Vì sao các ông lớn ngành thép Việt Nam không làm thân vỏ ô tô?
Ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam ngày một phát triển với những ông lớn như Hoà Phát, Nam Kim, Hoa Sen, Formosa.
Đặc biệt trong năm 2021, ngành thép có bước tăng trưởng vượt bậc bất chấp những tác động của đại dịch COVID-19 với sản lượng thép thành phẩm tăng 20% lên 33 triệu tấn. Nhiều câu hỏi đặt ra cho ngành thép về hướng mở rộng sang các lĩnh vực mới, trong đó có việc sản xuất thân vỏ ô tô.
Bởi, hiện nay 80% linh kiện sản xuất ô tô tại Việt Nam là nhập khẩu, trong khi đó con số này tại các nước trong ASEAN (Thái Lan, Indonesia,..) trung bình là 10% - 20%. Riêng phần thân vỏ, chỉ một số ít doanh nghiệp đầu tư dây chuyền giập, tạo hình và nguồn nguyên liệu thép chủ yếu mua ngoài. Do đó, một số ý kiến cho rằng các doanh nghiệp thép đang có lợi thế về nguyên liệu.
Tuy nhiên, việc sản xuất thân vỏ ô tô lại là bài toàn khó cho nhiều doanh nghiệp sản xuất thép.
Ba câu hỏi cần trả lời khi bắt đầu làm thân vỏ ô tô
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2022, Tổng Giám đốc CTCP Thép Nam Kim Võ Hoàng Vũ cho biết để làm thép phục vụ cho sản xuất xe ô tô, doanh nghiệp cần phải trả lời 3 câu hỏi.
Câu hỏi đầu tiên: Doanh nghiệp có lợi thế về công nghệ, nguyên liệu thượng nguồn để tham gia lĩnh vực sản xuất thân vỏ ô tô hay không?
Thông thường các doanh nghiệp sản xuất ô tô sẽ không mua giá giao ngay mà ký các hợp đồng giao sau dài hạn. Do đó, chỉ những doanh nghiệp sản xuất thép thượng nguồn, có đầu tư lò cao, chất lượng thép cao mới đảm bảo ổn định sản lượng, giá cả. Những doanh nghiệp làm thép mạ trong đó có cả Nam Kim vẫn chưa đáp ứng được.
Hiện tại, hai ông lớn sản xuất tôn mạ là Hoa Sen và Nam Kim đều chưa thể tự chủ thép thượng nguồn. Trước đó, Hoa Sen cũng đã từng đặt tham vọng tự chủ khâu thượng nguồn vào dự án thép Cà Ná ở tỉnh Ninh Thuận với vốn đầu tư dự kiến 10 tỷ USD và sản lượng dự kiến 16 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên sau đó, tập đoàn đã phải từ bỏ vì gặp nhiều trở ngại. Hiện nay Hoa Sen không còn tham vọng đầu tư vào thượng nguồn thép và chuyển hướng sang tập trung mảng phân phối, thay vì mở rộng sản xuất.
Câu hỏi thứ hai: Doanh nghiệp có đủ tiềm lực tài chính và công nghệ để đầu tư hay không?
Theo ông Vũ, ban lãnh đạo của Nam Kim cũng đã từng bàn về câu chuyện này nhưng có nhiều vấn đề chưa thể giải quyết trong đó có bài toán tài chính. Theo đó, nếu làm, Nam Kim sẽ phải đầu tư công nghệ từ đầu theo chuẩn khổ nguyên liệu hoàn toàn khác so với những gì mà Nam Kim đang có. Để làm được điều này, suất đầu tư có thể gấp 4 - 5 lần so với mức khoảng 4.500 tỷ đồng mà công ty đang bỏ ra để làm dự án Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
Câu hỏi thứ ba: Đầu ra sản phẩm sẽ bán cho ai?
Công ty sẽ bán cho Honda, Toyota hay cho ai? Đây là câu hỏi mà Nam Kim vẫn chưa thể trả lời bởi nếu muốn bán cho các đối tác này, công ty buộc phải đầu tư công nghệ để đáp ứng về chất chất lượng. Hiện tại, Nam Kim mới chỉ cung cấp nguyên liệu để sản xuất xe hơi ở phân khúc nhỏ với thị trường dễ tính hơn.
Doanh nghiệp tự chủ được thép thượng nguồn cũng không mấy mặn mà
Như vậy có thể thấy việc sản xuất thép từ thượng nguồn đóng vai trò quyết định trong việc có thể tham gia lĩnh vực sản xuất thân vỏ ô tô hay không.
Có thể hiểu đơn giản quy trình sản xuất thép từ thượng nguồn qua 4 bước: Đầu tiên quặng sắt thô các loại sẽ được đưa vào nhà máy chế biến nguyên liệu để loại tạp chất, tăng hàm lượng sắt và viên thành dạng cục tròn.
Bước thứ hai, quặng sắt vê viên, than cốc (coke), vôi và phụ gia khác được đưa vào lò cao để nấu lỏng thành nước gang. Bước ba, gang lỏng từ lò cao sẽ được chuyển sang các lò tinh luyện của nhà máy luyện thép để cho ra phôi đảm bảo tiêu chuẩn.
Và cuối cùng, phôi vừa ra lò được chuyển ngay sang nhà máy cán để cho ra thép xây dựng thành phẩm, hoàn thành chu trình sản xuất khép kín.
Trong 3 ông lớn sản xuất thép Việt Nam (Hoà Phát, Nam Kim, Hoa Sen) thì đến nay chỉ có Hoà Phát làm được điều này. Ngoài ra, một doanh nghiệp FDI khác là Formosa cũng có thể làm thép thượng nguồn. Tuy nhiên nghiệp chủ yếu chú trọng tới việc xuất khẩu hơn.
Còn với Hoà Phát, cách đây 2 năm, ông Chủ tịch Trần Đình Long cũng từng tuyên bố trong ngắn hạn công ty chưa nghĩ đến việc lấn sân sang mảng sản xuất thân vỏ ô tô, thay vào đó, tập trung làm thép cuộn cán nóng (HRC).
Ông Long nhấn mạnh: "Hòa Phát phải làm cái gì nhiều, số lượng lớn, thô nên trong ngắn hạn không nghĩ đến làm thép cho ô tô. Bao giờ sản lượng trong nước phải bằng Thái Lan thì Hòa Phát mới nghĩ đến".
Theo báo cáo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam, giá thành sản xuất luôn là yếu tố quyết định đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp nói chung và ngành ô tô nói riêng.
Theo Toyota Việt Nam, số lượng phụ tùng, linh kiện bán được hàng năm phải đạt khoảng 50.000 bộ thì mới khả thi để đầu tư.
Có nghĩa là một mẫu xe phải sản xuất được 50.000 chiếc trong một năm. Đây là lý do vì sao các hãng sản xuất ô tô ở Việt Nam mới chỉ làm các khâu lắp ráp và hoàn thiện như giập vỏ, sơn, … khi những mẫu xe bán chạy nhất có thể kể đến như Hyundai I10, Toyota Vios cũng chỉ có mức doanh số bán đạt 20.000 – 30.000 xe một năm.
Với Hoà Phát, mặc dù HRC có biên lợi nhuận thấp hơn thép thành phẩm nhưng số lượng rất lớn. Hiện tại ở Việt Nam ở chỉ có Hoà Phát và Fomosa có thể sản xuất loại thép này. Trong đó, Hoà Phát chiếm khoảng một nửa sản lượng.
Hiện tại, công suất của cả hai công ty gộp lại mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu thị trường. Điều này đồng nghĩa, hàng sản xuất đến đâu gần như tiêu thụ hết đến đó. Đây là lý do khiến Hòa Phát lựa chọn HRC để phát triển thay vì thân vỏ ô tô.