Bên trong ngân hàng nhiều nợ xấu nhất Trung Quốc và kế hoạch cho những bước chuyển mình
9 giờ tối tại Khu phố Tài chính thuộc Bắc Kinh, nơi toà nhà Huarong toạ lạc, Wang Zhangfeng, chủ tịch doanh nghiệp, kết thúc một ngày làm việc căng thẳng.
Vào buổi tối này, ông Wang vẫn ở văn phòng để làm một điều ông vẫn thường làm: viết thư pháp, thứ nghệ thuật vốn đòi hỏi kỹ năng, sự kiên trì và bình tĩnh. Ông Wang cần những điều này hơn bao giờ hết.
Chào mừng đến với trụ sở của China Huarong Asset Management Co., "ngân hàng nợ xấu lớn nhất Trung Quốc" thuộc sở hữu của nhà nước, nơi đang thu hút sự chú ý của cả thế giới tài chính.
Trong nhiều tháng trở lại đây, ông Wang và nhiều cộng sự khác đang cố gắng dọn dẹp đống hỗn độn tại Huarong, một định chế tài chính nằm ở trung tâm cấu trúc quyền lực tài chính Trung Quốc theo đúng nghĩa đen.
Ở phía nam Huarong là ngân hàng trung ương thuộc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ở phía tây nam là Bộ Tài chính, cổ đông lớn nhất của Huarong. Trong khi đó, chưa đầy 300m về phía tây là Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc (CBIRC), cơ quan được giao trách nhiệm bảo vệ hệ thống tài chính và gần đây là, đảm bảo Huarong nhận được sự hỗ trợ vốn từ các ngân hàng quốc doanh cho đến ít nhất là tháng 8.
Rắc rối của Huarong đến từ khoản 41 tỷ USD vay dưới hình thức trái phiếu, phần lớn phát sinh dưới thời của người tiền nhiệm của Wang, ông Lao Xiaomin, trước khi ông bị bắt vì tội tham nhũng.
Hồi tháng 1, ông Xiaomin nhận án phạt tử hình. Tất cả những sự hiện diện chính thức của ông Lai với Huarong đều bị xoá bỏ, đến tận những chữ ký trên giấy chứng nhận cổ phần.
Vấn đề lớn hơn là tất cả những điều này có ý nghĩa gì cho hệ thống tài chính quốc gia và nỗ lực của lãnh đạo Trung Quốc trong việc tập trung quyền kiểm soát, kiềm chế các khoản vay rủi ro trong nhiều năm và thiết lập trật tự cho các cơ quan tài chính quốc gia.
"Mọi thứ vẫn rối lên nếu họ làm điều đó và vẫn rối lên nếu họ không làm gì", ông Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Peking, chia sẻ với Bloomberg. Việc cứu Huarong sẽ "cổ vũ" thêm hành động của các nhà đầu tư không sợ rủi ro, ông nhận định. Trong khi đó, việc Huarong vỡ nợ sẽ làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính khi thị trường trái phiếu xảy ra việc định giá lại "trong hỗn loạn".
Không có nhiều người sẵn lòng chia sẻ về câu hỏi này công khai. Dù vậy, qua nhiều cuộc phỏng vấn với những người đang là việc tại đây và nhiều nhân sự điều hành tại Trung Quốc, chúng ta có thể thấy được một phần của cơn bão.
Về cơ bản, Huarong đã rơi vào chế độ khủng hoảng kể từ thời điểm hoãn ra mắt báo cáo tài chính năm 2020. Hành động này ăn mòn niềm tin của các nhà đầu tư.
Các nhân sự cấp cao của Huarong dự kiến sẽ bị cơ quan chính phủ triệu tập bất kỳ thời điểm nào tâm lý thị trường xấu đi và giá trị các khoản nợ của Huarong đi xuống. Ông Wang và các cộng sự phải cung cấp cập nhật hàng tuần về hoạt động vận hành và thanh khoản của Huarong. Cùng lúc, họ quay sang kêu gọi sự hỗ trợ của các ngân hàng quốc doanh trong khi thuyết phục các nhà đầu tư trái phiếu giữ bình tĩnh (với thành công khiêm tốn).
Trong các thông báo công khai, Huarong liên tục nói khẳng định tình trạng ổn định và sẽ tuân thủ theo các nghĩa vụ của mình. Cơ quan điều hành ngân hàng phải ký tên dưới những thông báo này, một dấu hiệu nữa cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề.
Gần đó, nhiều cuộc họp giữa bộ tài chính và các cơ quan tài chính quyền lực khác cũng diễn ra. Một nội dung thường thấy là kế hoạch có thể chia tách nhiều mảng kinh doanh của Huarong.
Các nhân sự cấp cao của Huarong được yêu cầu chờ đợi và thường không được phép tiếp cận các nhân sự của CBIRC.
Ông Liu He, chủ tịch CBIRC, cánh tay phải của Chủ tịch Tập Cận Bình liên quan đến vấn đề kiểm soát kinh tế và tài chính, yêu cầu báo cáo tình hình của Huarong và trực tiếp điều hành các cuộc họp giữa các nhà điều hành. Dù vậy, CBIRC chưa đưa ra một giải pháp dài hạn nào, bao gồm việc có tuyên bố lỗ cho các nhà đầu tư trái phiếu hay không.
Là người có bằng tiến sỹ của ngôi trường danh tiếng Đại học Tài chính và Kinh tế, ông Wang làm việc cho Huarong vào đầu năm 2018, thời điểm bê bối tham nhũng bao trùm công ty này. Bên trong Huarong, ông Wang được nhìn nhận là một người ít nói và thực tế, đặc biệt là khi so sánh với người tiền nhiệm, ông Lai Xiaomin.
Hàng trăm nhân viên của Huarong đã lắng nghe Wang công bố tình hình kinh doanh theo quý hôm 16/4. Ông nhấn mạnh rằng những vấn đề cơ bản của Huarong đã cải thiện từ khi ông nắm công ty. Dù vậy, ông không chia sẻ nhiều về kế hoạch tái cơ cấu và vực dậy công ty khổng lồ này. Ông Wang từng hứa sẽ dọn dẹp các vấn đề trong vòng 3 năm kể từ ngày nhận chức.
Thông điệp với đám đông của ông rất đơn giản: tập trung vào điều cơ bản, ví dụ như thu hồi tài sản xấu và cải thiện hoạt động quản trị rủi ro. Nhân viên yên lặng, không ai đưa ra câu hỏi nào.
Một nhân viên nói với Bloomberg rằng không khí ở chỗ làm như thường nhật. Trong khi đó, một người đang làm việc tại chi nhánh của Huarong quan ngại rằng công ty sẽ không thể trả lương. Nhân viên thứ ba chia sẻ rằng có sự khác biệt lớn giữa người cũ và người mới.
Những người làm việc qua thời của ông Lai và bị cắt giảm lương thưởng năm này qua năm khác ít tin tưởng vào sự thay đổi. Trong khi đó, những người mới vào công ty lại hy vọng nhiều hơn về những cơ hội và sự thay đổi hướng đi mang lại.
Một số người khác lại nói đùa toà nhà Huarong có phong thuỷ không tốt: sau khi ông Li bị bắt, một chi nhánh ngân hàng đặt tại toà nhà cũng phải nhận khoản hỗ trợ lên tới 14 tỷ USD.
Đặt sự hài hước sang một bên, một sự thật ngầm hiểu đang nhen nhóm xuất hiện giữa các cán bộ quản lý cao cấp và các nhà điều hành tầm trung rằng: giống như các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt khác, Huarong quá lớn để được phép sụp đổ. Nhiều người cho rằng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, chính phủ Trung Quốc sẽ chống lưng cho Huarong.
Bloomberg nhận định sẽ không có những xáo trộn về hệ thống tài chính lớn cho tới ngày 1/7 tới khi Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ niệm 100 năm ngày thành lập. Thế nhưng, những gì diễn ra sau ngày này là một ẩn số, với cả những người trong cuộc.
Liu He, Chủ tịch Uỷ ban Phát triển và Ổn định Tài chính, dường như không vội đưa ra một quyết định khó khăn. Sự im lặng từ Bắc Kinh đã bắt đầu làm chao đảo các nhà đầu tư trái phiếu địa phương, những người cho đến khoảng một tuần trước dường như không bị lay chuyển bởi đợt bán tháo trái phiếu ra nước ngoài của Huarong.
Theo Dinny McMahon, nhà phân tích kinh tế của công ty tư vấn Trivium China, vai trò của Huarong trong việc hấp thụ và xử lý các khoản nợ khó đòi đáng được duy trì, nhưng cần có sự can thiệp của chính phủ.
Cho đến thời điểm hiện tại, khi chưa có những chỉ đạo từ phía trên, Huarong vướng vào một cuộc cạnh tranh lợi ích giữa các doanh nghiệp nhà nước và cơ quan chính phủ.
China Investment Corp (CIC), một quỹ nhà nước trị giá 1 nghìn tỷ USD, từ chối nhận cổ phần chi phối Huarong từ bộ tài chính. CIC nói rằng họ không có đủ khả năng và tiềm lực để giải quyết các vấn đề của Huarong, theo nguồn tin thân cận.
Cùng thời điểm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cũng đang cân nhắc đề xuất sẽ "hấp thụ" hơn 100 tỷ nhân dân tệ (15,5 tỷ USD) tài sản dưới chuẩn từ Huarong. Và Bộ Tài chính, đơn vị đang nắm 57% cổ phần Huarong thay cho chính phủ Trung Quốc, chưa xác nhận sẽ thực hiện tái cấp vốn song cũng chưa phủ nhận khả năng này.
Các nhà điều hành ngân hàng đã từng "mua" Huarong một thời gian đồng thời môi giới thoả thuận với các ngân hàng nhà nước như Ngân hàng Công thương Trung Quốc để cung cấp khoản vốn cần để thanh toán 2,5 tỷ USD đến hạn vào tháng 8. Tới thời điểm đó, Huarong sẽ phải hoàn thành báo cáo tài chính năm 2020 sau khi làm các nhà đầu tư bực mình vì liên tục trễ hạn vào tháng 3 và tháng 4.
Wu Qiong, Giám đốc điều hành tại BOC International Holdings, cho biết: "Cách Trung Quốc xử lý Huarong sẽ tạo ra sự phân hoá lớn đối với nhận thức và niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc". Theo ông, nếu có bất kỳ vụ vỡ nợ nào xảy ra, việc đánh giá lại sự hỗ trợ của chính phủ sẽ để lại hậu quả sâu sắc cho thị trường quốc tế.
Một nhân sự mới được bổ sung vào đội ngũ của ông Wang mới đây đang mang đến những hy vọng mới. Liang Qiang, một thành viên thường trực của Liên đoàn Thanh niên Tài chính Toàn Trung Quốc, cơ quan vốn được xem là nơi nuôi dưỡng thế hệ lãnh đạo tiếp theo của các doanh nghiệp tài chính nhà nước, sẽ sớm đảm nhận vai trò Chủ tịch Huarong.
Trước đây, Liang đã có kinh nghiệm làm việc tại ba công ty quản lý tài sản tương tự Huarong. Đến đây một số người nghĩ rằng: Huarong có thể được xem như một bản mẫu để các nhà điều hành xử lý các tổ chức tín dụng nợ nần ngổn ngang khác trong tương lai.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/