|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngày 29 Tết, tròn một năm Việt Nam ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên

12:24 | 10/02/2021
Chia sẻ
Tròn một năm đã qua kể từ khi ghi nhận hai ca COVID-19 đầu tiên, hôm nay cũng đúng ngày 29 Tết, kế hoạch bắn pháo hoa đón năm mới đã được Thủ tướng chỉ thị tạm dừng. Với 484 ca nhiễm cộng đồng ở 13 tỉnh, thành kể từ 28/1 đến nay, người dân chắc chắn sẽ lại đón một cái Tết rất khác biệt.

Ba giai đoạn chống dịch thành công và tăng trưởng GDP thấp nhất một thập kỷ

Ngày 23/1/2020, Việt Nam ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, là hai cha con người Trung Quốc đến từ Vũ Hán.

Khi ấy đúng ngày 29 tháng Chạp, virus corona đến Việt Nam với hai bệnh nhân đầu tiên nhập viện Chợ Rẫy, TP HCM chưa đủ để làm xáo trộn cuộc sống của người dân. Không khí chuẩn bị đón Tết Canh Tý rộn ràng nơi nơi, người dân vẫn nguyên niềm bồi hồi mong chờ dành cho thời khắc giao thừa tiễn năm cũ qua. Pháo hoa mừng năm mới vẫn được bắn trên bầu trời thật đẹp dẫu cho nhiều tỉnh miền Bắc trải qua đêm 30 có mưa rào và mưa đá bất thường.

Ngày 29 Tết, tròn một năm Việt Nam ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên - Ảnh 1.

Bắn pháo hoa mừng Tết Canh Tý 2020 ở TP HCM. (Ảnh: Thanh niên).

Ngày 29 Tết, tròn một năm Việt Nam ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên - Ảnh 2.

Hai cha con đến từ Vũ Hán, Trung Quốc là hai ca bệnh COVID-19 đầu tiên của Việt Nam. (Ảnh: Tiền phong).

Một tuần sau đó, nữ nhân viên khách sạn ở Nha Trang tiếp xúc hai cha con Vũ Hán, trở thành người Việt đầu tiên mắc COVID-19. Cùng thời điểm, nữ công nhân Vĩnh Phúc về từ Vũ Hán đã lây bệnh cho nhiều người. Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên với hơn 10.000 dân thực hiện phong tỏa suốt 21 ngày.

Đánh giá tình hình dịch diễn biến phức tạp, chiều 1/2/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona tại Việt Nam, đồng thời quyết định siết chặt đường biên, dừng toàn bộ chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Thời điểm đó cả nước có 6 bệnh nhân COVID-19, Khánh Hòa, Vĩnh Phúc và Thanh Hóa là ba địa phương có dịch.

Nhờ phản ứng nhanh chóng và quyết liệt, trong giai đoạn đầu của dịch, Việt Nam khống chế ca nhiễm ở con số 16.

Ngày 29 Tết, tròn một năm Việt Nam ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên - Ảnh 3.

Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên với hơn 10.000 dân thực hiện phong tỏa suốt 21 ngày. (Ảnh: Getty).

Khuya 6/3, sau 22 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới, Hà Nội triệu tập cuộc họp khẩn khi cô gái 26 tuổi từ Italy về được công bố là "bệnh nhân 17" - ca bệnh đầu tiên của thủ đô. Người dân Hà Nội đã trải qua rất nhiều đêm không ngủ, nhưng đêm 6/3 có lẽ là đêm không ngủ khó quên nhất khi nỗi bất an và lo lắng về dịch bệnh thành hình rõ ràng.

Những ngày tiếp theo, hai điều dưỡng ở Bệnh viện Bạch Mai được ghi nhận mắc bệnh, số ca nhiễm tăng liên tiếp tại đây. Bạch Mai trở thành ổ dịch mới của Hà Nội, 4.000 cán bộ, nhân viên y tế phải cách ly.

Trong khi đó tại TP HCM, ngày 18/3, phi công người Anh, 44 tuổi được phát hiện nhiễm COVID-19. Quán Buddha Bar & Grill - nơi nam phi công từng đến trở thành ổ dịch lớn nhất TP HCM với thêm 18 người dương tính.

Ngày 29 Tết, tròn một năm Việt Nam ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên - Ảnh 4.

Đêm 6/3/2020 đêm không ngủ của nhiều người ở Hà Nội. (Ảnh: TTXVN).

Chiều 31/3, Việt Nam chính thức áp dụng biện pháp khống chế dịch mạnh nhất trong bối cảnh nhiều quốc gia phương Tây vẫn đi lại bình thường và không tính đến chuyện phong tỏa. Thủ tướng ban hành Chỉ thị 16 yêu cầu cách ly xã hội toàn quốc 15 ngày, từ 0h ngày 1/4. Khi đó, cả nước ghi nhận tổng cộng 137 ca bệnh tại 23 tỉnh thành.

Khi thực hiện cách ly xã hội, Việt Nam chấp nhận "hy sinh kinh tế để bảo vệ sức khoẻ người dân". 22 triệu học sinh nghỉ học; các dịch vụ không thiết yếu dừng hoạt động; nhiều chuyến bay thương mại đã phải ngưng; xe buýt, taxi, xe khách liên tỉnh phải ngừng chạy.

Ngày 29 Tết, tròn một năm Việt Nam ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên - Ảnh 5.

Khung cảnh vắng vẻ hồi tháng 4 khi Việt Nam cách ly toàn xã hội phòng dịch. (Ảnh: Reuters).

Ngày 29 Tết, tròn một năm Việt Nam ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên - Ảnh 7.

(Ảnh: Maika Elan/Bloomberg).

Ngày 29 Tết, tròn một năm Việt Nam ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên - Ảnh 8.

(Ảnh: Maika Elan/Bloomberg).

Giai đoạn chống dịch thứ 3 bắt đầu ngày 25/7, sau 99 ngày không ghi nhận ca cộng đồng, người đàn ông 57 tuổi ở Đà Nẵng được xác định nhiễm bệnh. Ba ngày sau 28/7, trường hợp tử vong đầu tiên trong nước được công bố. Cùng ngày, Đà Nẵng quyết định cách ly xã hội toàn thành phố với hơn 1,1 triệu dân.

Nhằm phát hiện sớm người mắc COVID-19, Đà Nẵng tiến hành xét nghiệm hộ gia đình; tăng khả năng phân tích từ 700 mẫu lên 13.000 mẫu mỗi ngày; quét 20.000 người liên quan các bệnh viện trong một tuần; truy vết toàn bộ khu vực chợ, các cộng đồng dân cư có nguy cơ.

Ngày 29 Tết, tròn một năm Việt Nam ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên - Ảnh 9.

Quân đội phun khử khuẩn toàn quận Sơn Trà, Đà Nẵng. (Ảnh: Chu Lai).

Nhờ chiến lược xét nghiệm thông minh, sau gần hai tháng thực hiện giãn cách xã hội, ngày 11/9, sinh hoạt người dân Đà Nẵng trở lại bình thường. Cũng từ đây, dịch COVID-19 được kiểm soát tại Việt Nam, các ca bệnh ghi nhận chủ yếu là ca nhập cảnh được cách ly ngay. Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ chống dịch thế giới.

Đầu tháng 12, bệnh nhân 1347 – giáo viên tiếng Anh ở TP HCM kết thúc chuỗi 88 ngày không ca lây nhiễm cộng đồng của Việt Nam. Người này trước đó tiếp xúc gần với nam tiếp viên Vietnam Airlines (BN1342). Hai trường hợp lây nhiễm từ bệnh nhân 1347 lần lượt được Bộ Y tế công bố sau đó là BN1348 và BN1349. Việt Nam khi đó lo ngại về làn sóng dịch thứ 3, tuy nhiên lực lượng chức năng đã nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch.

Ba giai đoạn chống dịch thành công với nguyên tắc "Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng - Dập dịch" giúp Việt Nam khống chế ca nhiễm và ca tử vong ở mức tối thiểu. Kết thúc năm 2020, số ca nhiễm tại Việt Nam là hơn 1.500, trong đó hơn 1.400 ca khỏi bệnh.

Ngày 29 Tết, tròn một năm Việt Nam ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên - Ảnh 10.

Tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91% - thấp nhất trong 10 năm nhưng là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. (Ảnh: Getty).

Ngân hàng Thế giới gọi "Việt Nam là ngôi sao sáng trên bầu trời tăm tối", tờ Nikkei mới đây cũng khẳng định Kinh tế Việt Nam ghi điểm trong đại dịch COVID-19.

Xuyên suốt năm 2020, Chính phủ kiên định với việc tập trung thực hiện "mục tiêu kép", vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh. Tăng trưởng cả năm 2020 đạt 2,91% - thấp nhất trong 10 năm nhưng là mức tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.

Dẫu vậy, không thể không thừa nhận dịch COVID-19 đã giáng đòn nặng nề lên nền kinh tế. Bên cạnh những điểm sáng như xuất siêu đạt kỷ lục, vượt 19,1 tỷ USD; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 cao nhất giai đoạn 2016-2020, những con số biết nói về tỷ lệ thất nghiệp, số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẽ nên một bức tranh kinh tế giữa thời COVID-10 đầy khó khăn.

101.000 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, hơn 32 triệu lao động bị ảnh hưởng tiêu cực

Theo Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020 có tổng cộng 101.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm trước.

Như vậy, tính trung bình mỗi tháng có gần 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Đây là con số chưa từng có trong 10 năm trở lại đây.

Ngày 29 Tết, tròn một năm Việt Nam ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên - Ảnh 11.

(Ảnh: Getty).

Về tình hình lao động, năm qua cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,…

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.

Tính chung năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm 2019.

Trong giai đoạn 2016-2019, trung bình mỗi năm lực lượng lao động tăng 0,8%. Nếu lực lượng lao động năm 2020 duy trì tốc độ tăng như giai đoạn 2016-2019 và không có dịch COVID-19, nền kinh tế Việt Nam sẽ có thêm 1,6 triệu lao động.

Nói cách khác, dịch COVID-19 có thể đã tước đi cơ hội tham gia thị trường lao động của 1,6 triệu người.

Năm "gãy cánh" của ngành hàng không, tổn thất nặng nề của ngành du lịch

Năm 2020 được cho là năm "gãy cánh" của ngành hàng không. Mỗi một giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát là mỗi lần ngành hàng không có thêm hy vọng về khả năng phục hồi. Nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến khó đoán định gần như thổi bay cơ hội mở cửa trở lại đường bay quốc tế trong tương lai gần. Kết quả, các hãng bay trong năm 2020 chìm trong thua lỗ từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng.

Ngày 29 Tết, tròn một năm Việt Nam ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên - Ảnh 12.

Các hãng bay chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. (Ảnh: NLĐ).

Với ngành du lịch, bước vào năm 2020, du lịch Việt Nam có được đà và nền tảng tăng trưởng ngoạn mục 5 năm liên tục. Tháng 1/2020, lần đầu Việt Nam đón được 2 triệu khách quốc tế trong một tháng. Thế nhưng, từ tháng 2/2020, dịch COVID-19 bùng phát đã ngay lập tức ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành du lịch.

Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm 2019; khách du lịch trong nước cũng giảm gần 50%; khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động.

Cùng với đó, nhiều khách sạn phải đóng cửa, có những thời điểm công suất sử dụng phòng chỉ đạt từ 10-15%. Hết năm 2020, tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530.000 tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD).

2021 – đón "Tết COVID-19" thứ hai

Tròn một năm đã qua, hôm nay cũng đúng ngày 29 Tết, kế hoạch bắn pháo hoa chào năm Tân Sửu đã được Thủ tướng chỉ thị tạm dừng. Đợt dịch đầu năm 2021 bùng phát nhanh chỉ trong thời gian ngắn do liên quan đến biến chủng của SARS-CoV-2. Với 484 ca nhiễm cộng đồng ở 13 tỉnh, thành kể từ 28/1 đến nay, người dân chắc chắn sẽ lại đón một cái Tết rất khác biệt.

Ngày 29 Tết, tròn một năm Việt Nam ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên - Ảnh 10.

(Ảnh: Hoàng Huy).

Ngày 29 Tết, tròn một năm Việt Nam ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên - Ảnh 14.

(Ảnh: Hoàng Huy).

Ở Hà Nội, bến xe Mỹ Đình ngày giáp Tết vắng vẻ chưa từng thấy. Dịch bệnh khiến lượng người dân từ Hà Nội về quê ăn Tết giảm mạnh. Các nhà xe có chuyến chỉ chở hai khách một lượt. Tại Đồng Tháp, làng hoa Sa Đéc nổi tiếng miền Tây thưa thớt người đến tham quan, trái ngược hẳn với hình ảnh đông đúc mọi năm. Còn ở TP HCM – nơi số ca nhiễm liên tục tăng những ngày qua, đường ra bến xe, sân bay vắng vẻ lạ thường.

Tròn một năm kể từ ngày 29 tháng Chạp, dịch COVID-19 theo một cách nào đó chắc chắn để lại nhiều xúc cảm lẫn lộn, từ cảm giác mơ hồ về một loại virus mới, đến bắt đầu lo sợ khi dần hiểu ra đó không đơn giản là một loại dịch bệnh có thể đẩy lùi nhanh chóng, tới bình tĩnh đón nhận và chủ động trong phòng ngừa.

Tết năm nay, lời chúc giá trị và ý nghĩa nhất có lẽ chỉ gói gọn trong 4 chữ "không dính COVID-19". Trong bối cảnh toàn cầu có hơn 107 triệu ca nhiễm, hơn 2,3 triệu ca tử vong, thì việc không nhiễm virus đã là một đặc ân và hạnh phúc hiếm có.

Ngày 29 Tết, tròn một năm Việt Nam ghi nhận ca COVID-19 đầu tiên - Ảnh 15.

 

Anh Đào

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.