Những cổ phiếu mang tiền về cho cổ đông đầu 2022: Nhiều mã tăng 20-60% sau ba phiên
Sau ba phiên giao dịch đầu tiên của năm 2022, VN-Index đã tăng tổng cộng 2% và đóng cửa ngày 6/1 ở đỉnh mới 1.528,57 điểm. HNX-Index và UPCoM-Index cũng đi lên tương ứng 2,3% và 1,5% trong ba phiên.
Đà tăng chung của các chỉ số được hỗ trợ đắc lực bởi một số cổ phiếu vượt trội. Theo thống kê của Chứng khoán SSI, tính đến hết phiên 6/1, thị trường chứng khoán Việt Nam có 42 cổ phiếu tăng trên 20% so với cuối năm 2021, cũng là so với phiên T-3.
Đối với những người thích "lướt sóng", việc có lãi hàng chục % khi cổ phiếu vừa về tài khoản là điều đáng mơ ước xưa nay.
Dẫn đầu danh sách tăng giá đầu năm 2022 là cổ phiếu không mấy tên tuổi MCT với vốn hóa chỉ 32 tỷ đồng và gần như không có thanh khoản, vì vậy không có nhiều ý nghĩa với nhà đầu tư.
Nhiều cổ phiếu bất động sản tăng mạnh và có vốn hóa hàng nghìn tỷ đồng như SZG của Sonadezi Giang Điền – một thành viên của Tổng Công ty Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi); L14 của Licogi 14; CEO của Tập đoàn C.E.O, QCG của Quốc Cường Gia Lai, …
Phiên 6/1, L14 tăng kịch trần lên 337.500 đồng/cp, củng cố vị thế cổ phiếu đắt giá nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Với EPS 4 quý gần nhất là 1.987 đồng, L14 đang được giao dịch với tỷ lệ P/E lên tới 170 lần.
Cổ phiếu CEO đã có 4 phiên tăng liên tiếp, bao gồm hai phiên kịch trần. Vốn hóa hiện dừng ở 22.234 tỷ đồng. Chỉ cần thêm một phiên tăng kịch trần 10% trên sàn HNX, giá trị niêm yết của CEO sẽ vượt mốc 1 tỷ USD. Trong 4 quý gần đây, CEO đều thua lỗ với số lỗ sau thuế tổng cộng 224 tỷ đồng.
Cổ phiếu QCG tím trần ba phiên liên tiếp từ 4/1 đến 6/1, hiện giao dịch với P/E 4 quý gần nhất là 107 lần. Nhiều cổ phiếu khác cũng có P/E trên 100 lần, thậm chí trên 200 lần như VRG, HD2, CSI, CKV, ...
Tân binh TIN của Công ty tài chính cổ phần Tín Việt mới lên thị trường UPCoM hôm 28/12 cũng góp mặt trong top tăng nóng. Tuy giảm 14% trong phiên gần đây nhất 6/1 nhưng giá TIN vẫn cao hơn 21% so với giá của phiên T-3.
Liên tiếp trong 6 phiên từ 28/12 đến 5/1, TIN đều tăng kịch biên độ, vốn hóa hiện nay đạt gần 2.500 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần mức chào sàn.
Cổ phiếu BAF của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam lên sàn HOSE hôm 3/12 cũng tăng trần liên tiếp ba phiên đầu năm 2022, tăng tổng cộng hơn 22%.
Về phía các nhà băng, cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân tăng 24% và là mã ngân hàng duy nhất có tên trong top khởi sắc đầu năm. Đứng thứ 2 và thứ 3 trong nhóm ngân hàng là NAB và PGB với mức tăng lần lượt 5,5% và 5,3% trong ba phiên.
Các cổ phiếu ngân hàng còn lại chỉ tăng chưa tới 4% hoặc đi xuống như ACB, TCB, VPB, MBB, …
Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu làm nhà đầu tư mất tiền trong những phiên đầu năm 2022 như CMF, NAU, DAR, KTL giảm khoảng 25-40%.
Cổ phiếu FRT của FPT Retail đi xuống 4 phiên liên tiếp từ 31/12 đến 6/1, trong đó phiên gần đây nhất giảm kịch sàn. Cổ đông mất gần 13% trong ba phiên gần đây.
Trong nhóm VN30, MSN của Masan là cổ phiếu giảm mạnh nhất khi mất hơn 10% so với cuối năm 2021, VJC của Vietjet sụt 3,5%.
VRE của Vincom Retail và KDH của Nhà Khang Điền dẫn đầu chiều tăng với tỷ lệ tương ứng 18,3% và 11,4%. VRE đã tăng trần trong hai phiên gần đây. POW của PV Power cũng tăng 10% so với cuối năm ngoái.