|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mùa mưa, tháng cô hồn và giá bán giảm: Cơn ác mộng với ngành thép trong quý III

12:20 | 20/08/2023
Chia sẻ
Ngành thép sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn trong những tháng trong quý III khi thị trường xây dựng bước vào mùa mưa và “tháng cô hồn”. Đây được xem là “cơn ác mộng” của ngành thép mỗi năm vào quý III.

Ngành thép bước vào mùa mưa và tháng cô hồn 

Hoạt động sản xuất và bán hàng thép trong tháng 7 bắt đầu có cải thiện, tuy nhiên, mức độ phục hồi không quá nhiều. 

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép thành phẩm các loại trong tháng 7 đạt 2,4 triệu tấn, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Ở chiều tiêu thụ đạt 2,18 triệu tấn, tăng nhẹ 0,8% so với tháng 6 và tăng 9,4% so với cùng kỳ. 

Riêng đối với mặt hàng thép xây dựng (chiếm khoảng một nửa tỷ trọng) vẫn chưa có quá nhiều tín hiệu phục hồi rõ nét khi bán hàng giảm 6% so với tháng 6 và giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lượng xuất khẩu giảm sâu 30% so với tháng 7/2022 xuống 105.000 tấn. 

 Số liệu: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

 

  Số liệu: VSA (H.Mĩ tổng hợp)

Các nhà máy liên tục giảm giá bán để đáp ứng kế hoạch sản xuất - bán hàng với tuần suất giảm 1 tuần/lần, mỗi lần giảm 150 - 200 đồng/kg. Thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, một vài dự án nhà ở xã hội cũng chỉ mới được triển khai. Trong khi đó, việc cạnh tranh về giá bán, thị phần của các nhà máy ngày càng khốc liệt để duy trì hoạt động. Hiện, các nhà máy trong nước đối mặt khó khăn về giá bán thấp trong khi chi phí tài chính lại lớn. 

 Số liệu: Steel Online (H.Mĩ tổng hợp)

Tuy nhiên, ngành thép sẽ còn phải đối mặt với khó khăn lớn trong những tháng trong quý III khi thị trường xây dựng bước vào mùa mưa và “tháng cô hồn”. Đây được xem là “cơn ác mộng” của ngành thép mỗi năm vào quý III bởi theo quan niệm của nhiều người Việt Nam, họ kiêng xây nhà, mua xe...trong tháng 7 âm lịch. Ngoài ra, thời tiết mưa nhiều khiến hoạt động xây dựng bị cản trở.

Điển hình như quý III/2021, lượng tiêu thụ thép xây dựng giảm khoảng 20% so với quý I xuống khoảng 2 triệu tấn. 

 Bán hàng thép xây dựng từ năm 2020 đến tháng 7/2023 (Nguồn: VSA)

“Xu hướng dò đáy của giá thép xây dựng vẫn có khả năng tiếp tục trong thời gian tới”, VSA nhận định. 

Ông Đinh Quốc Thái, Tổng Thư ký VSA trao đổi với người viết: “Ban đầu hiệp hội dự báo là nửa cuối năm nay ngành thép sẽ phục hồi nhưng đến thời điểm này, có vẻ chúng tôi hơi lạc quan bởi vì quý này còn vướng vào mùa mưa bão và có tháng cô hồn. Vào tháng 7 âm lịch hàng năm tại Việt Nam, ít công trình dân dụng khởi công. Đấy là lý do tại sao phải cuối quý này, đầu quý IV may ra mới phục hồi”.

Trong báo cáo mới đây,  CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định quý III sẽ là quý đầy thách thức đối với các doanh nghiệp sản xuất thép khi giá bán trung bình thấp hơn và lực cầu dự kiến sẽ yếu do mùa mưa. Giá đầu vào dự kiến tăng và biên lợi nhuận cũng dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nhẹ. Tổng lượng tiêu thụ thép có thể giảm 9% so với quý II xuống 5,8 triệu tấn. Kênh xuất khẩu có thể là điểm tựa cho các nhà sản xuất thép Việt Nam trong quý III/2023 khi nhu cầu trong nước được dự báo sẽ chững lại.

Trong báo cáo của CTCP Chứng khoán SSI, bộ phận phân tích cho rằng nhu cầu ở thị trường xuất khẩu sẽ ở mức khá trong quý III. 

Theo Hoà Phát, công ty đã ký đơn đặt hàng xuất khẩu HRC cho đến tháng 9. Điều này có thể giúp tiêu thụ HRC của công ty duy trì ổn định trong quý III, trung bình 250 nghìn tấn. Ngoài ra, Hoà Phát có thể tăng công suất cho quý III để tích trữ cho quý IV, khi doanh nghiệp này tạm dừng lò cao số 3 tại Hải Dương để bảo trì định kỳ. Trước đó, hồi đầu tháng 7, Hoà Phát đã mở lò cao cuối cùng tại Dung Quất.

Với Hoa Sen và Nam Kim, cả hai doanh nghiệp đã nhận được đơn đặt hàng xuất khẩu từ 1 - 2 tháng. Trong thời gian tới, Hoa Sen sẽ nỗ lực đẩy lượng tiêu thụ lên 130 - 140 nghìn tấn/tháng so với mức trung bình 120 nghìn tấn trong quý gần đây. 

Tuy nhiên, SSI cho rằng giá xuất khẩu bình quân trong quý III có thể thấp hơn so với quý II do giá HRC ở hầu hết thị trường đều điều chỉnh khoảng 20% so với đỉnh hồi đầu năm. Giá thép giữa Mỹ/Châu Âu so với châu Á ngày càng thu hẹp từ khoảng 350 - 700 USD/tấn vào cuối tháng 4 xuống còn 140 - 340 USD/tấn ở thời điểm hiện tại. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận kênh xuất khẩu trong thời gian tới. 

 Nguồn: SSI, Bloomberg

Thị trường Mỹ và Châu Âu lần lượt chiếm khoảng 50 - 60% lượng xuất khẩu của Hoa Sen và Nam Kim.

Ngoài ra, xuất khẩu thép của Việt Nam cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất thép Trung Quốc, với khối lượng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2023 tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 51,2 triệu tấn, nhờ lượng thép tồn kho của Trung Quốc tăng và đồng Nhân Dân Tệ suy yếu.

Sự phục hồi kém so với kỳ vọng của cầu thép Trung Quốc là rất rõ ràng khi các doanh nghiệp thép của nước này đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu và hạ giá để cạnh tranh gây áp lực cho giá bán thép thế giới. Cùng với nhu cầu yếu tại hầu hết các khu vực trên thế giới, giá thép xây dựng đã hạ liên tiếp trong quý II sau khi tăng vào quý I.

Nhiều doanh nghiệp vẫn nới rộng mức lỗ

Tổng doanh thu quý II của 24 doanh nghiệp thép đã được niêm yết giảm 28% so với cùng năm ngoái và gần như không đổi với quý I trong khi tổng lợi nhuận sau thuế (LNST) của công ty mẹ trong quý II/2023 đi ngang so với quý I.

 Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

Mặc dù biên lợi nhuận gộp được cải thiện (từ 5,5% lên mức 7,4%) khi áp lực chi phí hàng tồn kho đã không còn và chi phí đầu vào thấp nhưng một nửa số doanh nghiệp niêm yết vẫn lỗ trong quý II/2023.

Giá than mỡ luyện coke cao vào giữa quý I do những kỳ vọng về phục hồi kinh tế tại Trung Quốc, tuy nhiên, số liệu kinh tế Trung Quốc yếu kém và đầu tư bất động sản sụt giảm trong quý II đã làm niềm tin đó mờ nhạt đi nhanh chóng. 

Sự suy yếu trong lĩnh vực thép phủ lên thị trường nguyên liệu thô. Tồn kho than khá cao ép giá than Australia giảm xuống vào giữa quý II. Tuy nhiên, kỳ vọng của thị trường về yêu cầu bắt buộc phải đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế của chính phủ Trung Quốc vào cuối quý này góp phần kéo giá than tăng nhẹ. Giá quặng cũng trải qua rất nhiều nhịp điều chỉnh tăng giảm nhẹ mang tính chất phản ánh tâm lý thị trường nhiều hơn là xuất phát từ nhu cầu thực của ngành thép.

Nhìn chung, ngành thép trong nước chưa có khởi sắc về tiêu thụ nhưng áp lực về giá thành đã được xoa dịu đi phần nào nhờ giá đầu vào giảm. 

Tập đoàn Hoa Sen ghi nhận doanh thu thuần giảm 29% so với cùng kỳ còn 8.646 tỷ đồng song đã tăng gần 24% so với quý I.

Tuy nhiên, biên lãi gộp của Hoa Sen còn 10,3%, giảm mạnh so với mức 13,4% quý I. Lợi nhuận ròng giảm sâu còn 14 tỷ, giảm hơn 91% so với quý đầu năm và bằng 5% cùng kỳ 2022. 

Nhiều doanh nghiệp thép khác như Tổng Công ty Thép Việt Nam - CTCP (VNSteel - Mã: TVN), Thép Pomina (Mã: POM) hay SMC (Mã: SMC) tiếp tục báo lỗ lớn quý II, mức lỗ thậm chí sâu hơn so với quý I.

  Số liệu: Wichart (H.Mĩ tổng hợp)

Tuy vậy, một số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nếu so sánh với quý I. Điển hình như Hoà Phát ghi nhận doanh thu thuần 29.496 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 11% so với quý I.

Quý II, doanh thu thuần từ mảng thép của Hòa Phát đạt 28.120 tỷ đồng, bằng gần 80% so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng đã cải thiện, tăng 13% so với quý I. 

Hòa Phát cho biết việc điều chỉnh mức tồn kho xuống thấp từ cuối năm ngoái đã giúp giá than và quặng đưa vào sản xuất thép phản ánh khá sát và tận dụng được các bước giảm của thị trường, đặc biệt đối với giá than, nhờ đó hạ giá thành sản xuất thép đáng kể so với những kỳ trước đó. Do đó, mặc dù giá thép giảm, biên lợi nhuận Hòa Phát vẫn được cải thiện trong quý này.

Lợi nhuận tập đoàn cũng phục hồi quý thứ hai liên tiếp sau khi lỗ lớn nửa cuối năm ngoái. Quý II, Hoà Phát lãi ròng 1.460 tỷ, bằng 36% cùng kỳ song đã tăng gấp hơn 3,6 lần quý I.

Hay với Nam Kim  (Mã: NKG) báo doanh thu thuần quý II giảm 25% so cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 26% so với quý I lên 5.500 tỷ đồng. Sau ba quý thua lỗ liên tiếp, Nam Kim ghi nhận lãi ròng 125 tỷ quý II, giảm 38% so với quý II/2022. Biên lợi nhuận gộp và biên lãi thuần của Nam Kim tiếp tục hồi phục, đạt lần lượt 9% và gần 2,3%.

SSI ước tính lợi nhuận năm 2023 đối với NKG là 195 tỷ đồng. Trong năm 2024, lượng tiêu thụ được kỳ vọng sẽ tăng 5% so với 2023 đạt 928 nghìn tấn, trong đó sản lượng tiêu thụ nội địa và xuất khẩu sẽ lần lượt tăng 10% và 2% đạt 369 nghìn tấn và 558 nghìn tấn. Biên lợi nhuận gộp kỳ vọng cải thiện nhẹ từ 7,1% lên 7,5% nhờ chi phí đầu vào điều chỉnh nhẹ. Theo đó, lợi nhuận ròng năm 2024 dự kiến tăng 32% so với 2023 đạt 257 tỷ đồng.

H.Mĩ