Sếp Vicem Hà Tiên: Giá bán xi măng vào sân bay Long Thành 'rất chua chát'
Sáng ngày 24/4, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 để báo cáo kết quả kinh doanh, định hướng hoạt động 2024 và giải đáp các thắc mắc của cổ đông.
Không chia cổ tức
2023 là năm khó khăn chưa từng có trong lịch sử đối với ngành xi măng. Nhu cầu xi măng trong nước sụt giảm mạnh trong khi xuất khẩu cũng gặp khó trong bối cảnh dư cung. Tiêu thụ sụt giảm làm tồn kho tăng cao, dẫn đến một số nhà máy, dây chuyền phải giảm năng suất hoặc dừng sản xuất.
Nguồn cung xi măng trong nước vượt xa so với nhu cầu (năm 2023 nguồn cung xi măng khoảng 117,8 triệu tấn, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước chỉ đạt 55,6 triệu tấn).
Tổng sản phẩm xi măng và clinker tiêu thụ giảm 11,9 % so với cùng kỳ, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa giảm 16,9%, dẫn tới việc cạnh tranh trên thị trường xi măng nội địa vô cùng khốc liệt.
Vicem Hà Tiên đã phải cân đối sản xuất và tiêu thụ để giảm lượng tồn kho (giảm năng suất lò nung clinker, dừng lò 1 Kiên Lương từ 27/6/2023); nghiên cứu, triển khai phương án sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mới xi măng Power Cemen...
Sản xuất clinker đạt 3,81 triệu tấn, giảm 15,8% so với cùng kỳ. Sản xuất xi măng (bao gồm thuê gia công) đạt 5,39 triệu tấn, giảm 19,2% so với cùng kỳ. Tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 5,8 triệu tấn, bằng 88% kế hoạch, giảm 19% so với cùng kỳ.
Tổng doanh thu đạt 7.055 tỷ đồng, bằng 88,5% kế hoạch, giảm 21% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 17,7 tỷ đồng, bằng 28% kế hoạch năm, giảm 93% so với năm 2022.
Với kết quả đó, công ty quyết định không chi trả cổ tức mà dành phần lớn lợi nhuận (hơn 17,9 tỷ đồng) để trích lập quỹ khen thưởng và phúc lợi. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sau khi trích quỹ chỉ còn 556 triệu đồng.
Tự tin vượt kế hoạch
Sang năm 2024, ban lãnh đạo công ty nhận định nhu cầu xi măng trong nước khó tăng trưởng cao do việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, thị trường bất động sản dù hồi phục nhưng chưa sôi động, giá điện tiếp tục tăng.
Theo đó, Vicem Hà Tiên đặt mục tiêu tổng doanh thu giảm nhẹ 0,3% về 7.032 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế là 29 tỷ đồng, tăng 19% so với thực hiện 2023. Lợi nhuận sau thuế tăng 29% lên 23,2 tỷ đồng.
Về công tác đầu tư xây dựng, công ty tập trung triển khai, hoàn thiện các dự án mỏ nguyên liệu; các dự án tận dụng nhiệt khí thải lò nung để phát điện; phấn đấu đưa dự án Đường BOT Phú Hữu vào khai thác, thu phí.
Theo báo cáo tài chính quý I mới công bố, công ty xi măng ở phía Nam báo lỗ ròng gần 25 tỷ đồng. Con số này đã cải thiện đáng kể so với mức lỗ gần 86 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái, nhưng lại làm cách xa hơn mục tiêu có lãi cả năm.
Tại đại hội, Tổng giám đốc Lưu Đình Cường khẳng định năm nay sẽ vượt qua kế hoạch lãi 29 tỷ đồng, bởi "kế hoạch xây dựng quý I là lỗ 50 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ lỗ chưa đến 19 tỷ đồng".
Lãnh đạo công ty xi măng kỳ vọng tiêu thụ 6 tháng cuối năm sẽ tăng lên khi sản lượng tháng 4 đã cao hơn tháng 3, cùng với đó là các chính sách về đẩy mạnh đầu tư công cũng như sự ấm lên của thị trường bất động sản.
Nói về thời điểm ngành xi măng đảo chiều, ông Cường nói đây là vấn đề vĩ mô nên không thể dự báo trước, chu kỳ kinh doanh mới phụ thuộc vào điều kiện vĩ mô thế giới và các chỉ đạo của Nhà nước. Hiện Bộ Xây dựng tâm huyết làm cao tốc trên cao tại miền Nam, nếu được đi vào triển khai thì nhu cầu xi măng sẽ tăng mạnh mẽ và Vicem Hà Tiên sẽ hưởng lợi lớn.
Với sản phẩm Power Cement, mục tiêu của công ty là cạnh tranh phân khúc giá rẻ nhưng vẫn có kiểm soát mức độ gia tăng để phù hợp với thị trường. Đến nay đang duy trì sản lượng 40-50.000 tấn/tháng, dự kiến trong năm nay sẽ đạt 600-650.000 tấn.
Giá bán 'rất chua chát'
Nói về việc bán hàng vào siêu dự án sân bay Long Thành, CEO Lưu Đình Cường cho biết cơ bản các gói chính cơ bản công ty đã tham gia từ cuối năm 2023, doanh nghiệp cơ bản cung cấp xi măng trực tiếp hoặc thông qua các trạm bên ngoài.
Vicem Hà Tiên ước tính đã 60.000 tấn vào dựa án nay, trên dự toán tổng khối lượng 850-900.000 tấn cho cả vòng đời dự án, trong khi đây mới là giai đoạn đầu của dự án.
"Với các gói thầu lớn ở phía Nam, Vicem Hà Tiên thường cung cấp 50-100% xi măng các dự án. Nếu tính tỷ lệ thấp nhất 50% thì sản lượng cung cấp cho Long Thành cũng 450.000 tấn", ông Cường ước tính sơ bộ.
Tuy nhiên, việc cung cấp xi măng cho đại dự án Long Thành không chỉ có Vicem Hà Tiên mà còn có sự cạnh tranh của các đơn vị khác. Công ty vẫn có sản lượng nhưng giá bán “rất chua chát” khi chỉ nhỉnh hơn chút so với giá thành. Công ty vẫn phải cung cấp vì vấn đề thương hiệu, và có thêm số lượng để nhà máy hoạt động liên tục để giảm chi phí cố định.
Cập nhật về dự án BOT Phú Hữu, đại diện doanh nghiệp nói đã đấu thấu và khởi công hệ thống thu phí không dừng từ ngày 20/3, dự kiến cuối tháng 5 sẽ hoàn tất; đồng thời UBND TP HCM đã phê duyệt đơn giá tối đa cho dự án này.
"Công ty đang trình lại đơn giá cụ thể bằng khoảng 90% đơn giá tối đa. Kỳ vọng tháng 6 hoặc chậm nhất quý III sẽ thu phí và hoàn vốn đầu tư", ông Cường tiết lộ và đồng thời nói rằng không có kế hoạch đầu tư thêm vào mảng BOT.