|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Vấn đề trái phiếu doanh nghiệp phủ bóng kinh tế những tháng cuối năm, sửa đổi Nghị định 65 sẽ mang đến làn sóng tích cực?

15:33 | 22/12/2022
Chia sẻ
Chuyên gia cho rằng nếu dự thảo sửa đổi Nghị định 65 được thông qua sẽ ảnh hưởng tích cực lên thị trường TPDN. Từ đó sẽ ảnh hưởng tích cực lên các lớp tài sản khác như thị trường cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản nhờ vào các sửa đổi theo hướng thoáng hơn.

Năm 2022 dần khép lại với tăng trưởng kinh tế ước tăng 8%, vượt mục tiêu đề ra. Dù vậy, tình hình thế giới diễn biến khó lường khiến kinh tế trong nước vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Ngoài ra, các vấn đề từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), bất động sản cho thấy chặng đường nền kinh tế đang đi không mấy dễ dàng.

Nói về rủi ro ngắn hạn, các chuyên gia của SSI Research cho rằng cần lưu ý đến thanh khoản hệ thống khi TPDN đến hạn cao dần về cuối năm. SSI cũng nhấn mạnh cần quan sát thêm những bước đi chính sách tiếp theo, từ phía Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong việc xử lý và hỗ trợ trên thị trường TPDN.

Từ đầu tháng 12, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm gỡ khó cho thị trường này. Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ hôm 1/12, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương rà soát, sửa đổi quy định về TPDN.

Tiếp đó, Thủ tướng cũng đã ký công điện ngày 13/12, trong đó yêu cầu Bộ trưởng Tài chính thực hiện các biện pháp bảo đảm thị trường TPDN hoạt động lành mạnh, minh bạch, an toàn, hiệu quả.

Thông tin tích cực mới nhất, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ.

Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất giãn thời gian thực hiện quy định mới về nhà đầu tư chuyên nghiệp, yêu cầu xếp hạng tín nhiệm và phân phối trái phiếu trong vòng một năm, tức cho đến 1/1/2024.

Dự thảo cũng cho phép các trái phiếu phát hành trước đây còn dư nợ có thể được gia hạn với thời gian tối đa là hai năm, cho phép doanh nghiệp và nhà đầu tư thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác.

Dự thảo nếu được thông qua sẽ tác động tích cực lên thị trường TPDN, TTCK

Đánh giá về dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65, ông Huỳnh Minh Tuấn, Nhà sáng lập Công ty cổ phần FIDT cho biết nếu sửa đổi được thông qua sẽ ảnh hưởng tích cực lên thị trường TPDN. Từ đó sẽ ảnh hưởng tích cực lên các lớp tài sản khác như thị trường cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản nhờ vào các sửa đổi theo hướng thoáng hơn.

Trong đó, các điều kiện khó đáp ứng và cần thời gian để thị trường thích nghi được dời thời gian áp dụng sang 2024.

Ngoài ra, dự thảo mở ra cơ sở cho việc giải quyết qua thương lượng, cơ cấu, hoán đổi tài sản đối với các TPDN tới hạn và doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn, giúp giảm nguy cơ vỡ nợ trái phiếu.

 

Nhận xét chi tiết hơn về từng nội dung trong dự thảo, về việc dời thời điểm áp dụng quy định “xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp” từ 16/9/2022 sang 1/1/2021, ông Tuấn cho hay điều này tích cực cho thị trường khi Nghị định 65 đã làm giảm số lượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khiến giảm lượng cầu.

Đồng thời, thị trường có thời gian đủ dài để thích nghi với quy định mới.

Dự thảo đề xuất dời thời điểm áp dụng “thời gian phân phối trái phiếu” sang 1/1/2024 nhằm giúp doanh nghiệp và các công ty chứng khoán “dễ thở” hơn và tăng khả năng thành công của các đợt phát hành trái phiếu.

Ngoài ra ông Tuấn cho rằng đề xuất sang 1/1/2024 mới áp dụng quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc sẽ giúp giảm các điều kiện phát hành, đặc biệt các doanh nghiệp có vay nợ trái phiếu nhiều, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, thị trường cũng có thời gian đáp ứng các chỉ tiêu về dư nợ trái phiếu và phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm. 

Nội dung thứ 4, doanh nghiệp được thay đổi kỳ hạn, hoán đổi trái phiếu đã phát hành, kéo dài thời hạn tối đa là hai năm. Theo đại diện FIDT, quy định này sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều lựa chọn hơn để cơ cấu lại TPDN đã phát hành và thoả thuận với nhà đầu tư giúp giảm nguy cơ vỡ nợ.

Với đề xuất cho phép doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác, ông Tuấn cho rằng sẽ mở ra cơ chế thoả thuận đối với trái phiếu, lấy tài sản hay chuyển đổi thành khoản vay giúp giảm nguy cơ vỡ nợ.

Theo quan điểm của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính,  thời gian qua, có một số vụ việc tiêu cực, vì vậy việc cơ quan quản lý chấn chỉnh thị trường là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng Nghị định 65 lại theo hướng thắt quá chặt, chưa phù hợp với bối cảnh hiện tại, khiến doanh nghiệp khó phát hành trái phiếu cũng như đáp ứng các yêu cầu về xếp hạng tín nhiệm, tài sản đảm bảo,… Ông nhấn mạnh nếu không chỉnh sửa kịp thời, các doanh nghiệp sẽ rất khó phát hành trái phiếu trong năm 2023.

Theo ông, điều quan trọng nhất là cần có giải pháp chỉnh sửa Nghị định 65 cho phù hợp, vừa bảo đảm thông thoáng, tạo thuận lợi cho nhà phát hành, vừa hướng tới hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Góp ý với cơ quan soạn thảo dự thảo, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV,  Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng trong Nghị định sửa đổi, Bộ Tài chính cần quan tâm mở rộng nhiều hơn đối tượng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp lớn như các ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm, các quỹ.

Về việc yêu cầu xếp hạng tín nhiệm thêm một năm, cần quy định cụ thể doanh nghiệp nào cần áp dụng tiêu chí xếp hạng tín nhiệm nào, ngoài ra cần có lộ trình nâng cao năng lực của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Với quy định "để mua TPDN phát hành riêng lẻ phải đảm bảo danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư nắm giữ có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng trong 6 tháng", ông cho rằng 6 tháng là thời gian quá dài, không thực tế, nên áp dụng theo lộ trình, có thể là 1, 2, 3 tháng, sau đó tăng dần. Nếu không sẽ rất khó phát triển được các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân.

Nhiều giải pháp vực dậy thị trường TPDN

Trong nhiều hội thảo, diễn đàn gần đây, vấn đề của thị trường TPDN liên tục được đề cập đến.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 hôm 17/12,  ông Don Lam - Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital nhấn mạnh Việt Nam cần phục hồi thị trường TPDN thông qua một số hình thức bảo lãnh một phần trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Ông cho rằng hiện VND đã mạnh lên đáng kể và lạm phát dần được kiểm soát, tạo dư địa cho NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings cũng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có kiến nghị vẫn cho phép bán trái phiếu phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân nếu trái phiếu này được bảo lãnh bởi ngân hàng. Điều này sẽ vừa tận dụng được năng lực giám sát của hệ thống ngân hàng vừa tận dụng được nguồn vốn.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh cần có liệu pháp riêng cho các nhà phát hành có rủi ro cao. Trong đó, cơ quan quản lý tích cực rà soát, đánh giá, phân loại xác định cụ thể nhà phát hành có rủi ro cao. Khu trú các doanh nghiệp yếu và sở hữu bởi nhiều nhà đầu tư cá nhân nhằm đưa ra phương án ổn định tâm lý.  

 

Ông Thuân cho rằng hiện chúng ta hay tập trung về phía cung trong khi khai thông phía cầu còn quan trọng hơn. Hiện tại phần lớn nhà đầu tư nắm giữ TPDN đều là nhà đầu tư cá nhân, nếu không tính lượng “bank-bond” - là lượng TPDN được các ngân hàng nắm giữ.

Thị trường đang thiếu vắng sự tham gia của các quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư trái phiếu, quỹ đầu tư cân bằng,… Hiện chưa có sự xuất hiện của các quỹ hưu trí tự nguyện hoặc đơn vị Nhà nước như Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, hoặc các tổ chức bảo lãnh trái phiếu nội địa ngoài ngân hàng thương mại, ông Thuân nhận xét.   

Đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, Chủ tịch FiinRatings nêu một số nguyên nhân về sự vắng bóng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đòi hỏi sản phẩm có kỳ hạn dài, nhiều năm trong khi trái phiếu doanh nghiệp phổ biển lại có kỳ hạn 3 năm. Các doanh nghiệp trong ngành này thường có khẩu vị rủi ro rất thấp và đòi hỏi cao về minh bạch thông tin và chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi có hiệu lực từ năm 2023 sẽ hạn chế doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp phát hành với mục đích tái cơ cấu nợ.

“Những quy định và chính sách về “cầu”, ví dụ như Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước về hạn chế ngân hàng đầu tư và kinh doanh trái phiếu, những hạn chế về phân bổ tài sản vào trái phiếu doanh nghiệp áp dụng đối với công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư,... cũng là những thách thức không nhỏ để từng bước phát huy vai trò “đầu tư” của thị trường này”, ông Nguyễn Quang Thuân chia sẻ.  

Hồng Hà