Tại sao FPT Shop mở loạt cửa hàng điện máy giữa lúc Thế Giới Di Động chật vật co rút?
Cuối tuần trước, FPT Shop đồng loạt khai trương 10 cửa hàng điện máy tại nhiều tỉnh thành - đánh dấu bước đi chính thức vào thị trường bán lẻ điện máy, gia dụng. Các cửa hàng điện máy của FPT Shop có diện tích 200 m2, trưng bày 200 sản phẩm từ 30 thương hiệu khác nhau.
Trước đó, đơn vị đã có 7 tháng thử nghiệm bán điện máy tích hợp bên trong mỗi cửa hàng FPT Shop hiện hữu - vốn chuyên kinh doanh đồ công nghệ như điện thoại, máy tính.
Động thái tham gia vào thị trường điện máy của FPT Shop diễn ra trong thời điểm này đặt ra nhiều dấu hỏi cho nhà đầu tư. Mảng bán lẻ điện máy vốn có rất nhiều thương hiệu cạnh tranh nhau khốc liệt chẳng hạn như Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim, Mediamart, Điện máy HC, Thiên Nam Hòa, Điện máy Chợ Lớn,...
Trong suốt nhiều năm, Điện Máy Xanh thuộc Đầu tư Thế giới di động (mã: MWG) tăng tốc xác lập vị thế thống trị đã khiến cho các doanh nghiệp còn lại không còn nhiều dư địa tăng trưởng. Cuộc chạy đua cho vị trí số hai hoặc số ba trong ngành trở thành "vấn đề sống còn" đối với các chuỗi điện máy khác nếu muốn tiếp tục tồn tại.
Điển hình là Trần Anh - một chuỗi điện máy lớn tại phía Bắc. Nhận thấy không có lợi thế trong cuộc đua giành vị trí top đầu trong ngành, ban lãnh đạo công ty đã quyết định bán lại cho chủ sở hữu Điện Máy Xanh.
Thực tế, trong báo cáo công bố vào tháng 6/2024, các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định dựa vào dữ liệu có thể thấy thị trường kinh doanh điện máy đang chuyển sang giai đoạn bão hoà hậu COVID-19 khi tỷ lệ thâm nhập của các sản phẩm này tại Việt Nam gần đạt đến mức trần hoặc tương đối cao so với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, các chuỗi điện máy lớn đang bị thu hẹp thị phần trước những chuỗi nhỏ và nền tảng thương mại điện tử. Dựa vào những yếu tố này, các nhà phân tích dự báo thị trường điện máy Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng một con số trong thời gian tới.
Số liệu do các hệ thống điện máy tự công bố cũng cho thấy rằng giai đoạn tăng trưởng hoàng kim từ 2013 tới 2023 đã kết thúc và thị trường đang bước vào mùa đông ảm đạm.
Nhìn vào thời điểm đầu năm 2024 - thời điểm cận Tết Nguyên Đán có thể thấy sức mua trên thị trường điện máy yếu như thế nào. Thời điểm đó, sau một thời gian thắt lưng buộc bụng vì đại dịch và kinh tế suy thoái, các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào sự phục hồi của các chuỗi bán lẻ điện máy. Tuy nhiên mọi thứ không diễn ra như mong đợi.
Chẳng hạn với Điện Máy Xanh - chuỗi lớn nhất tại Việt Nam xét về quy mô cửa hàng, đã chịu tác động không nhỏ từ biến động của thị trường. Nếu như năm 2022, doanh thu thuần của Điện Máy Xanh đạt gần 42.000 tỷ đồng - chiếm xấp xỉ 52% tổng doanh thu công ty mẹ thì đến năm 2023, tỷ trọng doanh thu của chuỗi này giảm còn gần 47%. Đây là con số thấp nhất trong ba năm trở lại đây.
Xét riêng kết quả từng ngành hàng tại Điện Máy Xanh trong năm ngoái, điện thoại, máy tính xách tay, tủ lạnh, máy giặt và gia dụng khác có xu hướng giảm doanh số từ 10% đến 20%. Trong khi tivi, máy tính bảng và đồng hồ giảm mạnh hơn, chỉ đạt khoảng 70% so với năm trước.
Sức cầu yếu khiến chủ trương xuyên suốt trong năm ngoái và tiếp tục được áp dụng trong năm nay của Điện máy Xanh là “giảm lượng - tăng chất”. Cuối năm 2023, các chuỗi cửa hàng Điện Máy Xanh đạt 2.190 (trong đó Supermini đạt khoảng 1.000 của hàng), giảm gần 100 cửa hàng so với hồi đầu năm.
CEO chuỗi là ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết thậm chí trong 2-3 năm tới, Điện Máy Xanh không có kế hoạch mở rộng cửa hàng, thậm chí những cửa hàng hiện tại kinh doanh kém hiệu quả sẽ phải điều chỉnh cũng như đi tới đóng cửa. Thậm chí trong “tháng Euro” vừa qua, Điện Máy Xanh đã đóng 87 cửa hàng - con số lớn nhất lịch sử hoạt động của chuỗi này.
Một đơn vị khác là Điện máy Chợ Lớn cũng bị ảnh hưởng bởi tình hình thị trường chung khi kế hoạch Bắc tiến vẫn chưa thể thực hiện được trong năm ngoái. Số liệu gần nhất cho thấy tốc độ tăng trưởng của chuỗi điện máy này đã giảm tốc khi chỉ tăng 2% đạt hơn 7.400 tỷ đồng doanh thu trong năm 2022 - thấp hơn giai đoạn khó khăn trong thời COVID-19 là 2020 - 2021, theo Vietdata.
Tương tự Pico - chuỗi điện máy thuộc sở hữu Pico Retail tập trung chủ yếu tại thị trường phía Bắc, cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm sâu tới 28% trong năm 2022. Đây là ba năm liên tiếp chuỗi này chứng kiến doanh thu sụt giảm khi phải đối diện với sức mua giảm mạnh.
Cùng hiện diện tại phía Bắc có chuỗi siêu thị MediaMart - vốn theo đuổi mô hình chuỗi lớn khi diện tích sàn thường từ 500m2 tới hơn 5.000m2, với quy mô 349 cửa hàng phủ sóng tại 33 tỉnh thành. Tuy nhiên, theo báo cáo từ Vietdata, giai đoạn 2020 - 2021, tốc độ tăng trưởng doanh thu thuần của MediaMart không đáng kể, chỉ hơn 1%, đến cuối năm 2022 còn có xu hướng giảm.
Trước thực trạng này, việc FPT Shop chính thức tham gia thị trường điện máy khiến “chiếc áo” vốn đã chật nay còn chật hơn.
Tuy nhiên, phía ban lãnh đạo FPT Retail lại có một góc nhìn khác. Trao đổi với người viết, ông Phạm Quốc Bảo Duy - Giám đốc Ngành hàng Điện máy hệ thống FPT Shop, cho rằng mặc dù thị trường nói chung đang có dấu hiệu chậm lại, song FPT Shop “nhận thấy lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều dư địa và cơ hội hấp dẫn để đẩy mạnh khai thác và phát triển”.
“Chúng tôi đánh giá, tiềm năng của thị trường điện máy trong tương lai vẫn còn rất lớn, đặc biệt đối với các dòng sản phẩm như máy lạnh và máy giặt, bởi thống kê cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình tại Việt Nam chưa sử dụng các sản phẩm này vẫn còn cao.
Bên cạnh đó, giá thành của các sản phẩm chất lượng cũng ngày càng hợp lý, đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp các sản phẩm điện máy có thể tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình thấp”, vị giám đốc nêu quan điểm.
Hiện, theo số liệu từ FPT, thị trường điện máy tại Việt Nam có quy mô rất lớn, tương đương với thị trường ICT (điện thoại và laptop), đạt khoảng 120.000 - 150.000 tỷ đồng mỗi năm. Công ty cho biết nếu kết quả từ 10 cửa hàng điện máy mới mở đạt được mục tiêu và kỳ vọng đề ra, FPT Shop “sẽ mở rộng, nâng số cửa hàng lên 50 trong năm nay”.
Các nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường Statista ước tính trong năm 2024, thị trường điện tử tiêu dùng Việt Nam sẽ đạt doanh thu 6,89 tỷ USD và tiếp tục tăng trưởng ổn định với tốc độ 2,16% mỗi năm cho đến năm 2029.
Báo cáo tỏ ra lạc quan khi cho rằng mặc dù Trung Quốc vẫn là thị trường điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới với 198,5 tỷ USD, Việt Nam cũng không kém cạnh với mức chi tiêu bình quân đầu người ước tính 68,62 USD trong năm 2024.
Statista dự báo đến năm 2029, thị trường điện máy Việt Nam sẽ đạt 98 triệu sản phẩm bán ra, với mức tăng trưởng ấn tượng 2,7% trong năm 2025. Hiện, người Việt Nam trung bình sở hữu 0,9 thiết bị điện tử. Do đó, nhu cầu về điện thoại thông minh và TV thông minh giá rẻ ngày càng tăng cao, kỳ vọng một bức tranh sáng cho thị trường điện tử tiêu dùng Việt Nam.