|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để kéo dài giãn cách xã hội

20:54 | 29/08/2021
Chia sẻ
Tại hội nghị sáng nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đã hy sinh, thực hiện giãn cách xã hội phải đạt mục tiêu kiềm chế dịch bệnh.”
Thủ tướng: Không để kéo dài giãn cách xã hội, địa phương nào thực hiện chưa hiệu quả thì phải kiểm điểm - Ảnh 1.

Hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Sáng hôm nay (29/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch với 20 tỉnh, thành phố; 209 quận, huyện, thị xã; 1.060 xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, báo cáo tại hội nghị cho biết, từ ngày 27/4 đến nay, cả nước đã ghi nhận 419.617 ca, trong đó 208.176 người đã khỏi bệnh (50%), 10.370 ca tử vong; có 8/62 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận ca mắc mới, 4 tỉnh không có lây nhiễm thứ phát, một tỉnh chưa ghi nhận ca mắc là Cao Bằng.

Tại TP HCM và Bình Dương, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Số ca mắc mới vẫn ghi nhận duy trì mức cao với khoảng 50% ghi nhận tại cộng đồng và có xu hướng gia tăng do đang tăng cường thực hiện xét nghiệm trên diện rộng.

Tại Long An, Tiền Giang, số ca mắc tại cộng đồng đã giảm nhưng vẫn đang ở mức cao. Các tỉnh còn lại tại khu vực phía Nam, tình hình dịch đang từng bước được kiểm soát; số ca mắc được phát hiện qua sàng lọc tại cộng đồng đang có xu hướng giảm dần.

Tại Hà Nội và các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, dịch bệnh cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát do thực hiện quyết liệt, kịp thời các biện pháp giãn cách xã hội. Dù vậy, nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn luôn tiềm ẩn nên vẫn có thể ghi nhận thêm các ổ dịch mới.

"Đã hy sinh kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội thì phải đạt mục tiêu kiềm chế dịch bệnh"

Trước tình hình trên, Thủ tướng yêu cầu đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trước hết, trên hết, các ngành, địa phương, đặc biệt là các xã, phường, thị trấn cần xác định mục tiêu rõ ràng, cụ thể. Đồng thời, có lộ trình để thực hiện có kết quả theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, phù hợp với từng địa phương, không để kéo dài giãn cách xã hội. 

Thủ tướng nhấn mạnh: "Nếu địa phương nào thực hiện chưa hiệu quả thì phải kiểm điểm, phân tích nguyên nhân, từ đó rút kinh nghiệm, đưa ra các biện pháp, giải pháp, lộ trình phù hợp, triển khai nghiêm túc. Đã hy sinh kinh tế, thực hiện giãn cách xã hội thì phải đạt mục tiêu kiềm chế dịch bệnh”.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng khẳng định, các giải pháp phòng, chống dịch như hiện nay đang thực hiện là đúng hướng. 

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện nếu có những phát sinh hoặc chưa phù hợp với từng địa phương cụ thể thì kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung, hoàn thiện, với tinh thần không cầu toàn, không nóng vội; vấn đề thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó xử lý, giải quyết, vấn đề vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp trên xem xét và giải quyết.

Nhiều thách thức, tồn tại

Tại cuộc họp, các đại biểu nêu ra nhiều bài học, mô hình phòng, chống dịch hiệu quả được để nhân rộng, đồng thời cũng đề cập một số thách thức như công tác đảm bảo an sinh xã hội chưa bền vững, sẽ khó khăn hơn khi thời gian tới dịch bệnh còn kéo dài với số lượng người dân cần hỗ trợ lớn, nhất là đối dễ bị tổn thương, có nguy cơ lây nhiễm cao.

Công tác đảm bảo vật tư, trang thiết bị, nhất là trang bị phòng hộ cá nhân của người chăm sóc, điều trị ca bệnh, người làm nhiệm vụ phòng, chống COVID-19 tại cộng đồng cần được đảm bảo; tránh tình trạng thiếu hoặc hàng hóa không đảm bảo chất lượng dẫn đến lây nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, việc triển khai phương thức "3 tại chỗ," "một cung đường 2 điểm đến" ở một số địa phương đang gặp khó khăn do chi phí vận hành gia tăng và phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức ăn ở, sinh hoạt cho người lao động. 

Một số địa phương chưa triển khai đúng, triệt để các quy định về lưu thông hàng hóa; chưa thống nhất về danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông trong điều kiện dịch bệnh...

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để kéo dài giãn cách xã hội - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP).

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung mà các tỉnh, huyện, xã phải hết sức lưu ý trong triển khai thực hiện.

Trong đó, Thủ tướng lưu ý việc tiêm vắc xin và xét nghiệm cho các shipper để bổ sung lực lượng vận chuyển, cung ứng hàng hóa cho người dân. 

Đồng thời, nghiên cứu di dời, sơ tán một số người dân từ những nơi có mật độ dân số cao trong "vùng đỏ" sang những nơi an toàn, thông thoáng để giãn cách, giảm mật độ người tập trung trong một khu vực, sử dụng doanh trại quân đội, trường học, cơ sở lưu trú… cho việc này. Đây là kinh nghiệm đã được thực hiện tốt tại một số tỉnh phía Bắc và TP HCM đã triển khai.

Bên cạnh phòng chống dịch, các địa phương cần duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện "an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn", không để đứt gãy chuỗi cung ứng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Nga

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.