|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhập siêu tháng 5 chỉ bằng nửa ước tính, dự báo cả năm xuất siêu 20 - 25 tỷ USD

07:30 | 13/06/2024
Chia sẻ
Mặc dù tháng 5 Việt Nam nhập siêu gần 500 triệu USD song các chuyên gia rằng nhập siêu không đáng quan ngại và cán cân thương mại năm nay có thể thặng dư trên 20 tỷ USD.

Sau 23 tháng xuất siêu liên tiếp kể từ tháng 5/2022, trong nửa đầu tháng 5, Việt Nam bất ngờ nhập siêu tới 2,63 tỷ USD. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng nhập siêu sẽ tiếp tục "bùng lên" gây ảnh hưởng tiêu cực đến cán cân thương mại cũng như không còn nguồn USD để hỗ trợ tỷ giá.

Tuy nhiên, ngay sau đó xuất khẩu phục hồi (xuất siêu 1,63 tỷ USD trong nửa cuối tháng 5) khiến nhập siêu giảm, theo ước tính của Tổng cục Thống kê,nhập siêu của cả tháng 5 chỉ còn 1 tỷ USD. 

Cán cân thương mại giai đoạn 2017 đến nay. (Nguồn: VDSC).

Tuy nhiên, theo công bố mới nhất của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, Việt Nam nhập khẩu 32,72 tỷ USD, xuất khẩu 32,27 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại tháng 5 chỉ thâm hụt 460 triệu USD chứ không phải 1 tỷ USD như ước tính. Luỹ kế từ đầu năm đến hết tháng 5, Việt Nam vẫn xuất siêu 8,61 tỷ USD.

Dù vẫn nhập siêu gần 500 triệu USD trong tháng 5 song theo nhận định của các chuyên gia đây chỉ là yếu tố mùa vụ chứ không đáng quan ngại.

Nhập siêu do yếu tố chu kỳ

Cán cân thương mại tháng 5 hầu như đều nhập siêu trong 6 năm trở lại đây. (Nguồn: VDSC).

Theo lý giải từ Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nền kinh tế nhập siêu trở lại trong tháng 5 là yếu tố chu kỳ chứ không đáng lo ngại. Trong 6 năm trở lại đây (2019 - 2024), tháng 5 thường chứng kiến mức nhập siêu cao do nhu cầu nhập khẩu tăng lên để phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nửa cuối năm.

Chỉ duy có năm 2023, cán cân thương mại vẫn thặng dư do đơn hàng giảm, ngành sản xuất khó khăn. Do đó, tháng 5 năm nay là tháng đầu tiên cán cân thương mại đảo chiều kể từ cán cân thương mại đảo chiều tháng 5/2022. Trong đó, thặng dư thương mại của khối FDI thu hẹp còn 2,4 tỷ USD, đồng thời, thâm hụt thương mại của khối trong nước mở rộng lên 3,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, các chuyên gia từ VDSC cho rằng điều này không phản ánh thực chất về sự phục hồi của hoạt động thương mại. Nếu so sánh quy mô xuất nhập khẩu của tháng 5/2024 với cùng kỳ năm 2022, tăng trưởng xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt là 6,3% và 2,9%. Điều này có nghĩa là khi so với mức nền cao của năm 2022 thì tốc độ phục hồi của xuất khẩu vẫn cao hơn nhập khẩu.

Số liệu vĩ mô tháng 5 cho thấy nền kinh tế vẫn đang phục hồi tích cực. Chỉ số IIP tăng trưởng tốt, PMI tiếp tục trên ngưỡng 50 và đà tăng vượt bậc của hoạt động nhập khẩu đã cho thấy đơn hàng đang quay trở lại Việt Nam, kỳ vọng một xu hướng sản xuất - xuất khẩu mạnh mẽ sắp tới.

Báo cáo từ CTCP Chứng khoán Mirae Asset (MASVN) cũng nhận định trong 5 tháng đầu năm nay, cán cân thương mại thặng dư hơn 8 tỷ USD, thấp hơn đôi chút so với 9,8 tỷ USD thặng dư trong cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất (tăng 18,6% so với cùng kỳ) cải thiện rõ rệt trong 5 tháng đầu năm, là dấu hiệu cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng khởi sắc hơn nữa trong các tháng tới.  

Số liệu vĩ mô tháng 5 cho thấy nền kinh tế vẫn đang phục hồi tích cực. Chỉ số IIP tăng trưởng tốt; PMI tiếp tục trên ngưỡng 50 và đà tăng vượt bậc của hoạt động nhập khẩu đã cho thấy đơn hàng đang quay trở lại Việt Nam, kỳ vọng một xu hướng sản xuất - xuất khẩu mạnh mẽ sắp tới.

Nhập siêu không quá quan ngại

PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS). (Ảnh: Hạ An).

Theo PGS. TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS), việc nhập siêu đôi chút không đáng lo ngại bởi đặc thù sản xuất của Việt Nam có một số ngành nghề phụ thuộc rất nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu như giày da, may mặc, điện tử...

"Các lĩnh vực này nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc rất nhiều vì vậy tín hiệu nhập siêu lại cho thấy đơn hàng đã quay trở lại", ông Thế Anh nói.

Nhìn kỹ hơn, các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu đều là nguyên liệu sản xuất. Dữ liệu từ việc công bố thông tin của một số doanh nghiệp niêm yết trong lĩnh vực điện tử, may mặc cũng đều cho thấy đơn hàng có dấu hiệu tăng trở lại trong thời gian qua.

"Vừa rồi, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng trên 50 điểm mấy tháng liền, cộng với các đơn hàng của các doanh nghiệp đều tăng. Đây là tín hiệu tốt và chỉ nhập khẩu tạm thời, đến các tháng cuối năm họ sẽ xuất khẩu đi và không đáng ngại. Chỉ khi nào nhập khẩu tập trung vào hàng tiêu dùng, hàng xa xỉ mới là dấu hiệu đáng ngại, chuyên gia đánh giá", ông Thế Anh cho biết.

Theo ông, Việt Nam mới chỉ nhập siêu một tháng, cũng chưa có nhiều dữ liệu để khẳng định nhưng dấu hiệu ban đầu cho thấy nhập siêu chủ yếu đến từ việc nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ sản xuất.

 TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia. (Nguồn: VIR).

Đánh giá về số liệu nhập siêu tháng 5, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng trong tháng 5, nhập khẩu tăng cao hơn so với xuất khẩu dẫn đến nhập siêu. Điều này chứng tỏ nhu cầu nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu về để đẩy mạnh hơn cho các đơn hàng, sản xuất kinh doanh từ nay đến cuối năm sẽ tích cực hơn.

Ông cho rằng việc nhập khẩu tăng nhanh hơn một chút trong tháng 5 cũng không quá lo vì quan trọng cán cân thương mại vẫn đang thặng dư, 5 tháng đầu năm 2024 ở mức trên 8 tỷ USD. Trong thời gian tới, xuất khẩu được dự báo tiếp tục phục hồi nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng tốc trong tháng 5 và duy trì tăng trưởng hai chữ số trong 5 tháng đầu năm.

Dự báo về xuất khẩu năm nay, TS. Cấn Văn Lực cho hay từ nay đến cuối năm, xuất khẩu tăng trưởng tương đối khả quan, đặc biệt là xuất khẩu sang 6 thị trường gồm: Trung Quốc, Mỹ, ASEAN, Hàn Quốc, EU và Nhật Bản.

"Năm nay, xuất khẩu có thể tăng ở mức từ 8 - 10%, tương tự như nhập khẩu. Cho nên cán cân thương mại có thể cân bằng đâu đó là thặng dư khoảng 20 - 25 tỷ USD", TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Hạ An