|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân và các tổ chức trong nước giao dịch thế nào trong tuần VN-Index lấy lại mốc 1.180 điểm?

20:00 | 27/08/2023
Chia sẻ
Kịch bản dòng tiền khớp lệnh tại các nhóm nhà đầu tư đã có sự thay đổi so với tuần trước khi các tổ chức mua ròng trở lại với giá trị gần 200 tỷ đồng sau 5 tuần bán ra liên tiếp trước đó. Cùng với đó, NĐT cá nhân và bộ phận tự doanh công ty chứng khoán vẫn duy trì xu hướng mua ròng.

So với tuần giảm điểm mạnh liền trước, VN-Index ghi nhận diễn biến giao dịch bình ổn hơn trong tuần này. Khối lượng giao dịch trong tuần này sụt giảm so với tuần trước dù chỉ số kết tuần ở vùng điểm cao hơn cho thấy áp lực bán tháo đã giảm dần, dòng tiền bắt đáy cũng đã được kích hoạt quanh vùng 1.180 điểm dù mức độ vẫn khá hạn chế và phần nhiều mang tính chất thăm dò.

Về diễn biến cụ thể, VN-Index ghi nhận các phiên tăng giảm đan xen trong tuần với 3 phiên tăng và hai phiên giảm, trong đó đáng chú ý nhất là phiên giảm điểm vào thứ tư (23/8) và phiên hồi phục bật tăng mạnh trở lại ngay sau đó vào thứ năm (24/8). Kết tuần, VN-Index đóng cửa tại 1.183,37 điểm, tăng 5,38 điểm, tương đương tăng 0,46% so với tuần trước đó.

Các phiên giao dịch này ghi nhận mức biến động mạnh trong phiên với chênh lệch giữa mức đỉnh và đáy trong phiên lên tới 20 - 25 điểm. Dù chỉ số kết tuần chỉ tăng nhẹ hơn 5 điểm so với cuối tuần trước nhưng đã có khá nhiều cổ phiếu đã hồi phục về lại mức giá trước phiên giảm mạnh vào thứ sáu tuần trước (18/8), cho thấy sự phân hóa khá rõ nét trên thị trường.

Ngược lại, khối ngoại lại trải qua chuỗi bán ròng 4 tuần liên tiếp với giá trị liên tục gia tăng, quy mô lên tới gần 1.600 tỷ đồng tuần này.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

NĐT cá nhân tiếp đà mua ròng 1.400 tỷ đồng tuần VN-Index hồi phục

Trong tuần vừa qua, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 1.400 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ gom ròng 1.058 tỷ đồng.

Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch của NĐT cá nhân nghiêng về bên mua khi diễn ra tại 9/18 nhóm ngành.

Trong đó, cổ phiếu ngân hàng được mua ròng hơn 863 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tuần. Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm tài nguyên cơ bản (492 tỷ đồng), dịch vụ tài chính (280 tỷ đồng), bán lẻ (171 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (155 tỷ đồng), …

Ở phía đối diện, giao dịch bên bán tập trung ở nhóm bất động sản với quy mô 896 tỷ đồng. Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở nhóm thực phẩm & đồ uống, dầu khí, hàng & dịch vụ công nghiệp với giá trị thấp hơn.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận giá trị vào ròng gần 527 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân gần như đối ứng với lực xả của khối ngoại.

Lực mua các cá nhân cũng tìm đến STB của Sacombank với giá trị 446 tỷ đồng. Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến nhiều cổ phiếu lớn như VPB (378 tỷ đồng), MWG (344 tỷ đồng), SSI (312 tỷ đồng), VCG (181 tỷ đồng), FPT (171 tỷ đồng), SAB (150 tỷ đồng).

Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở VNM với 410 tỷ đồng. Kế đó, NĐT cá nhân duy trì bán ròng gần 291 tỷ đồng mã DXG.

Song song đó, NĐT cá nhân cũng bán ròng các cổ phiếu như DIG (213 tỷ đồng), DGC (172 tỷ đồng), TPB (151 tỷ đồng), FRT (123 tỷ đồng). Cùng chiều, PDR, VHM, GMD, KBC, VRE, DGW,… cũng bị rút ròng với quy mô dưới 100 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tổ chức nội chuyển hướng mua ròng khớp lệnh, tập trung nhóm BĐS, ngân hàng

Giao dịch trái chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội bán ròng 115 tỷ đồng, quy mô đã giảm 88,5% so với tuần trước đó. Tuy nhiên, nếu tính riêng khớp lệnh thì họ đảo chiều mua ròng gần 200 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 13/18 ngành, giá trị lớn nhất là xây dựng & vật liệu với 218 tỷ đồng, theo sau là công nghệ thông tin (111 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (46 tỷ đồng), …

Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu bất động sản (263 tỷ đồng), ngân hàng (102 tỷ đồng), ngoài ra còn có tài nguyên cơ bản, dầu khí, hàng & dịch vụ công nghiệp với giá trị thấp hơn.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Thống kê giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước, cổ phiếu DIG của DIC Corp và TPB của TPBank cùng ghi nhận giá trị vào ròng mạnh nhất với 151 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu vốn hóa lớn như DXG (144 tỷ đồng), HPG (71 tỷ đồng), VCB (66 tỷ đồng), …

Ở phía đối diện, cổ phiếu VCG của Vinaconex bị rút ròng mạnh nhất với quy mô 256 tỷ đồng. Bên cạnh đó, cổ phiếu FPT cũng bị bán ròng 106 tỷ đồng. Ngoài ra, Top 5 rút ròng còn có sự góp mặt của VPB (56 tỷ đồng), TCB (46 tỷ đồng), STB (45 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

 

Linh Chi