|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lối thoát nào cho các trung tâm thương mại lỗi thời, hoang vắng, tắt đèn cả ngày lẫn đêm?

10:41 | 06/03/2023
Chia sẻ
Theo Cushman & Wakefield, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang "khát" mặt bằng trung tâm thương mại.

Nhiều mặt bằng bán lẻ bỏ không, dán thông báo cho thuê kèm số điện thoại. (Ảnh: Diễm Ly).

Gần đây, thông tin trung tâm thương mại(TTTM) dưới chân Tháp tài chính Bitexco Financial Tower 68 tầng tại TP HCM rơi vào cảnh thưa thớt thương hiệu, vắng người lại qua đã khiến dư luận phải chú ý. Bởi đây từng là một trong những trung tâm thương mại sầm uất, có tiếng bậc nhất tại Sài Gòn.

Tương tự, theo khảo sát của người viết, tại Hà Nội, một số trung tâm thương mại toạ lạc ở những vị trí đắc địa cũng rơi vào cảnh hoang vắng, các gian hàng đều bị đóng cửa không một bóng người như Mipec Tower hay Artemis Thanh Xuân.

Để tìm hiểu về thực trạng này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với bà Trang Bùi, Tổng giám đốc, Cushman & Wakefield.

Nhà bán lẻ vẫn xếp hàng dài để được bán trong TTTM

Trước thông tin các trung tâm thương mại nổi tiếng một thời như Bitexco ở TP HCM, Mipec Tower, hay Artemis Thanh Xuân ở Hà Nội,… thưa thớt sự hiện diện của các thương hiệu và vắng bóng khách hàng, bà nhận định thế nào về thực trạng này?

Từ 1996 đến 2019, trung bình mỗi năm thị trường chào đón 52.000 m2 sàn bán lẻ gia nhập vào thị trường. Đặc biệt, thị trường bán lẻ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2013-2019, mỗi năm thị trường chào đón 130,000m2 GFA (Gross floor area - tổng diện tích sàn) sàn bán lẻ mới gia nhập vào thị trường. 

Và đến cuối năm 2022, Cushman & Wakefield ghi nhận toàn thị trường có hơn 1 triệu m2 sàn bán lẻ. Tuy nhiên, kể từ năm 2019, thị trường lại không ghi nhận thêm bất kì nguồn cung mới nào đối với các dự án bán lẻ trong khu vực trung tâm (lõi Quận 1). 

Như vậy, theo bà thị trường đang thiếu các trung tâm thương mại?

Đúng vậy. Do đó, các TTTM ở vị trí đắc địa, được quản lý và đầu tư hình ảnh bài bản đều ghi nhận lượt tham quan mua sắm cao trong quý cuối năm 2022. 

Các thương hiệu bán lẻ quốc tế từ bình dân đến xa xỉ tiếp tục mở rộng và mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, vì là cửa hàng đánh dấu dấu chân gia nhập thị trường nên các doanh nghiệp này luôn đặt tầm ngắm vào những vị trí có thể tạo được sức ảnh hưởng tốt nhất cho tên tuổi của họ, và có lượng khách tiêu dùng ổn định. 

Thậm chí, tại một số TTTM có hiện tượng nhà bán lẻ phải xếp hàng dài chờ đến lượt để có thể thuê mặt bằng tại đây. 

 Bà Trang Bùi. (Ảnh: C&W).

Các TTTM cũ phải thay đổi cuộc chơi

Thị trường đang “khát” các trung tâm thương mại tại những vị trí đắc địa, nhưng lại xảy ra hiện tượng một số TTTM không có người thuê, theo bà đâu là lối thoát?

Theo quan sát của tôi, năm 2022, nhiều TTTM lên kế hoạch và tiến hành cải tạo và tái cấu trúc mặt bằng thương mại. Đây là diễn biến tích cực của thị trường khi các mặt bằng bán lẻ đã lỗi thời được nâng cấp, hứa hẹn sẽ đáp ứng phần nào sự khan hiếm mặt bằng tốt trên thị trường. 

Nổi bật, trong quý IV, Diamond Plaza mở cửa trở lại vào ngày 16/12 sau khi cải tạo, bao gồm nhiều thương hiệu cao cấp và sang trọng và các mặt hàng phong phú như Jo Malone, Chanel, Lilliput, %Arabica, Beauty in the Pot hotpot,... 

Hùng Vương Plaza hiện đang được cải tạo và dự kiến sẽ tái gia nhập thị trường vào năm 2023. Trung tâm thương mại và dịch vụ Icon68 của toà tháp Bitexco cũng vừa có những thông báo về việc cải tạo, nâng cấp để nhiều nhà hàng, dịch vụ ẩm thực cao cấp đi vào hoạt động.

Tức là các TTTM này phải liên tục cập nhật, thay đổi để theo kịp xu hướng?

Bên cạnh sự gia nhập và mở rộng của thương hiệu quốc tế, thương hiệu nội địa cũng tăng trưởng đáng kể, mở rộng khắp thị trường. Các thương hiệu bán lẻ để tâm hơn đến việc dành ra không gian trải nghiệm sản phẩm trong việc thiết kế cửa hàng hoặc gian hàng, mang đến những trải nghiệm toàn diện hơn cho khách hàng. 

Chính vì vậy, việc các chủ đầu tư tòa nhà TTTM phải liên tục cập nhật xu hướng mới, nâng cấp và cải tạo không gian bán lẻ, áp dụng công nghệ và nâng tầm chất lượng dịch vụ là một điều tất yếu, nếu không muốn lỗi thời, đặc biệt là các tòa nhà có tuổi đời hơn 10 năm, nhằm tăng sức cạnh tranh và thu hút lượng tham quan và khách mua sắm.

Cuối cùng, bà có thể cho biết dự đoán xu hướng bán lẻ trong các trung tâm thương mại hiện nay? Các trung tâm này cần làm gì để có thể thu hút khách hàng hơn?

So với các nước phát triển hơn trong khu vực, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn còn khá non trẻ và có phần manh mún. Tuy nhiên, với nền tảng kinh tế khả quan, cơ cấu dân số trẻ, nhu cầu phát sinh từ nhịp sống hiện đại, sự gia nhập của các thương hiệu bán lẻ quốc tế, thị trường bán lẻ ở Việt Nam nói chung và TP HCM nói chung sẽ tiếp tục phát triển và mở rộng theo nhu cầu ngày càng tăng của khách mua.

Đối với Thành phố Thủ Đức bao gồm các trung tâm thương mại và trung tâm thương mại cộng đồng dân cư cần tập trung vào các dịch vụ cho cư dân, đồ ăn & thức uống, trang trí nhà cửa, phong cách sống và giải trí. 

Đối với khu vực quận trung tâm chủ yếu là các dịch vụ thương mại cho cộng đồng như thương hiệu thời trang cao cấp, dịch vụ được cá nhân hóa theo định hướng của nhân viên, giải trí định hướng du lịch.

Các chủ đầu tư cần phải tiến hành thiết kế khu mua sắm với mục đích gia tăng trải nghiệm cho khách hàng, tạo ra những không gian xanh, tươi mát hướng đến đa dạng mọi lứa tuổi. Nâng cấp chất lượng dịch vụ của con người, và đặc biệt là chất lượng của tiện ích ví dụ như bãi đậu xe, thang máy, biển chỉ dẫn, không gian xanh và khử mùi khu vực ẩm thực. 

Việc sắp sếp sơ đồ vị trí các cửa hàng trong cùng tầng hoặc không gian giữa các tầng cũng rất quan trọng. Trong đó, ngành hàng ăn uống (F&B) đang đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu khách thuê trong các mặt bằng bán lẻ hiện đại. 

Vâng xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện.

Đức Huy