỉ đạo trực tiếp với công tác này.

Cần chuẩn bị sẵn sàng vì dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương không được chủ quan, lơ là, không được nghĩ rằng dịch không xảy ra ở địa bàn của mình. Thực tế, dịch có thể xảy ra bất cứ nơi nào, địa điểm nào. Gia Lai là địa phương tưởng chừng không có ca bệnh nhưng vẫn xảy ra.

"Vì vậy trong tư tưởng, kế hoạch chúng ta luôn xác định dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào, như vậy mới không luống cuống và chủ động đối phó khi có dịch", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cùng với đó, các tỉnh thành cần chuẩn bị tất cả kịch bản khi bùng phát dịch như kịch bản về cách ly, giãn cách. Cụ thể, "nếu số lượng F1 phải cách ly ít thì như thế nào, nhiều thì như thế nào, trong thời điểm cách ly đột ngột rất đông người thì ứng xử ra sao nếu không sẽ luống cuống, phải chuẩn bị tất cả các cơ sở có thể thực hiện được cách ly", bộ trưởng chia sẻ. 

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tình hình dịch ở Hải Dương vẫn rất phức tạp - Ảnh 2.

Một khu cách ly tại Hải Dương. (Ảnh: Nhân dân)

Ông dẫn chứng, ngay với ổ dịch Hải Dương, số lượng F1 cách ly vượt xa con số của Đà Nẵng. Hải Dương ngay từ ban đầu đã cách ly hơn 2.340 công nhân nhà máy Poyun. Đó là kịch bản mà các tỉnh cũng phải đặt ra để ứng phó. Cùng đó, phải có kịch bản khi xảy ra dịch trong khu công nghiệp, trường học, bệnh viện…

"Quan điểm của Ban chỉ đạo và Bộ Y tế ngay từ đầu là phải cách ly triệt để F1, có thế mới tách mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, ngăn chặn được dịch, bài học từ Đà Nẵng đã chứng minh quan điểm này", Gia đình & Xã hội dẫn lời Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.

Cách ly dân sự chưa nghiêm có thể xảy ra lây nhiễm chéo

Một trong những điểm Bộ trưởng Bộ y tế lưu ý trong việc cách ly là cần phải phối hợp chặt chẽ với quân đội để hệ thống quân đội điều hành các cơ sở cách ly. Việc cách ly không nghiêm có thể dẫn tới lây nhiễm chéo, đó là lý do Bộ Y tế đề nghị lực lượng quân đội vào điều hành toàn bộ hệ thống cách ly ở các cơ sở lớn tại Hải Dương.

Trước đó, báo Chính phủ đưa tin tại một khu cách ly tập trung ở Hải Dương có mật độ cách ly quá đông, trước đây có phòng 30 người, nay giảm nhiều cũng 10-15 người/phòng, trong khi nếu mật độ khu vực đó 5 người/phòng mới đảm bảo phòng dịch, theo ông Dương Chí Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế.

Bộ trưởng cũng đặt vấn đề về việc làm sao quản lý từng hộ dân để khi xảy ra ổ dịch trên địa bàn chúng ta biết hết người đi, người đến, tình trạng cách ly và nếu cách ly theo Chỉ thị 16 thì phải thực hiện nghiêm. 

Riêng Hải Dương, Bộ trưởng lưu ý phải thực hiện nghiêm hơn vấn đề giãn cách xã hội, không để dịch lây nhiễm trong khu phong tỏa, không để gia đình này vẫn giao lưu với gia đình khác, theo Sức khoẻ & Đời sống.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Tình hình dịch ở Hải Dương vẫn rất phức tạp - Ảnh 3.

Hình ảnh lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. (Ảnh: Zing).

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các tỉnh thành tăng cường khả năng xét nghiệm và sàng lọc. Ông nhấn mạnh vai trò của xét nghiệm "là mấu chốt trong kiểm soát dịch". Nếu xét nghiệm chậm, chúng ta sẽ chạy theo dịch chứ không phải ngăn chặn dịch.

Do đó, tất cả nhân viên y tế phải được tập huấn lấy mẫu, chia nhỏ để lấy mẫu, tại gia đình, cộng đồng, tại khu cách ly… Cùng đó, chuẩn bị trang thiết bị cho xét nghiệm.

Với các địa phương, theo chỉ đạo của Thủ tướng theo Chỉ thị 05, cơ sở y tế lên tục phải sàng lọc. "Địa phương đừng coi vì không có ca bệnh mà không chủ động làm xét nghiệm, không làm sàng lọc"  bởi nếu phát hiện càng sớm, tiến hành dập dịch càng nhanh.


Diệp Bình

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.