|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Từ 25 tỷ còn 167 triệu USD: Điều gì đã khiến 'đế chế' tiền ảo Celsius sụp đổ và kéo theo hàng triệu khách hàng?

07:02 | 19/07/2022
Chia sẻ
Công ty cho vay tiền điện tử này được ví giống như mô hình ponzi của tiền số, nơi trả thưởng với mức lãi suất hàng năm cao đến không tưởng nhưng lại không thể nêu ra mô hình tạo ra lợi nhuận ngoài những quảng cáo kêu gọi người dùng gửi tiền.

Tuần trước, công ty cho vay tiền số hàng đầu thế giới Celsius đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản và điều này hầu như không gây ra quá nhiều bất ngờ. Trước đó, Celsius đã đóng băng tài sản của khách hàng và đây chính là dấu chấm hết cho hy vọng của hàng trăm, hàng nghìn khách hàng. "Một khi nền tảng đóng băng tài sản của khách hàng, về cơ bản là số phận đã tận", CNBC nhận định.

Tuy vậy, việc Celsius sụp đổ không gây ra bất ngờ không đồng nghĩa với việc đây là vấn đề nhỏ của ngành tiền điện tử. Hồi tháng 10/2021, CEO Celsius, Alex Mashinsky cho biết công ty đang quản lý khối lượng tài sản trị giá 25 tỷ USD.

Mặc cho thị trường tiền điện tử lao đao và sụt giá nghiêm trọng, Celsius vẫn quản lý số tài sản trị giá 11,8 tỷ USD hồi tháng 5. Hiện tại, Celsius đang giảm xuống còn 167 triệu USD “tiền mặt”, điều này cho biết công ty sẽ cung cấp “thanh khoản dồi dào” để hỗ trợ các hoạt động trong quá trình tái cơ cấu.

 CEO Celsius, Alex Mashinsky. (Ảnh: Ars Technica).

Trong khi đó, theo hồ sơ phá sản, Celsius nợ người dùng khoảng 4,7 tỷ USD và có một khoản lỗ khoảng 1,2 tỷ USD trong bảng cân đối kế toán. Công ty cho thấy rằng đòn bẩy là một chất kích thích, nhưng thời điểm bạn rút hết tiền, "bữa tiệc" sẽ khó mà tiếp tục.

Sự suy tàn của Celsius đánh dấu vụ phá sản lớn thứ ba trong hệ sinh thái tiền điện tử chỉ trong hai tuần và vụ việc đang được coi là khoảnh khắc Lehman Brothers của tiền điện tử - so sánh tác động rộng rãi từ cú ngã của một công ty cho vay tiền điện tử với sự sụp đổ của một ngân hàng lớn ở Phố Wall vào khủng hoảng tài chính 2008.

Bất kể trường hợp của Celsius có đang gây ảnh hướng xấu như thế nào đến ngày thì những ngày mà khách hàng thu về lợi nhuận hàng năm ở mốc hai con số đã qua. Đối với Celsius, việc hứa hẹn những mức lợi nhuận hấp dẫn được xem như một phương tiện để tiếp cận người dùng mới và đây cũng là một phần lớn nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng của Celsius.

Nic Carter của Castle Island Venture cho biết: “Họ trợ cấp và chịu lỗ để thu hút khách hàng. Lợi tức có được là giả và được trợ cấp. Về cơ bản, họ đã thu được lợi nhuận từ mô hình Ponzi".

Ai sẽ là người lấy lại được tiền?

Ba tuần sau khi Celsius tạm dừng tất cả các khoản rút tiền với lý do  "điều kiện thị trường khắc nghiệt" và chỉ cách một vài ngày trước khi nộp đơn xin bảo hộ phá sản, nền tảng này vẫn đang quảng cáo lợi nhuận hàng năm lên tới gần 19% và đăng tải hàng hàng tuần, ở vị trí trang trọng, nổi bật nhất trên website của họ.

Những lời hứa hẹn như vậy đã giúp công ty nhanh chóng thu hút người dùng mới. Celsius cho biết họ có 1,7 triệu khách hàng, tính đến tháng 6. Hồ sơ phá sản của công ty cho thấy rằng Celsius cũng có hơn 100.000 chủ nợ, một số người đã cho nền tảng vay tiền mặt mà không có bất kỳ tài sản thế chấp.

Danh sách 50 chủ nợ không có bảo đảm hàng đầu, bao gồm công ty thương mại Alameda Research của tỷ phú Sam Bankman-Fried, cũng như một công ty đầu tư có trụ sở tại Quần đảo Cayman.

Những chủ nợ đó có khả năng xếp hàng đầu tiên để lấy lại tiền của họ, nếu có bất cứ thứ gì để lấy. Sau khi nộp đơn yêu cầu phá sản, Celsius đã giải thích rằng “hầu hết các hoạt động tài khoản sẽ bị tạm dừng cho đến khi có thông báo mới” và “không yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cho phép khách hàng rút tiền vào lúc này”.

Trong phần hỗ trợ khách hàng của Celsius, cho biết rằng việc tích lũy thưởng cũng bị tạm dừng thông qua quy trình phá sản theo Chương 11 và khách hàng sẽ không nhận được phân phối phần thưởng vào lúc này.

 Celsius nộp đơn phá sản và khách hàng khó có thể lấy lại được tiền. (Ảnh: Paper Writer).

Điều đó có nghĩa là những khách hàng đang cố gắng truy cập vào tài sản điện tử của họ hiện không còn may mắn. Cũng không rõ liệu thủ tục phá sản cuối cùng có cho phép khách hàng bù đắp khoản lỗ của họ hay không.

Nếu có một khoản thanh toán nào đó vào cuối quá trình kéo dài nhiều năm, thì câu hỏi đặt ra là ai sẽ là người đầu tiên nhận được nó. 

Không giống như hệ thống ngân hàng truyền thống - nơi thường đảm bảo tiền gửi của khách hàng, Celsiu không có các biện pháp bảo vệ chính thức để bảo vệ tiền của người dùng khi xảy ra sự cố.

Trong các điều khoản và điều kiện của Celsius, bất kỳ tài sản kỹ thuật số nào được chuyển sang nền tảng đều tạo thành một khoản vay từ người dùng đối với Celsius. Vì không có tài sản thế chấp nào do Celsius đưa ra, tiền của khách hàng về cơ bản chỉ là các khoản vay không có bảo đảm cho nền tảng.

Ngoài ra, các điều khoản được in tại hợp đồng của Celsius đưa ra một cảnh báo rằng trong trường hợp phá sản, “bất kỳ Tài sản số Đủ điều kiện nào được sử dụng trong Earn Service hoặc làm tài sản thế chấp theo Borrow Service, đều có thể không thu hồi được” và khách hàng “có thể không có bất kỳ biện pháp hoặc quyền pháp lý nào liên quan đến các nghĩa vụ của Celsius.”

Điều này giống như một nỗ lực nhằm miễn trừ toàn bộ các hành vi sai trái pháp luật, nếu mọi thứ sẽ đi xuống sai hướng. Một nền tảng cho vay khác là Voyager Digital, có 3,5 triệu khách hàng và gần đây cũng đã nộp đơn phá sản.

Để trấn an hàng triệu người dùng của họ, CEO Voyager là Stephen Ehrlich đã tweet rằng sau khi công ty trải qua thủ tục phá sản, những người dùng có tiền điện tử trong tài khoản của họ sẽ có khả năng đủ điều kiện nhận một loại túi đồ, bao gồm cả sự kết hợp của tiền điện tử trong tài khoản của họ, các token của Voyager và cổ phiếu phổ thông khi Voyager được tái cơ cấu.

Sau đó, khách hàng của Voyager có thể thu được tiền từ khoản vay của công ty ở quỹ đầu cơ tiền điện tử nổi tiếng Three Arrows Capital. Tuy nhiên, Three Arrows Capital cũng đã phải xin bảo hộ phá sản.

Cả ba ông lớn tiền điện tử này đang thúc đẩy các nhà lập pháp Mỹ đi tìm đáp án cho các câu hỏi về sự quản lý của pháp luật đối với lĩnh vực tiền điện tử và tăng cường giám sát giữa các cơ quan quản lý như Ủy ban Giao dịch Chứng khoán.

Sự lệch hướng đến từ đâu?

Vấn đề bao trùm của Celsius là gần 20% lợi nhuận hàng năm mà họ cung cấp cho khách hàng là không có thật. Trong một vụ kiện, Celsius bị cáo buộc điều hành một kế hoạch Ponzi, trong đó họ trả tiền cho những người gửi tiền sớm bằng số tiền mà công ty có được từ những người dùng mới.

Celsius cũng đầu tư tiền của mình vào các nền tảng khác mang lại lợi nhuận cao ngất ngưởng tương tự, để giữ cho mô hình kinh doanh của mình tiếp tục phát triển. Một báo cáo từ The Block cho thấy rằng Celsius đã đầu tư ít nhất nửa tỷ USD vào Anchor, một nền tảng cho vay hàng đầu của dự án stablecoin được chốt bằng USD (UST), hiện đã thất bại.

 Celsius được ví là mô hình Ponzi của ngành tiền số. (Ảnh: Vision Times).

Anchor đã hứa với các nhà đầu tư lợi suất phần trăm hàng năm là 20% trên số lượng UST nắm giữ của họ - một tỷ lệ mà nhiều nhà phân tích cho là không bền vững.

Celsius là một trong nhiều nền tảng để sử dụng tiền mặt của họ với Anchor, đây là một phần lớn lý do tại sao hàng loạt cú sập xuất hiện nhanh chóng sau khi dự án Anchor thất bại vào tháng 5.

Nik Bhatia, người sáng lập The Bitcoin Layer và trợ giảng về tài chính tại Đại học Nam California, cho biết: “Họ luôn phải tạo ra lợi nhuận, vì vậy họ chuyển tài sản vào các công cụ rủi ro không thể phòng ngừa."

Đối với khoảng chênh lệch 1,2 tỷ USD trong bảng cân đối kế toán, Bhatia coi đó là các mô hình rủi ro kém và thực tế là tài sản thế chấp đã được các tổ chức cho vay bán hết.

“Họ có thể bị mất tiền gửi của khách hàng bằng UST. Một khi giá tài sản số tụt, đấy chính là lúc bạn rơi xuống hố. Nợ vẫn còn và chứng minh cho sự kém rủi ro của mô hình này", Bhatia nhận định.

Thùy Dương

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.