|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những điểm nhấn chính sách tiền tệ 2022: Tỷ giá, lãi suất và thanh khoản hệ thống

20:10 | 04/01/2023
Chia sẻ
Trước diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị, năm 2022, NHNN đã đưa ra hàng loạt công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Đồ hoạ: Alex Chu.

Năm 2022, ngành ngân hàng đứng trước một loạt bài toán khó như làm thế nào để điều hành chính sách tín dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống trong khi một số chỉ tiêu tiền tệ như tỷ lệ tín dụng/huy động vốn và dư nợ tín dụng/GDP đã đang ở ngưỡng cảnh báo.

Làm thế nào ổn định được thị trường ngoại hối khi nền kinh tế của ta có độ mở cửa lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, USD tăng giá mạnh, Việt Nam đang trong giai đoạn giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ của phía Mỹ….

Làm thế nào ổn định được thị trường tiền tệ và thanh khoản hệ thống khi chịu tác động bởi sự cố SCB và niềm tin thị trường suy giảm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2023.

Trong bối cảnh đó, nhà điều hành đã đưa ra hàng loạt công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Chính sách tiền tệ góp phần kiểm soát lạm phát ở mức thấp (bình quân 3,15%), tăng trưởng kinh tế phục hồi ở mức cao (8,02%); tín dụng ước tăng khoảng 14,5%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất tăng khoảng gần 1%/năm, thanh khoản hệ thống cơ bản được bảo đảm,...

Đáng chú ý, trong tháng 11, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách giám sát nâng cao về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN Việt Nam.

Hai lần nâng lãi suất điều hành

Về điều hành lãi suất, NHNN đã điều chỉnh tăng hai lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2%/năm và lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng với tổng mức tăng 0,8 - 2%/năm (vào các ngày 23/9 và 25/10/2022).

Lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên được điều chỉnh tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm.

Các mức lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm liên ngân hàng cũng đồng loạt tăng lên 6%/năm; 4,5%/năm và 7%/năm từ 25/10/2022.

 Nguồn: PV tổng hợp từ số liệu NHNN.

Nới biên độ tỷ giá lên +/- 5%

Về điều hành tỷ giá, NHNN đã tăng giá bán USD 6 lần liên tiếp 23.050 đồng/USD lên 24.870 đồng/USD, tương đương tăng 7,4% so với đầu năm. Sau đó, giảm 4 lần liên tiếp trở lại mức 24.780 VND/USD vào ngày 20/12.

Để ổn định thị trường ngoại hối, NHNN đã thực hiện đồng thời các giải pháp như tăng biên độ giao dịch của tỷ giá từ +/- 3% lên +/- 5% để linh hoạt cho phép VND mất giá đến 9%, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp, nhờ vậy mà thị trường đã dần ổn định trở lại.

Tính đến cuối năm 2022, VND mất giá khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với các đồng tiền khác trên thế giới và khu vực, theo ước tính của NHNN.

Ông Francois Painchaud, Đại diện Thường trú Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, nhận định động thái điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay của NHNN thể hiện tính linh hoạt trong điều hành, là hành động kịp thời và phù hợp với tình hình quốc tế và nền tảng vĩ mô của Việt Nam.

 Diễn biến tỷ giá trong năm 2022. (Nguồn: Wichart).

Bảo đảm thanh khoản hệ thống sau vụ SCB 

Thực tế, từ tháng 10 khi sự cố SCB xảy ra tác động mạnh tới thanh khoản hệ thống và thị trường, NHNN đã ưu tiên cao nhất và tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn hệ thống và ổn định thị trường ngoại hối. 

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát đi thông cáo khẳng định các khoản tiền gửi của người dân tại ngân hàng trong đó có ngân hàng SCB đều được Nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp. 

Đồng thời, Thống đốc cũng cho biếtNHNN luôn đặt mục tiêu là kiên định với việc điều hành chính sách tiền tệ để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, trong đó có ngân hàng SCB. 

Nới room tín dụng toàn hệ thống vào cuối năm

Khi thanh khoản hệ thống được cải thiện, tác động từ bên ngoài dịu bớt, NHNN đã điều chỉnh tăng trưởng tín dụng thêm 1,5 - 2% vào cuối tháng 11. Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán. 

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sáng ngày 3/1, Thống đốc NHNN cho biết tín dụng trong năm 2022 ước tăng 14,5% so với cuối năm 2021. Trước đó, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực NHNN cho biết tính đến ngày 21/12/2022 tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021. 

Như vậy, tín dụng đã bật tăng khoảng hơn 1,5 điểm % chỉ trong 10 ngày cuối cùng của tháng 12, tương ứng quy mô hơn 170.200 tỷ đồng. Tuy nhiên mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn hạn mức mà NHNN cho phép trong năm 2022 là 16%.

Bên cạnh những chính sách điều hành trên, năm 2022, NHNN cũng ban hành nhiều thông tư xoay quanh các vấn đề liên quan đến lãi suất, thị trường trái phiếu và cơ cấu lại hệ thống các TCTD.

Thông tư 04 quy định về lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại ngân hàng 

Thông tư 04 về áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/8/2022. 

Trường hợp khách hàng rút trước hạn toàn bộ tiền gửi, TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.

Trong trường hợp khách hàng rút trước hạn một phần tiền gửi. Đối với phần tiền gửi rút trước hạn, TCTD áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất của TCTD đó theo đối tượng khách hàng và/hoặc theo loại đồng tiền đã gửi tại thời điểm khách hàng rút trước hạn tiền gửi.

Đối với phần tiền gửi còn lại, TCTD áp dụng mức lãi suất đang áp dụng đối với khoản tiền gửi mà khách hàng rút trước hạn một phần.

Chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong năm 2022 - 2023 

Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được ban hành ngày 20/5/2022.

Theo đó, đối tượng được hỗ trợ lãi suất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích vay vốn thuộc hai nhóm:

Các ngành hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục - đào tạo; nông - lâm nghiệp - thuỷ sản; công nghiệp chế biến - chế tạo; xuất bản phần mềm, lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan, hoạt động dịch vụ thông tin; bao gồm cả hoạt động xây dựng phục vụ trực tiếp cho các ngành kinh tế này, trừ hoạt động xây dựng cho mục đích kinh doanh bất động sản. 

Thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (danh mục dự án do Bộ Xây dựng tổng hợp từ UBND tỉnh, thành phố và công bố bằng văn bản, trên cổng thông tin điện tử của Bộ).

Thời hạn được hỗ trợ lãi suất tính từ ngày giải ngân khoản vay đến thời điểm khách hàng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận giữa NHTM và khách hàng, phù hợp với nguồn kinh phí hỗ trợ lãi suất được thông báo, nhưng không vượt quá ngày 31/12/2023.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 31, ngành ngân hàng đã rất tích cực triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh thực hiện chính sách. Tuy nhiên, kết quả hỗ trợ lãi suất còn thấp, chưa như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân. Hiện nay, NHNN đã rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định 31 và đang lấy ý kiến các bộ, ngành trước khi báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Ảnh minh hoạ: Thanh niên.

Ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc có thể được nới room ngoại lên tối đa 49%

NHNN đang dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của TCTD Việt Nam. Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 2 điều 6 về hình thức mua cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần trong trường hợp TCTD cổ phần chào bán cổ phần, phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ. Dự thảo cũng bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 điều 7 về tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Trong trường hợp đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại TCTD nhận chuyển giao bắt buộc vượt giới hạn quy định tại khoản 5 điều này khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc.

Hiện nay, theo quy định tại khoản 5 điều 7, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại (NHTM). 

Thông tư 16 bổ sung 3 loại giấy tờ có giá được lưu ký tại NHNN

NHNN ban hành Thông tư 16 quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại NHNN, thay thế Thông tư 04. Thông tư mới chính thức có hiệu lực từ ngày 17/1/2023.

Thông tư đã bổ sung thêm ba loại giấy tờ có giá có thể lưu ký tại NHNN ngoài các loại như trái phiếu NHNN, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn và các loại giấy tờ có giá khác do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ.

Trong đó có cả trái phiếu đặc biệt và trái phiếu phát hành trực tiếp cho TCTD bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).

Ngoài ra còn có trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu được phát hành bởi NHTM do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các NHTM đã được mua bắt buộc), trái phiếu được phát hành bởi TCTD (trừ các TCTD được kiểm soát đặc biệt) và doanh nghiệp khác.

Phương Nga