|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Mặt tối của ngành công nghiệp xe điện

15:51 | 01/08/2023
Chia sẻ
Môi trường khai thác niken không đảm bảo an toàn cho công nhân lao động. Đã xảy ra những cuộc biểu tình tại các khu mỏ ở Indonesia.

Ảnh: Muhammad Fadli/Rest of World.

6h sáng ngày 14/1, mặt trời bắt đầu mọc trên những ngọn đồi ở Bắc Morowali (Indonesia), nơi khai thác niken. Khi anh Arif đến nhà máy luyện niken để làm việc, một số đồng nghiệp đã tập trung lại để phản đối điều kiện làm việc của họ.

Sự việc bắt đầu tư một tháng trước, khi một lò nung phát nổ, thiêu rụi một cần cẩu và khiến hai công nhân mắc kẹt trong cabin thiệt mạng. Arif cảm thấy đồng cảm với những đòi hỏi từ những người đình công nhưng không phải là thành viên công đoàn, anh chỉ dừng lại một lúc sau đó tiếp tục đi qua cổng.

Đến chiều cùng ngày, cuộc biểu tình bùng nổ. Ban quản lý của Gunbuster Nickel Industry (GNI) - công ty địa phương của tập đoàn Jiangsu Delong Nickel Industry (Trung Quốc) đã từ chối thương thảo với người biểu tình. Những người biểu tình bắt đầu ném đá vào các toà nhà.

500 cảnh sát địa phương và quân đội đã được huy động để dập tắt cuộc bạo loạn. Các khu nhà ở của công nhân Trung Quốc và một số phương tiện bốc cháy. Khi anh Arif cố gắng quay về nhà, bỗng nhiên anh cảm thấy mắt mình bỏng rát: hơi cay. Cảnh sát đã sử dụng hơi cay để giải tán đám đông. “Sau khi bị xịt hơi cay, mắt tôi không thể mở ra được nữa”, anh kể với tờ Rest of World.

Cuối ngày hôm ấy, hai công nhân thiệt mạng. Trong đó có một người Trung Quốc, một người Indonesia và nhiều người khác bị thương cùng hàng chục người bị bắt. 

 Ảnh: Muhammad Fadli/Rest of World.

Sự việc trên không hiếm ở những mỏ niken tại Indonesia, nơi người lao động phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, nguy hiểm và lo lắng về tai nạn lao động có thể cướp đi sinh mạng họ bất cứ khi nào. 

Số người thiệt mạng đã gia tăng trên khắp các khu mỏ và nhà máy luyện kim tại tỉnh Sulawesi (Indonesia). Tháng 3, có 4 thợ mỏ chết ngạt trong trận lở đất, tháng 4 hai người khác bị chôn vùi dưới chất thải niken. Các chuyên gia nói rằng những cái chết khủng khiếp là hệ quả của điều kiện làm việc kiệt sức và kém an toàn.

“Nó như một quả bom hẹn giờ có thể phát nổ bất cứ lúc nào”, Melky Nahar - nhà hoạt động của Mining Advocacy Network nói. Công ty GNI từ chối bình luận trước câu hỏi của phóng viên.

Nếu coi Trung Quốc là ánh sáng dẫn đường cho ngành công nghiệp xe điện - ô tô sản xuất hàng loạt, chính sách hiệu quả và chuỗi cung ứng liền mạch - thì Indonesia đặt mục tiêu cung cấp nhiên liệu giúp duy trì ngọn lửa của áng sáng đó.

Niken là thành phần chính để sản xuất thép không gỉ và pin xe điện. Indonesia nắm giữ trữ lượng  niken lớn nhất thế giới, chủ yếu nằm ở các đảo xa xôi Sulawesi và Halmahera. Chỉ trong ba năm, Indonesia đã ký hơn chục thỏa thuận trị giá hơn 15 tỷ USD để sản xuất pin và xe điện, bao gồm các những nhà cung cấp làm việc với Tesla, Hyundai, LG Group và Foxconn. Và còn nhiều doanh nghiệp hơn nữa như Volkswagen, đang tìm cách đảm bảo tương lai xe điện của họ bằng cách nhảy vào cuộc cạnh tranh.

Theo chính sách "Vành đai và con đường", các công ty Trung Quốc đã phát triển cảng và đường vào Morowali để đảm bảo nguồn cung niken. Phía ngược lại, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, người mong muốn cho thấy các cải cách thân thiện với doanh nghiệp và khai thác giá trị từ trữ lượng khoáng sản, đã chớp lấy cơ hội ký kết hiệp định đầu tư nước ngoài. 

Trong giai đoạn 2020 - 2022, sản lượng niken ở Indonesia đã tăng hơn gấp đôi lên 1,6 triệu tấn, chiếm hơn 48% tổng nguồn cung của thế giới.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng này đã làm lu mờ các yếu tố an toàn. Từ 2015 đến 2022, tổ chức phi lợi nhuận về năng lượng của Indonesia Trend Asia đã thống kê được 47 trường hợp tử vong liên quan đến nơi làm việc và 76 trường hợp bị thương tại các địa điểm khai thác niken khác nhau trong nước, không bao gồm 10 công nhân Trung Quốc chết vì nghi ngờ tự sát. 

Nhiều sự cố trong số này xảy ra ở Khu công nghiệp Morowali của Indonesia, một liên doanh lớn với tập đoàn Tsingshan Holding của Trung Quốc, nơi 18 công ty hoạt động trên 4.000 ha, có khoảng 71.000 công nhân Indonesia và 11.000 lao động nước ngoài. Tổng thống Jokowi đặt mục tiêu biến khu công nghiệp này thành “trung tâm sản xuất niken của thế giới”.

Airlangga Julio, luật sư đại diện cho công nhân làm việc tại đây nói rằng các lao động cáo buộc điều kiện làm việc bóc lột, kể chi tiết về những ngày làm việc 12 giờ mệt mỏi không có thời gian nghỉ ngơi và tiền lương bị người sử dụng lao động giữ lại trong nhiều tháng. 

Theo ông Julio, những người công nhân này khẳng định môi trường làm việc nhiệt độ cao và ô nhiễm không khí kéo dài đã làm suy giảm sức khỏe của họ, khiến phổi bị tắc nghẽn, nhịp tim đập nhanh và thậm chí mất trí nhớ.

Zhou, một công nhân xây dựng người Trung Quốc đang làm việc tại khu mỏ tại khu công nghiệp Morowali nói rằng anh đã phải làm việc 11 giờ một ngày, bất chấp thời tiết xấu và những cơn sốt, trong khi hợp đồng lao động quy định chi tiết ngày làm 9 tiếng. “Trên núi không có người ở, muỗi và rắn độc rất nhiều. Ngay khi trời mưa, chúng tôi không có nơi nào để trốn”, Zhou nói. Anh kể mỗi khi nghỉ làm vì ốm, thậm chí là nhiễm COVID-19, quản lý cũng đều cắt giảm lương. “Tôi luôn bị nợ lương”.

 Ảnh: Muhammad Fadli/Rest of World.

Sau cuộc biểu tình hồi đầu năm tại GNI kể trên, Arnold Firdaus Bandu - người đứng đầu Sở Lao động Sulawesi, đã gặp ban lãnh đạo tập đoàn Jiangsu Delong tại Thượng Hải (Trung Quốc). “Họ hứa rằng sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn và sức khoẻ người lao động”, ông Firdaus nói. “Chúng tôi đã kiểm tra vào tháng 4 và có vẻ như đã có sự thay đổi”. Ông cho biết thêm rằng doanh nghiệp có nhiệm vụ phải báo cáo định kỳ cho cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, theo anh Arif, người vẫn làm việc tại GNI, cho biết sự cải thiện là rất ít. “Mức cải thiện chỉ khoảng 20%. Người ta chỉ cung cấp thêm thiết bị an toàn cá nhân. Chúng tôi luôn bị đe doạ sa thải nên việc lên tiếng là rất khó”. 

Theo công ty tư vấn năng lượng Benchmark Mineral Intelligence, thị phần nguồn cung niken toàn cầu của Indonesia có thể tăng lên hơn 60% vào cuối thập kỷ này. Và con số công ty hoạt động trong lĩnh vực tại khu công nghiệp Morowali có thể tăng từ 18 công ty hiện tại lên 40 vào năm 2025.

Đức Huy (theo Rest of World)

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.