|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhìn lại những lần Việt Nam thắt chặt rồi nới lỏng tiền tệ

08:38 | 20/11/2022
Chia sẻ
NHNN từng tăng mạnh lãi suất điều hành trong năm 2008 và điều chỉnh hạ 11 lần từ 15% xuống 6,25% giai đoạn 2012-2019.

NHNN từng tăng mạnh lãi suất điều hành trong năm 2008 

Năm 2008 luôn được nhắc đến là năm ghi nhận mức lạm phát tăng cao kỷ lục từ trước đến nay, lên đến gần 23%. Cùng với tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến vấn đề lạm phát càng trở nên trầm trọng hơn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) buộc phải nâng lãi suất điều hành nhiều lần để kìm hãm đà tăng của lạm phát.

Ngày 30/1/2008, sau hơn hai năm không điều chỉnh, NHNN tăng lãi suất tái cấp vốn là 7,5%/ năm, lãi suất tái chiết khấu là 6%/ năm. Trong năm 2008, lần tăng mạnh nhất phải kể đến ngày 19/5/2008, tăng thêm 5 -5,5 điểm %, cụ thể lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiếu khấu lần lượt được điều chỉnh lên 13%/ năm và 11%/ năm. Tuy nhiên lạm phát năm đó vẫn ghi nhận mức cao kỷ lục – 22,97%. 

 

Trước động thái quyết liệt kiểm soát lạm phát về dưới ngưỡng 20%, sang năm 2009 lạm phát hạ nhiệt, cả năm đạt 6,88%. Tháng 3/2009, Chính phủ công bố gói kích cầu và gói hỗ trợ lãi suất 4% đối với các doanh nghiệp đi vay, đồng thời giãn và giảm thuế, NHNN cũng đồng thời giảm mạnh lãi suất chính sách xuống 7%.

Do gói kích cầu đã làm cho mức tăng trưởng tín dụng lên tới 38% so với cùng kỳ, tạo áp lực lên lạm phát giai đoạn sau, tháng 10/2009, NHNN đã quyết định siết chặt tín dụng và thực hiện nâng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8%.

Ba năm tiếp theo, gói kích cầu chỉ mang lại kết quả ngắn hạn, lạm phát tăng mạnh trở lại, lần lượt là 9,19% (2010), 18,6% (2011), 9,21% (2012).

 

Từ tháng 10/2010, NHNN liên tục nâng lãi suất điều hành tổng 6 lần từ 8% lên 15%.

Giai đoạn 2012 – 2019, NHNN thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng khi lạm phát đã được kiềm chế, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, giúp phục hồi nền kinh tế, NHNN quyết định 11 lần điều chỉnh hạ lãi suất điều hành từ 15% xuống 6,25% và duy trì ở mức thấp.

Hai năm 2020, 2021, để ứng phó với dịch bệnh và kích cầu tín dụng, NHNN đã hạ lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp trong tháng 3, tháng 5 và tháng 10/2020 từ 6,25% xuống còn 4% và duy trì nền lãi suất thấp, đồng thời giảm lãi suất cho vay, giãn nợ, cơ cấu lại nợ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Từ quý II/2022, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại cũng đã bắt đầu có xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn ngắn và dài khi các ngân hàng chịu nhiều áp lực từ thanh khoản, mặc dù lãi suất điều hành phải tới tháng 9 mới bắt đầu tăng.

 

Hiện trần lãi suất huy động dưới 6 tháng đã quay về mức trước dịch và tương đương thời điểm 2014 (6%).

Lãi suất tái cấp vốn từ 5% lên 6% một năm, lãi suất tái chiết khấu từ 3,5% lên 4,5%, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN với các tổ chức tín dụng từ 6% lên 7% một năm.

"NHNN đã lựa chọn chính xác công cụ cần kiểm soát bằng mọi giá"

Trao đổi với chúng tôi, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn - Chính sách Tiền tệ Quốc gia đánh giá NHNN hiện nay đã lựa chọn chính xác công cụ cần kiểm soát bằng mọi giá, đó là kiểm soát chặt tín dụng. 

“Giai đoạn 2008 - 2011, tăng trưởng tín dụng không được kiểm soát, có thời điểm lên tới 30%. Nếu đã bỏ lỡ cơ hội kiểm soát tín dụng sẽ rất khó để kiểm soát tỷ giá hối đoái”, ông nói.

Ông cho rằng trong tất cả các giải pháp, “khóa vòi tín dụng” là giải pháp quan trọng nhất để ghìm tỷ giá, lãi suất, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu tăng cung tiền, lãi suất sẽ giảm, nhưng tỷ giá sẽ tăng mạnh hơn.

 

Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, NHNN đã và đang làm rất tốt nhiệm vụ của mình, phối hợp cả công cụ lãi suất và dự trữ ngoại hối cũng như biện pháp hành chính để ổn định tỷ giá bất chấp những thách thức hiện tại lớn hơn rất nhiều giai đoạn trước.

Ông cho rằng hiện vẫn phải chấp nhận co kéo linh hoạt giữa lãi suất và tỷ giá cho đến khi thị trường giảm bớt kỳ vọng vào việc tăng lãi suất của Fed. Điều này sẽ xảy ra khi một trong các dấu hiệu sau bắt đầu xuất hiện: lạm phát bắt đầu hạ nhiệt; kinh tế bước đầu suy thoái hoặc khu vực lao động xuất hiện sự tiêu cực.

“Thời điểm để những dấu hiệu này xuất hiện có thể phải chờ đến cuối năm nay hoặc chậm nhất đầu năm sau”, CEO WiGroup dự báo.

Thanh khoản hệ thống hiện đã bớt căng thẳng

Hiện, tình hình thanh khoản hệ thống ngân hàng thương mại đã bớt căng thẳng so với giai đoạn trước, thể hiện qua việc tỷ giá hạ nhiệt, lãi suất liên ngân hàng đi ngang và NHNN giảm bơm tiền.

 

Báo cáo thị trường chứng khoán tháng 11 của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết NHNN đã dừng bán USD do áp lực tỷ giá giảm. Với việc tỷ giá USD/VND đi ngang, lãi suất liên ngân hàng xuống dưới 5%/năm, NHNN có điều kiện để phát hành tín phiếu hút tiền về thay vì phải liên tục bơm tiền hỗ trợ các ngân hàng. 

Trong thời gian tới, nhóm phân tích cho rằng xuất siêu ở mức cao, lũy kế 10 tháng đạt 9,4 tỷ USD, sẽ là yếu tố hỗ trợ thêm cho tỷ giá khi dự trữ ngoại hối đã giảm khoảng 21 tỷ USD trong thời gian qua. Áp lực tăng tỷ giá thời gian qua khá lớn và có dấu hiệu hạ nhiệt khi đồng USD trên thế giới giảm dần.

Mới đây, NHNN cũng đã điều chỉnh giảm giá bán USD với các ngân hàng xuống mức 24.860 đồng/USD, thấp hơn 10 đồng so với trước đó. Đáng chú ý, đây là lần giảm đầu tiên sau 6 lần điều chỉnh tăng liên tiếp của tỷ giá USD/VND từ đầu năm do NHNN niêm yết. 

Về tình hình lạm phát năm nay, Chính phủ ước tính mục tiêu kiểm soát dưới 4% là khả thi. Các tổ chức trong và ngoài nước cũng nhận định tương tự. Tuy nhiên áp lực lạm phát trong năm 2023 là rất lớn. Ngoài ra có một biến số cần theo dõi là lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và dịch vụ y tế và giáo dục).

Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia của CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đề cập đến lạm phát cơ bản tháng 10 tăng 4,47% so với cùng kỳ.  

Trong khi đó CPI tăng 4,3% so với cùng kỳ trong tháng 10, là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/2020 cho tới nay, đồng thời là mức tăng theo tháng cao nhất kể từ năm 2013. Trung bình CPI tăng 2,89% trong 10 tháng đầu năm 2022.  

Khối phân tích cho rằng tốc độ tăng của CPI cốt lõi vượt lên CPI cho thấy yếu tố đáng quan ngại về áp lực tăng giá của nhóm hàng hóa dịch vụ. Xu hướng này nếu duy trì trong thời gian tới sẽ tạo áp lực mạnh cho NHNN tăng tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ.  

Đồng quan điểm, các chuyên gia của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định giá của nhiều loại hàng hóa đang có diễn biến tăng mạnh trở lại, áp lực sẽ có lớn hơn trong thời gian tới, đặc biệt là năm 2023 khi các dư địa về tài khóa để kiểm soát giá không còn nhiều như thời gian đầu năm 2022.

"Trong 2 tháng còn lại của năm 2022, chỉ số CPI của Việt Nam nhiều khả năng sẽ vẫn cao hơn 4%. Với mức tăng CPI trung bình 2,89% so với cùng kỳ trong 10 tháng đầu năm, BVSC dự báo lạm phát cả năm 2022 sẽ chỉ ở khoảng 3,1%-3,5%. Rủi ro về lạm phát sẽ vẫn cần phải theo dõi chặt chẽ trong năm 2023", BVSC khuyến nghị.

Anh Đào