Tạo hàng hóa mới cho thị trường niêm yết: Có nên ưu ái doanh nghiệp từ UPCoM?
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc về thanh khoản, vốn hóa, số nhà đầu tư tham gia thị trường… Thị trường có 2.290 sản phẩm đang niêm yết/đăng ký giao dịch, trong đó có hơn 1.700 doanh nghiệp trên HOSE, HNX, UPCoM.
Giai đoạn 2017-2018, các sở giao dịch chứng khoán tất bật đánh cồng chào mừng các doanh nghiệp mới lên sàn thì trong vài năm qua đã vắng bóng đáng kể những thương vụ mới, để tạo thêm lựa chọn cho nhà đầu tư.
Câu chuyện về hàng hóa mới cho thị trường chứng khoán lại được bàn tán gần đây, nhất là cách thức tăng số lượng và chất lượng. Một trong những đề xuất để tăng số lượng hàng hóa là đa dạng hóa cổ phiếu niêm yết HOSE bằng cách chuyển sàn các cổ phiếu UPCoM.
Loạt doanh nghiệp tỷ USD
Tại Hội nghị phát triển thị trường chứng khoán có Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự mới đây, Tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đánh giá hiện các cổ phiếu ngành ngân hàng và bất động sản vẫn chiếm phần lớn vốn hóa của sàn HOSE. Trong khi đó, 50% vốn hóa UPCoM thuộc các ngành Hàng hóa và Dịch vụ Công nghiệp, Thực phẩm & Đồ uống.
Thực tế quan sát cho thấy rằng thị trường giao dịch UPCoM đang có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn nhưng chưa nhận được nhiều quan tâm như các đơn vị ở sàn niêm yết. Thanh khoản các cổ phiếu cũng kém hơn do bị hạn chế về ký quỹ (margin).
Công ty có vốn điều lệ lớn nhất đang giao dịch tại UPCoM phải kể đến Lọc hóa Dầu Bình Sơn (Mã: BSR) với hơn 31.000 tỷ đồng, tương đương với ngân hàng tầm trung. Doanh nghiệp từng là "bom tấn" IPO một thời này đang có giá trị vốn hóa hơn 61.000 tỷ đồng (tương đương 2,5 tỷ USD).
Kế hoạch chuyển đăng ký giao dịch sang niêm yết cổ phiếu của BSR nhiều lần lỡ hẹn. Công ty nói dù được Sở giao dịch chứng khoán ủng hộ nhưng vẫn vướng mắt liên quan đến các tiêu chí nợ quá hạn của công ty con.
Chứng khoán BSC từng đánh giá trường hợp BSR được chấp thuận niêm yết sẽ giúp nâng cao tính minh bạch của công ty. Việc niêm yết HOSE còn góp phần tăng khả năng tiếp cận nhà đầu tư lớn cả trong và ngoài nước.
Hay trường hợp khác là Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global - Mã: VGI) có quy mô vốn điều lệ 30.438 tỷ đồng. Mã chứng khoán này có thanh khoản hơn 1 triệu cổ phiếu mỗi phiên và vốn hóa doanh nghiệp hơn 118.000 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD).
Xếp ngay phía sau là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (Mã: ACV) với vốn điều lệ 21.770 tỷ đồng. Tuy nhiên, ACV là doanh nghiệp có quy mô vốn hóa cao nhất UPCoM với gần 187.000 tỷ đồng (hơn 7,5 tỷ USD), thanh khoản vài trăm nghìn cổ phiếu mỗi phiên.
Với quy mô vốn hóa hiện tại, ACV nằm nhóm 5 công ty có vốn hóa lớn nhất toàn bộ thị trường chứng khoán (chỉ xếp sau Vietcombank, BIDV, VietinBank và Vinhomes). Mức vốn hóa này vượt qua các những doanh nghiệp niêm yết hàng đầu như Hòa Phát, PV Gas, Vingroup, Vinamilk...
Lãnh đạo ACV cũng mong muốn niêm yết HOSE nhưng đang thận trọng do có các nút thắt chưa được giải quyết, bao gồm báo cáo tài chính đang có ý kiến kiểm toán về các vấn đề liên quan đến khu bay và quyết toán cổ phần hóa.
Một số doanh nghiệp UPCoM đáng chú ý khác có vốn hóa tỷ USD có thể kể đến như Masan Consumer (Mã: MCH) với gần 97.000 tỷ đồng dù chỉ có thanh khoản vài chục nghìn cổ phiếu/phiên.
VEA của VEAM Corp có quy mô vốn hóa hơn 48.700 tỷ đồng, FOX của FPT Telecom đạt khoảng 28.200 tỷ đồng hay SSH của Sunshine Homes vượt 25.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, thị trường đại chúng chưa niêm yết này còn có nhiều doanh nghiệp chất lượng khác có thể trở hàng hóa niêm yết bổ sung chất lượng như Vinafood II (Mã: VSF), Đường Quảng Ngãi (Mã: QNS), Sonadezi (Mã: SNZ), PV Oil (Mã: OIL) hay Vinatex (Mã: VGT)...
Có nên ưu ái chuyển niêm yết không?
Trao đổi với người viết, ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam - đánh giá chất lượng các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE và HNX đang tương đối tốt; trong đó nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, đầu ngành, uy tín đã xuất hiện.
"Số lượng cổ phiếu niêm yết hay lượng hàng hóa trên thị trường cũng tương đối ổn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn nhiều doanh nghiệp lớn cần khuyến khích niêm yết để mang lại thêm các lựa chọn đầu tư hấp dẫn ", ông nói.
Đây cũng là giai đoạn được xem là cơ hội để các cơ quan quản lý cần xúc tiến đẩy nhanh các hoạt động IPO, đưa các doanh nghiệp quy mô lớn lên sàn chứng khoán, tạo thêm rổ hàng hóa chất lượng hơn cho nhà đầu tư.
Theo ông Phương, để tăng lượng hàng hóa thì cần khuyến khích doanh nghiệp cổ phần hóa, sau đó tạo điều kiện để các đơn vị mạnh dạn đăng ký giao dịch/niêm yết. Song song đó, cơ quan quản lý cần có quy định cụ thể về thời gian bắt buộc niêm yết sau khi IPO.
Thực tế, lãnh đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước mới đây tiết lộ đang ra soát Nghị định 155, trong đó có định hướng rút ngắn thời gian từ việc IPO đến niêm yết/đăng ký giao dịch để tạo điều kiện cho doanh nghiệp lên tham gia thị trường.
Cơ quan này dự kiến tổ chức hội nghị ngay trong tháng 3 để các bên liên quan có thể chia sẻ, bao gồm các công ty có nhu cầu IPO tới tham vấn, trao đổi các vướng mắc để cùng chia sẻ và rút gọn quy trình niêm yết trong năm 2024-2025.
Việc chuyển sàn niêm yết phải theo đúng quy định để tạo sự bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp.
Đánh giá về hàng hóa trên thị trường chứng khoán hiện nay, nhà môi giới chứng khoán Lê Xuân Huy cho rằng thị trường đang có số lượng không hề nhỏ các lựa chọn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước, kể cả những quỹ đầu tư lớn.
Tuy nhiên, nếu xét về yếu tố chất lượng thì lại hoàn toàn khác. Ông Huy nói vẫn có nhiều doanh nghiệp không công bố đầy đủ thông tin cho nhà đầu tư theo dõi.
Thị trường cũng xuất hiện nhiều các chủ doanh nghiệp liên quan tới các vụ việc thao túng cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, tăng vốn khống và có nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng để trả nợ trái phiếu dẫn tới sự hoài nghi rất lớn về chất lượng của các công ty niêm yết hiện nay.
"Việc hạ bớt tiêu chuẩn để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên UPCoM nhanh chóng niêm yết trên HOSE sẽ khiến cho chất lượng hàng hóa niêm yết bị giảm đi", vị môi giới chia sẻ.
Theo đó, giải pháp được ông Huy nêu ra là cần nâng dần các tiêu chuẩn đăng ký giao dịch UPCoM lên tiệm cận với mức chuẩn niêm yết. Điều này sẽ rất khó khăn và mất thời gian nhưng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc chuyển sàn trong tương lai.
Đồng quan điểm, ông Trương Hiền Phương nhấn mạnh rằng không nên tạo điều kiện khác biệt cho một vài doanh nghiệp được niêm yết "đường tắt", bởi việc ưu ái chuyển sàn phải theo đúng quy định để tạo sự bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp.
"Chúng ta không nên tạo điều kiện chuyển sàn niêm yết để đạt mục tiêu tăng hàng hóa mới mà tạo ra sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp, không thể có doanh nghiệp được ưu ái hơn và doanh nghiệp khác thì điều kiện khó khăn hơn", ông chia sẻ.
Bản chất các sàn niêm yết cũng đã có tiêu chuẩn nhất định, như HOSE sẽ có các quy định khắt khe và nghiêm ngặt hơn HNX. Do đó, những doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chuẩn cao tại HOSE thì bản thân doanh nghiệp cũng thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đâu tư chuyên nghiệp hơn.
Trong khi sàn HNX có tiêu chuẩn thấp hơn có thể là lựa chọn cho nhiều doanh nghiệp khác. Do đó, vị chuyên gia nhắc lại quan điểm "các Sở giao dịch chứng khoán không thể hạ các tiêu chuẩn để ưu ái cho vài doanh nghiệp".
Giám đốc Chứng khoán KIS kết luận vẫn khuyến khích các doanh nghiệp đang giao dịch trên UPCoM thực hiện chuyển niêm yết khi đủ điều kiện nhằm bổ sung lượng hàng hóa mới, tuy nhiên không phải niêm yết bằng các cơ chế ưu đãi riêng.
Theo đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán định hướng đến năm 2025, mục tiêu chung là cơ cấu lại toàn diện để thị trường chứng khoán trở thành một kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế.
Đồng thời, xây dựng cơ cấu hợp lý và cân bằng giữa các thị trường, bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn, thị trường cổ phiếu và trái phiếu, trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng số lượng sản phẩm, dịch vụ gắn liền với nâng cao chất lượng trên thị trường chứng khoán.
Các sản phẩm mà đề án hướng tới bao gồm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ, hợp đồng tương lai trên các chỉ số mới ngoài VN30, từng bước triển khai các sản phẩm quyền chọn, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu, bán khống cổ phiếu, giao dịch T+0.
Để gia tăng số lượng và chất lượng hàng hóa, yếu tố quan trọng là xây dựng hạ tầng về pháp lý và công nghệ, nhằm từng bước đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng thị trường như tỷ lệ sở hữu nước ngoài; tiếp cận thông tin, đăng ký và mở tài khoản cho nhà đầu tư; bù trừ và thanh toán.