Mỹ đã tiêu tốn 53 tỷ USD để vực dậy ngành bán dẫn, kết quả cho đến nay ra sao?
Bức tranh phức tạp
Chính quyền Tổng thống Joe Biden thông qua Đạo luật CHIPS vào năm 2022 nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất chất bán dẫn tại Mỹ. Cho đến nay, Washington đã tiêu tốn gần 53 tỷ USD cho nỗ lực này.
Nhà Trắng gọi Đạo luật CHIPS là một thắng lợi. Trong Thông điệp Liên bang năm 2024, ông Biden đã đề cập đến tình trạng thiếu chip trong đại dịch, nguyên nhân khiến giá điện thoại di động và ô tô tăng cao.
Vị tổng thống nhấn mạnh, thay vì nhập khẩu những con chip đó, các công ty tư nhân đang đầu tư hàng tỷ USD để xây dựng nhà máy mới tại chính nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo một nghiên cứu của Boston Consulting Group (do Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn ủy quyền thực hiện), Đạo luật CHIPS sẽ giúp tăng gấp ba lần lượng chất bán dẫn được sản xuất tại Mỹ vào năm 2032.
Nghiên cứu cho biết sự xuất hiện của các nhà máy mới sẽ giúp nâng tỷ trọng sản lượng chip của Mỹ lên tương đương 14% tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2032, so với mức 12% vào năm 2020.
Song, phần nhiều ngân sách được phân bổ cho Intel và các nhà sản xuất chip lớn có kế hoạch chế tạo chất bán dẫn tiên tiến tại Mỹ. Các công ty khác - vốn cũng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng - không được hưởng nhiều lợi ích như vậy.
Mặt khác, mức tăng thị phần khiêm tốn của Mỹ phần nào phản ánh thực tế là châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào ngành công nghiệp chip của họ.
Thực tế đó cho thấy cuộc đua toàn cầu nhằm sản xuất được nhiều chất bán dẫn tiến tiến hơn đang mở rộng và tăng tốc nhanh chóng như thế nào, Wall Street Journal (WSJ) nhận xét.
Tuy vậy, ông Jimmy Goodrich, cố vấn cấp cao của Rand, cho biết vốn đầu tư của chính phủ sẽ giúp Mỹ sản xuất những con chip tiên tiến nhất và có thể sẽ làm thay đổi quỹ đạo của một ngành công nghiệp mà Mỹ đang tụt lại phía sau nhiều nước.
Boston Consulting ước tính nếu không có Đạo luật CHIPS, thị phần bán dẫn của Mỹ sẽ giảm xuống còn 8% vào năm 2032.
“Đạo luật CHIPS sẽ ngăn chặn đà giảm của thị phần, điều đó sẽ giúp điều chỉnh hướng đi và đưa con tàu trở lại quỹ đạo ổn định hơn”, ông Goodrich nói. “Sản lượng chip của Mỹ có thể chỉ tăng nhẹ, nhưng thị phần sẽ tăng mạnh hơn”.
Quả thực, các khoản tài trợ của Đạo luật CHIPS chủ yếu tập trung vào các nhà máy sản xuất chip tiên tiến đòi hỏi vốn đầu tư hàng chục tỷ USD. Trong lĩnh vực này, Boston Consulting dự đoán thị phần của Mỹ sẽ tăng từ 0 lên 28%.
Nhờ tài trợ của chính phủ, nhiều nhà máy sản xuất chip mới - được gọi là fab - đang mọc lên ở Arizona, Texas, New York, Oregon và Ohio, WSJ cho hay.
Những cái tên được ưu ái
Chính phủ Mỹ đã nhận được hàng trăm đơn xin tài trợ từ các doanh nghiệp bán dẫn. Intel là cái tên nhận được nhiều vốn đầu tư nhất, lên tới 8,5 tỷ USD. Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), Samsung Electronics và Micron Technology, mỗi doanh nghiệp được phân bổ hơn 6 tỷ USD.
TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đang đầu tư hơn 65 tỷ USD để xây dựng các nhà máy ở Arizona. Samsung rót khoảng 45 tỷ USD vào Texas và Micron, một nhà sản xuất chip nhớ, có kế hoạch chi 125 tỷ USD cho các cơ sở ở New York và Idaho.
Lãnh đạo của nhiều công ty trong ngành nhìn chung hài lòng với cách thức triển khai Đạo luật CHIPS, ngay cả khi tranh chấp lao động, chi phí tăng cao và các vấn đề môi trường khiến tiến độ làm việc bị chậm lại.
Một số khác vẫn còn nghi ngờ về khả năng thành công của chương trình vì không rõ liệu các nhà máy mới có thành hình hay không. Hơn nữa, TSMC và Samsung vẫn dự kiến sẽ tiếp tục sản xuất những con chip tiên tiến nhất ở quê nhà Đài Loan và Hàn Quốc.
Một phát ngôn viên của TSMC cho biết quyết định giữ lại dây chuyền hiện đại ở quê nhà xuất phát từ những khó khăn thực tế khi chuyển dịch hoạt động sản xuất sang Mỹ, chứ không liên quan đến cân nhắc chính trị. Samsung từ chối yêu cầu bình luận của WSJ.
Một số nhà đầu tư lo lắng về số tiền chi cho việc xây dựng nhà máy mới. Hồi tháng trước, Elliott Investment Management - hiện nắm số cổ phần trị giá 2,5 tỷ USD trong Texas Instruments - đã viết một lá thư gửi hội đồng quản trị của nhà sản xuất chip này.
Trong thư, Elliott Investment kêu gọi Texas Instruments giảm chi tiêu cho nhà máy mới nhằm thúc đẩy dòng tiền của công ty. Texas Instruments dự kiến sẽ được nhận tài trợ theo Đạo luật CHIPS.
Các công ty nào không được tài trợ?
Trong khi Intel, TSMC, Samsung hay Micron được chính phủ tài trợ vốn, một số công ty lại không.
Gần hai năm trước, nhà sản xuất bán dẫn SkyWater Technology của Mỹ đã công bố kế hoạch xây dựng một cơ sở nghiên cứu và sản xuất trị giá 1,8 tỷ USD ở West Lafayette (Indiana), dựa theo nguồn vốn của Đạo luật CHIPS.
Theo một điều khoản trong gói chi tiêu ngân sách liên bang hồi tháng 3, khoản tài trợ 3,5 tỷ USD thuộc Đạo luật CHIPS sẽ được dùng để sản xuất chất bán dẫn cho ngành công nghiệp quốc phòng. Intel được cho là sẽ nhận khoản tiền đó.
Chính phủ quyết định huỷ tài trợ cho các cơ sở nghiên cứu và sản xuất chip thương mại mà SkyWater và Applied Materials đã lên kế hoạch từ vài năm trước. Applied Materials là công ty chuyên sản xuất thiết bị để chế tạo chip.
Gần đây, SkyWater đã thông báo huỷ bỏ dự án và đưa ra phương án mới cho khu đất ở Indiana. Theo WSJ, hãng này hiện đang sản xuất các con chip thế hệ cũ cho quân đội, bên cạnh một số khách hàng khác.
CEO Tom Sonderman của SkyWater cho hay: “Dự án bị trì hoãn và chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể nào khác, nhưng mô hình này vẫn rất khả thi”. Ông nói thêm, nếu chính phủ quyết định hỗ trợ các cơ sở nghiên cứu và phát triển, SkyWater sẽ xem xét những cơ hội đó.
Theo các nguồn tin của WSJ, Applied Materials vẫn có kế hoạch xây dựng trung tâm nghiên cứu của riêng mình, ban đầu dự kiến tiêu tốn 4 tỷ USD. Song, công ty có thể sẽ không xây dựng một cơ sở duy nhất mà có khả năng sẽ mở rộng ra nước ngoài.
Vấn đề về vốn
Tác động của Đạo luật CHIPS cũng bị hạn chế bởi chi phí khổng lồ của các nhà máy sản xuất chip. Một nhà máy chế tạo chất bán dẫn tiên tiến có thể cần hơn 20 tỷ USD và sẽ không đi vào vận hành cho đến cuối thập kỷ này.
Điều đó đồng nghĩa rằng dù chính phủ đã tài trợ hàng chục tỷ USD, Đạo luật CHIPS cũng không thể tăng đáng kể thị phần theo hướng có lợi cho Mỹ.
Ông Ajit Manocha, hiện là CEO của tập đoàn công nghiệp SEMI và trước kia từng là CEO của hãng chip GlobalFoundries, cho biết: “Tài trợ của chính phủ chỉ có thể hỗ trợ một số nhà máy lớn, nhưng tôi nghĩ đó là điểm khởi đầu”.
“Tôi khá chắc rằng Bộ Thương mại và chính phủ Mỹ hiểu rõ họ đang gặp thách thức lớn về nguồn vốn”, ông nhận định.
Theo vị CEO, Washington cần thêm vài trăm tỷ USD và có thể phải mất một thập kỷ để có đủ nguồn vốn với điều kiện Quốc hội thông qua các gói ngân sách mới cho Đạo luật CHIPS.
Các giám đốc trong ngành cho biết trong trường hợp chính phủ không thể cấp thêm tài trợ, chính sách giảm thuế khi mua thiết bị sản xuất chip có thể sẽ có tác động sâu sắc hơn.
Đạo luật CHIPS quy định các doanh nghiệp sẽ được giảm thuế 25% khi mua thiết bị. Một số giám đốc ước tính quy định này đã giúp rót hàng chục tỷ USD vào ngành công nghiệp bán dẫn.
CEO Pat Gelsinger của Intel tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng ưu đãi thuế là cơ chế quan trọng nhất để duy trì động lực cho chương trình phát triển chất bán dẫn trong dài hạn.
Chính sách ưu đãi thuế sẽ hết hạn vào năm 2026 và các nhà vận động hành lang đang chuẩn bị để kêu gọi chính phủ gia hạn quy định này.