Lộ diện những con số đầu tiên về KQKD quý I: Nhiều công ty báo lãi tăng bằng lần, thậm chí đã vượt mục tiêu năm
Những tháng đầu năm 2022 chứng nhiều sự kiện, nhất là căng thẳng giữa hai nước Nga – Ukraine khiến nhiều nhóm ngành bị tác động. Ảnh hưởng nổi cộm nhất là giá dầu – nhiên liệu đầu vào của nhiều mặt hàng bị đẩy lên cao, có lúc vượt 120 USD/thùng.
Bù lại, các chính sách sống chung với COVID-19 của Chính phủ Việt Nam giúp nền kinh tế ấm lên, hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp.
Tháng 3 mới kết thúc cách đây không lâu, một số doanh nghiệp đã công bố ước tính kết quả kinh doanh quý I/2022 với nhiều số liệu tăng trưởng so với cùng kỳ cả về doanh thu và lợi nhuận.
Theo thống kê 15 đơn vị hé lộ kết quả, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) là “quán quân” tăng trưởng về lợi nhuận với mức tăng hơn 400% lên 1.500 tỷ đồng. Ngược lại, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Mã: NTP) và Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) là hai đơn vị báo lãi thụt lùi so với cùng kỳ, chủ yếu do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Cụ thể hơn, quý I vừa rồi, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (Mã: DGC) báo lãi sau thuế đạt tới 1.500 tỷ đồng, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước và tăng 7,1% so với quý IV/2021 vừa rồi.
Hồi tháng 2, nhiều chuyên gia dự báo ngành hóa chất, phân bón sẽ là một trong những ngành ít ỏi hưởng lợi từ cuộc chiến Nga - Ukraine khi Nga cung cấp khoảng 23% ammoniac, 17% kali, 14% ure và 10% phốt phát cho thế giới.
Mirae Asset kỳ vọng xu hướng giá phốt pho vẫn sẽ duy trì mức cao do chính sách của Chính phủ Trung Quốc đang giảm dần các sản phẩm công nghiệp nặng, trong đó có mảng hóa chất để giảm bớt ảnh hưởng môi trường, cũng như những biến động mạnh của nguyên liệu thế giới. Điều này sẽ giúp lợi nhuận của DGC tăng trưởng hơn trong năm nay.
Quý I vừa qua không thể không nhắc đến lĩnh vực dầu khí khi giá dầu liên tục leo thang và lập đỉnh lịch sử. Nhờ vậy, CTCP Lọc Hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) quý vừa rồi đã vượt 45% mục tiêu lợi nhuận năm sau một quý với ước tính lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 2.029 tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ.
Không chỉ BSR mà trước đó, một doanh nghiệp dầu khí thuộc họ PVN là Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) cũng báo lãi quý I vượt mục tiêu cả năm nhờ giá dầu duy trì khả quan cùng với việc hoàn thành kế hoạch sản lượng khai thác dầu.
Lợi nhuận trước thuế của PVEP trong quý I ước đạt 5.892 tỷ đồng, vượt 2% so với kế hoạch cả năm 2022, bằng 217% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế ước tính 3.616 tỷ đồng.
Tổng công ty Viglacera (Mã: VGC) quý đầu năm cũng ghi nhận những kết quả tích cực, vượt chỉ tiêu quý nhờ hiệu quả từ nhóm bất động sản.
Trong quý I, lãnh đạo Viglacera giải thích, kết quả hoạt động của lĩnh vực bất động sản đạt 306% kế hoạch quý và đạt 48% kế hoạch năm đã giúp toàn tổng công ty vượt mức chỉ tiêu quý I đặt ra, với lợi nhuận trước thuế khoảng 867 tỷ đồng, tăng 163% so với cùng kỳ năm 2021.
Những tháng đầu năm, CTCP Thế giới số (Digiworld - Mã: DGW) ước doanh thu 7.000 tỷ đồng, tăng 40% và lợi nhuận 200 tỷ đồng, gấp đôi thực hiện cùng kỳ năm trước. Ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch HĐQT cho biết thông thường kết quả kinh doanh chính thức sẽ vượt dự báo do chưa xét đến các yếu tố tăng thêm.
Năm nay, doanh nghiệp phân phối các dòng điện thoại cũng sẽ đẩy mạnh hơn vào mảng dược phẩm. Tuy nhiên con đường DGW đi sẽ khác với hai ông lớn như Thế Giới Di Động và FPT Retai. Thay vào đó, doanh nghiệp phát triển mảng dược phẩm theo thế mạnh là phát triển thị trường cho các nhãn hàng lớn. Công ty kỳ vọng mảng này sẽ bắt đầu mang lại nhiều hiệu quả kinh doanh từ 2023 trở đi và đến 2025 vào top 3 nhà nhập khẩu dược phẩm lớn nhất Việt Nam, chỉ sau hai “ông lớn” nước ngoài.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản như CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC), ngành dệt, sợi như Dệt may TNG (Mã: TNG), Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) hay trong ngành dược phẩm là Traphaco (Mã: TRA) cũng đồng loạt có kết quả lợi nhuận tích cực sau 1/4 chặng đường năm.
Trong các doanh nghiệp thống kê, CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (Mã: NTP) và CTCP Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) là hai đơn vị báo lợi nhuận đi lùi, dẫu doanh thu đi lên hoặc giảm không đáng kể.
Nhựa Tiền Phong cho biết ngành nhựa phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu nên sự biến động của giá nguyên liệu ngành nhựa, việc đứt gãy chuỗi cung ứng và tăng giá vận tải đường biển từ nước ngoài về Việt Nam khiến các doanh nghiệp ngành nhựa nói chung và Nhựa Tiền Phong nói riêng phải đối diện với thách thức từ sự biến động thị trường nguyên liệu thế giới.
Hiện tại, giá nguyên liệu nhựa PVC đang ở mức cao, năm 2022 khó có lợi thế mua được giá nguyên liệu rẻ như năm 2021.
Còn với Cao su Đà Nẵng, các chuyên gia nhận định, giá nguyên liệu đầu vào những tháng đầu năm đã gây áp lực lên biên lợi nhuận của công ty. Bù lại, nhu cầu xuất khẩu đối với các sản phẩm lốp xe tải sẽ là động lực thúc đẩy sản lượng bán, giúp doanh thu công ty tăng trưởng.