So găng lợi nhuận Petrolimex và PV OIL
Việt Nam hiện có hơn 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cung cấp hàng chục triệu tấn sản phẩm cho người tiêu dùng mỗi năm. Trong đó, khoảng 50% thị phần xăng dầu dựa trên doanh thu nội địa thuộc về Petrolimex với hơn 5.500 cửa hàng. PV OIL xếp ở vị trí thứ hai, nắm khoảng 18% thị phần với hơn 800 cửa hàng.
Về tình hình kinh doanh nửa đầu năm nay, Petrolimex đã vượt kế hoạch lợi nhuận, trong khi PV OIL mới thực hiện 57% mục tiêu lợi nhuận.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) vừa công bố BCTC quý II với 7.3837 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Lãi gộp tăng 18% lên 4.621 tỷ đồng. Biên lãi gộp đạt 6,3%, cải thiện so với mức 6% vào quý II/2023.
Kỳ này, các chi phí như tài chính, quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó, khoản chi phí lớn nhất liên quan đến bán hàng tăng 8% lên 3.209 tỷ đồng.
Kết quả, Petrolimex báo lãi sau thuế 1.275 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ. Lãi ròng tăng 47% lên 1.199 tỷ đồng.
Luỹ kế nửa đầu năm, Petrolimex ghi nhận doanh thu thuần 148.943 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế 2.944 tỷ đồng, lãi sau thuế 2.407 tỷ đồng tăng lần lượt 54%, 55% so với cùng kỳ.
So với kế hoạch kinh doanh đặt ra, công ty đã thực hiện được 79% mục tiêu doanh thu, vượt gần 2% lợi nhuận trước thuế.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC Research) kỳ vọng mảng kinh doanh cốt lõi xăng dầu của Petrolimex sẽ duy trì mức tăng trưởng 4 – 5% trong năm nay nhờ sản lượng tiêu thụ tăng.
Bên cạnh đó, đơn vị phân tích còn cho rằng, Petrolimex có thể giành thêm thị phần do điều kiện kinh doanh xăng dầu thắt chặt thông qua việc kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các nhà phân phối xăng dầu và các đơn vị bán lẻ xăng dầu.
Còn đối với Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL – Mã: OIL), công ty ghi nhận 34.755 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý II, tăng 56% so với cùng kỳ.
Lãi gộp giảm nhẹ so với cùng kỳ xuống 1.080 tỷ đồng do giá vốn bán hàng tăng cao. Do đó, biên lãi gộp giảmtừ 4,6% xuống 3,1%.
Công ty báo lãi sau thuế giảm 43% xuống 94 tỷ đồng. Lãi ròng gần 79 tỷ đồng, giảm 49% so với quý II/2023.
PV OIL cho rằng, nguyên nhân khiến lợi nhuận của công ty “đi xuống” là do thời gian điều hành giá cơ sở được điều chỉnh từ 10 ngày/lần (quý II/2023) xuống còn 7 ngày/lần (quý II/2024) đã làm cho tốc độ giảm giá bán nhanh hơn. Bên cạnh đó, chi phí tài chính và bán hàng cũng tăng so với cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm, PV OIL ghi nhận 64.380 tỷ đồng doanh thu tăng 50% so với cùng kỳ, thực hiện được 78% kế hoạch năm. Lãi sau thuế 338 tỷ đồng giảm 21% so với cùng kỳ, thực hiện được 57% mục tiêu lợi nhuận.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, lãnh đạo công ty cho rằng, nếu thị trường tiếp tục cạnh tranh lành mạnh, không có sự gian dối của đầu mối và nền kinh tế có tín hiệu hồi phục thì PV OIL sẽ thực hiện được kế hoạch năm đặt ra, thậm chí là vượt kế hoạch.
Tuy nhiên, lãnh đạo PV OIL cũng nhấn mạnh, mức độ tăng trưởng ở mỗi giai đoạn sẽ khác nhau vì thị trường như một cái bánh. Khi một số đầu mối rút khỏi thị trường thì khoảng trống ấy sẽ do PV OIL hay các doanh nghiệp phủ vào. Về lâu dài thì PV OIL sẽ phát triển, mở rộng hệ thống cửa hàng xăng dầu để có thị phần chắc chắn, còn bán buôn để tăng thị phần thì không phải cách bền vững.
Doanh nghiệp nào được hưởng lợi từ Dự thảo lần 3 Nghị định kinh doanh xăng dầu?
Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố bản dự thảo Nghị định lần 3 về kinh doanh xăng dầu, dự kiến sẽ thay thế Nghị định 83/2014, Nghị định 95/2021 và Nghị định 80/2023.
Dự thảo lần 3 vẫn duy trì mục tiêu của dự thảo lần 2 là: Cho phép các thương nhân phân phối xăng dầu tự định giá bán lẻ xăng dầu trong phạm vi giá trần do Chính phủ quy định; Giảm số khâu trung gian.
Tuy nhiên, có một số thay đổi so với dự thảo lần 2. Ví dụ như chi phí kinh doanh định mức sẽ được điều chỉnh hàng năm dựa trên Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bởi Bộ Công Thương và Bộ Tài chính.
Các thương nhân đầu mối/phân phối xăng dầu sẽ ấn định giá bán lẻ dựa trên chi phí tạo nguồn (chi phí đầu vào) và các khoản liên quan cộng với chi phí kinh doanh định mức và lợi nhuận định mức, miễn là thấp hơn giá trần. Điều này khác với dự thảo lần 2, vốn cho phép các thương nhân đầu mối/phân phối xăng dầu xác định tổng chi phí kinh doanh và lợi nhuận định mức (dao động từ 1.800 đồng -2.500 đồng) để tính giá bán lẻ.
Bên cạnh đó, dự thảo lần 3 dự kiến ẩn định số ngày tồn kho là 20 ngày so với 30 ngày trong dự thảo lần 2. Ấn định chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu là 7 ngày, so với 7 hoặc 15 ngày trong dự thảo lần 2.
Chứng khoán Vietcap cho rằng, dự thảo lần 3 sẽ có tác động tương tự hoặc tích cực hơn một chút đối với các thương nhân phân phối xăng dầu so với dự thảo lần 2, vì dự thảo này phản ánh chi phí kinh doanh thực tế của các nhà phân phối xăng dầu tốt hơn.
Tác động tích cực của việc giảm số ngày tồn kho từ 30 xuống 20 ngày và giảm chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu từ 7 - 15 ngày xuống 7 ngày sẽ bù đắp cho tác động tiêu cực nhẹ từ việc thay đổi cách tính giá bán lẻ.
Ngoài ra, một trọng điểm khác tại dự thảo lần 3 là cho phép thương nhân đầu mối kinh doanh nhiên liệu hàng không đàm phán giá nhiên liệu máy bay với khách hàng dựa trên cơ chế thị trường, điều mà Vietcap cho rằng sẽ hỗ trợ cho mảng kinh doanh nhiên liệu máy bay của Petrolimex trong dài hạn.