Kinh tế Việt Nam đối mặt quý IV khó khăn chưa từng thấy, biến số rủi ro nhất cần quan sát là gì?
Sau khi quý III kết thúc với mức tăng trưởng GDP ấn tượng, nhiều tổ chức trong và ngoài nước cùng chung dự báo quý IV sẽ là một quý nhiều thử thách. Đúng như dự báo, nền kinh tế đang đi qua quý IV với khó khăn chưa từng thấy.
Kinh tế bước vào chu kỳ khó khăn
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết kể từ quý IV và dự báo năm 2023, nền kinh tế của Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn do tác động của các nền kinh tế trên thế giới. Hàng loạt yếu tố bất lợi với kinh tế toàn cầu như xung đột Nga – Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng hay chính sách Zero COVID của Trung Quốc.
"Với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đến thời điểm này, thông thường doanh nghiệp đã có đơn hàng năm 2023, nhưng năm nay, có rất nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chưa ký được đơn hàng 2023 như ngành dệt may chẳng hạn. Tình trạng này chủ yếu do yếu tố bên ngoài khi các nền kinh tế lớn như Anh, Pháp, Mỹ, Đức,…đều gặp khó khăn, Việt Nam sẽ chịu tác động và không thể nằm ngoài xu thế đó", ông thông tin.
Với thị trường trong nước, doanh nghiệp cũng đứng trước những vấn đề khó khăn về tín dụng, thuế, nguồn vốn,… trong đó nghiêm trọng nhất là lĩnh vực bất động sản, thị trường đóng băng, không có giao dịch dẫn đến ách tắc trong dòng tiền. Trên thị trường chứng khoán, chưa bao giờ thị trường biến động mạnh như hiện nay, sự trồi sụt xảy ra liên tục, thể hiện tính thiếu ổn định của thị trường.
Mới đây, Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng (Ban IV) cho biết, chi phí đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu tại Việt Nam ở mức cao và có xu hướng tiếp tục gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp tại các thị trường quốc tế.
Sức ép này đến từ các yếu tố như giá nhiên liệu thế giới bị đẩy lên, đồng USD tăng mạnh, rủi ro đứt gãy, gián đoạn nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất vẫn hiện hữu khi Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách Zero COVID.
Ở trong nước, tình trạng thiếu hụt xăng dầu ở các trung tâm kinh tế như TP HCM, Hà Nội chưa được tháo gỡ khiến chi phí vận chuyển tăng mạnh, lãi suất lên cao đẩy giá vốn sản xuất.
Trong báo cáo vĩ mô tháng 10, SSI Research nhận định kinh tế bước đầu vào chu kỳ kinh tế khó khăn.
"Dữ liệu vĩ mô tháng 10 đã cung cấp cái nhìn rõ ràng hơn cho thấy Việt Nam không đứng ngoài xu hướng của kinh tế toàn cầu, khi cả ngành sản xuất và tiêu dùng đều không còn quá tích cực dưới áp lực lạm phát cũng như tác động từ các yếu tố quốc tế. Bên cạnh đó, biến động trên thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp và tỷ giá khiến rủi ro mất cân bằng vĩ mô cũng được nhắc đến nhiều hơn", các chuyên gia tại đây cho hay.
Với nhiều sự kiện xảy ra liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trạng thái ổn định vĩ mô của nền kinh tế đã gặp nhiều bất lợi trong tháng 10 khi các điều kiện tài chính thắt chặt và thanh khoản trong hệ thống gặp nhiều khó khăn, SSI thông tin thêm.
Nói thêm về thị trường tiền tệ, các chuyên gia của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định tháng 10 là một tháng đầy biến động,
"Sau sự kiện Tân Hoàng Minh, sự kiện Vạn Thịnh Phát là một cú hích mạnh làm gia tăng khủng hoảng niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, dẫn đến làn sóng tháo chạy khỏi kênh đầu tư này, kể cả rút tiền khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu chuyên nghiệp.
Do sự phát triển nhanh và mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp các năm qua đã bám rễ vào hệ thống tài chính và tiếp cận một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam, niềm tin lung lay đang dẫn đến khá nhiều xáo trộn trên thị trường", VDSC nêu quan điểm.
Biến số rủi ro nhất cần theo dõi
Theo các chuyên gia của SSI Research, biến số rủi ro nhất ở thời điểm hiện tại là điều kiện thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, và rủi ro mất thanh khoản của các doanh nghiệp phát hành khi dòng tiền của các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh doanh thu suy giảm và mặt bằng lãi suất tăng mạnh trong ba tháng vừa qua.
Những bước đi chính sách tiếp theo, từ phía Chính phủ và NHNN trong việc xử lý và hỗ trợ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp là yếu tố cần được quan sát thêm trong thời gian tới.
Trong báo cáo trái phiếu doanh nghiệp tháng 10 của FiinGroup, các chuyên gia tại đây cho biết mặc dù hoạt động rút trước hạn của nhà đầu tư và mua lại trái phiếu đã phát hành gây không ít khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, điều này cũng đã góp phần giảm đáng kể áp lực từ số dư trái phiếu sẽ đáo hạn còn lại tại thời điểm hiện nay.
Số liệu cập nhật của FiinRatings cho thấy, tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 chỉ còn ở mức 21.850 tỷ đồng
Tuy số dư này không lớn nhưng vẫn đến phần nhiều phát hành bởi các doanh nghiệp chưa niêm yết và hầu như không có thông tin tài chính về tổ chức phát hành. FiinGroup kỳ vọng các biện pháp tái cấu trúc nợ sẽ được thực hiện trong thời gian sớm, nhất là các trái phiếu nếu được phân phối thứ cấp đến các nhà đầu tư cá nhân. Bên cạnh đó, áp lực vẫn duy trì ở mức đáng kể từ năm 2023 (119.050 tỷ đồng) và năm 2024 (111.810 tỷ đồng).
FiinGroup còn cho biết các phương án tái cấu trúc nợ được triển khai khá tích cực.
Cụ thể, thị trường chứng kiến nhiều hình thức tái cấu trúc nợ khác nhau và được áp dụng ngày càng nhiều bởi các tổ chức phát hành.
Một số phương án phổ biến ghi nhận bao gồm một hoặc kết hợp một số các hình thức sau đây: Gia hạn kỳ hạn thanh toán nợ gốc với lãi suất mới; chuyển đổi thành hợp đồng cho vay dài hạn với lãi suất mới, chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm này nhấn mạnh đây là một dấu hiệu khá tích cực cho vấn đề thanh khoản hiện nay của thị trường. Bởi các biện pháp trên giúp giải quyết vấn đề áp lực dòng tiền trả nợ trong ngắn hạn trước làn sóng yêu cầu tất toán trước hạn của trái chủ.
Mức lãi suất mới trong nhiều giao dịch gần đây cũng đã phản ánh xu hướng lãi suất tăng cao trong thời gian qua (dao động ở mức 12-13% - tức cao hơn 4-5% so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng lớn). Tuy nhiên, FiinGroup kỳ vọng chất lượng tín dụng hay khả năng trả nợ của tổ chức phát hành cần phải được xác định cụ thể, trong đó lưu ý tới những yếu tố rủi ro mới như khi trái chủ được chuyển đổi sang sản phẩm bất động sản tương ứng nhưng yếu tố pháp lý dự án vẫn còn chưa chắc chắn
Bên cạnh các vấn đề liên quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp, những lo ngại khác với nền kinh tế là độ trễ giữa chinh sách và thị trường.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup nhấn mạnh các chính sách tiền tệ thường có độ trễ khoảng hai quý đến một năm, có thể lâu hơn trong một số trường hợp. Tại Việt Nam những tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất và suy giảm tăng trưởng cung tiền đến nền kinh tế trong nước sẽ thể hiện rõ nét hơn giai đoạn tới.
Vấn đề khác nữa là những lo ngại về bất ổn địa chính trị có thể tiếp tục tạo ra những biến động khó lường trong giá cả hàng hóa thiết yếu.
"Nhìn viễn cảnh tương lai, năm 2023, suy giảm tăng trưởng toàn cầu là điều không thể tránh khỏi, trong nước những áp lực lạm phát là hiện hữu, nếu như giá cả hàng hóa tiếp tục ghi nhận đà tăng, nền kinh tế thực sự phải đứng trước những bài toán rất khó khăn", CEO WiGroup nói thêm.