VNDirect: GDP sẽ tăng 7% nửa cuối năm, dự trữ ngoại hối có thể đạt 112 tỷ USD
Bất chấp tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh thành, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý II/2020.
Tính chung GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020.
GDP quý II và 6 tháng đầu năm dù tăng so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vẫn còn thấp so với mức cùng kỳ của năm 2018 và 2019 nhưng vẫn được đánh giá là đáng khích lệ dưới tác động của hai đợt dịch COVID-19 tái bùng phát tương đối nghiêm trọng trong nửa đầu năm.
Trong báo cáo chiến lược của CTCP Chứng khoán VNDirect, đơn vị này dự báo dự báo nửa cuối năm, GDP của Việt Nam có thể đạt mức tăng 7% so với cùng kỳ năm 2020 (2,6%), qua đó kéo mức tăng trưởng cả năm nay lên 6,5%.
Các yếu tố hỗ trợ cho mức tăng trưởng GDP cao hơn cho nửa cuối năm 2021 bao gồm việc mở rộng sản xuất nhờ nhu cầu phục hồi tại Hoa Kỳ và EU, kỳ vọng ngành dịch vụ sẽ phục hồi hậu COVID-19 cùng với việc tiêm vắc xin được triển khai mạnh mẽ hơn tại Việt Nam.
VNDirect nhận định lạm phát Việt Nam có thể được kiểm soát trong nửa cuối năm 2021 nhờ chỉ số CPI lương thực giảm trong bối cảnh giá thịt lợn giảm và Chính phủ áp dụng các biện pháp kiểm soát lạm phát hiệu quả như giảm giá điện, hạn chế xuất khẩu nguyên liệu thô. VNDirect giữ nguyên dự báo CPI bình quân năm 2021 tăng 2,9% so với năm trước.
Về tình hình xuất khẩu, một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang thực hiện các bước tiếp theo để mở cửa lại nền kinh tế, bao gồm Mỹ và Anh. VNDirect kỳ vọng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ cao hơn trong nửa cuối năm 2021 nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi, đặc biệt là các máy móc thiết bị, đồ gỗ, dệt may và thủy sản.
Với tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, VNDirect cho rằng giai đoạn 2021-2022 khó có thể duy trì mức tăng trưởng đột biến như năm 2020 (tăng 34,5%), tuy nhiên, vẫn sẽ duy trì mức tăng trưởng dương khoảng 8-12% trong giai đoạn 2021-2022.
VNDirect nhận định lãi suất tiền gửi sẽ tăng nhẹ 25-30 điểm % trong nửa cuối năm 2021 do nhu cầu tín dụng tăng nhờ sự phục hồi của nền kinh tế, áp lực lạm phát cao hơn về cuối năm và các ngân hàng thương mại cần duy trì mức lãi suất hấp dẫn để cạnh tranh huy động vốn với các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán.
Theo đó, VNDirect dự báo mặt bằng lãi suất tín dụng sẽ duy trì ở mức ổn định cho đến hết năm 2021 nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Với dự trữ ngoại hối, hiện đạt 100 tỷ USD, dựa trên ước tính của VNDirect, tương đương kim ngạch nhập khẩu 4 tháng và chiếm gần 1/4 GDP.
Bộ phận phân tích của VNDirect kỳ vọng Việt Nam sẽ duy trì thặng dư thương mại, thặng dư tài khoản vãng lai và tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối lên mức 112 tỷ USD vào cuối năm 2021.
Các yếu tố ngăn đà tăng giá của tiền VND so với đông USD trong 6 tháng cuối năm 2021 bao gồm USD có thể giành lại vị thế từ quý III sau khi FED có ý định thu hép dần gói nới lỏng định lượng (QE) kể từ đầu năm 2022. Ngoài ra là việc lạm phát trong nước tăng trở lại và thâm hụt thương mại 473 triệu USD trong 5 tháng đầu năm.
Mặc dù VNDirect cho rằng tiền VND tiếp tục được hỗ trợ bởi nền tảng vĩ mô vững chắc và sự phục hồi của dòng vốn FDI, tuy nhiên quan điểm lạc quan đối với sự tăng giá của tiền VND vào đầu năm nay giờ đã trở nên trung lập hơn.
Bên cạnh các yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường thì báo cáo của VNDirect cũng đưa ra một số rủi ro với nền kinh tế nửa cuối năm.
Rủi ro trong nước bao gồm áp lực lạm phát tăng lên và việc chậm triển khai tiêm vắc xin ngừa COVID-19 có thể khiến Việt Nam chậm mở cửa trở lại toàn bộ nền kinh tế và đánh mất lợi thế cạnh tranh vào tay các quốc gia khác trong khu vực.
Về rủi bên ngoài thì việc FED dự kiến thu hẹp gói nới lỏng định lượng (QE) kể từ đầu năm 2020 có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của các nước mới nổi và đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Ngoài ra, rủi ro địa chính trị đã tăng lên trong quý II khi xung đột gia tăng ở Trung Đông và căng thẳng giữa Trung - Mỹ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu.