Sản xuất thép HRC: Cuộc chơi tốn kém không dành cho những 'tay mơ'
Mới đây, một công ty mới thành lập từ năm 2021 lên tiếng sẽ đầu tư gần 50.000 tỷ đồng tại Quảng Trị để sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) và một số loại thép khác như thép xây dựng, thép hình, thép tấm…
Thông tin này thu hút sự chú ý bởi nó liên quan đến mảng thép HRC - sản phẩm không hề dễ làm, hiện chỉ có 2 doanh nghiệp Việt Nam là Hoà Phát và Formosa thành công. Đây là 2 doanh nghiệp lớn hàng đầu và có kinh nghiệm lâu năm trong ngành thép.
Trong nhiều năm qua cũng đã có nhiều công ty có tên tuổi theo đuổi thép HRC nhưng đều thất bại. Vậy làm thép HRC khó đến đâu? Và nó có sức hút thế nào mà khiến các doanh nghiệp thép phải thèm muốn đến vậy?
Sản xuất thép HRC khác gì so với sản xuất thép thông thường?
Đúng như tên gọi thép cuộn cán nóng được sản xuất trong điều kiện nhiệt độ lên đến 1.000 độ C.
Sản phẩm thép này có thể là nguyên liệu thô để ứng dụng chế tạo đường ray xe lửa, sản xuất tôn lợp nhà,.. hoặc là nguyên liệu để sản xuất thép cán nguội như thép tấm, thép cuộn,...
Khác với công nghệ sản xuất thép phổ biến tại các công ty thép ở Việt Nam hiện nay là sử dụng lò điện hồ quang (EAF) hoặc lò cảm ứng (IF) để xử lý thép phế liệu phôi vuông và cán ra thành phẩm, việc sản xuất thép HRC phức tạp hơn rất nhiều.
Theo đó, nguyên liệu đầu vào là quặng sắt (thay vì thép phế liệu) và sử dụng lò cao (thay vì lò EAF hoặc IF).
Đầu tiên, quặng sắt với hàm lượng và kích cỡ khác nhau được chế biến, phối trộn theo tỷ lệ yêu cầu, kết hợp với than coke, vôi và dôlômit được đưa vào lò cao luyện ra gang lỏng.
Tiếp theo, nước gang được chuyển sang lò thổi ôxy (BOF), lò tinh luyện để tạo ra các mác thép theo yêu cầu của thị trường, thông qua hệ thống máy đúc đúc ra các loại phôi - thép thô bán thành phẩm.
Cuối cùng, tại nhà máy cán thép, phôi vuông sẽ được cán ra thép xây dựng thành phẩm gồm thép thanh vằn và thép cuộn; phôi dẹt được cán thành thép HRC.
Với các lò EAF hoặc IF sử dụng thép phế liệu thì sản phẩm đầu ra chỉ là thép dài. Còn với công nghệ dùng lò cao, lò thổi, dùng quặng sắt thì đầu ra là thép dài và thép dẹt.
Theo ông Ngô Đức Tuyên – Trưởng phòng Công nghệ, Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất, các thành tố lò cao, lò thổi, lò điện, đúc, cán chính là công nghệ để sản xuất HRC.
Các công nghệ này là phổ biến trên thế giới, có nguồn gốc từ Châu Âu và có quy chuẩn chung trong phương pháp vận hành. Trong quá trình vận hành sản xuất, con người có thể cải tạo, cải tiến hoặc nghĩ ra các kỹ thuật mới, phương pháp mới để tối ưu hóa quá trình sản xuất.
Hòa Phát áp dụng công nghệ lò cao, lò thổi trong sản xuất thép từ quặng với dây chuyền công nghệ được nhập khẩu từ Đức, Hà Lan sạch tạp chất, có thể sản xuất được các mác thép chất lượng cao chuyên xây siêu công trình.
Tại sao nhiều ông lớn ngành thép Việt thèm khát HRC nhưng chưa thể làm?
Tại sao thép HRC có sức hút đến vậy? Câu trả lời là nhu cầu trong nước đang rất lớn và đây là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm tôn mạ- thế mạnh của 2 ông lớn Hoa Sen và Nam Kim. Trong khi đó, sản lượng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu.
Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam, năm 2021, Hoà Phát và Formosa tiêu thụ được gần 7,13 triệu tấn HRC, tăng gần gấp đôi so với năm 2020. Trong đó, Hoà Phát tiêu thụ được 2,6 triệu tấn, gấp 3 lần năm 2020, tương đương chiếm 36% tỷ trọng.
Trong khi đó, nhu cầu thép HRC của Việt Nam khoảng 12- 14 triệu tấn và tăng trưởng trung bình 10%/năm. Điều này đồng nghĩa với sản lượng hiện tại mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu trong nước.
Thép HRC được là nguyên liệu đầu vào quan trọng của những doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép như Hoa Sen hay Nam Kim. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này hiện vẫn chủ yếu phụ thuộc nguồn nguyên liệu bên ngoài.
Đó cũng là lý do khiến Hoa Sen chuyển hướng sang mảng phân phối vật liệu xây dựng, thay vì tập trung mở rộng sản xuất.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông 2022 diễn ra hồi tháng 3, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoa Sen cũng thừa nhận nếu muốn tiếp tục đi theo hướng đầu tư mở rộng hệ thống sản xuất, tập đoàn sẽ phải làm từ các loại thép thượng nguồn (tức HRC).
Việc chưa tự chủ được nguyên liệu đầu vào phụ thuộc nhiều vào diễn biến giá thép HRC cũng từng khiến cho Hoa Sen nếm trái đắng thời điểm 2017 - 2018 khi lợi nhuận sau thuế của công ty còn 409 tỷ đồng, hoàn thành 30% kế hoạch và là mức thấp kỷ lục trong 5 năm. Lợi nhuận tiếp tục giảm trong năm 2019 còn 361 tỷ đồng.
Giá thép HRC có dấu hiệu tăng mạnh cuối năm 2017 và đạt đỉnh đầu năm 2018, đúng thời điểm Hoa Sen cần mua nguyên liệu để phục vụ sản xuất.
Công ty buộc phải tăng giá bán nhưng sau đó không lâu, nguyên liệu đảo chiều giảm sâu đột ngột, gây sức ép đáng kể cho giá bán.
Trên thực tế, không phải là các công ty sản xuất tôn mạ, ống thép không nghĩ đến làm HRC để giảm thiểu rủi ro biến động giá.
Hoa Sen cũng đã từng dự định đầu tư 10 tỷ USD vào dự án thép Cà Ná với tham vọng sản lượng đạt 16 triệu tấn và có thể tự chủ được nguồn cung nguyên liệu sản xuất tôn mạ. Tuy nhiên, tham vọng đó không thành bởi liên quan đến vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường và công nghệ.
Còn với Nam Kim, cũng trong buổi chia sẻ với cổ đông mới đây, Tổng Giám đốc Võ Hoàng Vũ cho biết vấn đề để chủ động thép HRC bài toán tài chính và công nghệ là rào cản lớn nhất.
Để làm được điều này, suất đầu tư có thể gấp 4 - 5 lần thậm chí nhiều hơn so với mức khoảng 4.500 tỷ đồng mà công ty đang bỏ ra để làm dự án Nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Do đó, Nam Kim cũng không có ý định làm thép thượng nguồn.
Đồng thời, công nghệ sản xuất khác hoàn toàn so với những gì mà Nam Kim đang có.
Như vậy, làm thép HRC phụ thuộc rất nhiều vào công nghệ và tiềm lực tài chính. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thép khác từng làm nhưng thất bại.
Tại đại hội đồng cổ đông diễn ra năm ngoái, chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát Trần Đình Long từng chia sẻ: “Một số công ty thấy Hoà Phát làm thép HRC cũng làm theo nhưng cuối cùng thất bại. Thậm chí, chúng tôi còn nhận được đơn cầu cứu từ những công ty này. Nhìn vậy thôi chứ làm HRC không phải là dễ và chúng tôi tự hào vì đã thành công”.
Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 1 có tổng vốn đầu tư 65.000 tỷ đồng với công suất khoảng 5 triệu tấn/năm. Giai đoạn 1 của Khu Liên hợp Gang thép Dung Quất mới hoàn thành và hoạt động ổn định trong năm 2021, Hòa Phát đã tính chuyện đầu tư 85.000 tỷ đồng vào giai đoạn 2 với công suất thiết kế 5,6 triệu tấn/năm, dự kiến sẽ khởi công vào quý II năm nay và hoàn thành trong vòng ba năm.
Để làm Dung Quất 2, Hoà Phát vay 35.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tập đoàn có tới 46.300 tỷ đồng tiền mặt mà theo chủ tịch Trần Đình Long cho biết đây là “tiền lỏng” sẵn sàng thanh các khoản nợ, đảm bảo an toàn cho các dự án và hoạt động của công ty, đóng vai trò đối ứng trong quá trình thực hiện Dung Quất 2.
Kể từ khi bắt đầu dự án Dung Quất 1 (năm 2017) đến nay, tỷ lệ nợ trên tổng nguồn vốn quanh mức 50%. Tính đến quý I/2022, tỷ lệ này là 47%, thấp nhất kể từ quý III/2018.
Khi dự án hoàn tất, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát có thể đạt 14 triệu tấn/năm.