|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Một giải pháp vừa giúp Trung Quốc loại bỏ giảm phát, vừa làm phương Tây vui lòng

20:15 | 20/06/2024
Chia sẻ
Trái ngược với các nền kinh tế phương Tây, Trung Quốc vẫn đang mắc kẹt với tình trạng giảm phát do nhu cầu trong nước suy yếu và thị trường bất động chìm sâu trong khủng hoảng.

Ba nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đang căng thẳng về mặt thương mại. (Ảnh minh hoạ: iStock).

Tình trạng giảm phát nguy hiểm

Trái ngược với các nền kinh tế phương Tây, Trung Quốc vẫn đang mắc kẹt với tình trạng giảm phát do nhu cầu trong nước suy yếu và thị trường bất động chìm sâu trong khủng hoảng.

Báo cáo mới nhất do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy vào tháng 5, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ tăng 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là tháng thứ 4 liên tiếp lạm phát giá tiêu dùng nằm trên mức 0 nhưng vẫn thấp hơn ước tính trung vị 0,4% mà các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg đưa ra.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) là thước đo gây lo ngại hơn. Theo báo cáo, PPI tháng 5 giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy giá sản xuất tại Trung Quốc đã giảm tháng thứ 20 liên tiếp.

 

Dễ thấy, giảm phát là một tình huống nguy hiểm cho nền kinh tế nói chung. Trong trường hợp của Trung Quốc, tình hình rất đáng ngại cho các nhà sản xuất vốn từ lâu đã phải vật lộn với tình trạng dư thừa công suất (overcapacity) và lợi nhuận suy giảm.

Nhiều doanh nghiệp đang phải chật vật trong cuộc chiến giá để giành giật thị trường ngày càng thu hẹp ở nước ngoài và ngay thời điểm chủ nghĩa bảo hộ thương mại dần lên ngôi.

Vừa tổn hại doanh nghiệp, vừa mất lòng phương Tây

Có thể thấy, kể từ sau đại dịch COVID-19, việc thiếu mất một động lực tăng trưởng mạnh mẽ bên cạnh lĩnh vực bất động sản đã khiến Bắc Kinh phải một lần nữa phải sử dụng chiến lược tăng trưởng tập trung vào sản xuất để vực dậy nền kinh tế. Và điều đó đã dẫn tới tình trạng dư thừa công suất.

Theo một báo cáo do Oxford Economics công bố vào cuối tháng 4, công suất sản xuất tăng mạnh đã khiến tỷ lệ công suất hiệu dụng (capacity utilization rate) của quý I giảm trên hầu hết các ngành nghề, đồng thời thấp hơn đáng kể mức trung bình trước đại dịch.

Chẳng hạn, nhìn vào biểu đồ bên dưới, tỷ lệ công suất hiệu dụng của lĩnh vực ô tô đã tụt gần 14% so với mức trung bình trong giai đoạn năm 2016 - 2019.

Phân tích sâu hơn, Oxford Economics nhận thấy trong phân khúc xe chạy năng lượng mới, trong khi những công ty dẫn đầu thị trường như BYD, Li Auto và SAIC đạt tỷ lệ công suất hiệu dụng cao hơn nhiều (trên 80%), mức trung bình của ngành này vào quý I chỉ xấp xỉ 50%.

 

Trong bối cảnh nhu cầu nội địa yếu và các nhà hoạch định chính sách chịu áp lực phải hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, doanh nghiệp Trung Quốc phải chấp nhận phụ thuộc vào xuất khẩu để giải quyết lượng công suất dư thừa.

Các nhà phân tích của Oxford Economics cho biết xuất khẩu diode và các thiết bị bán dẫn của Trung Quốc, chẳng hạn như pin mặt trời, đã tăng khoảng 24% so với xu hướng.

Trong các lĩnh vực liên quan đến bất động sản như sắt thép, khối lượng xuất khẩu tăng 13% so với xu hướng và cao hơn 80% so với mức trước đại dịch.

Theo dữ liệu khác từ công ty tư vấn Automobility và số liệu bán hàng từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc, quốc gia tỷ dân hiện có thể sản xuất khoảng 40 triệu xe mỗi năm nhưng chỉ tiêu thụ được 22 triệu chiếc trong nước. Vì vậy, một lượng lớn xe Trung Quốc đang được đẩy sang các thị trường châu Âu và Đông Nam Á.

Nền kinh tế thế giới hẳn không muốn phải một lần nữa chứng kiến kịch bản Trung Quốc hạ giá bán và đưa hàng hoá tràn ngập thị trường toàn cầu như hơn một thập kỷ trước. Một số nước lên tiếng cảnh báo, một số khác đã hành động.

Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã chỉ trích tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc.

Tại một cuộc họp báo, bà Yellen nhấn mạnh: “Trung Quốc bây giờ quá lớn để phần còn lại của thế giới có thể hấp thụ được công suất khổng lồ này”.

“Ngày nay, các động thái của Trung Quốc có thể làm thay đổi giá cả trên thế giới. Và khi thị trường toàn cầu tràn ngập các sản phẩm giá rẻ một cách bất hợp lý của Trung Quốc, khả năng tồn tại của các công ty Mỹ và doanh nghiệp nước ngoài khác sẽ bị đe doạ”, vị bộ trưởng tiếp lời.

 

Kể từ sau chuyến thăm của bà Yellen, ngày càng nhiều nền kinh tế phát triển dựng lên các rào cản thương mại với Trung Quốc. Trong tương lai, số rào cản được dự đoán sẽ còn tăng lên.

Đơn cử như vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tăng thuế quan đối với 18 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc, trải dài trên một loạt “lĩnh vực chiến lược” như thép và nhôm, chất bán dẫn, xe điện, pin, pin mặt trời,...

Chưa đầy một tháng sau đó, Liên minh châu Âu thông báo sẽ nâng thuế quan lên đến 38,1% đối với xe điện Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường này.

Một giải pháp thoả lòng đôi bên, nhưng cần sự hy sinh

Suy cho cùng, sản xuất dư thừa và phụ thuộc vào xuất khẩu có lẽ không phải con đường bền vững để các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc theo đuổi trong dài hạn. Bởi vậy, trước hết Bắc Kinh nên chấp nhận chấm dứt tình trạng dư thừa công suất để loại bỏ nỗi lo giảm phát tại các nhà máy.

Nhà kinh tế Raymond Yeung tại ANZ Banking Group đã đề xuất ý tưởng tương tự trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào tuần trước. Ông nói, nếu Bắc Kinh hạn chế vấn nạn dư thừa công suất, điều đó có thể “giúp giảm bớt tình trạng giảm phát giá sản xuất”.

 

Tiếp theo đó, để vực dậy nền kinh tế, Trung Quốc nên đẩy mạnh kết hợp các chính sách tài khoá và tiền tệ để thúc đẩy nhu cầu nội địa hiệu quả hơn.

Tháng trước, các nhà hoạch định chính sách đã công bố một gói giải cứu bất động sản lớn nhằm giải quyết đám mây đen lớn nhất đang bao trùm nền kinh tế. Chính phủ quyết định nới lỏng các quy định về vay mua nhà và khuyến khích chính quyền địa phương mua lại những căn nhà bị ế.

Song, các nhà phân tích vẫn hoài nghi rằng các biện pháp này sẽ không đủ mạnh để nâng đỡ thị trường địa ốc, do nguồn tài trợ của ngân hàng trung ương khá hạn chế và chương trình thử nghiệm ở các thành phố lớn không mang lại nhiều hiệu quả.

Ngoài ra, trong một nỗ lực khác nhằm kích thích tiêu dùng, kể từ tháng 4, Bắc Kinh đã triển khai một chương trình “thu cũ, đổi mới” với trọng tâm là các thiết bị gia dụng và ô tô.

Hồi đầu tháng này, Bộ Tài chính Trung Quốc tiết lộ tổng số tiền trợ cấp cho chương trình thu cũ đổi mới ô tô trong năm nay sẽ vượt quá 11 tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,5 tỷ USD).

Tuy nhiên, để nhu cầu nội địa phục hồi mạnh mẽ, Bắc Kinh sẽ buộc phải giải quyết những rắc rối kinh tế nghiêm trọng nhất là cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản và khối nợ ngày càng lớn của các chính quyền địa phương. 

 

Yên Khê