|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Loạt doanh nghiệp chốt quyền trả cổ tức tiền mặt tuần sau, PV GAS có tỷ lệ cao nhất

07:36 | 08/09/2024
Chia sẻ
Tuần sau, từ ngày 9/9 đến 13/9, thị trường chứng khoán có 31 doanh nghiệp chốt ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức tiền mặt, cổ phiếu.

Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS - Mã: GAS) là đơn vị có tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt cao nhất sàn chứng khoán vào tuần sau.

Công ty chốt 16/9 là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 60% (1 cổ phiếu nhận 6.000 đồng). Ngày giao dịch không hưởng quyền là 13/6. Ngày thanh toán dự kiến là 28/11.

Với hơn 2,29 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi hơn 13.740 tỷ đồng trả cổ tức. Trong đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có thể bỏ túi 13.157 tỷ đồng nhờ nắm 95,76% vốn.

60% là tỷ lệ trả cổ tức tiền mặt cao nhất của PV GAS kể từ khi niêm yết. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Bình cho rằng, việc chia cổ tức kỷ lục phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh tốt của công ty khi có tiền chia cho cổ đông. 

Nhìn lại lịch sử chia cổ tức tiền mặt của PV GAS, doanh nghiệp này thường trả với tỷ lệ cao, năm 2022 là 36%, năm 2021 và năm 2020 cùng là 30%.

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ thông tin công ty công bố.

Cổ đông CTCP Bột giặt NET (Mã: NET) sắp nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 50% (1 cổ phiếu nhận 5.000 đồng). Ngày đăng ký cuối cùng là 16/9, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 13/9.

Với hơn 22,3 triệu cổ phiếu đang lưu hành, NET cần bỏ ra hơn 111,5 tỷ đồng trả cổ tức. Ngày thanh toán dự kiến vào 27/9.

Trong đợt chia cổ tức này, Công ty TNHH Masan HPC – công ty con của Tập đoàn Masan (Mã: MSN) dự kiến nhận hơn 58 tỷ đồng cổ tức nhờ sở hữu 52,25% vốn. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) có thể thu hơn 40 tỷ đồng do nắm 36% vốn.

Kể từ khi niêm yết, Bột giặt NET đều đặn chia cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ dao động 20-30%. Sau khi về tay Masan, giai đoạn 2020 – 2021, tỷ lệ cổ tức được nâng lên mức 50-60%. Năm 2022 giảm về 35% và tăng trở lại mức 50% vào năm 2023.

CTCP Xuất nhập khẩu Y Tế Domesco (Mã: DMC) thông báo ngày 13/9 là ngày giao dịch không hưởng quyền để nhận cổ tức năm 2023 bằng tiền, tỷ lệ 25% (1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng). Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp, công ty duy trì mức cổ tức tiền mặt là 25%.

Với hơn 34,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty cần chi hơn 86,7 tỷ đồng trả cổ tức. Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm 34,71% vốn của Domesco nhận hơn 30 tỷ đồng. Abbott sở hữu 51,69% vốn bỏ túi gần 45 tỷ đồng cổ tức.

Domesco được thành lập vào năm 1989, hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thực phẩm chức năng, vật tư y tế… Công ty hiện có 4 nhà máy đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, trong đó ba nhà máy hóa dược, một nhà máy dược liệu – thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Năm 2012, CFR International Spa – Chile (công ty con của Abbott Laboratories từ năm 2014) liên tục mua gom cổ phiếu DMC và trở thành cổ đông lớn nhất nắm giữ 45,94% cổ phần tại Domesco. Đến năm 2016, ngay sau khi Domesco nới room ngoại, cổ đông này đã nhanh chóng nâng tỷ lệ sở hữu lên 51,69%.

Abbott là tập đoàn chăm sóc sức khỏe nổi tiếng thế giới hiện diện tại Việt Nam từ năm 1995 với các sản phẩm quen thuộc với người tiêu dùng như Ensure, PediaSure BA, Grow...

Tuần sau, nhiều doanh nghiệp cũng chốt quyền nhận cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 20% như CTCP Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Năm Căn (Mã: SNC), CTCP Tin học Viễn thông Petrolimex (Mã: PIA), CTCP Đầu tư Phát triển điện Miền Bắc 2 (Mã: ND2).

Nguồn: Lâm Anh tổng hợp từ thông tin công ty công bố.

Lâm Anh

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.