Hoà Phát chi hơn trăm tỷ trả thù lao cho HĐQT nửa đầu năm, cao nhất trong lịch sử hoạt động
Thông tin từ báo cáo tài chính hợp nhất bán niên đã soát xét của CTCP Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) cho biết trong nửa đầu năm nay, ông lớn số 1 ngành thép đã chi tới hơn 106 tỷ đồng để trả thù lao cho thành viên HĐQT, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm ngoái và thậm chí gấp 1,6 lần con số thù lao của cả năm 2023.
Hiện HĐQT của Hoà Phát gồm ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT, ba Phó Chủ tịch là ông Trần Tuấn Dương, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, ông Doãn Gia Cường cùng 5 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Ngọc Quang, ông Hoàng Quang Việt, ông Nguyễn Việt Thắng (kiêm Tổng Giám đốc), ông Chu Quang Vũ, ông Đặng Ngọc Khánh.
Trong đó, ông Vũ và ông Khánh mới gia nhập HĐQT kể từ ngày 11/4/2024.
Theo thống kê thì 2021 là năm Hoà Phát chi trả thù lao cao kỷ lục cho HĐQT trong bối cảnh lợi nhuận sau thuế của tập đoàn cũng cán mốc cao nhất lịch sử với 34.521 tỷ đồng.
Song sang tới năm 2022, ngành thép bước vào thời kỳ suy yếu, thậm chí Hoà Phát còn ghi nhận hai quý lỗ liên tiếp nửa cuối năm nên năm đó toàn bộ HĐQT của tập đoàn đều không nhận thù lao.
Nửa đầu năm 2024 dẫu lợi nhuận hai quý của Hoà Phát chưa phải đạt được những con số cao kỷ lục nhưng đã có dự hồi phục so với cùng kỳ và quý II báo lãi cao nhất 8 quý.
Đối với ban giám đốc của Hoà Phát hiện gồm Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Thắng cùng hai Phó Tổng là bà Nguyễn Thị Thảo Nguyên và bà Trần Thị Thu Hiền. 6 tháng đầu năm, tổng lương và thưởng của các thành viên ban giám đốc là gần 2,8 tỷ, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, thù lao, lương và thưởng của 4 thành viên Ban kiểm soát cũng tăng khoảng 44% so với cùng kỳ lên gần 2 tỷ đồng.
Ngoài việc nhận được thù lao, lương, thưởng từ tập đoàn thì các lãnh đạo một doanh nghiệp có thể được mua ESOP với giá ưu đãi hoặc nhận cổ tức tiền mặt nếu nắm giữ cổ phiếu. Lần chào bán ESOP gần nhất của Hoà Phát là năm 2015.
Với Chủ tịch Trần Đình Long, ông đang là cổ đông lớn nhất của tập đoàn khi nắm giữ 1,65 tỷ cổ phiếu HPG, tương đương 25,8% vốn.
Năm 2022 và 2023, tập đoàn không có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt nhằm dồn lực cho dự án Dung Quất 2. Những năm trước với tỷ lệ cổ tức tiền mặt khoảng 5% hoặc 10% thì riêng người đứng đầu tập đoàn có thể nhận về trên dưới nghìn tỷ đồng mỗi năm từ cổ tức.
Các thành viên khác trong HĐQT có thể nhận về vài chục tỷ tới trên trăm tỷ tiền cổ tức từ Hoà Phát. Mức tiền này còn lớn hơn rất nhiều so với khoản thù lao mà các thành viên nhận được.
Tại buổi họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Hoà Phát, giải đáp thắc mắc của cổ đông về vấn đề phân phối lợi nhuận, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT cho biết: "Cổ đông góp vốn cũng cần phải thu lợi nhuận. Trong một quá trình xuyên suốt, Hoà Phát là một trong số ít các công ty mà luôn cân đối hài hoà nguồn tiền. Mấy năm vừa qua, tập đoàn đầu tư rất nhiều, rất khó khăn.
Bản thân tôi là Chủ tịch và cũng là cổ đông lớn nhất, xin chia sẻ đường lối tập đoàn không có gì thay đổi. Có thể từ 2025 sẽ chia cổ tức tiền mặt lại cho cổ đông, còn một phần để đầu tư", người đứng đầu thông tin tới cổ đông.