|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Từ làng gốm sứ, địa phương phát triển thần tốc thành 'thủ phủ công nghiệp' với loạt dự án FDI tỷ USD

07:14 | 04/05/2022
Chia sẻ
Là địa phương nằm sâu trong đất liền, không có cảng biển, sân bay cùng nền công nghiệp chỉ có gốm và sơn mài, Bình Dương đã nhanh chóng bứt tốc trở thành một trong những "thủ phủ công nghiệp" lớn nhất cả nước.

Sau 25 năm tách khỏi tỉnh Sông Bé (1/1/1997), với xuất phát điểm là một tỉnh nghèo cùng nền kinh tế nông nghiệp, Bình Dương đã chuyển dịch hiệu quả cơ cấu kinh tế, trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và cũng là một trong những điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư của cả nước.

 Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Zing).

Tốc độ đô thị hóa nhanh, tiến tới trở thành địa phương nhiều thành phố nhất cả nước

Xét về dân số, sau 25 năm tái thành lập tỉnh, dân số Bình Dương đã tăng lên 4 lần, từ 670.000 người vào thời điểm năm 1997 tăng lên hơn 2,6 triệu người vào năm 2021. Bình Dương là tỉnh có dân số đông thứ 6 cả nước và cũng là địa phương có tỷ lệ gia tăng dân số cơ học rất cao do có nhiều người nhập cư.

Với mức tăng dân số cơ học cũng đủ cho thấy sức hút của Bình Dương đối người dân lao động trên cả nước.

Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương cũng gia tăng nhanh chóng theo nhịp phát triển kinh tế. Thời điểm năm 1997, tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương chỉ khoảng 18%, tuy nhiên sau 25 năm tỷ lệ này đã đạt 82% và thuộc nhóm có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước.

 Khu công nghiệp VSIP I Bình Dương. (Ảnh: Zing).

Theo báo cáo Điều tra lao động việc làm năm 2020 Tổng cục Thống kê (GSO) mới công bố hồi tháng 2 năm nay, Bình Dương là địa phương đứng thứ tư cả nước về thu nhập từ việc làm bình quân tháng của lao động với 7,570 triệu đồng/người/tháng. Đây cũng là tỉnh đầu tiên không còn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn quốc gia từ năm 2017. 

Sau nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính, tính tới thời điểm hiện tại, Bình Dương có ba thành phố gồm TP Thủ Dầu Một (năm 2012), TP Dĩ An, TP Thuận An (2020); hai thị xã là Bến Cát và Tân Uyên; 4 huyện gồm Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo. Với số đơn vị hành chính như trên, Bình Dương là tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc thứ hai Việt Nam, chỉ sau Quảng Ninh (4 thành phố trực thuộc). 

Ngoài ra, UBND tỉnh Bình Dương hiện đang lập đề án đưa thị xã Tân Uyên và Bến Cát lên thành phố. Nếu được phê duyệt, Bình Dương sẽ có tổng cộng 5 thành phố trực thuộc, vượt Quảng Ninh và trở thành địa phương có nhiều thành phố nhất trên cả nước.

Hành trình 25 năm từ làng gốm sứ tới thủ phủ công nghiệp

Nhìn lại thời điểm năm 1997, Bình Dương có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ và nông nghiệp với tỷ lệ tương ứng là 50,45% - 26,8% - 22,8%. Tuy tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm tới 50,45% trong cơ cấu nền kinh tế Bình Dương thời bấy giời, song giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 363 triệu USD, song lại gói gọn trong các ngành hàng công nghiệp nhẹ và thủ công mỹ nghệ. Sản xuất công nghiệp chỉ có gốm và sơn mài do lợi thế từ tài nguyên khoáng sản chủ yếu là đất sét và cao lanh.

 

Sau 25 năm, Bình Dương đã phát triển vượt bậc với những chỉ tiêu kinh tế cao gấp hàng chục lần. Cụ thể, theo báo cáo kinh tế - xã hội năm 2021, cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 67,91% - 21,31% - 3,1%.

Có thể thấy rõ, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu GRDP của tỉnh Bình Dương đã giảm một cách đáng kể từ 22,8% xuống còn hơn 3%. Trong khi đó, tỷ trọng ngành công nghiệp tiếp tục tăng cao trong cơ cấu GRDP, thu hút nhiều dự án FDI lớn.

Từ 7 khu công nghiệp (KCN) với diện tích 1.603 ha vào năm 1997, đến nay, toàn tỉnh Bình Dương có 29 KCN, trong đó có 27 khu đi vào hoạt động với diện tích 12.670ha (diện tích cho thuê trên đạt 87,4%) và 12 cụm công nghiệp với diện tích 789,91 ha (diện tích cho thuê đạt khoảng 67,4%).

Trong năm 2022, Bình Dương sẽ khởi công thêm hai KCN tập trung quy mô lớn. Trong đó có KCN Việt Nam-Singapore (VSIP III) có diện tích 1.000 ha đã được khởi công vào ngày 19/3 và KCN Cây Trường rộng 1.000 ha sẽ được triển khai trong thời gian tới. 

 

Các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Bình Dương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Trong nhiều năm qua, tỉnh Bình Dương liên tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn lớn, doanh nghiệp nước ngoài. Tính đến tháng 3 năm nay, tỉnh hiện có tổng số 4.036 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 39,4 tỷ USD. 

Một số dự án đầu tư nước ngoài lớn như Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) với tổng vốn đầu tư 1,37 tỷ USD; Dự án Khu đô thị Harvard Garden với tổng vốn đầu tư lên tới 1,7 tỷ USD; Dự án khu đô thị Tokyo Bình Dương với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD,... 

Mới đây, theo số liệu quý I, Bình Dương đã trao 22 giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp vào các KCN trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý là dự án của Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) có vốn đầu tư 1,32 tỷ USD.

Mặt khác, sự hình thành các khu, cụm công nghiệp cũng đã thúc đẩy các loại hình dịch vụ phát triển, hình thành các khu đô thị mới và hiệu quả rõ nét nhất chính là sự đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, giúp thay đổi nhanh chóng bộ mặt kinh tế - xã hội của Bình Dương.

 

Cụ thể, khi mới tái lập tỉnh, quy mô kinh tế Bình Dương chỉ đạt 3.919 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, quy mô kinh tế tỉnh đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần năm 1997. Tốc độ tăng trưởng GRDP theo giá so sánh giai đoạn 1997–2021 đạt 10,86%/năm.

Bên cạnh đó, GRDP bình quân đầu người năm 2021 của Bình Dương đạt 152,25 triệu đồng, tăng hơn 26 lần so với năm 1997 (5,8 triệu đồng). Mức tăng này vượt cả TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, vươn lên đứng thứ ba cả nước.

Ngoài ra, một loạt các chỉ số quan trọng cũng ghi nhận những con số ấn tượng như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2021 (231.578 tỷ đồng) tăng trên 83,1 lần so với năm 1997 (3.042 tỷ đồng); Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 (31,5 tỷ USD) gấp 75,5 lần so với năm 1997 (363,2 triệu USD); Tổng thu ngân sách năm 2021 (61.200 tỷ đồng) gấp 73 lần so với năm 1997 (817 tỷ đồng),...

Đáng chú ý, vào thời điểm tháng 2 vừa qua, Bình Dương được vinh danh là một trong 21 cộng đồng có Chiến lược phát triển Thành phố Thông minh tiêu biểu trên thế giới (Smart 21) của năm 2022. Đây là lần thứ 4 Bình Dương lọt vào danh sách “Top Smart 21” của ICF (Diễn đàn Cộng đồng Thông Minh Thế giới).

25 năm đầu tư xây dựng hơn 5.200 km đường giao thông

Là địa phương nằm sâu trong đất liền, không có cảng biển hay sân bay, song Bình Dương đã quy hoạch hệ thống hạ tầng giao thông một cách hài hòa, kết nối thuận tiện giữa các KCN, trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng giữa các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung với TP HCM - trung tâm kinh tế của cả nước và khu vực phía Nam.

Theo Cổng TTĐT tỉnh Bình Dương, tại thời điểm năm 1997, toàn tỉnh Bình Dương chỉ có 2.186 km đường giao thông với quy mô, chất lượng và các điều kiện về khai thác ở mức rất thấp. Nhờ tập trung huy động từ mọi nguồn lực, đến nay, tổng chiều dài hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh là 7.421 km. 

Trong đó có ba tuyến quốc lộ gồm: Quốc lộ 1A, 1K và 13 dài 77 km. Các trục giao thông được triển khai thực hiện như: Mỹ Phước - Tân Vạn - Bàu Bàng, Bàu Bàng - Phú Giáo - Bắc Tân Uyên, nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13, nâng cấp mở rộng đường ĐT743A, ĐT743B, đầu tư mới đường Thủ Biên - Đất Cuốc...

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cùng các đại biểu tham gia nghi thức động thổ, khởi công dự án BOT nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 diễn ra vào sáng ngày 26/4. (Ảnh: Báo Bình Dương). 

Đối với tuyến Quốc lộ 13 "huyết mạch", từ thời điểm năm 2000, đoạn từ ngã tư Bình Dương đến TX Bến Cát đã được mở rộng lên 6 làn xe và được gọi là đại lộ Bình Dương. Đây là con đường chạy qua TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An, kết nối các KCN lớn như Mỹ Phước, VSIP, Việt Hương 1, Đồng An, tiếp đến là Mỹ Phước 1, 2, 3,... kết nối với Quốc lộ 1, trở thành tuyến huyết mạch dẫn đến cảng biển, sân bay trong khu vực và TP HCM. 

Từ đó, các đoạn đường cao tốc, tỉnh lộ 4-6 làn xe dần được hình thành, tạo động lực cho ngành công nghiệp của tỉnh, góp phần thu hút đầu tư các các KCN, đô thị mà nó đi qua. Hiện một phần trục Quốc lộ 13 ngang qua TP Thuận An đang được quy hoạch thành đại lộ tài chính - thương mại - dịch vụ lớn nhất Bình Dương.

Để sớm hoàn thành mục tiêu này, vào ngày 26/3 vừa qua, tỉnh Bình Dương đã tiến hành mở rộng đoạn Quốc lộ 13 đoạn từ Vĩnh Phú (TP Thuận An) đến giao lộ Lê Hồng Phong (TP Thủ Dầu Một) từ 6 làn đường lên 8 làn đường, dự kiến khởi công trước 30/4 với tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng. 

Ngoài Quốc lộ 13, tuyến cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn được đưa vào sử dụng vào tháng 5/2021 cũng mang ý nghĩa quan trọng với tỉnh Bình Dương cũng như toàn bộ khu vực kinh tế Đông Nam Bộ khi đi qua các KCN lớn nằm trên 4 huyện và TP là: Bàu Bàng, Bến Cát, TP Thủ Dầu Một, TP Thuận An và TP Dĩ An.

Bên cạnh đó, đây cũng là tuyến đường đảm nhận các nhiệm vụ giao thông đối nội và đối ngoại, nối các KCN đến cảng biển quốc tế quan trọng khu vực như cảng biển quốc tế (Thị Vải, Cái Mép...), cảng container (cảng Đồng Nai, Bình Dương, Quận 9) cũng như kết nối Bình Dương với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Bình Phước, Đồng Nai, các tỉnh Tây Nguyên, TP HCM).

 

Trong thời gian tới, sau khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, tỉnh sẽ sớm triển khai dự án đầu tư vành đai 3, đường Mỹ Phước - Tân Vạn… Riêng với tuyến đường Vành đai 3 dự kiến hoàn thiện vào năm 2025 sẽ là "đòn bẩy" phát triển cho toàn tỉnh Bình Dương, địa phương chiếm độ dài lớn nhất với gần 36 km.

Hiện nay, đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, dài hơn 16 km đã hoàn thành và đi vào khai thác 6 làn xe. Đoạn Quốc lộ 22 - Bình Chuẩn dài 19,1 km, đi qua địa phận Bình Dương và TP HCM có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 10.000 tỷ đồng cũng dự kiến sẽ sớm khởi công trong năm nay.

 

Đối với dự án Vành đai 4, dự án có chiều dài 197,6 km, đi qua 5 tỉnh, thành phố bao gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An và TP HCM. Trong đó, đoạn qua tỉnh Bình Dương dài khoảng 48,25 km.

Theo kế hoạch, tới năm 2030 đường vành đai 4 TP HCM mới hoàn thành, song chính quyền Bình Dương kiến nghị cho tỉnh được đầu tư các đoạn còn lại từ nguồn vốn hỗn hợp để có thể hoàn thành dự án trong năm 2024. Hiện tỉnh Bình Dương chủ động hoàn thành nhiều đoạn của tuyến đường này với chiều dài 26,6 km, còn lại 21,7 km chưa đầu tư. 

Phương Trang

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.