|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Xuất hiện át chủ bài trong hệ thống cung ứng của WinMart, đối thủ sẽ phải dè chừng

14:57 | 06/02/2023
Chia sẻ
Trong năm qua, Masan đã đưa vào vận hành một công ty logistic nhằm giảm chi phí cung ứng cho chuỗi cửa hàng WinMart của mình.

Một cửa hàng WIN mới mở tại Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Thiên Trường).

Sở hữu số lượng cửa hàng bán lẻ tạp hoá lớn nhất

Trong bản công bố kết quả kinh doanh mới đây của mình, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) tự tin cho biết năm 2022 họ đã mở rộng hệ thống bán lẻ có hiệu quả kinh tế trên mỗi cửa hàng tốt nhất Việt Nam. 

“Điều này đã khẳng định năng lực mở rộng điểm bán offline của Masan để đẩy nhanh chiến lược Offline-to-Online”, báo cáo viết. Để có được điều này, trong năm qua, Supra - công ty logistic do Masan sở hữu đã chính thức đi vào hoạt động. 

Công ty cho biết Surpra đã đảm nhận 45% lượng hàng hóa khô của WinCommerce (WCM - đơn vị vận hành chuỗi WIN, WinMart và WinMart+), góp phần giảm 13% chi phí cung ứng trên mỗi sản phẩm của WCM trên cơ sở chuẩn hóa trong năm đầu hoạt động.

Theo tìm hiểu, CTCP The Surpra được thành lập ngày 22/3/2022 , có người đại diện pháp luật là ông Trần Phương Bắc. Ông Bắc cũng là người đại diện pháp luật các pháp nhân trong hệ sinh thái Masan như MNS Meat, MNS Farm, Dr.Win, Masan Agri,…

The Surpra là công ty chuyên về dịch vụ kho bãi và lưu trữ hàng hoá. Tại ngày 31/12/2022, Masan nắm 71,5% cổ phần công ty này.

Logistic là một hoạt động quan trọng trong bán lẻ, đặc biệt với đơn vị vận hành chuỗi lớn như Masan. Tính đến hết năm ngoái, Masan đang vận hành 102 cửa hàng WIN, 3.268 cửa hàng WinMart+ và 131 đại siêu thị WinMart.

Với quy mô này, WinCommerce hiện đang là đơn vị bán lẻ tạp hoá theo chuỗi có số lượng cửa hàng lớn nhất Việt Nam. WinCommerce cũng là doanh nghiệp bán lẻ siêu thị có doanh thu cao thứ hai Việt Nam, đạt 29.369 tỷ đồng năm 2022. Đứng đầu là Saigon Co.op với gần 30.900 tỷ đồng doanh thu.

 

Báo cáo từ Masan cho biết WinCommerce là chuỗi bán lẻ nhu yếu phẩm duy nhất gia tăng quy mô trong năm 2022 với số cửa hàng được mở mới (ròng) xấp xỉ với số cửa hàng đóng cửa (ròng) của toàn thị trường.

Năm 2023, WinCommerce tiếp tục đặt mục tiêu mở 800 – 1.200 cửa hàng. Công ty sẽ tập trung vào mô hình minimart/mini mall với đa dạng hình thức từ WIN, WinMart+ ở khu vực thành thị, WinMart+ ở khu vực nông thôn để củng cố vị thế của chuỗi bán lẻ tại khu vực thành thị và nông thôn. 

Logistic: Chìa khóa sức mạnh của bán lẻ

Trong cuộc gặp gỡ nhà đầu tư hồi tháng 4/2022, Chủ tịch Nguyễn Đức tài của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) - đơn vị vận hành chuỗi Bách Hoá Xanh, nói rằng logistic tốt là ước mơ của ngành bán lẻ.

Theo ông Tài, ước mơ đó là có ai đó làm logistic “một cách ngon lành” để công ty của ông có thể thuê và sau đó tập trung hoàn toàn vào mua bán, bởi đây chính là sức mạnh của bán lẻ. Thực tế, chính Thế Giới Di Động cũng đã thử vài lần, theo chia sẻ của ông Tài.

“Chúng tôi không biết có nên nỗ lực tiếp hay không bởi vì có những lùng bùng trong đó. Logistics bao gồm kho vận (quản lý hàng hóa và vận tải hàng hóa từ điểm nhận cho đến siêu thị). Tại Việt Nam, nói thì hay chứ thực tế chưa có ông nào làm được ra hồn. Tôi hy vọng có ai đó làm được bài bản”.

 Một cửa hàng Bách Hoá Xanh tại TP HCM. (Ảnh: MWG).

Tại nước ngoài, mô hình này thường dùng dịch vụ từ bên thứ ba. “Chúng tôi đã sang Nhật Bản hay châu Âu và nhận thấy rằng đúng là họ sử dụng dịch vụ của bên thứ ba. Nhà cung cấp chỉ giao hàng đến kho do bên thứ ba quản lý. Sau đó, họ tự nhận và giao hàng đúng ngày đúng giờ. Tôi ước mơ có ai đó ở Việt Nam đủ năng lực làm điều này”, Chủ tịch Thế Giới Di Động nói thêm.

Tại thời điểm đó, ông Tài cho biết ở Việt Nam chưa ai làm được điều này. Thậm chí, ngay cả Thế Giới Di Động cũng đã thử và đầu hàng khi cảm thấy lỗi thời sau vài ba tháng làm dịch vụ.

“Chúng tôi đã nói với một người trong ngành logistics rằng: Ông ở trong ngành cả chục năm mà sao tôi làm 2 – 3 năm còn đi xa hơn ông cả khúc như vậy?. Đó là những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Logistics ở Việt Nam cực kỳ kém hiệu quả và tệ hại”, ông Tài chia sẻ.

Cuối cùng, Chủ tịch Thế Giới Di Động nhận định rằng ở thời điểm hiện tại, bất kỳ ai có sức mạnh về Việt Nam xây dựng một công ty logistics đàng hoàng, làm ăn tới nơi tới chốn, người đó sẽ giành chiến thắng. “Đây là cơ hội lớn cho những ai có sức mạnh về logistics”, ông Nguyễn Đức Tài kết luận.

Hiện, Thế Giới Di Động cũng có một công ty con chuyên xử lý vấn đề giao hàng của Bách Hoá Xanh, bao gồm 10 kho nhận hàng online. “Ví dụ, có 10 đơn hàng cần giao vào khoảng 10h – 12h sáng mai thì việc nhận hàng sẽ được diễn ra trước đó. Một đội ngũ trực thuộc MWG sẽ đến kho, cầm đơn hàng và chắc chắn đi giao tất cả 10 đơn trong hai tiếng đó. Hiện tại, 10 kho của công ty chia cho 20 quận huyện tại TP HCM, tương đương mỗi kho chỉ vụ tầm hai quận huyện. Như vậy, tốc độ giao hàng sẽ đạt yêu cầu”, ông Tài nói.

Tuy nhiên, khác với WinCommerce, hệ thống logistic này của Thế Giới Di Động chủ yếu phục vụ việc bán hàng online của Bách Hoá Xanh. Trong khi công ty con của Masan hướng tới các điểm bán lẻ trực tiếp.

Thiên Trường