|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Era Blue và 'câu chuyện cũ' của Thế Giới Di Động: Thị trường non trẻ, mở chuỗi nhanh để giành lợi thế

07:56 | 17/06/2022
Chia sẻ
Theo CEO Đoàn Văn Hiểu Em, mục tiêu tới cuối năm nay những cửa hàng Điện Máy Xanh “Era Blue” đầu tiên tại thị trường Indonesia sẽ đi vào hoạt động.

Mục tiêu 4 tỷ USD doanh thu mỗi năm, đứng đầu thị trường điện máy Indonesia

Giữa tháng 3, CTCP Thế Giới Di Động, một công ty con của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) đã chính thức công bố quan hệ hợp tác cùng PT Erafone Artha Retailindo (Erafone), một công ty con của tập đoàn Erajaya, nhằm thành lập liên doanh PT Era Blue Elektronic (lấy thương hiệu "Era Blue").

Theo thông tin ban đầu, cửa hàng Era Blue đầu tiên dự kiến sẽ mở cửa phục vụ khách vào giữa năm 2022 tại Jakarta.

Chia sẻ về quan hệ hợp tác mới, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch MWG, cho hay: "Chúng tôi tin rằng với sự cộng tác chân thành của cả Erafone và MWG thì liên doanh Era Blue trong thời gian ngắn sẽ trở thành nhà bán lẻ điện máy số một tại Indonesia".

"Thế Giới Di Động cam kết sẽ đồng hành và hỗ trợ tốt nhất để giúp Era Blue phát triển, hiện thực hóa tầm nhìn trở thành nhà bán lẻ hàng đầu tại Indonesia", ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng Giám đốc Thế Giới Di Động nói thêm. Theo ông Hiểu Em, mục tiêu của Era Blue là nắm thị phần từ 20% đến 40% và IPO công ty sau 5 năm. 

Khi đó, "doanh thu ước tính 2-4 tỷ USD cho Era Blue mỗi năm. Nếu làm được như vậy, lợi nhuận đóng góp từ liên doanh này sẽ giúp công ty cổ phần TGDĐ (đơn vị vận hành chuỗi TGDĐ và ĐMX) tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm nữa".

Có thể thấy, lãnh đạo Thế Giới Di Động đặt nhiều kỳ vọng vào liên doanh mới này, nhất là sau những gì đã đạt được tại thị trường Campuchia và thị trường điện máy trong nước đã bão hoà.

Bức ảnh được ông Hiểu Em chia sẻ trên trang cá nhân về đoàn làm việc tại Indonesia. (Ảnh: Facebook nhân vật).

Một thị trường 300 triệu dân, quy mô 20 tỷ USD

Theo chia sẻ từ ông Hiểu Em, Era Blue sẽ hoạt động như một mô hình bán lẻ điện máy, tương tự Điện Máy Xanh tại xứ vạn đảo.

Thị trường sản phẩm công nghệ thông tin và điện máy ở Indonesia hiện đạt giá trị ước tính khoảng 14 tỷ USD. Trong đó, tổng giá trị tiêu thụ riêng điện thoại là hơn 9 tỷ USD, gần gấp đôi so với Việt Nam.

Tuy nhiên, đối với các mặt hàng công nghệ thông tin và thiết bị văn phòng tại đây giá trị tiêu thụ chỉ xấp xỉ 2 tỷ USD. Như vậy, thị trường điện máy ở Indonesia ước tính chỉ bằng 70%-75% so với Việt Nam - con số quá nhỏ so với tiềm năng của thị trường khi quy mô dân số và GDP gấp 3 lần Việt Nam.

“Ở Việt Nam, tổng giá trị tiêu thụ điện thoại và điện máy khá đồng đều. Như vậy, quy mô hợp lý của thị trường điện máy Indonesia cũng phải tương đương con số 7 - 8 tỷ USD”, ông Hiểu Em cho biết, đồng thời ước tính với sự có mặt của Era Blue, thị trường có thể tăng trưởng gấp 2 – 3 lần trong 5 năm tới.

Thế Giới Di Động sẽ mở rộng sang thị trường Indonesia. (Ảnh: Thế Giới Di Động).

Theo Market Research, thị trường bán lẻ điện máy Indonsia đạt tổng doanh thu 19,8 tỷ USD vào năm 2020, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) hàng năm là 8,3% trong giai đoạn 2016 – 2020. Cũng trong giai đoạn này, sản lượng tiêu thụ trên thị trường tăng với tốc độ CAGR 2,9%.

Dù vậy, tính riêng trong năm 2020, thị trường đã chứng kiến tốc độ tăng trưởng “chậm một cách bất thường”. Theo đánh giá của Market Research, sự chậm lại này chịu tác động từ đại dịch COVID-19, và mọi thứ có thể được cải thiện khi dịch bệnh được kiểm soát.

Tính đến năm 2020, dân số tại Indonesia đạt mức 273,5 triệu người, xếp thứ 4 trên thế giới và thứ 3 tại châu Á. Theo Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Indonesia đã và đang trở thành thị trường trọng điểm trong khu vực với mức độ tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm của người dân rất lớn.

Indonesia cũng được định vị là nước đang phát triển với dân số trẻ lớn, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng ở Jakarta và các thành phố hạng hai khác, đem lại nhiều tiềm năng về chi tiêu cho các mặt hàng tiêu dùng.

Theo World Lab Data, tầng lớp trung lưu (được định nghĩa là những hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người từ 11 - 110 USD) đang tăng lên. Hơn 1 tỷ người châu Á dự kiến sẽ gia nhập tầng lớp này trước năm 2030. Trong đó, World Lab Data nhận định Indonesia nằm trong nhóm những quốc gia "phình to nhất" của tầng lớp trung lưu và dự kiến nước này có tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới vào năm 2030.

Bên cạnh đó, Báo cáo Thịnh vượng chung (Wealth Report) của công ty bất động sản Knight Frank cũng dự đoán rằng số lượng cá nhân siêu giàu (những người sở hữu khối tài sản ròng có trị giá 30 triệu USD trở lên) tại Indonesia sẽ nằm trong nhóm tăng nhiều nhất ở khu vực châu Á tính đến năm 2025.

Hệ thống thương mại điện tử tại Indonesia cũng đang phát triển mạnh. Theo GlobalData, giá trị thị trường thương mại điện tử tại Indonesia dự kiến tăng trưởng 23,8% trong năm 2022, đạt quy mô 30 tỷ USD, với thanh toán thương mại điện tử được dự báo sẽ tăng tốc với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 22% trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025.

Doanh số thương mại điện tử ở Indonesia ghi nhận mức tăng trưởng bền vững trong vài năm qua, được thúc đẩy bởi sự thâm nhập Internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng. Hơn nữa, đại dịch COVID-19 đã làm cho việc mua sắm trực tuyến trở nên hấp dẫn hơn đối với người tiêu dùng do các hạn chế về việc đi lại. 

Những yếu tố này có thể giúp Era Blue tận dụng để kiếm lợi thế khi tiến vào thị trường bán lẻ điện máy của Indonesia như hiện tại.

Dù vậy, Indonesia cũng đặt ra nhiều yêu cầu về kỹ thuật, kiểm dịch, hàng rào phi thuế quan ngày càng khắt khe, cũng như các đối thủ cạnh tranh sẽ đặt ra nhiều bài toán cho Thế Giới Di Động ở vùng đất mới.

Những đối thủ cần vượt qua

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu mà ông Hiểu Em chia sẻ là không dễ, đặc biệt là tại một thị trường được coi là tiềm năng bậc nhất khu vực Đông Nam Á như Indonesia. Ngoài những yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, kiểm dịch hay các yếu tố khác, một điều mà liên doanh Era Blue cũng cần quan tâm khi bắt đầu “chào hàng” tại Indonesia chính là các đối thủ cạnh tranh.

Thực tế, Era Blue là liên doanh giữa công ty con của Thế Giới Di Động và Erajaya, hai tập đoàn bán lẻ điện máy hàng đầu của cả Việt Nam và Indonesia. Vì vậy, liên doanh mới được kỳ vọng sẽ tận dụng những điểm mạnh của cả hai để phát triển tại thị trường xứ vạn đảo.

Dù vậy, tại Indonesia, Erajaya chỉ là một trong số rất nhiều đơn vị bán lẻ điện máy lớn. Một số “đối thủ” đáng gờm có thể kể tới như ACE Hardware, một trong những công ty cung cấp thiết bị gia đình hàng đầu Indonesia; Electronic City Indonesia, một công ty bán lẻ các sản phẩm điện máy tầm trung và đã có mặt ở hầu hết thành phố tại Indonesi hay PT. Electronic Solution Indonesia, công ty cung cấp các dịch vụ bán lẻ thiết bị điện máy qua cả hình thức cửa hàng vật lý và trực tuyến.

Ngoài những cái tên kể trên, một số “tay to” khác cũng đang hoạt động trên thị trường bán lẻ điện máy tại Indonesia có thể kể đến như Trikomsel Oke, , Matahari Putra Prima, Lazada, Best Denki, AliEpress, Alfamat,…., theo Technavio.

CEO Đoàn Văn Hiểu Em cho biết bức tranh hiện tại ở Indonesia rất giống với những gì đã diễn ra ở Việt Nam giai đoạn 2014-2015. Khi đó, các cửa hàng truyền thống cũng chiếm đến 50% - 60% thị phần và chưa có chuỗi bán lẻ hiện đại nào vượt quá 15% thị phần. Tổng cộng tất cả các nhà bán lẻ hiện đại thời điểm đó sở hữu chưa đến 200 điểm bán.

Chính vì vậy, lãnh đạo chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh tin tưởng rằng Era Blue có thể tái hiện được thành công tại Indonesia như những gì mà Thế Giới Di Động đã làm được tại Việt Nam.

Doanh Chính