|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhà thuốc, đơn vị phân phối giận dữ sau khi Dược phẩm Hoa Linh thuê TikToker livestream bán phá giá sản phẩm

20:53 | 04/04/2023
Chia sẻ
Công ty Dược phẩm Hoa Linh, đơn vị sở hữu nhiều sản phẩm nội địa như dầu gội Nguyên Xuân, kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu... đã gặp phải cơn sóng dữ khi bất ngờ kết hợp với TikToker bán "phá giá" sản phẩm.

 Hai sản phẩm dầu gội Nguyên Xuân được nữ TikToker Hà Linh giới thiệu. (Ảnh chụp màn hình).

Thông báo này khiến các đơn vị phân phối, nhà thuốc đang kinh doanh sản phẩm của Hoa Linh tức giận. Bởi lẽ, theo một số chia sẻ từ nhà thuốc, họ đang bán dầu gội Nguyên Xuân xanh với giá 76.000 đồng, sản phẩm Dầu gội Nguyên Xuân nâu giá 71.000 đồng.

Do đó, các nhà thuốc phân phối cho rằng việc Dược phẩm Hoa Linh bắt tay với TikToker tổ chức bán hàng tại kho với mức giá rẻ hơn tới hơn 60.000 đồng là điều không thể chấp nhận được.

"Dược phẩm Hoa Linh tổ chức livestream bán dầu gội Nguyên Xuân với giá chênh lệch lớn như vậy khác nào đang muốn đạp đổ chúng tôi (nhà thuốc, nhà phân phối - PV) - những người đã hợp tác và là kênh phân phối chính của họ", một đại diện nhà thuốc cho biết. 

Bên cạnh đó, các nhà thuốc lo ngại rằng mức giá ưu đãi từ buổi livestream có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm việc nhà thuốc đang bán "cắt cổ", lừa dối người tiêu dùng. Điều này có thể dẫn đến việc người tiêu dùng quay lưng với nhà thuốc.

Dược phẩm Hoa Linh phản hồi ra sao?

Ngay sau khi vấp phải phản ứng từ nhà thuốc, phía công ty Dược phẩm Hoa Linh đã lên tiếng phản hồi. Cụ thể, đơn vị này cho biết nhãn hàng Nguyên Xuân đang kết hợp với TikTok Shop triển khai chương trình livestream vào ngày 4/4/2023.

"Đây là chương trình bán hàng khuyến dùng đặc biệt, sản phẩm được bán trong livestream là các combo sản phẩm của Hoa Linh, với mong muốn đem đến cho khách hàng là người tiêu dùng cuối mức giá ưu đãi tốt nhất để trải nghiệm dùng thử sản phẩm chính hãng. Số lượng sản phẩm bán trong livestream có hạn và chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, mục tiêu là giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng", thông báo của Hoa Linh cho biết.

Đơn vị này cũng bày tỏ thông điệp muốn người tiêu dùng biết đến và sử dụng sản phẩm. Công ty hy vọng hoạt động livestream có thể hỗ trợ các kênh bán hàng truyền thống của công ty Dược phẩm Hoa Linh trong tương lai.

Trong khi đó, TikToker Hà Linh cũng đưa ra tuyên bố rằng Hoa Linh luôn bảo vệ quyền lợi của đại lý. Cô cho biết: "Không hề có chuyện phá giá như trong livestream. Mức giá 18.000 hay 11.000 đồng không phải giá bán lẻ". Hà Linh cho biết đây chỉ là mức ưu đãi độc quyền, phục vụ quảng bá sản phẩm nội địa và thúc đẩy bán lẻ.

Mặc dù, phía công ty Hoa Linh và nữ TikToker Hà Linh đã lên tiếng nhưng động thái này dường như vẫn chưa thể xoa dịu các đối tác phân phối bán lẻ sản phẩm của Hoa Linh. Nhiều nhà thuốc vẫn bảo lưu quan điểm phía Hoa Linh đang bỏ rơi hệ thống phân phối, chưa kể việc với mức giá chênh lệch quá lớn sẽ khiến người tiêu dùng hiểu lầm nhà thuốc.

Khủng hoảng truyền thông từ cách đặt câu từ không phù hợp

Theo ông Phùng Thái Học, một chuyên gia trong lĩnh vực lĩnh vực nội dung marketing, phía công ty Dược phẩm Hoa Linh có thể không chủ đích bỏ rơi hệ thống đại lý. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở sự khéo léo về mặt ngôn từ.

"Đáng lẽ brand (nhãn hàng - PV) nên kiếm soát gắt gao phát ngôn của KOC (Key Opinion Consumer: người tiêu dùng chủ chốt) trước khi tung video lên mạng. Đây nên được coi là một hoạt động marketing thay vì bán hàng", ông Học nhận định.

Vị chuyên gia cho rằng lỗi của nhãn hàng là chưa nhấn mạnh được sự kết hợp với TikToker là để tăng cường nhận diện và cho khách hàng dùng thử. Ông Học cho rằng sai lầm của Dược phẩm Hoa Linh là gọi màn kết hợp này là một hoạt động bán hàng "dọn sạch kho".

Ông Học cho rằng: "Dọn sạch kho chính là từ nhạy cảm đã giết chết campaign (chiến dịch-PV) này. Mặc dù từ "dọn sạch kho" không được nhắc đến trực tiếp trong đoạn TikToker đến kho của Hoa Linh, nhưng việc cụm từ này được nhắc đến trong video và xuất hiện trên mô tả đã khiến khán giả bị ghim cụm từ này trong nhận thức".

Bên cạnh đó, việc nhãn hàng chưa có thông báo với hệ thống đại lý về chiến dịch marketing, hỗ trợ bán hàng lần này cũng là sai lầm. "Thay vì chờ bão lên mới đi gia cố nhà cửa, chỉ cần một vài câu từ rõ ràng hơn trong video của KOC thì có lẽ mọi thứ đã khác. Đó chính là sức mạnh của ngôn từ, thiếu một chữ là trắng đen đã lẫn lộn rồi", vị chuyên gia chia sẻ. 

Theo ông Học, dù nhãn hiệu có giải thích như nào thì các nhà thuốc vẫn đã bị ảnh hưởng nặng nề, ít nhất là về cảm xúc. "Hệ thống phân phối cũng là đối tượng rất nhạy cảm. Họ cũng cần được tôn trọng và bảo vệ. Hy vọng sẽ có một cái kết đẹp cho tất cả các bên liên quan", ông Học nêu quan điểm. 

Doanh Chính