|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Gần 2/3 sản lượng các mặt hàng công nghiệp giảm trong khi xuất khẩu sắt thép, xăng dầu tăng gấp đôi trong tháng 8

10:36 | 30/08/2021
Chia sẻ
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phố phải tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong cả nước, đặc biệt vùng khu công nghiệp phía Nam.

Gần 2/3 sản lượng các mặt hàng công nghiệp giảm

Theo số liệu Tổng cục Thống kê (GSO) công bố sáng 29/8, sản xuất công nghiệp trong tháng 8 chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19, ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Có tới 20/32 mặt hàng được thống kê có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm trước trong khi mức tăng sản lượng ở nhóm còn lại cũng không cao. Nổi bật là nhóm linh kiện điện thoại và khí hoá lỏng, tăng trưởng lần lượt 151% và 189%. Những mặt hàng công nghiệp tăng trưởng chủ yếu là nhóm nguyên vật liệu, năng lượng.

Ở chiều ngược lại, Ti vi là mặt hàng có sản lượng sụt giảm mạnh nhất trong tháng 8, lượng sản xuất chỉ bằng 20% so với cùng kỳ. Nhóm thuỷ hải sản chế biến và thức ăn cho thuỷ sản cũng giảm mạnh chỉ đạt hơn 60% so với cùng kỳ năm trước.

Bia, ô tô, xe máy,... cũng là nằm trong nhóm có sản lượng giảm trong kỳ.

Gần 2/3 sản lượng các mặt hàng công nghiệp giảm trong khi xuất khẩu sắt thép, xăng dầu tăng gấp đôi trong tháng 8 - Ảnh 1.

Đồ hoạ: Phương Trang.

Luỹ kế 8 tháng đầu năm, một số sản phẩm công nghiệp tăng so cao với cùng kỳ năm trước như thép cán tăng 48,3%; linh kiện điện thoại tăng 43,9%; ô tô tăng 27,9%; sắt, thép thô tăng 13,7%; giày, dép da tăng 12,5%; phân hỗn hợp NPK tăng 12,3%,...

Trong khi đó, một số sản phẩm lại có dấu hiệu giảm so với cùng kỳ năm trước, điển hình như tivi các loại giảm 27,1%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 14,3%; đường kính giảm 9,5%; dầu mỏ thô khai thác giảm 6,2%; bột ngọt giảm 5,7%; thủy hải sản chế biến giảm 5,1% và thức ăn cho thủy sản giảm 5%.

Xuất khẩu thép, xăng dầu tăng mạnh trong khi thuỷ sản, gỗ, dệt may giảm

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 53,7 tỷ USD, giảm 5,8% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính vẫn đạt ở mức cao, đạt 428,81 tỷ USD, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 26,2 tỷ USD, giảm 6% so với tháng trước và giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 6,94 tỷ USD (giảm 9,7%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 19,26 tỷ USD (giảm 4,5%).

Đáng chú ý, sắt thép và xăng dầu là hai mặt hàng ghi nhận tăng trưởng gấp đôi và gần gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước.

Gần 2/3 sản lượng các mặt hàng công nghiệp giảm trong khi xuất khẩu sắt thép, xăng dầu tăng gấp đôi trong tháng 8 - Ảnh 2.

Đồ hoạ: Phương Trang.

Trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 63%.

Tổng cục Thống kê cho biết, về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 8 tháng, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước tính đạt 2,29 tỷ USD (tăng 3,6%) so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến ước tính đạt 189,28 tỷ USD (tăng 22,5%); nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 15,4 tỷ USD (tăng 14,9%) và nhóm hàng thủy sản đạt 5,58 tỷ USD (tăng 7,1%).

Nhập khẩu phân bón, cao su, quặng tăng mạnh

Xét về kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 8 ước tính đạt 27,5 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 24,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,6%.

Có tới 34/37 mặt hàng cơ bản có lượng nhập khẩu tăng. Phân bón, cao su, quặng và khoáng sản là những mặt hàng nhập khẩu tăng mạnh nhất trong tháng.

Gần 2/3 sản lượng các mặt hàng công nghiệp giảm trong khi xuất khẩu sắt thép, xăng dầu tăng gấp đôi trong tháng 8 - Ảnh 3.

Đồ hoạ: Phương Trang.

Tính chung 8 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 216,26 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 76,05 tỷ USD, tăng 29,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 140,21 tỷ USD, tăng 36,4%.

Trong 8 tháng đầu năm có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 88,7% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 8 tháng đầu năm, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 204,16 tỷ USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 94,4% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu.

Phương Trang

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.