Lotte Mart hụt hơi trong cuộc đua ngành bán lẻ
Ngày 1/7 tới đây, Lotte Mart Việt Nam quyết định sẽ đóng cửa Lotte Mart Đống Đa, siêu thị lớn nhất tại Hà Nội với quy mô lên tới 20.000 m2 sau hơn 7 năm hoạt động.
Phía Lotte Mart cho biết việc đóng cửa siêu thị này không ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh của những trung tâm thương mại khác và nằm trong kế hoạch thay đổi chiến lược phát triển và mở rộng mạng lưới của Lotte Mart tại Việt Nam.
Lotte Mart Đống Đa thuộc sở hữu của CTCP Trung tâm Thương mại Lotte Việt Nam, công ty do Lotte Shopping Holdings nắm tới 99,99%. Công ty có vốn điều lệ xấp xỉ 3.934 tỷ đồng và không ghi nhận sự thay đổi từ năm 2006 đến nay.
Người đại diện theo pháp luật của Lotte Mart Việt Nam là ông Hong Won Sik, quốc tịch Hàn Quốc. Ông đồng thời cũng giữ chức vụ Tổng Giám đốc của Lotte Mart Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, hệ thống Lotte Mart đã có mặt tại 4 quốc gia ở châu Á bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
Lotte Mart chính thức gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2008 và khai trương siêu thị đầu tiên tại TP HCM.
Sau khi Lotte Mart Đống Đa đóng cửa, Lotte Mart Việt Nam sẽ điều hành tổng cộng 14 siêu thị và đại siêu thị trên cả nước.
Doanh thu tăng đều nhưng liên tục báo lỗ
Theo dữ liệu chúng tôi có được, doanh thu hàng năm của Lotte Mart Việt Nam liên tục tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR giai đoạn này gần 7,8%/năm. Năm 2019, doanh thu của Lotte Mart đạt 6.835 tỷ đồng.
Doanh thu của Lotte Mart Việt Nam có phần nhỉnh hơn đôi chút so với doanh thu Aeon Mall, vượt hẳn E-mart nhưng vẫn đứng sau BigC, Saigon Co.op, Bách Hoá Xanh hay VinCommerce (sở hữu Vinmart và Vinmart+).
Mặc dù doanh thu lên tới cả nghìn tỷ mỗi năm nhưng trong suốt thời gian hoạt động tại Việt Nam, Lotte Mart không ngừng báo lỗ.
Cụ thể, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016-2019, doanh nghiệp chỉ ghi nhận khoản lãi vào năm 2016. Khoản lỗ của Lotte Mart Việt Nam trong thời gian 2017 - 2019 dao động trong khoảng 230 tỷ đồng đến 325 tỷ đồng.
Cuối năm 2017, ông Jeong Seong Won, Giám đốc tài chính của Lotte Mart từng chia sẻ với truyền thông rằng mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam lỗ lũy kế 800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tại thời điểm đó khoảng 1.600 tỷ đồng. Tính tới cuối năm 2019, tổng tài sản của Lotte Việt Nam đạt gần 9.935 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tăng lên 2.807 tỷ đồng.
Nguyên nhân dẫn tới việc Lotte Mart Việt Nam báo lỗ liên tục là do doanh nghiệp đã đưa nhiều trung tâm thương mại (TTTM) vào hoạt động. Năm 2008 mở TTTM đầu tiên là Lotte Mart quận 7 (TP HCM), từ 2009 đến 2013 mở thêm 5 TTTM và đại siêu thị. Từ 2014 đến 2016, Lotte Mart mở liên tiếp 7 TTTM và đại siêu thị.
Thực tế, cần trung bình 5-8 năm kể từ ngày khai trương để các trung tâm thương mại đạt được điểm hòa vốn, đại diện của Lotte Mart Việt Nam cho biết.
Có lẽ việc dồn dập mở các TTTM, siêu thị và đại siêu thị trong bối cảnh quá nhiều ông lớn liên tục đổ tiền vào mảng bán lẻ khiến Lotte Mart đuối sức và thua lỗ.
Kết quả kinh doanh của Lotte Mart Việt Nam giai đoạ 2016 - 2019 (đvt: tỷ đồng). (Nguồn: Quốc Anh tổng hợp).
Câu chuyện báo lỗ nhiều năm của Lotte Mart không phải là điều gì quá bất ngờ, đặc biệt khi nhìn vào một trong những ông lớn khác tại Việt Nam là VinCommerce hay Bách Hoá Xanh. Trước khi về tay Masan, chuỗi siêu thị VinMart và VinMart+ chưa từng báo lãi dưới thời Vingroup.
Tuy nhiên, sau khi được mua lại bởi Tập đoàn Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, VinCommerce đã thực hiện việc tái cơ cấu và mới chỉ bắt đầu báo quý cuối năm 2020 sau một năm rời khỏi Vingroup.
Cụ thể, VinCommerce đã đóng cửa 744 cửa hàng tiện lợi VinMart+ và 12 siêu thị VinMart hoạt động kém hiệu quả trong năm 2020, qua đó giúp cải thiện EBITDA gần 424 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cải thiện danh mục sản phẩm và chính sách giá. Những chiến lược này đã giúp VinCommerce tiến tới điểm hoà vốn và có lãi.
Với Bách Hoá Xanh, bắt đầu với cửa hàng thử nghiệm đầu tiên cuối năm 2015, đầu năm 2016 thì tới hết năm 2020 chuỗi Bách Hoá Xanh với 1.719 cửa hàng vẫn chưa có lãi. Đơn vị chủ quản là CTCP Đầu tư Thế giới Di Động chỉ dự kiến Bách Hoá Xanh sẽ có lời EBITDA ở cấp độ cả công ty vào tháng cuối năm nay tức sau 6 năm phát triển.
Hụt hơi trong cuộc đua mở rộng
Tại thời điểm bước chân vào thị trường Việt Nam, nhận thấy tiềm năng của ngành bán lẻ, Lotte Mart tuyên bố sẽ quản lý 30 siêu thị trong 10 năm. Đến năm 2014, Tổng giám đốc Hong Won Sik tiếp tục chia sẻ với báo giới rằng công ty đang lên kế hoạch vận hành 60 siêu thị trên khắp cả nước.
Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, tức là đã gần 13 năm sau khi thành lập, Lotte Mart Việt Nam mới chỉ có 14 siêu thị, còn cách xa kế hoạch đề ra.
Chỉ tính riêng mô hình các chuỗi siêu thị, Lotte đã phải cạnh tranh hàng loạt ông lớn, bao gồm cả những doanh nghiệp đến từ nước ngoài và những doanh nghiệp trong nước, ví dụ như Big C, Aeon Mall, E-Mart, Saigon Co.op, VinMart, VinMart+,...
Vì vậy, mặc dù sở hữu tầm nhìn và tham vọng lớn, nhưng thị trường bán lẻ tại Việt Nam có sự cạnh tranh lớn, qua đó khiến Lotte gặp khó trong khâu mở rộng quy mô.
Về phân bổ, chuỗi siêu thị của Lotte Mart đang tập trung chủ yếu tại TP HCM và Hà Nội, chiếm tới 70% tổng khối lượng giao dịch thương mại trên cả nước, theo dữ liệu từ Deloitte Việt Nam về thị trường bán lẻ năm 2019.
Ngoài ra, một số siêu thị được đặt tại các tỉnh khác như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Dương, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Nai.
Cũng theo dữ liệu từ Deloitte Việt Nam, Lotte Mart Việt Nam cùng những ông lớn khác như Big C, Saigon Co.op, Aeon Mall, E-mart chiếm tới 42% thị phần đại siêu thị tại Việt Nam hết năm 2019. Riêng Big C, doanh nghiệp đến từ Thái Lan chiếm xấp xỉ 24% thị phần tại Việt Nam hết năm 2019.
Ngược lại, đối với thị phần siêu thị, Saigon Co.op và Bách Hóa Xanh chiếm lần lượt 43% và 14%, theo Deloitte Việt Nam.
Bên cạnh mô hình hoạt động siêu thị và đại siêu thị, Lotte Mart còn mở riêng một sàn thương mại điện tử mang tên SpeedL. Năm 2017, doanh nghiệp cho ra mắt ứng dụng SpeedL để phục vụ nhu cầu mua sắm trực tuyến của khách hàng.
Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Lotte Mart đã cố gắng đẩy mạnh các hình thức đặt và mua hàng trực tuyến thông qua ứng dụng SpeedL. Ngoài ra, việc đẩy mạnh bán hàng trực tuyến cũng nhằm khẳng định lại dấu ấn và bước đi của Lotte tại Việt Nam.
Tuy nhiên, sau hơn ba năm đi vào hoạt động, các cửa hàng tiện lợi và sàn thương mại điện tử SpeedL của Lotte Mart Việt Nam hoạt động không quá hiệu quả và được ít khách hàng biết đến.
Cuộc chạy đua mở chuỗi ngày càng khốc liệt hơn khi chứng kiến thêm sự nhập cuộc các ông lớn trong nước như CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), Nova Group.
Tháng 5, nguồn tin Korean Times cho hay Thaco đã mua lại toàn bộ mảng kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam của Tập đoàn E-mart (Hàn Quốc). Các siêu thị E-mart sẽ vẫn tồn tại ở Việt Nam theo hình thức nhượng quyền và Thaco sẽ trả phí. E-mart kỳ vọng Thaco có thể mở rộng quy mô chuỗi siêu thị lên con số 10 tại Đông Nam Á trong 4 năm tới.
Ngoài ra, The CrownX, công ty sở hữu VinCommerce đặt mục tiêu có 30 - 50 triệu khách hàng, gia tăng khả năng tiếp cận thị trường bán lẻ hiện đại từ 1% lên gần 25%, đồng thời sở hữu 10.000 cửa hàng tự vận hành và 20.000 cửa hàng uỷ quyền trong 5 năm tới.
Còn ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch của Thế Giới Di Động lại đặt tham vọng là "5 đến 7 năm nữa sẽ lấy lại ngành bán lẻ về tay người Việt" và dự báo Bách Hoá Xanh có thể tăng trưởng 50% - 70% những năm tới.
Trong khi các ông lớn liên tục tung ra loạt chiến lược nhằm hút khách hàng để tăng tốc như The CrownX với "Point of life".
Hay Big C không đơn thuần chỉ là đổi tên để tái định vị thương hiệu mà ông lớn Thái Lan còn tham vọng đến năm 2025 là nâng lên hơn 300 cơ sở tại 55 tỉnh/thành. Bao gồm, mở mới 106 trung tâm thương mại GO! (Big C), 134 siêu thị mini go!, 21 Tops market.
Dường như Lotte Mart đang hụt hơi và chậm chạp trong cuộc đua bán lẻ và khiến doanh nghiệp ngày càng bị bỏ lại phía sau.