|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

NĐT cá nhân chốt lời tuần thứ hai liên tiếp, tập trung xả VNM, HPG, VHM

14:18 | 30/07/2023
Chia sẻ
Trong tuần giao dịch 24 – 28/7, nhà đầu tư cá nhân bán ròng 1.333 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 496 tỷ đồng.

VN-Index đóng cửa tuần thứ 30 của năm 2023 (24 – 28/7) với 4 phiên tăng 1 phiên giảm, tăng 21,77 điểm tương đương 1,84%, đóng cửa tại 1.207,67 điểm. Diễn biến thị trường tương tự tuần trước đó một lần nữa lặp lại khi VN-Index liên tục biến động giằng co trong 4 phiên đầu tuần bởi tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước mức cản 1.200 điểm.

Tuy nhiên, cũng giống tuần trước, việc chỉ số nhanh chóng bứt phá khỏi mức cản trong phiên sáng đã kích hoạt dòng tiền tham gia trở lại khi nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) gia tăng, qua đó giúp thị trường vượt cản.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 20.523 tỷ đồng, tăng 14,4% so với tuần trước đó, tăng 15,5% so với trung bình 5 tuần và 51,7% so với trung bình 20 tuần gần đây.

Kịch bản dòng tiền tại các nhóm nhà đầu tư không có sự thay đổi so với tuần trước khi nhóm nhà đầu tư cá nhân duy trì động chốt lời tuần thứ hai liên tiếp với giá trị khớp lệnh gần 500 tỷ đồng. Cùng chiều, tổ chức trong nước đẩy mạnh bán ròng hơn 310 tỷ đồng. Ngược lại, khối ngoại và tự doanh duy trì giao dịch mua ròng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Dòng tiền cá nhân tập trung ở nhóm ngân hàng, song bán ròng mạnh nhất cổ phiếu thép, BĐS

Trong tuần giao dịch 24 – 28/7, nhà đầu tư cá nhân bán ròng 1.333 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh họ rút ròng 496 tỷ đồng.

Theo thống kê của FiinTrade, giao dịch của NĐT cá nhân nghiêng nhẹ về bên mua khi diễn ra tại 10/18 nhóm ngành.

Trong đó, cổ phiếu ngân hàng được mua ròng 856 tỷ đồng, là giá trị lớn nhất trong tuần. Theo sau, dòng tiền cá nhân cũng mua ròng các đại diện thuộc nhóm điện, nước & xăng dầu khí đốt (158 tỷ đồng), bán lẻ (143 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (122 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (68 tỷ đồng), …

Ở phía đối diện, giao dịch bên bán tập trung ở nhóm tài nguyên cơ bản với quy mô 597 tỷ đồng. Áp lực bán đến từ NĐT cá nhân cũng được chứng kiến ở nhóm bất động sản, thực phẩm & đồ uống với giá trị lần lượt là 531 tỷ và 402 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Thống kê giao dịch theo từng cổ phiếu, cổ phiếu MSB của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam ghi nhận giá trị vào ròng gần 926 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân gần như đối ứng với lực xả của khối ngoại.

Lực mua các cá nhân cũng tìm đến VIC của Tập đoàn Vingroup với giá trị 197 tỷ đồng. Dòng tiền các cá nhân trong nước cũng tìm đến nhiều cổ phiếu lớn như CTG (169 tỷ đồng), STB (115 tỷ đồng), POW (114 tỷ đồng), DGW (96 tỷ đồng), DIG (82 tỷ đồng), …

Tại chiều bán ròng, giao dịch tập trung mạnh nhất ở VNM với 341 tỷ đồng. Kế đó, NĐT cá nhân duy trì bán ròng gần 338 tỷ đồng mã HPG, đây là tuần thứ 6 liên tục cổ phiếu này nằm trong danh mục rút ròng của các cá nhân trong nước.

Song song đó, NĐT cá nhân cũng bán ròng các cổ phiếu như VHM (325 tỷ đồng), KDH (277 tỷ đồng), HSG (252 tỷ đồng), VPB (203 tỷ đồng), PNJ (170 tỷ đồng), MSN (147 tỷ đồng), HDB (104 tỷ đồng) và DGC (89 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tổ chức tiếp tục bán ròng qua kênh khớp lệnh, tâm điểm GEX

Giao dịch trái chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội mua ròng 2 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 314 tỷ đồng.

Tính riêng giao dịch khớp lệnh, tổ chức trong nước bán ròng 12/18 ngành, giá trị lớn nhất là hàng & dịch vụ công nghiệp với 210 tỷ đồng, theo sau là nhóm cổ phiếu dịch vụ tài chính (140 tỷ đồng), ngân hàng (127 tỷ đồng), …

Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu hóa chất và tài nguyên cơ bản với quy mô vào ròng lần lượt là 170 tỷ và 162 tỷ đồng, kế đó là thực phẩm & đồ uống (57 tỷ đồng), bất động sản (34 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Thống kê giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước, cổ phiếu VNM của Vinamilk ghi nhận giá trị vào ròng mạnh nhất với 109 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng các cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như DGC (105 tỷ đồng), HPG (102 tỷ đồng), VHM (64 tỷ đồng), HSG (59 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu GEX của Tập đoàn Gelex bị rút ròng mạnh nhất với quy mô 140 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cổ phiếu DIG của DIC Corp cũng bị bán ròng 77 tỷ đồng bất chấp nhịp tăng 5,6% của mã này trong tuần vừa qua lên 22.550 đồng/cp.

Ngoài ra, Top 5 rút ròng còn có sự góp mặt của VIC (73 tỷ đồng), DBC (60 tỷ đồng) và TCB (44 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Linh Chi